Ô nhiễm không khí không có… biên giới

13/01/2020 - 08:46

PNO - Đã gần một năm, bụi mịn trở thành một vấn đề nóng. Nhưng, bụi mịn liệu có phải là “đặc sản” của riêng Hà Nội khi có những ngày, TPHCM đã vượt Hà Nội về chỉ số ô nhiễm; hay đôi ba năm nay, người dân Đà Lạt phải mang khẩu trang vì đường quá bụi?

Vấn đề đặt ra, mỗi công dân liệu có sẵn sàng thay đổi nhận thức và hành động vì chất lượng từng hơi thở của chính mình, thay cho việc ca thán hay tìm mọi cách đối phó với bụi mịn?

Hình ảnh thường thấy của Hà Nội trong năm 2019
Hình ảnh thường thấy của Hà Nội trong năm 2019

Không khí đặc quánh từ ti vi ra cuộc sống

Sau gần một năm sống cùng bụi mịn, chị Hoàng Điệp (Q.Thanh Xuân, TP. Hà Nội) vẫn còn thảng thốt: “Mấy năm trước, khi thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc không khí ô nhiễm trầm trọng, chúng tôi xem hình ảnh đô thị chìm trong khói bụi mà không có cảm xúc hay suy nghĩ gì, vì ai cũng cho rằng đó là câu chuyện của Bắc Kinh”. Vậy mà đầu năm 2019, cái không khí đặc quánh chị thấy trên ti vi - ở Bắc Kinh ấy đã xuất hiện tại Hà Nội.

Cuộc sống của chị Điệp và gia đình có những thay đổi. Chị và các thành viên trong gia đình phải quan tâm đến việc tìm loại khẩu trang nào để chống lại bụi mịn mà họ hít thở hằng ngày. Họ còn phải tìm hiểu xem trong bụi mịn đó có những chất độc hại nào... Đến khi TPHCM cũng phải đối mặt với những chỉ số ô nhiễm không khí chỉ thua Hà Nội, thì chị Điệp giật mình: ô nhiễm không khí là thứ ô nhiễm không có… biên giới.

Bà Thanh Thủy, cán bộ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, không giấu giếm: “Thực tế, Hà Nội đã ô nhiễm từ hơn mười năm trước chứ không phải bây giờ mới xảy ra”. Nhưng tại sao đến năm 2019 người dân mới chú ý đến ô nhiễm và dư luận mới quan tâm dồn dập như vậy? Bà Thủy thẳng thắn: “Nếu không xảy ra tình trạng bụi phủ như sương mù thời gian qua ở Hà Nội, thì người dân, dư luận vẫn chưa nhận thức đúng, đủ về vấn đề ô nhiễm không khí đang diễn ra và chúng ta vẫn chưa thức tỉnh về vấn đề này”.

Cái app AirVisual (ứng dụng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí) như một cú hích khiến mọi người bừng tỉnh. Nhiều thắc mắc khác nhau, đây là ô nhiễm bụi, hay ô nhiễm không khí đang diễn ra tại Hà Nội. Chưa bao giờ, tâm trạng, cảm xúc của mọi người lại mạnh mẽ như thế. Chỉ có điều cảm xúc và tâm trạng ấy lại phụ thuộc vào AirVisual. Bà Thủy cười mà nghe xót xa: “Tôi không biết phải vui hay buồn. Vì cảm xúc, tâm hồn con người tưởng như đã chai sạn rất nhiều rồi mà mối quan tâm và những xúc cảm bỗng trở lại mạnh mẽ, thay đổi liên tục trong ngày. Thậm chí, cả nửa đêm tôi cũng thấy những biểu tượng của cảm xúc nhảy nhót trên các tài khoản Facebook”.

Paris từng ô nhiễm như Hà Nội

Bà Thủy cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã kết hợp với Ngân hàng Thế giới, Viện Khí tượng Phần Lan để lấy mẫu và kiểm kê các nguồn dẫn đến ô nhiễm không khí. Phải đến nửa cuối năm 2020 mới có kết quả để tìm ra câu trả lời Hà Nội ô nhiễm từ đâu và tìm cách khắc phục từ nguồn. Nhưng, có thể nhận thấy bằng mắt thường là Hà Nội đang có quá nhiều phương tiện giao thông và các công trình xây dựng.

Nói về tình trạng ô nhiễm của Hà Nội, bà Karine Léger, Giám đốc Airparif (Mạng lưới quản lý chất lượng không khí của Paris - Pháp) cho biết, câu chuyện của Hà Nội hôm nay cũng chính là câu chuyện mà Paris đã và vẫn đang phải giải quyết (từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX cho đến nay). Và Paris may mắn đã di dời được các nhà máy ra khỏi thành phố nên đã giảm bớt ô nhiễm. 

Cũng bằng mắt thường, chị Hoàng Điệp bảo, nhiều năm nay, từ nhà chị nhìn ra tứ phía, hầu như lúc nào cũng có các khu chung cư đang được xây dựng. Thay vì mấy chục hộ dân, mỗi khu chung cư ấy sẽ chồng lên hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hộ. Lượng phương tiện cá nhân cũng theo đó mà gia tăng với cấp số nhân. Anh Nguyễn Đức Hải (H.Đông Anh, tài xế xe công nghệ) vỗ bồm bộp vào vô-lăng: “Nguồn ô nhiễm chính là “bọn” này. Vài năm trở về trước, Hà Nội còn tắc đường theo giờ, nhưng mấy năm nay, đường lúc nào cũng tắc”.

Trong cuộc họp khẩn cuối tháng 12/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí, con số thống kê lượng phương tiện được đưa ra: Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, khoảng 800.000 ô tô; TPHCM có đến 9 triệu ô tô và xe máy. Ngoài ra, các nguồn gây ô nhiễm được xác định ban đầu ở Hà Nội còn từ: hơn 1.000 công trình đang xây dựng, 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác thải… Ở TPHCM, ngoài hàng ngàn công trình xây dựng, còn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Biển chẵn, biển lẻ không phải chuyện tiếu lâm

Có lẽ chúng ta không quên việc mười năm trước, Sở Giao thông Vận tải TPHCM từng đề xuất hạn chế ô tô theo biển số chẵn, lẻ. Đề xuất này từng bị không ít người xem là chuyện tiếu lâm rồi dần chìm vào quên lãng. Phương án tưởng như tiếu lâm này, thực tế, Paris đã phải áp dụng bốn lần. Các năm 1997, 2014, 2015, 2016, chính quyền Paris đã áp dụng biện pháp cho phép ô tô, xe máy lưu thông theo biển số chẵn, lẻ tại thủ đô Paris và vùng phụ cận để giảm ô nhiễm môi trường đang ở mức cao. Đồng thời, khuyến khích người dân đi xe đạp, sử dụng các phương tiện công cộng. Kết quả, từ năm 2005-2015, thành phố này giảm được 22% lượng phát thải  CO2, 40% lượng phát thải NO2, 32% lượng phát thải bụi mịn PM10; từ năm 2001-2018, giảm được 30% lượng phương tiện giao thông trong nội đô.

Cả bà Thủy và bà Karine đều khẳng định, những ngày Hà Nội có chỉ số ô nhiễm cao chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chấm vàng hay chấm cam cũng là thể hiện chất lượng không khí không tốt và nó vẫn tích tụ trong cơ thể con người từ năm này qua năm khác. Đó mới là phần chìm của tảng băng. Và phần chìm ấy còn thể hiện việc chúng ta đang sống trong một môi trường ô nhiễm nhưng đa số mọi người đều chưa nhận thức đầy đủ hoặc thờ ơ với nó. Chúng ta sống trong ô nhiễm bao năm qua, nhưng đến bây giờ mọi người mới thực sự quan tâm, lo lắng. Có lẽ, đã đến lúc hệ thống chính quyền và từng người dân cần phải thay đổi, cả trong nhận thức và hành động. Đơn giản nhất, việc chọn phương tiện cá nhân để đi lại, chính là việc chúng ta đang đổi chất lượng từng hơi thở lấy sự thuận tiện. 

Uông Ngọc

Vấn đề là có thực hiện được và đúng như quy hoạch?
Số liệu ô nhiễm không khí của Hà Nội đã được công bố hàng chục năm nay, bây giờ có thêm nhiều nguồn cho thấy mức độ ô nhiễm cao hơn. Nhưng mười năm qua, Hà Nội chưa từng có kế sách nào hữu hiệu nhằm bảo vệ chất lượng không khí tốt hơn. 

Paris và Hà Nội là hai thành phố khác xa nhau. Nhưng, việc chỉ ra những nguyên nhân và cách khắc phục ô nhiễm không khí thì tương đối giống nhau. Về quy hoạch, rõ ràng chúng ta đã có, như: khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, xây dựng đề án hạn chế xe cá nhân, di dời những nhà máy khỏi thành phố, xây thêm nhiều công viên, xây dựng các vùng và đô thị vệ tinh… Vấn đề là chúng ta có thực hiện hoặc thực hiện đúng theo quy hoạch được vạch ra hay không. 


Rất nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp… sau khi di dời được quy hoạch là không gian công cộng, là cây xanh thì trong chớp mắt trở thành bất động sản, thương mại. Không gian công cộng “được” lờ đi. Việc các cao ốc lần lượt mọc lên ở quỹ đất đó (chứ không phải là công trình công cộng), đã là câu trả lời cho sự thiếu kiểm soát, giám sát, sự lờn luật.

Hậu quả là gây áp lực lên hạ tầng trong khu vực nội đô. Việc di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi thành phố để bớt độc hại; nếu quỹ đất ấy không được quy hoạch, quản lý hợp lý mà tiếp tục bị nhồi nhét chung cư, phá vỡ quy hoạch đô thị; thì lại có nguy cơ gây thảm họa cho thành phố bằng cách khác. Đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt… hay sự ngấm ngầm của bụi mịn, chất độc chì trong xăng xe hằng ngày.
Cho nên, vai trò của các cơ quan quản lý trong việc này là rất quan trọng.

(Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội)

 Ngọc Minh Tâm (ghi))

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI