Phía sau hào quang

NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

22/06/2021 - 07:44

PNO - NSƯT Phượng Hằng tin rằng tất cả những đoạn đường chị đi qua với sân khấu cải lương, đều là sự sắp xếp mà Tổ nghiệp đã dành cho chị.

 

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật


Một ngày, thấy con gái cứ ở trong nhà mà không chịu ra chợ ăn sáng như thường lệ, mẹ Phượng Hằng ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết, con mắc cỡ vì đêm qua ca một câu vọng cổ dài, chỉ còn hai chữ nữa thôi mà bị… đứt hơi. Mẹ cười bảo: “Có vấp ngã thì mới đi tiếp được chứ, thành công nào cũng cần phải cố gắng. Nếu con đã chọn theo hướng đó thì mình cứ từ từ mà đi thôi”. Nhờ lời mẹ an ủi mà cô đào nhỏ tám tuổi năm ấy đã tiếp tục tập luyện, để sau này cải lương Việt Nam đã có một Phượng Hằng với giọng ca và làn hơi dài “huyền thoại”…

NSƯT Phượng Hằng (trái) và nghệ sĩ Kim Thoa thuở còn hát đào con ở đoàn Tinh Hoa
NSƯT Phượng Hằng (trái) và nghệ sĩ Kim Thoa thuở còn hát đào con ở đoàn Tinh Hoa

1. Tóc Phượng Hằng để dài từ bé. Mẹ chị hay thắng dầu dừa làm dầu tẩy trang cho hai con Minh Tiến, Phượng Mai (anh chị ruột của NSƯT Phượng Hằng, đều là nghệ sĩ cải lương). Lúc chiết dầu ra chai còn dư dưới đáy nồi, bà hay xoa xoa lên mái tóc con gái. Đến giờ, NSƯT Phượng Hằng vẫn giữ mái tóc dài, “để dễ làm tóc” khi hóa trang, mà đó cũng là tài sản quý giá chị gìn giữ cùng ký ức từ thuở còn được mẹ dưỡng dầu dừa, nấu bồ kết gội đầu.

Phượng Hằng chào đời ngày 6/2/1967. Một năm sau là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Giai đoạn đất nước còn chiến tranh ấy, đoàn hát gia đình đi đâu, Phượng Hằng theo đó, từ miền Tây lưu diễn ra tận miền Trung, lên Tây Nguyên.

Có lần đang ở Gia Lai thì nghe tin có pháo kích vào sân bay Pleiku, cả đoàn phải dạt vào nhà dân để ké xuống trảng xê (hầm trú ẩn). Sau đó mọi người phải di tản. Mọi thứ quá gấp gáp, trang thiết bị, đạo cụ của gánh hát đều phải bỏ lại, ai nấy tự lo liệu lấy thân. Lúc đầu còn đi xe trên đường Phú Bổn, sau đó lên đường đèo để xuống Tuy Hòa (Phú Yên). Đến đoạn xe không thể đi được, cả đoàn người tản cư đi bộ trên con đường gập ghềnh, ngang qua suối Cống Sơn.

Còn lại trong ký ức non nớt của đứa trẻ bảy tám tuổi năm ấy là tiếng kêu thất thanh: “Ba mẹ đừng bỏ con lại!”. Phượng Hằng kể, đoàn người đông quá, ba mẹ cứ nắm chặt tay mình, sợ buông ra là sẽ lạc mất con gái. Cứ thế, cả nhà dìu dắt nhau về lại quê nhà Đồng Tháp. Năm tháng ấy để lại những ký ức không thể nào quên trong lòng Phượng Hằng.

Sau ngày đất nước thống nhất, cả nhà trở lên miền Đông đất đỏ, theo đoàn dân công Đồng Nai. Tuổi 12, bé Phượng Hằng được Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM mời lên hát những bài ca cổ: Em mơ gặp Bác Hồ, Bông hồng đất đỏ…15 tuổi, Phượng Hằng chính thức theo đoàn hát Tinh Hoa. Nhưng đó cũng là thời điểm khiến cô hoang mang nhất. Làm đào con thì quá tuổi, làm đào chính thì cũng chưa được. Cơ hội nổi bật không có. “Nếu cứ thế này thì phải làm sao?” - cô gái nhỏ cứ tự vấn như vậy. Nhiều đêm, Phượng Hằng khấn nguyện với Tổ nghiệp: “Nếu Tổ hướng con theo con đường này, thì xin cho con được cơ hội hát đào chính để còn có tương lai…”.

2. Đêm diễn quan trọng nhất sự nghiệp của Phượng Hằng, ba mẹ đứng trong cánh gà thấp thỏm nhìn ra. Trước khi con gái diễn, mẹ dặn: “Con cứ ca diễn tự nhiên, lúc đó đèn ở khán đài đều tắt, chỉ còn ánh sáng trên sân khấu. Con đừng nghĩ có khán giả bên dưới, mà hãy hát như thể sân khấu giờ chỉ mỗi mình con”. Anh chị Minh Tiến, Phượng Mai và các cô chú trong đoàn cũng dành nhiều lời động viên, tin tưởng. Tấm màn nhung từ từ mở ra, Phượng Hằng nén hồi hộp bước ra sân khấu.

Thanh xuân của Phượng Hằng.
Thanh xuân của Phượng Hằng.

Đó là đêm diễn vở Lá sầu riêng, ở rạp hát Rạch Giá (Kiên Giang). Phượng Hằng vào vai Diệu khi còn trẻ, vừa có con. “Năm ấy tôi mới 16 tuổi, diễn viên đóng vai con cũng đã tuổi 15. Các cô chú trong đoàn vừa hóa trang già đi, vừa tìm cách “độn” cho tôi ra dáng phụ nữ đã có chồng con. Bước ra sân khấu hồi hộp lo lắng lắm, tôi vừa hát vừa lắng tai nghe, xem khán giả có cổ vũ mình không. Khi tôi xuống vọng cổ, đáp lại là những tiếng vỗ tay nồng nhiệt, thấy mừng, thầm biết ơn Tổ nghiệp đã cho mình cơ hội” - NSƯT Phượng Hằng tâm sự.

Đêm đó, khi tấm màn nhung khép lại, “cô Diệu” đã vui không thể nào ngủ được. Chui vô mùng rồi mà vẫn còn nằm hát nhẩm những vở mình sẽ còn được diễn vào những đêm sau: Phạm Công Cúc Hoa, Ngai vàng và nữ tướng…

Những đêm diễn thành công của con gái, ba mẹ chị chỉ đứng sau sân khấu mỉm cười, hài lòng. Gắn bó với đoàn Tinh Hoa một thời gian, chị chuyển sang đoàn Hương Biển (hát cùng nghệ sĩ Phương Bình, Chiêu Bình…), rồi đoàn Hậu Giang (hát cùng nghệ sĩ Minh Cảnh), sau đó đến đoàn Tây Ninh 3… “Tôi thấy mình bôn ba quá, nên quyết định về đoàn Trung Hiếu (TP.HCM). Việc theo các đoàn hát đi lưu diễn miền Tây, vất vả tôi không sợ, nhưng rong ruổi mãi rồi cũng cần có một nơi trụ lại, để khán giả còn nhớ đến mình” - chị bày tỏ.

Những cơ hội thế vai của Phượng Hằng từ khi còn là đào con cho đến lúc làm đào chính ở đoàn Tinh Hoa, có thể nói đều là duyên may của Phượng Hằng. Còn quyết định về với đoàn cải lương Trung Hiếu là sự lựa chọn của chị - một lựa chọn mà mãi sau này khi nhắc về, chị tin rằng tất cả những đoạn đường chị đi qua với sân khấu cải lương, đều là sự sắp xếp mà Tổ nghiệp đã dành cho chị. Chính ở đoàn Trung Hiếu, cái tên Phượng Hằng đã tỏa sáng cùng nghệ sĩ Châu Thanh. Và làn hơi dài huyền thoại của Phượng Hằng cũng bắt đầu tạo dấu ấn khó quên trong lòng khán giả.

"Ngay từ lần đầu đóng cùng anh Châu Thanh trong vở Sóng gió cuộc đời, tôi biết mình đã tìm được người bạn diễn hợp ý” - NSƯT Phượng Hằng kể lại. Vở do đạo diễn Huỳnh Nga dàn dựng, Châu Thanh vai Hoàng, Phượng Hằng vai Phượng. Và cũng như lần diễn Lá sầu riêng, Phượng Hằng vừa xuống vọng cổ vừa lắng tai nghe khán giả. Những tiếng vỗ tay nhiệt tình dành cho chị ở rạp Quốc Thanh đêm ấy đã kéo dài suốt những năm cuối thập niên 1980 cho đến về sau.

Bé Phượng Hằng và mẹ
Bé Phượng Hằng và mẹ

Sự đón nhận và yêu thích của khán giả đưa Châu Thanh - Phượng Hằng trở thành những tên tuổi tỏa sáng của đoàn cải lương Trung Hiếu.

“Diễn với Châu Thanh, anh hát hay quá, được khán giả liên tục vỗ tay thì mình cũng cần cố gắng sao cho bằng. Lúc đó tôi hát hơi dài, nhưng hát nhiều quá khán giả lại không thích, nhiều người cho rằng hát dài lê thê thành ra như đọc kinh. Tôi nghĩ như vậy không được, mình phải luyện tập sao cho có luyến láy, thích hợp cảm xúc của nhân vật. Lúc giận dữ thì hát như thế nào, khi buồn bã thì phải thể hiện ra làm sao. Dùng hơi dài nhưng phải để câu ca có cảm xúc, ấn tượng” - NSƯT Phượng Hằng nhớ lại.

Việc hát hơi dài chị đã tập từ lúc còn là đào con. Nhưng để trở thành một giọng ca khó quên trong lòng công chúng, là kết quả của những nỗ lực tập luyện, rèn giũa từng ngày. Phượng Hằng may mắn có được những vai diễn “đo ni đóng giày”, những bài ca được viết riêng cho làn hơi của chị, từ vài chục đến hơn trăm chữ. Chị đã tự tìm ra những cách chuyển tải sao cho những câu ca dài ấy trở thành dấu ấn, chỉ của riêng chị.

Năm 1992, chị được trao Huy chương vàng giải thưởng Trần Hữu Trang cho vai Ngọc trong vở Tình không biên giới. (Trước đó, giải thưởng Trần Hữu Trang lần đầu tiên năm 1991 được trao cho các nghệ sĩ Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Ngọc Huyền và Phương Hồng Thủy).

Năm 1996, một lần nữa chị nhận được Huy chương vàng diễn viên xuất sắc nhất giải Trần Hữu Trang, với vai người mẹ trong vở cải lương Hoa đất. Cho đến bây giờ, khi nhắc đến Phượng Hằng, khán giả mộ điệu vẫn nhớ chị qua từng vở diễn: Lệnh truy nã, Chiến công thầm lặng, Vụ án Mã Ngưu, Bông ô môi, Sóng Vàm sông Hậu…

3. Mái tóc của NSƯT Phượng Hằng bây giờ vẫn dài. Trong từng nhánh tóc thuở vàng son của người nghệ sĩ như vẫn còn đâu đó bàn tay mẹ xoa xoa dầu dừa trên tóc. Mẹ chị bị bệnh nặng gần hai năm, và mất ở tuổi 68. Khi đó, chị cũng vừa rời đoàn cải lương Trung Hiếu, theo đoàn Thanh Nam. Những ngày vắng mẹ, chị bảo đi hát chị còn có khi quên tuồng. Mỗi khi ra ngoài cứ như còn nghe đâu đó lời mẹ dặn: “Hằng ơi, lấy nón lấy áo khoác vào cho đỡ nắng con!”.

Những năm cuối đời, điều an ủi mẹ hơn cả là con gái đã có được bờ vai nương tựa. NSƯT Phương Hằng bộc bạch: “Mẹ tôi không kịp dự đám cưới con gái, nhưng tôi tin rằng khi mẹ nhắm mắt, bà đã có thể yên lòng…”.

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI