Phía sau hào quang

NSƯT Kim Phương: Những nỗi buồn nhẹ tênh

01/12/2021 - 06:34

PNO - Ở đời, ít ai có thể tránh được chuyện buồn, nỗi bất hạnh. Nhưng với NSƯT Kim Phương, bà chỉ muốn gói ghém chúng lại và giữ cho riêng mình.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc 

Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh

Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ

Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh

Bài 32: Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời

Bài 33: Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu: Người mẹ hiền của màn ảnh nhỏ

Tiếng vỗ tay của khán giả luôn là điều kỳ diệu nhất

Gần nửa đêm, NSƯT Kim Phương mới được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Từ khi các đoàn phim hoạt động trở lại, bà bận rộn nhiều hơn. Nhưng bà thấy vui và hạnh phúc khi được bận rộn, bởi: “Đời tôi đơn giản lắm, quanh đi quẩn lại chỉ có công việc, khán giả mà thôi”.

Cha mẹ chia tay từ sớm, bà ở nhà ngoại ít hôm, rồi lại sang nhà nội vài ngày. Đến hè, bà lại được lên đoàn hát thăm mẹ. Đó là gánh hát nghèo, chỉ lưu diễn quanh những xóm nhỏ ở miền Tây. Được thừa hưởng máu nghệ thuật nên từ năm lên sáu lên bảy, bà đã thuộc làu nhiều bài ca của nghệ sĩ Minh Cảnh. Năm bà 10 tuổi, đoàn hát cần một cậu bé đóng vai hoàng tử, ông bầu viết thêm một câu hát dành cho bà. Khi Kim Phương bất ngờ xuất hiện trên sân khấu, mẹ bà - đóng vai hoàng hậu - giật mình hốt hoảng vì không được thông báo trước. Đó là đêm bà chẳng thể nào quên được.

NSƯT Kim Phương và NSND Ngọc Giàu thuở còn trẻ
NSƯT Kim Phương và NSND Ngọc Giàu thuở còn trẻ

Những tháng ở nhà với ngoại, mỗi lần gánh hát về quê diễn, bà lại trốn nhà đi xem. Không có tiền mua vé, chờ đến khi xả giàn, bà mới chui vào coi cọp. Khi vãn tuồng, trời tối đen như mực, có hôm bà vừa đi về nhà vừa khóc mếu máo vì sợ. Bị bà ngoại đánh nhiều lần, không cho mê hát, nhưng như duyên nợ trời đã định rồi, 14 tuổi, bà theo gánh hát của mẹ. 
Ít lâu sau, bà rời vòng tay mẹ để bước ra thế giới bên ngoài.

Gia nhập đoàn Minh Cảnh, bà không đủ tuổi và sắc vóc để hát vai đào, cũng quá lứa để đóng vai con nít, nên chỉ xin vị trí nhắc tuồng. Đêm nào bà cũng ngồi trong cánh gà đọc thoại, nhờ vậy mà thuộc hết các vai. Bà cười bảo ngày đó ngây ngô nên chỉ ước có nghệ sĩ nào đó bị bệnh để… thế vai.

Trở thành đào chánh là giấc mơ của bất kỳ cô gái nào khi trót mang nghiệp cầm ca. Khi về đoàn Kim Chưởng sau đó vài năm, bà và nghệ sĩ Ánh Hồng thay phiên nhau đóng chính trong: Chín đường tuyệt kiếm, Mặt trời đêm… Ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Sài Gòn 1, ngoài vai thứ, bà còn chia vai chính trong nhiều vở như: Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Ngao Sò Ốc Hến… Chẳng hạn, NSƯT Thanh Kim Huệ đóng chính bốn suất trong Ngao Sò Ốc Hến thì bà diễn ba suất. Con số chênh lệch này ít nhiều tạo nên những khoảng cách, nhưng bà không buồn.

NSƯT Kim Phương trong phim Đường về có nhau
NSƯT Kim Phương trong phim Đường về có nhau

“Xét về làn hơi, tôi đâu tốt hơn Thanh Kim Huệ. Vì thế, việc tôi hát ít hơn cũng là đương nhiên. Tôi luôn ý thức rõ về năng lực, vị trí của mình. Với tôi, được hát đã là hạnh phúc. Vì thế, ít hay nhiều suất diễn, tên to tên nhỏ, hình lớn hình bé không quan trọng”, bà nói.

So với những nghệ sĩ cùng thời như: NSND Ngọc Giàu, NSƯT Thanh Kim Huệ, NSƯT Phượng Liên… bà tự nhận thấy mình không có lợi thế bằng nên xin chuyển sang đóng đào mụ. “Biết người biết ta là chuyện muôn thuở ở đời. Ngoài giọng ca, tôi nhận ra nếu muốn trụ lâu với nghề, phải chọn dạng vai có thể đóng được đến già. Nghề này cần sự linh hoạt, thích nghi”, bà cười, giọng ấm áp niềm vui khi nhắc lại sự chọn lựa “định mệnh” năm xưa.

28 tuổi, bà đóng vai mẹ của cố NSƯT Thanh Sang trong khi kém ông tận chục tuổi trong vở Bến nước tình yêu trên sân khấu đoàn Sài Gòn 1. Nhìn gương mặt được vẽ vằn vện, bà bật cười. Đêm diễn thành công, bà thở phào nhẹ nhõm vì cứ lo không làm trọn vẹn thử thách này. Nhưng bước chuyển lớn hơn phải kể đến vai người vợ cả trong vở Nợ tình. Đó là người phụ nữ miệng hô, chân đi hai hàng, lại hung dữ. Vai diễn này ban đầu được giao cho một nghệ sĩ khác, nhưng cuối cùng lại đến tay bà.

Trích đoạn Duyên kiếp - NSƯT Kim Phương:
 

 

 “Vở cải lương lên sóng, đi đâu tôi cũng bị người ta xì xầm, thậm chí mắng mỏ. Họ bảo con mẹ này đáng ghét, khó ưa, chảnh chọe. Lúc đầu, tôi hơi bỡ ngỡ, nhưng dần lại quen. Yêu ghét luôn song hành. Khi khán giả yêu nhân vật chính diện, cũng là lúc họ ghét nhân vật phản diện. Nghĩ vậy, tôi thấy nhẹ nhàng hơn”, bà nhớ lại. Cũng từ cột mốc này, bà được giao nhiều vai như: mẹ chồng khó tính, đòi nợ thuê… Bà bảo có lẽ gương mặt, chất giọng cùng sự cá tính bên trong bà đã được đặt để cho những dạng vai này, dẫu thời trẻ, giấc mơ của bà ở bờ bên kia.

Suốt những năm ròng đi theo gánh hát, cuộc sống bà khá bấp bênh. Bà nhớ như in những ngày hai vợ chồng thuê trọ trong căn phòng nhỏ xíu, đến chiều chỉ ăn ổ bánh mì lót dạ, chờ xe của nghệ sĩ Thanh Nga đến, quá giang sang rạp hát. Dành dụm, chắt mót một thời gian dài, bà mới đủ tiền mua xe đạp. Vợ chồng bà phải giúp đỡ em út, con cháu trong gia đình nên đôi vai càng nặng hơn.

Nhưng khi bước lên sân khấu, bà quên hết những nhọc nhằn, lo toan. “Đời nghệ sĩ, tiếng vỗ tay của khán giả luôn là điều kỳ diệu nhất. Thứ âm thanh đó giúp họ hạnh phúc, quên hết mọi thứ xung quanh. Cuộc sống có khắc nghiệt, nhưng sân khấu luôn là thánh đường”, bà nói.

Thời điểm vợ chồng chia tay, gánh nặng dồn hết lên đôi vai bà. Bạn bè gợi ý giúp đỡ mở sạp ở chợ buôn bán. Nhưng bà từ chối, vì ngoài nghệ thuật không biết làm gì nữa. Bà nói, với bà nghệ thuật như người tình trăm năm.

Cái chung luôn lớn hơn nỗi đau riêng

Khi đứng trên sân khấu, khán giả là tất cả, những nỗi niềm cuộc sống riêng tư của người nghệ sĩ tạm gác sang một bên. Cũng vì thế, nghệ sĩ Kim Phương đã phải hai lần sắm vai kép Tư Bền trên sân khấu. Đó là vai diễn bà chẳng mong đợi trong cuộc đời mình. 
Chuyện đã qua gần nửa thế kỷ, nhưng nhắc lại bà vẫn bùi ngùi như mới hôm qua. Năm 1975, đoàn hát lưu diễn ở Bình Thuận. Tết thì phải diễn toàn vở vui. Giữa bao nhiêu con người đang nô nức, háo hức, bà chết lặng khi con trai thứ hai mới hơn ba tuổi qua đời. Lòng bà quặn thắt, đau như ai đó cắt thành trăm mảnh.

Đứa trẻ được liệm trong tấm khăn, rồi kêu xe lam chở đến chùa chôn cất, còn bà vẫn phải hát hết ba suất, mà toàn diễn hài. Đoạn nào ra, bà cũng khiến khán giả cười ồ lên thích thú. Nhưng khi vừa quay mặt vào sân khấu, đôi mắt bà đã đỏ hoe, nước mắt cứ thế mà tuôn trào, không kiềm lại được. Bà không nhớ ngày đó bà đã khóc bao nhiêu lần. Nhưng khán giả kéo bà về với thực tại: bà phải làm tròn trách nhiệm với họ.

“Nghệ sĩ cũng buồn, khổ như bất kỳ ai. Nhưng khi lên sân khấu, thì là nhân vật, chứ không còn là họ nữa. Vì thế, mọi nỗi niềm phải được giấu hết. Đó là bổn phận của nghệ sĩ”, bà tâm sự. Từ đỉnh của nụ cười đến vực thẳm của nước mắt, đã thử thách sức chịu đựng của một phụ nữ chỉ mới bước sang tuổi 22.

Chuyện buồn hy hữu ấy ngỡ chỉ đến một lần, không ai nghĩ 42 năm sau, nỗi đau lặp lại lần nữa. Khi đang ghi hình cho một chương trình của đài truyền hình phát sóng dịp tết, bà nhận tin chồng qua đời. Họ đã chia tay, nhưng nghĩa vẫn còn. Hơn cả, nghệ thuật vẫn là sợi dây nối vô hình giữa hai tâm hồn nghệ sĩ.
Bà bần thần, không đứng vững trong hậu trường. Một lần nữa, bà phải nén đau thương để gặp khán giả. “Nếu được khóc, được hét lên, thì nỗi buồn cũng vơi bớt phần nào. Khi trẻ, người ta dồn nén cảm xúc tốt hơn. Với người lớn tuổi, điều này rất khó. Nhưng khán giả và sân khấu luôn lớn hơn nỗi đau riêng”, bà tâm sự.

Thời gian như liều thuốc chữa lành những nỗi đau của quá khứ. Bà bảo ở đời không ai được hết. Bà có sự nghiệp kéo dài, nay vẫn được Tổ thương, thì phải bù lại bằng những nỗi đau mất mát. Khi hiểu được quy luật bù trừ của cuộc sống, sẽ tự khắc biết chấp nhận. Gần 70 tuổi, bà vẫn miệt mài làm việc, bởi ngoài con cháu thì công việc là niềm vui để bà khỏa lấp những muộn phiền.

Là tay ngang, nhưng lĩnh vực nào bà cũng có thành quả tốt nhờ ham học hỏi. Xuất thân từ sân khấu cải lương, nhưng quãng đường sau này, bà lại trụ với nghề nhờ phim ảnh. Gia tài màn ảnh của bà đếm không xuể, và vẫn tiếp tục tăng theo tháng năm. “Tôi yêu nghề này đến mức muốn làm gì, tôi cũng cố gắng làm cho kỳ được. Khi bắt tay vào việc, tôi thấy hăng hái, say mê đến lạ lùng, chưa bao giờ muốn nghỉ ngơi”, bà nói.

Bà đùa bảo bà là nghệ sĩ có tuổi, nhưng không có tên, vì rất nhiều lần khán giả nhầm bà với NSND Kim Xuân, NSND Hồng Vân. Ban đầu bà thấy chạnh lòng, sượng sùng, nhưng rồi cũng quen. Họ chỉ biết đến vai diễn của bà. Mỗi khi gặp, đám đông lại xì xầm: “Bà này đóng vai đó ác lắm nè”. Với bà, như vậy đã đủ an ủi cho một kiếp tằm nhả tơ.

Trung Sơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI