Cô giáo Phung có thế giới thiệu đôi chút về bản thân và gia đình mình lúc cô còn nhỏ?

Cô giáo Thái Lò Thị Phung: Gia đình tôi thuần nông, có 5 thành viên. Là chị cả trong gia đình, từ nhỏ tôi có nhiệm vụ chăm sóc các em và làm việc nhà, việc nông để giúp bố mẹ. Từ nhỏ, tôi không có biểu hiện năng khiếu thể thao gì cả, tôi bình thường như bao người khác, có khi còn “thùy mị” lắm. Quê tôi có ruộng bậc thang, đồi chè bát ngát, có đàn trâu thong thả trên cánh đồng quê rất đẹp.

Vậy vì sao cô Phung có thể chuyển từ cô giáo dạy học thành võ sĩ chuyên nghiệp như này ngay?

Tôi trở thành cô giáo mầm non là do gia đình định hướng. Nhưng tôi cũng là người rất thương yêu trẻ con nên khi đi dạy, tôi thấy công việc này rất phù hợp với mình. Tuy nhiên, thời gian học cấp 3 cho tới cao đẳng, tôi thường tham gia các hoạt động thể thao và đi thi đấu cho tỉnh bộ môn Đẩy Gậy. Có lẽ do lớn lên cùng nương rẫy, quen lên rừng lấy củi, làm ruộng, bê vác nặng nhọc, nên thể lực tôi chịu đựng tốt. Trong năm 2017-2019, thật may mắn tôi 3 lần đoạt huy chương vàng tại Giải Vô địch Đẩy Gậy toàn quốc.

Tôi đã đi dạy học vài năm và cứ nghĩ cả đời mình sẽ gắn bó với nghề giáo. Nhưng rồi thời gian và các cuộc thi khiến tôi nhận ra một tình yêu lớn hơn là thể thao nên tôi quyết định chuyển hướng, đi theo đam mê của mình. Đây cũng là quyết định khó khăn nhất và là bước ngoặt cuộc đời của tôi.

Vì sao cô Phung quyết định đến TPHCM để phát triển bản thân, cô đã trải qua những khó khăn gì?

Có lẽ đó là nhân duyên. Trong một cuộc thi đấu Đẩy Gậy Quốc Gia, tôi gặp thầy Lê Hoàng Mai dẫn đội đi thi. Tôi xin thầy chỉ dẫn một số kỹ thuật. Sau một thời gian, tôi thấy thầy có nhiều hoạt động huấn luyện thể thao có thể thích hợp với mình nên tôi đã xin thầy hỗ trợ. Qua nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết định liên hệ với thầy để xin thầy giúp đỡ cho việc mình vào TPHCM. Khi biết quyết định đó, điều không ngờ đầu tiên, đó là gia đình phản đối vì lo lắng con gái một thân một mình vào thành phố xa lạ.

Cũng dễ hiểu vì gia đình tôi ở thôn bản miền núi, nơi mọi thứ chưa phát triển, và gia đình rất lo lắng khi chẳng biết tôi vào đó sẽ sinh sống, học hành, làm việc thế nào. Mọi thứ mù mịt, nên cha mẹ đã không cho phép tôi đi.

Khi gia đình phản đối như vậy, cô Phung đã làm gì, vì sao cô dám chắc quyết định của mình là đúng?

Ngày tôi chuẩn bị cắp ba lô lên đường, gia đình phản đối dữ quá, tôi phải hủy vé bay. Những ngày tiếp theo tôi sống như không còn mục đích gì, vô hồn và khép kín vì ý chí và đam mê vẫn đang nổi sóng trong lòng. Rồi một ngày tôi quyết định rời nhà, để lại cho gia đình dòng chữ “Không thành công, con không về”. Tôi đi không báo cho ai biết, khi tới nơi tôi mới gọi điện cho thầy thông báo làm thầy cũng bất ngờ. Tiếp theo tôi mới báo cho gia đình yên tâm.

Là cô giáo bản nơi miền núi, cô Phung đã hòa nhập với nhịp sống ở đô thị như thế nào?

Những ngày đầu hơi bơi vơ, cô đơn, nhịp sống ở đô thị thực sự rất nhanh so với một người quen sống ở bản miền núi. Sự bất đồng ngôn ngữ, thói quen sinh hoạt và phong tục vùng miền, nhiều lúc tôi cảm thấy cô đơn, mệt và buồn, nhưng rồi tôi cố gắng thích nghi, mọi thứ cũng qua mau. Tôi may mắn khi được thầy Lê Hoàng Mai giúp đỡ rất nhiều. Thầy là võ sư và là người đào tạo nhiều võ sĩ MMA (võ tự do tổng hợp) và môn Jiu Jitsu chuyên nghiệp. Thầy phân tích và giảng giải cho tôi nhiều thứ không chỉ trong kỹ thuật mà cả đời sống, con đường phát triển bản thân.

Thầy chỉ rõ: “Em phải học bồi dưỡng cả tri thức, kiến thức. Theo con đường chuyên nghiệp phải văn võ song toàn”. Tôi hiện đang là sinh viên trường Đại học Sư Phạm Thể dục thể thao TPHCM. Hàng ngày tôi vẫn tập luyện tại trung tâm của thầy Mai. Đặc biệt một công việc cộng đồng nữa giúp tôi bớt những chuyện cá nhân và bớt than vãn mệt mỏi, đó là việc cùng team 404 là nơi thầy dạy các em bị khuyết tật hoặc mắc bệnh khiến khó hoạt động đi lại, giúp cả những người bị tai nạn có thể phục hồi lại được các cơ, khớp… Những việc này khiến tôi lại cảm thấy mình có thêm sức lực, tinh thần, nhờ thế tôi càng quyết tâm hơn.  

Được biết, cô Phung đã 3 lần đoạt huy chương vàng môn Đẩy Gậy toàn quốc, vì sao cô không chọn con đường an toàn vì đã không còn đối thủ mà chuyển sang những bộ môn mới?

Năm 2022, tôi đứng trước một lựa chọn, đó là trở lại thành một vận động viên môn Đẩy Gậy quen thuộc và chắc chắn có khả năng đoạt huy chương vàng. Tuy nhiên, năm đó thầy Mai đang dẫn dắt đội thi đấu môn Jiu- Jitsu – môn mà người ta thường truyền nhau câu nói: “Jiu – Jitsu là môn võ hiếm hoi giúp một người nhỏ bé chiến thắng đối thủ cao lớn hơn mình nhờ võ nghệ và kỹ thuật”. Thi đấu Jiu-Jitsu thường không giới hạn về hạng cân, tôi quyết định theo thầy tham gia thi đấu Jiu Jitsu và tập luyện như một tân binh bắt đầu từ con số 0. Đã là tân binh thì làm gì có ai kỳ vọng, nhưng không ngờ tôi được vào chung kết, và chỉ dừng bước trước chị Phùng Thị Huệ. Thế nhưng chỉ một năm sau, tại Giải vô địch Đông Nam Á 2023, tôi đã hạ được đối thủ chính là chị Huệ, trong 33 giây.

Năm 2024, tôi bảo vệ thành công huy chương vàng Quốc gia, giành chức vô địch tại Jiu Jitsu World Cup bãi biển tại Thái Lan, thắng các đối thủ đều trên hạng cân mình. Trận ấn tượng nhất với tôi chính là trận đấu với nữ võ sĩ người Mỹ Chelsey Cashwell- nhà vô địch Lion Champion 2023.

Bước vào con đường trở thành võ sĩ chuyên nghiệp, cô Phung đã làm gì để thay đổi mình?

Tôi học được rất nhiều thứ với cuộc sống bình lặng trước kia ở quê. Trước hết, phải học chịu đựng, học kiên trì, chịu sự cô đơn, không kêu, không than. Hàng ngày, tôi tập luyện với những bài tập thể lực rất khắc nghiệt. Có những bài tập không khuyến cáo những người khác tự tập như treo cổ trên dây, để nâng cơ, và làm cân bằng trọng lượng cơ thể, hoặc bài tập vượt chướng ngại bằng tứ chi thật nhanh, bài vận động đa năng trên không… Bài luyện nhảy cóc 10 vòng với những chiếc lốp ô tô tải nhồi tạ nặng 55kg…  Tôi luyện những thứ mà người khác không làm được.

Thực ra, việc tập luyện đều có phương pháp khoa học, thầy cho luyện từ nhẹ rồi tăng dần để tôi có thể thích nghi. Quan trọng là các bài tập đó tôi đều cố gắng luyện để vượt qua. Nếu hôm nào luyện “hăng” quá dẫn tới bị chấn thương nhẹ thì tối về tôi sẽ ngâm mình trong đá lạnh để cơ được hồi phục và giảm chấn thương.

Các bài luyện khắc nghiệt như vậy, rồi khi thi đấu bị chấn thương, có lúc nào làm cô Phung có ý nghĩ sẽ dừng lại?

Chưa. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩa từ bỏ hoặc dừng lại. Nếu việc tập luyện quá khắc nghiệt thì cứ tập từ từ sẽ quen. Động lực của tôi chính là ý chí và mong ước muốn được cùng sát cánh với thầy Lê Hoàng Mai và team 404.

Cô Phung đã trải qua hàng trăm trận đấu với nhiều đối thủ đẳng cấp quốc tế, vậy bí quyết mỗi trận thẳng của cô là gì?

Trước khi vào trận đấu, ban huấn luyện đều có tư vấn bàn bạc, đưa ra chiến thuật để giúp tôi vượt qua đối thủ. Bí quyết mỗi trận thắng, đó là phải phát huy sở trường, lấy sở trường của mình ra đánh sở đoản của đối thủ. Trong cuộc đời của một võ sĩ sẽ phải có trận thua, trận thắng. Tôi cũng đã có lần thua trong vài lần đấu giải Jujitsu. Khi thua, tôi buồn vì mình đánh không được như ý và cũng phải xem lại nguyên nhân gì, những kinh nghiệm đó sẽ giúp tôi có thêm những chiến thuật khác để hoàn thiện mình. Việc hiểu được đối phương là một điều cần thiết.

Trận đấu gần nhất là tôi gặp đối thủ Trần Trà My, đây là một vận động viên từ hạng cân trên 56 kg ép cân xuống 52 kg để đánh với tôi. Bạn rất giỏi kỹ thuật đấm đá. Nhưng khi vào trận, tôi không cho bạn có cơ hội đấm đá mình. Tôi đưa đối thủ xuống sàn và dùng kỹ thuật khóa để siết - kết thúc nhanh chóng trong 1 phút 4 giây.

Tôi nghĩ nhiều đối thủ e sợ món siết… chân của cô Phung, nhưng có lẽ không có nhiều đối thủ hóa giải được nó?

Đấy là kỹ thuật và chiến thuật. Vì thầy dạy tôi cứ học ở các loài vật. Mỗi loài có một đặc điểm, sự nổi trội để sinh tồn. Biết cách áp dụng vào trận đấu, sẽ là điểm cộng.

Nhiều khán giả rất thích hình ảnh một cô Phung tự tin ra sân với bộ trang phục cô gái Thái rất xinh, chân đi dép cao. Vì sao cô quyết định chọn phong cách này cho mình?

Vì tôi thích trang phục của phụ nữ Thái. Với tôi, dù mặc áo dài đi dạy học, mặc trang phục Thái dịp lễ, Tết hay mặc bộ đồ thi đấu, đồ tập luyện… đều đáng trân trọng như nhau. Người ta thường nói phụ nữ Thái rất đẹp, chắc là đúng, một phần do con gái Thái thường có mái tóc dài búi cao, trang phục gọn gàng nâng dáng người.

Tôi cũng rất tự hào trang phục của dân tộc mình nên trước khi ra võ đài, tôi thường mặc chúng để nhắc nhở cội nguồn của mình. Điều đó cũng khích lệ thêm tinh thần khiến tôi được thoải mái trước khi bước vào trận đấu, để hết mình với trận đấu. Để mọi người nhớ tới một Lò Thị Phung – từ dân tộc Thái.

Đang ở đỉnh cao Jiu-Jitsu, vì sao cô Phung quyết định chuyển sang MMA?

Thầy đã hướng tôi sang MMA. Ban đầu tôi khá lo, nhưng thầy nói: “Con hãy xem chơi MMA như đang đi chữa lành”. Hai tuần làm quen, tôi đấu thắng cả 3 hiệp với một nữ võ sĩ hạng 56kg, và khi thử sức với một võ sĩ nam, tôi cũng vượt qua sau 10 phút. Trong 3 trận MMA chuyên nghiệp, với các đấu thủ hạng cân cao hơn, tôi kết thúc ngay khi chưa kết thúc hiệp một. Đúng là MMA giống như đi chữa lành.

Tôi thực hiện những cú khóa siết Triangle Choke mà tôi nghĩ đấu sĩ nào cũng biết. Nên kết thúc trong hiệp 1. Không thể hiệp 2. Phải nhanh và gọn để hạ đối thủ, kết thúc trận đấu. Đó là chiến lược thầy đưa ra.

Dù mệt mỏi vì luyện tập, nhưng được biết cô Phung vẫn kiên nhẫn dạy các em nhỏ chậm khả năng vận động, cô Phung vẫn yêu nghề giáo?

Chắc do Phung đã từng là cô giáo đó! Hằng ngày ngoài việc tập luyện, Phung và các thầy, anh chị em sẽ dành thời gian để tập luyện cho các bạn chậm khả năng vận động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tôi quyết định rời quê đến thành phố. Tôi xem đây là lý tưởng sống của mình và tôi muốn dành hết tâm sức của mình để giúp mọi người. Tôi có nghiệp vụ dạy học, nay công việc tuy có khó hơn khi dạy học trò ở quê vì đối tượng là các em nhỏ chậm vận động, thì đòi hỏi sự nhẹ nhàng và kiên trì, nhưng tôi tìm được động lực trong công việc này.

Mọi người thường đùa rằng, một võ sĩ như cô Lò Thị Phung mà dạy học thì đố em học sinh nào dám bướng, có đúng không?

Ấy không không! Tôi không làm gì hết mà các em vẫn ngoan. Tôi chỉ “dữ” khi bước lên sàn đấu thôi! (cười)

Rất nhiều người nhìn cô giáo Phung và lấy đây là một tấm gương truyền cảm hứng về sự nỗ lực vươn lên, cô nghĩ sao về điều này?

Tôi rất hạnh phúc khi nghe được điều này. Tôi chân thành cảm ơn những tình cảm mà mọi người dành cho tôi. Tôi cũng biết ơn gia đình, thầy cô hướng dẫn, ban huấn luyện và các anh chị em bạn bè đã sát cánh động viên hỗ trợ để cho tôi có thể đứng vững như ngày hôm nay. Tôi chỉ mong được sống, tập luyện, cống hiến và làm việc có ý nghĩa cho xã hội. Tôi muốn cùng đồng hành với các em nhỏ, giúp các em tìm thấy đôi chân của mình, tập cho các em có thể tự mình bước những bước đi đầu tiên. Khoảnh khắc ấy khiến tôi rất hạnh phúc và tự hào, hơn cả khi chiến thắng một đối thủ. Chính vì thế, với tôi, không có đường lùi.

Giờ đây cô Phung thấy cuộc sống thế nào, cô có thấy hài lòng về những gì mình đạt được?

Tôi đang thấy mình may mắn và hạnh phúc. Tôi không còn lo lắng nhiều nữa, chỉ cần sống trọn vẹn, từng giây, từng phút, bởi tôi đang được thực hiện những ước mơ của mình, những miền đất mới, trận đấu mới, con người mới.

Khi thành công, điều kiện kinh tế chắc giờ đã tốt, cô Phung làm gì với số tiền ấy?

Nói có thể ít người tin, nhưng sự thực là tiền thưởng sau những trận đấu chỉ vừa vừa, trong khi cả trăm công nghìn thứ cần sử dụng tới tiền và tôi còn hỗ trợ cho bố mẹ và gia đình dưới quê. Tôi chắt chiu tiền để mua sắm đồ cho gia đình, tết về còn dẫn bố mẹ đi chơi, hàng tháng tôi vẫn gửi tiền về biếu mẹ. Mẹ tôi chưa bao giờ xem tôi trực tiếp thi đấu, nhưng thi thoảng bà có xem trên mạng. Bà bảo sao đấu nhanh thế, sợ quá, cứ đánh nhau thế này à, mà đánh nhanh quá, chưa kịp xem đã xong rồi… Tôi chỉ biết cười và bảo để mẹ yên tâm: “Con thấy bình thường thôi mà”. Mẹ cũng chỉ biết động viên và dặn tôi cẩn thận giữ gìn sức khỏe. 

Cô giáo Phung có thể tiết lộ những kế hoạch trong tương lai của mình?

Tôi đang tích cực tập luyện để lấy đai hạng cân 52kg Lion Championship tháng 8 này tại Philippin. Nếu thành công, tôi sẽ tiếp tục thách đấu để lấy đai hạng cân 56 kg Lion Championship. Tôi luôn hướng tới chinh phục các giải tại SeaGame và các giải đấu quốc tế. Khi nào tốt nghiệp đại học, tôi sẽ học tiếp thạc sĩ.

Xin chúc cô giáo Phung thành công!

Những thành công cô Lò Thị Phung đã gặt hái được

  • Lò Thị Phung 3 lần đoạt huy chương vàng, Vô địch Quốc gia môn thể thao Đẩy Gậy (2017-2019).
  • Năm 2022, cô chuyển hướng, tập luyện và tham gia các bộ môn mới như Ju Jitsu và nhanh chóng trở thành một trong những vận động viên hàng đầu của Việt Nam.
  • Năm 2024, cô giành chức Vô địch Quốc gia hạng cân 49kg; Vô địch Ju Jitsu World Cup bãi biển 2024 hạng 49kg.

Khi tham gia thi đấu MMA, cô đã chiến thắng võ sĩ Trần Trà My tại LiOn Championship 20; chiến thắng võ sĩ Ngọc Bích, Thúy Vi, và đặc biệt là chiến thắng đầy thuyết phục trước võ sĩ Chelsey Cashwell (Mỹ - nhà vô địch mùa trước). 

 

 

 

ghi chú video

 

 

 

ghi chú video

 

 

 

ghi chú video

 

 

Chia sẻ bài viết: