Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

24/08/2021 - 06:22

PNO - Nghệ sĩ Bạch Long luôn dễ lấy nụ cười khán giả, dẫu là trẻ con hay người lớn. Nhưng cuộc đời ông lại lắm đắng cay, nhiều nước mắt, có lúc khán giả cười, nhưng lòng ông như vụn vỡ thành trăm mảnh.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Đồng Ấu Bạch Long: Đằng sau một thương hiệu

Căn phòng trọ ở quận Gò Vấp (TP.HCM) là nơi trú mưa nắng của nghệ sĩ (NS) Bạch Long nhiều năm qua. Một khoảng nhỏ trang trọng ông dành đặt bàn thờ tổ và là nơi lưu giữ một số dụng cụ của nghề hát, trong đó có chiếc yếm đỏ, cây giáo tuổi đời đã… ngót nghét 52 năm. Đi hát nhiều năm, cũng từng có thời hoàng kim nhưng nay vẫn ở trọ, nhưng ông không hối tiếc. 

Ông vẫn nhắc về Đồng Ấu Bạch Long như một dấu son với những vui buồn lẫn lộn. Năm 1990, NS Bạch Long nhận được kịch bản Cóc kiện trời để dựng phát trong dịp tết Trung thu. Ông xin phép chuyển thể từ kịch nói thành cải lương tuồng cổ, gom hết những NS nhí trong đoàn Minh Tơ như: Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh... rồi dạy hát, chia vai. Sau khi phát sóng, vở diễn trở thành hiện tượng với rất nhiều lời khen ngợi bởi kịch bản hay, nghệ sĩ lại rất độc đáo.

Nghệ sĩ Bạch Long
Nghệ sĩ Bạch Long

Ông chủ rạp Đại Đồng đề nghị NS Bạch Long tiếp tục phát triển mô hình này. Với sự yêu thích nồng nhiệt từ khán giả, ông bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ, trước tiên với mong muốn đào tạo NS và khán giả kế thừa. Gần 20 kịch bản tiếp tục ra đời tại đoàn Đồng Ấu Bạch Long như: Cầu vồng đàn thỏ, Con ngựa bạch và củ cải khổng lồ, Cảm ơn chú khỉ, Liên hoa châu tử... Mỗi sáng Chủ nhật, trẻ con lại nô nức theo chân cha mẹ đến đây tìm niềm vui. Tiếng lành đồn xa. Đầu những năm 1990, sân khấu cải lương bắt đầu thoái trào, nhưng đoàn hát thiếu nhi lại “ăn nên làm ra”. 

Đó là những ngày hạnh phúc nhất với NS Bạch Long. Nhìn những đứa trẻ tập tành, diễn xuất, lòng ông vui đến lạ. Nhưng cuộc vui nào cũng đến lúc tàn. Đoàn hát gặp khó khăn, NS Bạch Long phải bù lỗ một thời gian dài. Gồng gánh đến mỏi mệt, cộng với những áp lực từ bên ngoài, ông buông bỏ vào năm 1996. Những đứa trẻ năm nào lần lượt rời đi. Ông buồn vì ước mơ dở dang, vì lòng người khó đoán, nhưng tự an ủi rằng đó là cuộc đời, không ai tránh khỏi trắc trở. 

Kinh tế kiệt quệ, ông đưa chiếc đồng hồ nhờ học trò đi cầm. Cậu học trò vẫn mang về cho thầy 300.000 đồng, kèm chiếc đồng hồ khiến ông ngạc nhiên. “Đó là tiền được trích ra từ lương làm bảo vệ của học trò. Đồng hồ của tôi họ không chịu cầm. Học trò vừa về, tôi đóng cửa và bật khóc. Ngần ấy năm, tôi vẫn chưa thể quên được cảm giác đau đớn đó”, ông tâm sự.

Bốn năm sau đó, ông thất nghiệp, chìm đắm trong nỗi buồn. Ông không lên tiếng nhờ sự hỗ trợ từ chị em trong gia đình, bởi từ nhỏ đã vốn không muốn làm phiền ai. Có lúc, ông từng nghĩ, chỉ khi nhắm mắt xuôi tay mới buông bỏ hết. Nhưng nghề hát đã chọn ông, và buộc ông phải tiếp tục cống hiến. 

Một người phụ nữ lạ mặt tìm đến đình Cầu Quan - nơi NS Bạch Long trú ngụ - khuyên: “Đừng có suy nghĩ bậy bạ, đời cậu không khổ hơn tôi”. Người phụ nữ rời đi, để lại trong ông vô vàn câu hỏi: Đó là ai? Vì sao lại đọc được suy nghĩ của mình?... Sau này, ông vẫn tin đó là một phép màu, như chiếc phao cứu mạng một kẻ đuối nước. 

Nghệ sĩ Bạch Long và nhóm Líu Lo
Nghệ sĩ Bạch Long và nhóm Líu Lo

Nỗi buồn sau sân khấu

Ai cũng bảo NS Bạch Long kém may mắn. Ông biết nhưng vẫn lấy lý do “số phận an bài” để khỏa lấp. Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật với cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NS Huỳnh Mai, cậu là NS Minh Tơ, một ông chủ gánh hát lẫy lừng. Sinh ra èo uột, NS Bạch Long được gia đình mang cho một người quen trong đoàn hát. Lớn lên, ông mới biết cha mẹ ruột, bởi thời thơ ấu chỉ toàn gọi anh hai, chị hai.

Những khi rảnh rỗi, cậu bé Tùng (tên thật của NS Bạch Long) lại rủ rê em trai - NS Thành Lộc - chơi trò xem hát. Ông cắt thùng giấy, vẽ khung cảnh sân khấu, bán vé với giá là ba sợi thun. Cũng chính ông là người đầu tiên vẽ mặt cho em trai để hóa thân thành quân sĩ, rồi cùng nuôi ước mơ được đứng trên sân khấu.

NS Bạch Long vào đoàn Minh Tơ, ngồi gõ chập cheng ở ban nhạc. Một hôm, NS Minh Tơ gọi ông vào, họa mặt để thế vai trong tuồng Ngô Tùng Quân xuất thế. Mừng, vui, lo lắng đan xen khiến ông đọc sai thoại. Khán giả cười rần. Từ đây, ông rời ban nhạc để lên sân khấu học việc. Tuồng nào có vai kép con, ông sẽ được giao, còn không sẽ đóng quân sĩ. Một lần nọ, nghệ sĩ đóng vai quân sĩ có thoại đau bụng đột xuất, ông được đẩy ra thay thế. Nhưng ông đâu biết gì, cứ thoại theo suy nghĩ, lại gây ra trận cười no nê cho cả khán giả lẫn nghệ sĩ, và lại bị đuổi vào trong.

Một lần nọ, diễn chung với cha ruột, ông quên mất đang hóa thân vào nhân vật, lại sai thoại. Khán giả cười ngặt nghẽo. Bị la, bị quát có đủ, nhưng cậu bé Bạch Long ngày ấy chỉ buồn chút rồi thôi, bởi sự hồn nhiên của trẻ nhỏ như liều thuốc xoa dịu tất cả. Sau này ngẫm lại, ông nghĩ đó có phải sự an bài của tổ nghiệp, buộc ông phải mang tiếng cười cho khán giả?

Bạch Long từng mơ được làm kép chánh. Ông học lóm những nghệ sĩ trong đoàn như: NS Thanh Tòng, NS Bửu Truyện... Rảnh rỗi, ông lại mang gươm giáo ra luyện tập, nếu may mắn sẽ được các NS chỉ dạy thêm. Nhưng giấc mộng nhanh chóng vỡ tan vì sắc vóc của ông quá nhỏ bé, không đủ tiêu chuẩn. Gần mười năm trầy trật ở đoàn hát, có lúc ông tự hỏi tương lai sẽ đi về đâu.

Cơ may cuối cùng cũng đến khi NS đóng vai hài trong vở Thanh gươm nữ tướng bị bệnh đột xuất. Một lần nữa, NS Bạch Long được chọn thay thế và lần này may mắn đã mỉm cười với ông. Nhờ những lần đứng sau cánh gà học thuộc làu lời thoại, tự phân tích nhân vật và lối diễn xuất của đàn anh, ông mang tất cả điều đó vào vai diễn khi lên sân khấu. Đêm đó, khán giả vỗ tay rần rần mỗi lần ông xuất hiện. Rồi đàn anh có “bến đỗ mới”, NS Bạch Long được chọn lên giữ trụ vai hài trong đoàn. “Không riêng tôi mà nhiều anh chị nghệ sĩ cũng từng thành danh theo cách này. May mắn là thứ gia vị độc đáo trong cuộc đời”, ông cười nhớ lại.

Chuyện “Kép Tư Bền” không chỉ có ở tiểu thuyết. Suốt cuộc đời mình, có lẽ NS Bạch Long không thể quên suất diễn khi mẹ nuôi ông qua đời. Đêm đó, đoàn vẫn diễn. Ông dằn vặt chuyện đi hay ở. Cuối cùng, ông vẫn có mặt ở sân khấu, sau khi được hàng xóm giúp đỡ lo tang gia. NS Bạch Long vẫn khiến khán giả cười ồ, còn lòng ông vụn vỡ thành trăm mảnh. Hạ màn, ông ôm mặt khóc rưng rức. Lần đầu tiên ông thấm thía hết nỗi đau của người nghệ sĩ, dẫu đời có đau khổ dường nào thì vẫn phải sống trọn với vai diễn khi bước ra sân khấu.

Nỗi đau này chưa dứt, nỗi đau khác lại chất chồng. Cuộc tình với nhiều mộng ước tan vỡ. “Một hôm, ba cô ấy tìm đến đoàn hát, hỏi tôi sẽ làm gì để nuôi con gái ông. Sự nghiệp chưa có, tiền cũng không, tôi chấp nhận buông bỏ”, ông nhớ lại. Nỗi đau khiến người ta ngã quỵ hoặc mạnh mẽ hơn. Ông chọn cách thứ hai, dồn hết sức vào sự nghiệp. Hàng loạt vai diễn sau đó như: Thánh Gióng trong Phù Đổng thiên vương; Tề Thiên đại thánh trong 7 con yêu nhền nhện... đều khiến khán giả thích thú. 

Nếu NS Phi Thoàn nổi danh với hài ca nhạc, NS Văn Chung chỉ cần té cái thôi khán giả cũng cười, thì NS Bạch Long tạo nên trường phái mới: hề vần. Ông thường xuyên sáng tạo những câu thoại có vần điệu bắt tai để gây cười. Ý tưởng lóe lên rất nhanh, vai nào cũng thành công mỹ mãn vì rất duyên dáng. Sắc vóc nhỏ bé, điều từng cản trở NS Bạch Long đến với giấc mơ kép chánh, nay lại trở thành ưu thế, bởi chỉ nhìn ông, khán giả cũng dễ cười. Từ năm 1982, cái tên Bạch Long vụt sáng. 

Đoạn đường gần mười năm với nhiều niềm vui, để rồi Đồng Ấu Bạch Long như một ngã rẽ lắm nỗi niềm. Hai tuần sau khi gặp người phụ nữ lạ mặt tại đình, ông nhận được cuộc gọi từ ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, nhờ thế vai cho một vai diễn trong mười suất của vở Ba chàng lính ngự lâm. “Tôi nhận lời liền vì bấy giờ đã quá khốn cùng. Mười suất diễn sẽ đỡ đói được mười ngày”, ông nhớ lại. Suất diễn đầu tiên có NS Bạch Long tham gia, khán giả cười không ngớt. 

Cũng từ đây, cuộc đời làm nghệ thuật của ông lại bén duyên mới: sân khấu kịch nói. Hàng loạt vở diễn trong chương trình Ngày xửa ngày xưa của Idecaf, chú chó Lu Lu trong nhóm Líu Lo đã trở thành ký ức khó quên với nhiều thế hệ khán giả nhí. Như một mối duyên, cuộc đời lại đưa đẩy ông đến với trẻ con và mang lại niềm vui cho chúng. Có vai diễn, cát-sê không đủ bù tiền phục trang, làm tóc, nhưng lúc nào ông cũng thấy vui vì được sống trọn vẹn với nghề, sau cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI