Nuôi người dưng

01/05/2015 - 06:59

PNO - PN - Sài Gòn rất tử tế, không chỉ có đặc sản trà đá miễn phí, cơm từ thiện tại các bệnh viện, mái ấm, nhà mở hay “cơm 2.000” mà còn có những “dị nhân” dám đón nhận người không thân thích, họ hàng về ở chung một nhà. Chỉ vì thương cảm, vì lo lắng cho số phận người khác, họ đã cưu mang những người xa lạ như núm ruột, người thân trong gia đình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nuoi nguoi dung

Chị Thu Hương và con gái út Thúy An

Thương thì cưu mang

Bất chấp cái nắng cháy da giữa trưa tháng Ba, men theo con đường Nguyễn Văn Khạ chúng tôi tìm đến gia đình cô Trần Thị Nghĩa, 59 tuổi, ngụ ấp Phú Hòa An, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Nơi đây, 25 năm trước, các thành viên trong gia đình cô sau bữa cơm chiều đã quyết định mời chú Nguyễn Anh Lân (59 tuổi) - một người lính không gia đình, ở lại và xem chú như một thành viên trong nhà.

Sau chái bếp nhà cô Nghĩa là căn nhà nhỏ được che mát bởi vườn cao su xanh mướt, đây là “căn cứ” mà gia đình cô Nghĩa dành riêng cho chú Lân. Bên trong khá bề bộn nhưng sạch sẽ, chú Lân bắc cái chõng ngồi bên hông nhà, thấy khách đến, chú mặc vội bộ quần áo ra tiếp khách.

Cả xóm nói chú ngố, khờ khạo, làm gì cũng lầm lì, ít nói chuyện với ai nên mỗi khi chú ra đường, đi xa một chút là họ gọi ngay cho cô Nghĩa để “cảnh báo”. Thế nhưng, thấy chúng tôi đến, chú vui mừng lấy ra xấp giấy tờ cũ kỹ nhưng gói ghém cẩn thận với hy vọng được giúp đỡ làm chứng minh nhân dân và các khoản trợ cấp từ thời đi bộ đội.

Từng câu chuyện được lần giở, chú là người lính tham gia chiến trường Campuchia phục vụ quân ngũ ba năm chín tháng với hàm trung sĩ tại Trung đoàn 699 - F302, nhập ngũ tháng 12 năm 1980. Năm 1984, xuất ngũ trở về nhà (thị trấn Củ Chi, H.Củ Chi) thì gia đình chú đã dọn đi nơi khác. Chú xin làm thủ kho ở kho gạo Tam Tân. Do tính hiền lành, gạo liên tục bị kẻ gian lấy cắp, chú bị đuổi việc. Lang thang khắp nơi, năm 1990 cơ duyên khiến chú gặp vợ chồng cô Nghĩa. Họ nhận chú vào phụ làm giò chả. Làm được 10 năm, xưởng đóng cửa do không người trông nom, chú mất việc.

“Ngày xưởng đóng cửa, sáng sớm tôi thấy ổng xách giỏ đi, má tôi bảo đi tìm vì sợ ổng khù khờ dễ bị người ta gạt. Tìm mãi không thấy, hơn một năm sau, đang quét sân, bất ngờ thấy ổng cầm giỏ đứng trước nhà, tôi mừng quá hỏi đủ điều, ổng cười ngượng nói là đi ở nhờ nhà bà chị nhưng không ổn nên quay về. Tôi mời ổng ăn cơm, ổng không ăn mà lấy đòn bánh tét nhỏ xíu trong giỏ ra, cả gia đình tôi thấy thương nên kêu ở lại”, cô Nghĩa kể lại chuyện cưu mang người dưng với giọng nhẹ hều, như đó là việc dĩ nhiên mình phải làm.

Bữa cơm nào gia đình cô Nghĩa cũng mời chú Lân, nhưng chú đều lắc đầu từ chối. Nhiều vật dụng gia đình cô sắm sửa như cái bóng đèn, quạt máy, chiếc chõng tre… nài ép lắm chú mới sử dụng. “Với người tự trọng như thế phải tìm một công việc có đồng ra đồng vào ổng mới không mặc cảm. Nghĩ vậy, mẹ tôi đi khắp các lò làm bánh tráng xin cho ổng một chân phụ việc, cuối cùng cũng có nơi nhận”, cô Nghĩa nói.

25 năm qua, dù thiếu những bữa cơm họ ngồi cùng nhau nhưng tình cảm tràn đầy, như lần chú Lân đổ bệnh lao, đích thân chồng cô Nghĩa - chú Nguyễn Ngọc Tuấn ròng rã sáu tháng trời chở chú Lân đi tiêm thuốc. “Trong bụng tôi chưa bao giờ xem ổng là người dưng, nhà rộng cứ cho ổng ở đến cuối đời, cơm sẵn bữa có gì ăn nấy. Giờ chỉ mong địa phương giúp ổng làm cái chứng minh để mua bảo hiểm y tế phòng khi bệnh tật lúc già yếu”, chú Tuấn cười nói. Lúc chúng tôi ra về, người lính già chạy theo nói nhỏ mà rành rọt từng câu: “Có viết báo cho tôi gửi lời cám ơn họ. Tôi ít chữ nên… ngại mở miệng”.

Nuoi nguoi dung

Tuy không ruột rà, nhưng gia đình cô Nghĩa xem chú Lân như người thân

Mẹ đơn thân nuôi năm con ăn học

Người thứ hai chúng tôi gặp cũng đặc biệt không kém. Một người đàn bà đơn thân chạy vạy lo tiền bạc nuôi hai con trai ăn học, một trong hai lại bị bệnh xương thủy tinh từ lúc lọt lòng. Tuy vậy, bà vẫn cưu mang ba người con nuôi từ nhiều năm nay. Tất cả được ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định.

Trưa nắng, tiếng cười giòn tan trong căn nhà cấp 4 trên đường ĐT 2 (ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) phá tan bầu không khí oi ả. Thì ra, cả nhà chị Nguyễn Thị Thu Hương (44 tuổi) đang tổ chức tiệc mừng sinh nhật con gái nuôi Lê Thị Thúy An vừa tròn 20 tuổi. Đây là năm thứ tám gia đình họ cùng ngồi bên nhau mừng sinh nhật Thúy An. Cậu trai cả Đỗ Minh Hội (24 tuổi) tự tay cắm hoa chúc mừng em gái út. Còn cậu trai út mua bánh kem đãi sinh nhật chị.

12 tuổi - cô bé có đôi mắt tròn, gương mặt cá tính với mái tóc tém ngồi chực bên sòng bài chờ người ta sai vặt để kiếm ít tiền mua quà bánh, gây chú ý với chị Thu Hương. Một ý nghĩ chợt lóe lên, bé “lém” thế này nếu ăn học đàng hoàng và được dạy dỗ tử tế sẽ giỏi giang biết mấy… Thế là chị tiếp cận. Ngay hôm sau, chị đến tiệm cầm đồ thế chấp đôi bông tai để tổ chức một bữa tiệc trung thu cho trẻ con cả xóm, mục đích duy nhất là tiếp cận và nắm rõ tính tình cô bé ấy.

Ngay hôm đó, chị xin nhận bé làm con nuôi. Khó khăn thuyết phục gia đình bé, cuối cùng bằng tình yêu thương chị đã chứng minh mình có khả năng hỗ trợ tiền ăn học, chăm sóc lúc bé ốm đau và dạy dỗ bé nên người. Không để con tự ái, mặc cảm, khi đóng học phí chị luôn đóng trước. Mùa tựu trường nào, anh trai Minh Hội cũng đi mua tập sách về bao bì và dán nhãn cho em. Đã là mẹ con, bấy nhiêu vẫn chưa đủ, Thúy An lớn chút, lúc cần phải giáo dục tâm sinh lý, mẹ Thu Hương luôn là người bạn tin cậy. Từng bước đi của con, buồn có vui có, không tránh khỏi những vấp ngã, nhưng với chị Thu Hương, mọi việc đều được giải quyết bằng tình yêu thương.

Và tình yêu thương ấy được chị chắt chiu trên từng trang giấy… “giờ con đã trưởng thành, đi làm rồi, ngày nhận lương con tặng mẹ món quà đầu tiên là cây lau nhà 99 ngàn đồng. Mẹ rất vui và mong con luôn thành công”…

Với con gái lớn Trương Tuyết Lan (tỉnh Tây Ninh - 25 tuổi) chị nhận nuôi trong hoàn cảnh khác. Một lần tham dự chương trình trao học bổng “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, chị xúc động khi nghe Tuyết Lan tâm sự “con chưa bao giờ có khái niệm về mẹ”. Ra về, chị chở Tuyết Lan đến trạm xe buýt, suốt đoạn đường họ trải lòng cùng nhau và hai người trở thành mẹ con.

Hơn ba năm, đều đặn hằng tháng chị hỗ trợ Tuyết Lan chi phí ở trọ, tiền học, và cả những bữa tiệc mừng sinh nhật, đến chỗ trọ thăm nom, dọn dẹp, chở con đi khám mắt… Tuyết Lan vừa tốt nghiệp đại học, tình yêu thương của chị lại trải rộng với con gái thứ ba Trương Hoàng Mỹ Linh (tỉnh Lâm Đồng) trong một dịp tình cờ khi Mỹ Linh lên Sài Gòn thi đại học bị kẻ gian móc túi, mất hết tiền bạc, giấy tờ. Thấy cô bé lang thang tìm nhà người thân, chị hỏi han, và nhận làm con nuôi.

10 năm qua, gánh nặng nuôi hai con trai ăn học và điều trị bệnh dường như quá sức với người đàn bà nhỏ bé này, thế nhưng cũng chừng ấy năm chị lại nhận thêm ba đứa con nuôi để chăm sóc, hỗ trợ ăn học quả là điều không tưởng. Vậy mà mọi thứ cũng trôi qua. Ngần ấy vẫn chưa đủ khi chúng tôi chứng kiến nhiều cuộc “phiêu lưu” của người đàn bà đơn thân đến với người nghèo khi thì bao gạo, lốc sữa, khá chút là tặng thẻ bảo hiểm, món quà giáng sinh, trung thu ...

Nói về quan niệm sống và tình yêu thương, chị Hương khẳng khái: “Tôi nhận nuôi các con không mong chúng trả ơn, chỉ vì thấy thương, thấy cần hỗ trợ để chúng sống tốt, sống đẹp. Nếu có thể giúp ai để họ sống vui vẻ, yêu đời hơn thì giúp, mình không giàu không thể lo được nhiều…”.

 HỒNG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI