Nuôi trồng thuận thiên kết hợp làm du lịch
Ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, tỉnh Vĩnh Long nằm giữa dòng sông Cổ Chiên rộng lớn, mỗi năm có 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Gần đây, do biến đổi khí hậu nên có năm, nước mặn kéo dài tới 8 tháng, gây khó khăn cho việc sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhưng, một số chị em đã biến khó khăn này thành cơ hội để kinh doanh. Họ vừa trồng lúa theo phương pháp thuận tự nhiên, vừa kết hợp làm du lịch cộng đồng.
Đầu tháng Chín, người dân gieo sạ lúa thơm tự nhiên, không phun thuốc, không bón phân hóa học, chỉ bón phân hữu cơ và dùng thiên địch hoặc chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh hại. Năng suất lúa không cao (chỉ khoảng 5 tấn/ha) nhưng hạt gạo ở đây an toàn nên bán được giá. Thu hoạch lúa xong là tới mùa hạn, nước mặn kéo về, bà con mở đập đưa nước mặn vào ruộng nuôi tôm, cua thuận tự nhiên. Áp dụng cách luân phiên nuôi, trồng này trên 1ha đất, gia đình chị Nguyễn Thị Bích Vân thu được 160-180 triệu đồng/năm.
 |
Nhiều mô hình nông nghiệp và du lịch xanh của phụ nữ Tây Nam Bộ đang mang lại hiệu quả thiết thực. Trong ảnh là vườn dâu và điểm du lịch sinh thái Hạ Châu tại xã Phong Điền, TP Cần Thơ, do phụ nữ địa phương phát triển - Ảnh: Huỳnh Lợi |
Tương tự, từ nguồn gạo và tôm, tép hữu cơ của ấp Cồn Chim, gia đình bà Phạm Thị Sữa chế biến món bánh lá dừa truyền thống, bánh xèo nhân tép. Các gia đình khác trong ấp làm ao để du khách câu cua và dùng cua chế biến món ăn. Bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2019, đến nay, mỗi ngày, khu du lịch nông nghiệp Cồn Chim tiếp đón hàng trăm du khách đến thả mình vào thiên nhiên trong lành, thưởng thức các sản vật miệt đồng ngon và an toàn, học cách tự làm nhiều loại bánh dân gian Nam Bộ. Nhờ đó, nguồn thu nhập của cư dân bản địa tăng đáng kể.
Hơn 3 năm nay, phụ nữ ở ấp Tân Phát, phường Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng chuyển sang trồng rau màu, cây ăn trái theo quy trình và tiêu chuẩn VietGAP thay cho cách canh tác truyền thống. Chị Huỳnh Thị Liên - cán bộ Hội LHPN phường Cao Lãnh - cho hay, ban đầu, hội vận động các hội viên ở cù lao Tân Phát chuyển đổi cách sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn.
Tiếp đó, hội phối hợp các ngành liên quan tổ chức phiên chợ quê vào chiều thứ Bảy hằng tuần để chị em bán được nông sản sạch, các món ăn, thức uống Nam Bộ do chính tay chị em làm ra. Hội khuyến khích chị em xây dựng gian hàng bằng tre, lá dừa, gỗ, đựng đồ ăn và thức uống trong túi nhựa sinh học, hộp giấy, ly giấy, ống hút giấy để bảo vệ môi trường.
 |
Du khách quốc tế trải nghiệm cuộc sống xanh cùng phụ nữ Cồn Sơn, TP Cần Thơ |
Hôm chúng tôi đến khu du lịch Cồn Sơn (phường Bình Thủy, TP Cần Thơ), nhiều chị em cho biết, trước đây, khi sản xuất nông nghiệp tự phát theo lối truyền thống, họ thường bị ép giá nên lợi nhuận từ vườn cây thấp, có khi lỗ vốn. Sau khi sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ kết hợp làm du lịch sinh thái, chị em có thu nhập cao và ổn định hơn. Chị Phan Kim Ngân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn - cho hay, năm 2024, HTX đón trên 48.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tổng thu hơn 15 tỉ đồng. Hiện tại, các thành viên của HTX có thu nhập mỗi tháng từ 15-30 triệu đồng, giúp cải thiện nhiều mặt của cuộc sống.
Sản xuất xanh để phát triển bền vững
Chị Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nam Vy (xã Thới Hưng, TP Cần Thơ) - cho hay, tháng 9/2023, với sự hỗ trợ, động viên của chính quyền và Hội LHPN xã, chị đã cùng hơn 20 phụ nữ thành lập HTX chuyên trồng rau màu thủy canh, chăn nuôi và kinh doanh nông sản. Điểm thay đổi đầu tiên là nói không với phân và thuốc hóa học trong quy trình sản xuất. Chị em ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, bắt sâu bằng tay, chủ động liên kết với các đầu mối tiêu thụ nên đầu ra ổn định, lợi nhuận khá.
 |
Các sản phẩm OCOP do phụ nữ ở tỉnh Cà Mau sản xuất |
Đưa chúng tôi đi thăm các khu vườn nhãn Idol trĩu trái, chị Lại Thị Ngận - Giám đốc HTX Trái cây Tân Lộc (phường Tân Lộc, TP Cần Thơ) - kể, trước đây, chị em trồng cây theo kiểu cũ, dạng nhỏ lẻ, thiếu liên kết với đầu mối tiêu thụ nên tới mùa thu hoạch thường khó bán, rớt giá dẫn đến lỗ lã. 35 hộ đã lập HTX, chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ, giảm phát thải khí nhà kính, sơ chế và đóng gói sản phẩm khi thu hoạch, cung ứng cho doanh nghiệp liên kết. Nhờ đó, các xã viên có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chị Lâm Hằng Ni - Giám đốc HTX Nông nghiệp Nhật Huy (xã Khánh Bình, tỉnh Cà Mau) - tâm sự, địa phương có thế mạnh trồng nghệ nhưng luôn gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Năm 2022, được Hội LHPN xã hỗ trợ, chị em đã thành lập HTX, đầu tư thiết bị để chế biến tinh bột nghệ cung cấp cho các nơi với giá 1 triệu đồng/kg. HTX liên kết bao tiêu đầu ra, hướng dẫn chị em trồng theo phương pháp hữu cơ, khi thu hoạch thì lấy cây để ủ thành phân bón cho vụ sau, giúp tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường sống.
 |
Hợp tác xã Ba khía Đầm Dơi khai thác đặc sản ba khía để chế biến các sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu |
Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - nhận định, đề án “1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (được triển khai từ đầu năm 2024) được quy hoạch bài bản, đầu tư căn cơ, nhận được sự tham gia tích cực của các ngành, địa phương, doanh nghiệp, nông dân. Đến nay, các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đã đăng ký tham gia đề án với tổng diện tích hơn 1 triệu héc ta.
Ông cho hay, 7 mô hình thí điểm cấp trung ương cho thấy những lợi ích rõ rệt về kinh tế và môi trường: chi phí sản xuất giảm 8,2 - 24,2%, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật mỗi vụ, tăng năng suất lúa đáng kể, tăng lợi nhuận 4-7,6 triệu đồng/ha so với kiểu canh tác truyền thống, giảm phát thải trung bình từ 2-12 tấn CO2/ha… Theo ông, sản xuất nông nghiệp xanh là hướng đi đúng để phát triển bền vững.
Ngoài trồng lúa, nuôi thủy sản theo hướng thuận thiên, gia đình chị Bích Vân còn tận dụng môi trường sinh thái trong lành ở ấp Cồn Chim để làm du lịch nông nghiệp. Cụ thể, nhà chị mở điểm lưu trú tại gia (homestay), làm mô hình “bếp xưa Nam Bộ” bán mứt gừng, nước dừa dứa, nước sâm, phục vụ khách du lịch.
Huỳnh Lợi
Tăng cường truyền thông để tạo hiệu ứng lan tỏa Ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,5 - 3%/năm; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp; tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn được áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây dựng nông thôn mới tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên… Để làm được như vậy, cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh trong nông nghiệp, nông thôn; nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, thay đổi hành vi của người tiêu dùng và sử dụng tài nguyên theo lối sống xanh, bền vững. Bên cạnh đó là đa dạng hóa các phương thức truyền thông để nâng cao nhận thức và độ hiểu biết của các bên liên quan. Cần thúc đẩy tiêu dùng xanh bằng việc phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận, trợ giá sản phẩm, chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Cần quan tâm phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh cho các ngành hàng nông sản chủ lực; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… Ông Lê Minh Hoan - Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Các hợp tác xã thiếu vốn để mở rộng sản xuất xanh Khoảng 20% HTX ở tỉnh Cà Mau do phụ nữ lãnh đạo, chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong số này, nhiều HTX hoạt động hiệu quả, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn, giúp họ không rời quê mưu sinh. Các HTX do phụ nữ điều hành thường khai thác nguyên liệu địa phương, sản xuất theo hướng hữu cơ, đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Hội LHPN tỉnh đánh giá cao vai trò của các HTX, cơ sở sản xuất, tổ hợp tác do phụ nữ điều hành trong việc phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm ổn định. Tuy nhiên, các HTX này còn đối mặt với nhiều thách thức do hạn chế công nghệ và quảng bá. Việc tiếp cận công nghệ và quảng bá sản phẩm còn yếu khiến sản phẩm khó vươn ra thị trường rộng lớn. Trình độ quản lý HTX còn hạn chế, việc vận hành theo cơ chế thị trường chưa được trơn tru. Đa số HTX do phụ nữ lãnh đạo còn gặp khó khăn về vốn nên khó mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm mới và vùng nguyên liệu. Nhiều HTX có quy mô nhỏ chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết do chưa đáp ứng đủ điều kiện. Để tháo gỡ những khó khăn này, các cơ quan chức năng cần tăng cường hỗ trợ vốn và đào tạo chuyên môn. Bà Nguyễn Thị Ngọc Thuý - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Quan tâm đầu tư hạ tầng để kết nối du lịch Trong 5 năm qua, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đã thu hút 85.000 lượt khách trong và ngoài nước, đạt tổng doanh thu hơn 24 tỉ đồng. HTX Nông nghiệp, Du lịch cộng đồng Cồn Chim tạo việc làm ổn định cho hơn 50 người, chủ yếu là phụ nữ nông thôn, với thu nhập từ 6-10 triệu đồng/người/tháng. HTX không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng chi hội phụ nữ, giúp các chủ trương của hội được triển khai hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng tích cực. Sắp tới, HTX sẽ tiếp tục quảng bá tiềm năng, sản phẩm, tài nguyên địa phương và phát triển thêm sản phẩm du lịch thân thiện môi trường nhằm thu hút đông khách quốc tế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn gặp khó khăn trong việc liên kết với các công ty du lịch lớn ở TPHCM, TP Hà Nội để đưa khách về Cồn Chim. Để giải quyết khó khăn này, các ngành chức năng cần quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, phát triển thêm dịch vụ giải trí, đào tạo kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ cho xã viên. Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc HTX Nông nghiệp, Du lịch cộng đồng Cồn Chim (xã Hòa Minh, tỉnh Vĩnh Long) |