Cần cơ chế hỗ trợ toàn diện trước lộ trình cấm xe xăng

16/07/2025 - 06:59

PNO - Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 của Hà Nội từ ngày 1/7/2026. Người dân và doanh nghiệp đang dõi theo chính sách này với tâm thế vừa kỳ vọng nhưng cũng còn lo lắng.

Người dân ngoài Vành đai 1 cũng cần được hỗ trợ

Ngay sau khi Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, một làn sóng ý kiến từ các chuyên gia, đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp, người dân đã xuất hiện, thể hiện sự quan tâm. Theo đó, Hà Nội sẽ cấm xe máy sử dụng xăng, dầu trong khu vực Vành đai 1 từ tháng 7/2026. Từ tháng 1/2028, phạm vi hạn chế sẽ được mở rộng ra đối với cả ô tô chạy xăng trong khu vực Vành đai 1 và 2. Tới năm 2030, chính sách tiếp tục được áp dụng trong khu vực Vành đai 3.

Phương tiện giao thông trên tuyến đường Âu Cơ (nằm trong tuyến đường Vành đai 1) - ẢNH: ANH NGỌC
Phương tiện giao thông trên tuyến đường Âu Cơ (nằm trong tuyến đường Vành đai 1) - Ảnh: Anh Ngọc

Trao đổi với báo chí, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu trong khu vực Vành đai 1. Cụ thể, trên nền tảng các số liệu, thành phố thống kê chi tiết có khoảng 450.000 xe máy trong Vành đai 1. Thành phố sẽ thiết lập các cơ chế chính sách bổ trợ như thu đổi các xe sử dụng xăng, dầu chuyển sang xe điện; đăng ký đối với xe mới như lệ phí trước bạ, các vấn đề liên quan… gần như hỗ trợ 100%. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng sẽ đưa ra những mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng đối tượng, chủng loại xe.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường xe buýt điện cỡ nhỏ (8-12 chỗ) để tạo ra mạng lưới hỗ trợ; nghiên cứu những mô hình vận tải điện 4 chỗ để trung chuyển trong khu vực Vành đai 1. Với khu vực ngoài Vành đai 1, theo từng bước, thành phố sẽ chuyển đổi hệ thống này với sự gia tăng của phương tiện vận tải hành khách công cộng, hệ thống taxi, hệ thống trung chuyển đa phương thức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - đồng tình với chính sách thay đổi và hỗ trợ chuyển đổi xe chạy xăng tại Hà Nội. Tuy nhiên, ông nêu thực tế, hiện Hà Nội đang có khoảng gần 7 triệu xe máy. Việc hỗ trợ chỉ 450.000 chiếc trong khu vực Vành đai 1 chưa thực sự phù hợp và đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân. “Những người nhà ở khu Vành đai 3 muốn đi lên khu vực Vành đai 1 thì họ phải gửi xe rồi đi bằng phương tiện nào vào? Bãi gửi xe bố trí ở đâu? Nếu quy hoạch các điểm trông giữ xe quanh Vành đai 1 sẽ ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị” - ông Nguyễn Hồng Minh nêu vấn đề.

Cùng băn khoăn trên, chị Lê Thị Nga (phường Phương Liệt) cho hay, khi chị vừa bỏ ra 43 triệu đồng để mua một chiếc xe máy chạy xăng cách nay chưa lâu. Nhà chị nằm ngoài khu vực Vành đai 1 nhưng do yêu cầu công việc, hằng ngày phải di chuyển vào khu vực này. Do đó, nếu cấm xe máy trong Vành đai 1 thì chị lại phải thay xe mới. Rồi xe cũ tính sao? Tài chính cũng là vấn đề khi cùng lúc cả 2 vợ chồng đều phải đổi xe. Do đó, chị Lê Nga mong mỏi, người dân ngoài Vành đai 1 như chị cũng nhận được chính sách hỗ trợ như “thu cũ, đổi mới”, ưu đãi thuế phí… khi chuyển đổi sang xe máy dùng nhiên liệu xanh, bảo vệ môi trường.

Doanh nghiệp mong có chính sách để “vượt khó”

Theo ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - thành phố hiện có khoảng 1,6 triệu ô tô, trong đó, xe kinh doanh vận tải chiếm khoảng 70%, riêng xe taxi chạy xăng khoảng 15.000 chiếc, nhiều xe được đầu tư từ năm 2020-2021. Do đại dịch COVID-19, phần lớn xe bị “đắp chiếu” trong thời gian dài, nên doanh nghiệp vẫn chưa trả xong nợ ngân hàng.

Ông Hùng phân tích, với một chiếc xe taxi đầu tư năm 2020, hiện vẫn còn dư nợ ngân hàng từ 350-400 triệu đồng. Khi chuyển đổi, doanh nghiệp buộc phải bán xe giá rẻ, khiến họ lỗ càng nặng, kinh tế càng khó khăn. Vì vậy, ông đề xuất Chính phủ và TP Hà Nội nghiên cứu phương án hỗ trợ cụ thể trong việc chuyển đổi phương tiện. Chẳng hạn như các thành phố lớn của Trung Quốc như Thâm Quyến, Quảng Châu, Bắc Kinh, chính quyền đã hỗ trợ 60% chi phí chuyển đổi phương tiện và miễn toàn bộ loại thuế, phí liên quan.

Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, ông Hùng đề xuất các biện pháp như: hỗ trợ giảm thuế, miễn thuế doanh nghiệp theo định mức phù hợp; hỗ trợ về giá xe (do xe trong nước hiện đắt hơn so với Trung Quốc); cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng biển số xe đã được định danh, thay vì cấp mới nhằm tránh phát sinh chi phí và tránh làm “phình” kho biển số của Hà Nội. Bên cạnh đó, các loại phí như đăng kiểm, bảo trì đường bộ, bảo vệ môi trường cũng nên miễn giảm để tạo động lực chuyển đổi nhanh chóng.

Đối với phương tiện cá nhân, Hà Nội hiện có gần 1,7 triệu xe máy. Theo ông Hùng, chính quyền nên triển khai chương trình “thu cũ, đổi mới”. Tuy nhiên, cần phân loại chi tiết gồm xe máy điện, xe máy số, xe tay ga để có định mức hỗ trợ cụ thể.

Hướng tới bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng thuận cao với Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ vì đây là quyết sách phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và tiến tới đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050. Ông nhấn mạnh: “Tôi thường xuyên đi công tác ở Hà Nội. Chất lượng không khí ở đây hầu như ở mức xấu, thậm chí cảnh báo tác động tới sức khỏe con người hầu như mọi lúc. Do đó, việc chuyển đổi các loại hình xe có tác động tiêu cực đến môi trường là điều cần thiết”.

Hiện nay, trên mạng xã hội còn nhiều quan điểm trái ngược liên quan tới chủ trương này. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Hùng khẳng định, chủ trương hạn chế xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch không phải mới. Trước đó, từ năm 2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 876 phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông vận tải. Trong đó, Hà Nội và TPHCM được xác định là 2 địa phương có lượng phát thải lớn, cần có biện pháp mạnh để cải thiện. “Chủ trương của

Chính phủ không nhằm mục tiêu nào khác ngoài hướng tới bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Do đó, người dân cần ủng hộ, đồng hành” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng chia sẻ, cách đây gần 2 tháng, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Hiệp hội Taxi Hà Nội báo cáo về số lượng phương tiện mong muốn chuyển đổi để có những giải pháp cụ thể, đưa chính sách vào cuộc sống. Chính phủ cũng như TP Hà Nội đang nỗ lực, quyết tâm thực hiện chính sách”.

Xe thân thiện với môi trường, không nhất thiết phải chạy hoàn toàn bằng điện

Ngoài xe điện, Chính phủ nên xem xét thêm xe động cơ hybrid - loại vừa chạy bằng xăng, vừa bằng điện, hiện đại và bảo vệ môi trường. Xe hybrid sử dụng kết hợp động cơ đốt trong và mô tơ điện. Khi chạy trong thành phố với tốc độ thấp, xe có thể chạy bằng điện. Khi ra đường lớn, với tốc độ trên 50km thì có thể chạy bằng xăng. Quá trình xe chạy bằng xăng, điện được tạo ra sẽ nạp trở lại cho xe.

Một số quốc gia trên thế giới đang ưu tiên loại hình này. Tuy nhiên, tại Việt Nam, động cơ hybrid chưa được đưa vào nhóm phát triển năng lượng xanh, không được mức thuế ưu đãi như xe điện. Trong khi đó, loại xe này tiết kiệm thời gian sạc, không bị chi phối bởi trạm sạc.

Cần lưu ý là không phải người dân nào cũng ở mặt đường để có thể đi sạc điện thường xuyên. Không phải ai cũng có nhiều thời gian để đợi chờ sạc pin cho xe. Tưởng tượng, một số người lao động đi làm từ 6g30 tới 21 - 22g mới về, rồi lại phải đi sạc điện thì khá phiền toái. Đó là chưa kể, khi tới trạm sạc có thể phải chờ đợi.

Do vậy, Chính phủ nên xem xét thêm về loại hình xe bán xăng - điện, có chính sách miễn thuế trước bạ, hưởng ưu đãi như xe điện vì bản chất, công năng như nhau nhưng có nhiều thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Công Hùng
- Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội

Minh Quang - Bảo Khang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI