Phía sau hào quang

NSND Việt Anh và những câu chuyện tử tế

09/12/2021 - 06:26

PNO - Những thân phận trên sân khấu và cuộc đời thật của NSND Việt Anh cứ như trộn lẫn vào nhau, tuôn chảy thật nhẹ nhàng… Và anh sống với cả hai.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc 

Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh

Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ

Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh

Bài 32: Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời

Bài 33: Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu: Người mẹ hiền của màn ảnh nh

Bài 34: NSƯT Kim Phương: Những nỗi buồn nhẹ tênh

Học nhạc nhưng nổi tiếng với kịch nói

Người ta nói tôi không đẹp nhưng có duyên. Bản thân tôi thích diễn những vai gai góc, nhất là vai vừa bi vừa hài, hoặc chỉ bi không, chứ không thích chỉ hài.

Môn nghệ thuật đầu tiên tôi học là nhạc, dù mê kịch như điếu đổ. Tôi học diễn viên ở trường chỉ… ba tháng thôi. Thật ra, tôi từ dân phong trào đi lên, sau một năm sinh hoạt sân khấu quần chúng. Bước vào sân khấu chuyên nghiệp, tôi may mắn được diễn một vở kịch nước ngoài, vai ông tổng biên tập của tờ báo, không ngờ vai diễn đầu tiên ấy giúp tôi nổi tiếng luôn.

Khán giả thường nhớ tôi diễn vai Chu Phác Viên trong Lôi vũ, ông Năm trong Dạ cổ hoài lang. Tôi diễn vai ông Năm lần đầu khi mới 36 tuổi, và may mắn được nhận xét là một trong những vai diễn thành công nhất của mình. 

NSND Việt Anh trong những cảnh quay - Ảnh: Vũ Hoàng Nam
NSND Việt Anh trong những cảnh quay - Ảnh: Vũ Hoàng Nam

\Nhưng tôi lại yêu nhất vai đại tá Lukianov trong vở kịch truyền hình Đêm họa mi, dù đó chỉ là một vai diễn rất nhỏ. Tôi đã dốc toàn tâm lực cho đại tá Lukianov, vì tôi bắt gặp mình trong đó. Để diễn cho ra, mình phải cảm được nhân vật. Một ông đại tá dám hy sinh tất cả để cứu sự nghiệp cho một anh binh nhì. Một vai diễn đẹp, với lối sống chỉ nghĩ cho người khác. Còn ông Năm trong Dạ cổ hoài lang chỉ là một vai thứ, làm nền cho Thành Lộc đóng vai ông Tư, với câu chuyện của hai ông bạn già nơi đất khách. Vở diễn đó giúp khán giả hiểu hơn cuộc sống của người Việt ở nước ngoài. 

Cách tôi cảm và hóa thân vào nhân vật có lẽ khác với nhiều nghệ sĩ khác. Suy nghĩ thông thường, nghệ sĩ sẽ thích được đảm nhận nhân vật chính, vai diễn dài, có đất diễn, để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Riêng tôi, tôi không quan trọng vai diễn chính hay phụ, ngắn hay dài. Điều tôi quan tâm là cảm xúc của mình dành cho nhân vật. Chỉ khi “cảm” được nhân vật và yêu thích nó, mình mới thể hiện tốt và thực sự hóa thân vào nhân vật. Kỹ thuật diễn xuất bạn có thể học ở trường, còn cảm xúc thì không. Mỗi người có một cảm xúc không giống nhau với một vai diễn, vở diễn. 

Dạ cổ hoài lang ở sân khấu 5B đã tồn tại suốt 22 năm, chứng tỏ sức hút của nó thật mãnh liệt. Nhưng xin lỗi những tác giả kịch bản, các nghệ sĩ… vì với tôi, về mặt cấu trúc kịch bản, về nghệ thuật, chỉ ở mức độ khá. Cái hay là nó rơi vào thời điểm mà những người thân ở nước ngoài đang bị chia cách về tình cảm, cộng với sự đơn độc do khác biệt về văn hóa, dễ tạo ra xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Những cái đó làm người xem thốn tim. Thời điểm đó, câu chuyện này thật đẹp, khán giả sướng rơi nước mắt. Còn bây giờ, có lẽ cảm xúc đã khác rồi.

NSND Việt Anh luôn chỉn chu trong mỗi lần xuất hiện trên sân khấu
NSND Việt Anh luôn chỉn chu trong mỗi lần xuất hiện trên sân khấu

Nhớ hồi đó, Công Ninh giao tôi chọn trước vai ông Tư hay ông Năm. Tôi hỏi ngay Ninh muốn gì? Nếu chỉ thuần nghệ thuật thì tôi đóng ông Tư, còn muốn vừa nghệ thuật vừa có doanh thu, tôi đóng ông Năm. Vì tôi biết cách làm cho nhân vật của mình nổi bật. Chúng tôi tập chỉ có năm buổi, mỗi buổi hai tiếng đồng hồ là xong. Không ngờ thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi đã hợp thành một ê-kíp biểu diễn rất đẹp và được thỏa sức bay bổng, sáng tạo trên một sân khấu ước lệ tuyệt vời. 

Tôi không kén chọn khi đóng phim điện ảnh hay truyền hình… Vai nào cũng được, chính, phụ gì cũng được, chỉ lướt qua trên màn ảnh cũng được. Nhưng khi lên sân khấu kịch, cho phép tôi chọn lựa. Sân khấu, với tôi, thiêng liêng lắm. Tôi may mắn vì nhờ cái nôi sân khấu thể nghiệm 5B Võ Văn Tần (nay là Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ), tôi và các đồng nghiệp được rèn nghề bằng những vở diễn có kịch bản hoàn hảo, được thử sức với những kịch bản nước ngoài, và làm việc với những nghệ sĩ giỏi nghề. Ở môi trường đó, tôi và các bạn của mình có rất nhiều cơ hội để thăng hoa và được công chúng biết đến. 

Nghiệp diễn của mình, tôi nhớ mãi lời bác nghệ sĩ lão làng Năm Châu: “Cho tôi xem anh diễn, tôi sẽ biết anh sống thế nào”. Là một câu đúc kết của bác, tôi hiểu, anh diễn sao thì anh sống như thế. Anh diễn thật anh mới sống thật. Anh diễn giả tôi đố anh sống thật. Tôi nói điều này không có nghĩa hễ cứ diễn vai ác trên sân khấu là ngoài đời cũng sẽ là người ác. Điều tôi muốn nhấn mạnh là cách mỗi người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật và sống với nó bằng trọn vẹn cảm xúc của mình. Tôi thì nghĩ, để diễn ác, hay đóng vai phản diện, thì sự yêu thương vẫn toát lên trong tâm hồn nhân vật. Cái ác, cái xấu chỉ vì hoàn cảnh quy định, thế thôi.

Hãy để cuộc đời và thời gian trôi đi, chúng ta sống theo nó. Đấy là hai thứ ta không thể níu giữ. Cứ sống vui sống khỏe từng giờ, từng ngày, sống có trách nhiệm với gia đình, với con cái, với cuộc sống. Tôi không có mưu cầu gì ghê gớm cho riêng mình. Tôi thường đi chơi với bạn bè ngoài sân khấu hơn. Tôi thích bóng đá, nhưng giờ không còn đủ sức khỏe để chạy theo trái bóng trên sân cỏ. Tôi chỉ còn cách “giải ghiền” là đi xem bạn bè mình đá bóng. 

Con gái cho tôi nhiều lắm

Tôi không dám nhận là một người cha có trách nhiệm với con gái của mình, bé Bơ, đang học đại học ở Úc. Cháu sống với vợ cũ của tôi. Với tôi, con cho tôi rất nhiều thứ mà chưa hề nhận lại từ tôi bất kỳ điều gì. 

Ngày con chào đời, rồi con biết hóng hớt, con khỏe, con ngoan, con bi bô tập nói… kể cả những lúc con ở tuổi chướng, con học hành tốt hay chưa, con ra đời thành hay bại… là  con đang cho ba đầy đủ những cung bậc cảm xúc để sống. Sau này, con có chồng, con cho mình cháu ẵm bồng, là đang cho mình một tương lai, hạnh phúc của nó. Còn hôn nhân và tình yêu là duyên. Tôi nghĩ, mối lương duyên chỉ đến một lần trong đời, không còn duyên nữa thì thôi. Tôi cũng không đi tìm một nhân duyên khác. Tôi sợ. Sợ làm người phụ nữ của mình khổ. Tôi không thích thế.

Tôi chẳng có gì phải hờn tủi với cuộc đời này. Đời cho tôi nhiều quá. Tôi có nhiều người biết đến và trân trọng mình qua nhiều vai diễn. Với tôi chỉ vậy đã quá đủ rồi. Người ta nói tôi lạ, hay giúp đỡ bạn bè, cho bạn mượn tiền lúc khó khăn. Rồi bây giờ người ta không trả nổi, mình có làm mình làm mẩy, tức giận… cũng chẳng thể giải quyết được gì. Nói thật, tôi không quan tâm đến hậu vận của mình. Tôi còn sức khỏe là còn tồn tại. Tôi yếu đi, có lẽ vẫn còn có người giúp tôi, như tôi đã từng giúp người khác. Mà thôi, tốt nhất mình đừng nghĩ đến điều tiêu cực. Suy nghĩ tiêu cực chỉ làm mình cảm thấy bế tắc mà thôi.

Vở diễn Dạ cổ hoài lang của NSND Việt Anh và NSƯT Thành Lộc từng tạo nên cơn sốt trong cả nước
Vở diễn Dạ cổ hoài lang của NSND Việt Anh và NSƯT Thành Lộc từng tạo nên cơn sốt trong cả nước

Còn hơi thở tôi vẫn còn làm nghệ thuật

Tôi thích đứng trên sân khấu, không cần vai hay, mà cần kịch bản hay. Tôi thích kịch bản có cảm xúc mãnh liệt, đánh động và thay đổi nhận thức của người xem, giúp khán giả thêm yêu thương, giữa người với người, và với nhau. Học trường lớp chỉ vài tháng, nhưng tôi luôn tâm niệm phải học cả đời. Tôi học từ các tiền bối, đồng nghiệp, bạn diễn, thậm chí cả học trò mình. Những buổi lên lớp tại các sân khấu kịch, hay ở trường Đại học Văn Lang, cũng là lúc tôi ôn lại kiến thức cho chính mình. 

Nhớ hồi mới chập chững đến với sân khấu, tôi hay lang thang xem kịch ở khắp các sân khấu lớn nhỏ Sài Gòn, trong các nhà văn hóa phường, quận. Tôi xem kỹ từng vai diễn, rồi tự đặt mình vào hoàn cảnh, nhân vật đó. Tôi về nhà tự diễn, rồi tự đặt câu hỏi mình phải diễn sao cho đúng, cho hay. Có lần, tôi làm giám khảo tuyển chọn diễn viên cho Sân khấu 5B, bất ngờ gặp những anh chị em diễn ở các sân khấu mà tôi từng xem. Tôi kể lại việc các bạn từng diễn vai này, vai nọ, ở đâu… ai cũng kinh ngạc. Tôi luôn giữ cho mình những khoảnh khắc lạ lùng, vui vẻ như thế.

Mùa Giáng sinh này, tôi sẽ trình làng một loạt tiểu phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, những câu chuyện tử tế, về những con người tử tế. Mỗi tác phẩm là một phác họa về những lát cắt của cuộc sống, đâu đó gần gũi, ta bắt gặp hằng ngày. Các tiết mục do Ngọc Tưởng làm đạo diễn và tôi diễn với các học trò của mình. Chuỗi tiểu phẩm hình thành từ mong muốn giúp các học trò đến gần hơn với công chúng. 

Hơn một năm chịu tác động của dịch COVID-19, sân khấu đang gặp trăm ngàn khó khăn. Học trò tôi phải yêu nghề lắm, mới dám đeo đuổi với khao khát một ngày nào đó sân khấu trở lại thời hoàng kim. Trong lúc chờ ngày đó trở lại, tôi muốn giúp các em sống ổn giữa thời sân khấu khó khăn này. Tôi ước mong sẽ không thấy các trò mỗi ngày phải lăn lóc làm đủ thứ nghề không tên, đội mưa sụt sùi, chang nắng bụi bặm trên các vỉa hè, bán từng ly cà phê... Có đứa đi phụ bán quán, bán hàng online, có đứa nhịn ăn, ngày nào cũng mì gói… để chờ ngày được trở lại sân khấu. Khát khao nghệ thuật của lớp trẻ khiến tôi vừa xót xa, vừa ước ao có thể góp một tay giữ gìn và vun đắp giấc mơ nghệ thuật cho các em- những đồng nghiệp trẻ của mình. 

Tuấn Lữ (ghi) 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI