Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”

28/04/2021 - 07:29

PNO - Cuộc đời nghệ sĩ Nhứt Dũng trầm bổng du dương cùng khúc ca dân tộc, theo ngọn thì vô cùng, trở về gốc lại có tất cả.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân:“Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”

Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn

Ông nội không cho theo nhạc lễ
Lớn lên trong cái nôi nhạc lễ Cần Đước - Long An, ngay từ nhỏ, nhạc cụ đã trở thành người bạn tri kỷ của Nhứt Dũng. Mỗi lần có đám cúng đình, cúng miễu gần nhà, ông đều lặn lội đi coi cho bằng được. Lên bảy tuổi, ông đã biết đánh trống, gảy đàn. 

“Nhà tôi có truyền thống nhạc lễ. Tuy nhiên, ông nội không muốn tôi theo cái nghề cực khổ này, cho đó là xướng ca vô loài. Nhưng cha tôi lại vô cùng khuyến khích. Chỉ đến khi ông nội mất, tôi mới có thể toàn tâm theo nhạc lễ. Ban ngày đến trường, ban đêm tới đám ma”, ông kể.

Thế nhưng, ít ai biết được, cố giáo sư Trần Văn Khê chính là người phát hiện và thuyết phục gia đình nghệ sĩ Nhứt Dũng cho ông theo đuổi con đường này. Cha của Nhứt Dũng, cố nghệ sĩ Phan Văn Nhứt, hay còn gọi nghệ sĩ Tám Nhứt, là người bạn tâm giao của cố giáo sư Trần Văn Khê. Một lần sang chơi cùng nghệ sĩ Tám Nhứt, thấy chú bé Nhứt Dũng chơi thạo trống cơm, giáo sư đã đặt hy vọng vào cậu bé này. 

Đã có lúc, nhạc lễ Sóng Thần của gia đình Nhứt Dũng nổi danh khắp Sài Gòn. Nghe nhạc lễ Sóng Thần Gò Vấp là ai cũng ưng bụng. Còn với nghệ sĩ Nhứt Dũng, chỉ sau một tháng học kèn, ông đã kiếm được tiền từ công việc thổi kèn. Mà trong giới nhạc lễ, thổi được kèn thì phải biết chơi các nhạc cụ còn lại là gõ mõ, chũm chọe, trống và đàn cò. Mỗi nhạc cụ học ít nhất một năm. Vậy mà nghệ sĩ Nhứt Dũng chỉ mất chưa đến ba năm để thuần thục tất cả. 

Dù được học nhiều thầy, nhưng với nghệ sĩ Nhứt Dũng, cha vẫn là người thầy đặc biệt nhất. Những tháng ngày tập tành cùng cha luôn khắc sâu trong tâm trí ông. Mỗi lần cha lên sân khấu, ông có nhiệm vụ lo liệu phần trống. Không biết nhanh hay chậm, hễ tiếng đàn sân khấu vang lên là mọi thứ đều phải vào vị trí. Lần nào chậm trễ, ông lại bị cha lấy dùi trống gõ vào hai mắt cá chân. Hay những lần đánh trống, tập đờn, vì liên tục đập, vỗ nên mấy ngón tay ông sưng tấy, rồi mưng mủ. Tuy đau, nhưng sau khi chữa hết, ông lại tiếp tục tập luyện cùng cha.

Dày công khổ luyện là thế, nhưng bây giờ, với nghệ sĩ Nhứt Dũng để có được cảm giác đớn đau sau những lần tập luyện như vậy thật khó! Cũng như bao bộ môn nghệ thuật truyền thống khác, nhạc lễ dần dần thoái trào. Chính nghệ sĩ Nhứt Dũng cũng đùa rằng, bây giờ, nếu muốn biết nhạc công ở đâu, làm gì, thì cứ đến đám ma. Ở đó, những bản nhạc da diết như ngân khúc tiễn đưa nhạc lễ. Còn trên sân khấu, nghệ sĩ không còn cần nhạc công nữa, phòng thu đã làm hết nhiệm vụ của nhạc công rồi.

Kỷ niệm trên sân khấu cùng giáo sư Trần Văn Khê
Kỷ niệm trên sân khấu cùng giáo sư Trần Văn Khê

“Đâu còn những người năm xưa hiểu thấu phong vị nhạc lễ. Nhạc công bây giờ nếu không còn đám ma thì cũng khó mà sống được. Mà đám ma ngày nay hiện đại, mấy nhạc cụ truyền thống xưa đâu còn ai mặn mà. Người ta chỉ thích nhạc mới, bày vẽ tùm lum. Thậm chí vài người chơi nhạc lễ còn không biết đàn cò, trống bồng là gì. Buồn hơn là đã qua rồi cái thời nghe thầy giỏi thì tìm đến mà học. Bây giờ, có đi năn nỉ cũng không ai học. Con mình thì không nối nghiệp mình, học trò thì chưa tìm được đứa nào ưng ý. Đó là trăn trở lớn nhất của tôi lúc này”, ông bộc bạch.

Nhạc lễ vượt đại dương

Ngoài dàn nhạc lễ của gia đình, tên tuổi Nhứt Dũng còn vụt sáng trên những sân khấu khác, mỗi màn trình diễn là một kỷ niệm đáng nhớ với ông.

“Tôi nhớ hoài buổi biểu diễn đầu tiên ở nước ngoài năm 1994 tại Pháp. Đó là vở Ông Jourdain ở Sài Gòn cùng với thầy Trần Minh Ngọc. Ngoài tôi là nhạc công cùng Văn Môn, Văn Hai, đoàn còn có Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Hồng Dung và Thành Lộc. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy sân khấu đông như vậy. Hay một điều là mọi người rất ý thức, đoạn nào vỗ tay là vỗ tay, hầu như không có nhiều tiếng động, tiếng ồn nào khác. Khi vở diễn kết thúc, không bao giờ chúng tôi chào một lần, người ta còn vỗ tay thì mình còn cúi chào đến khi nào khán giả dừng thì thôi”, ông kể.

Ông cũng nhớ chuyến lưu diễn cùng Ea Sola - một người con đất Việt sinh sống tại Pháp. Theo kế hoạch, đoàn sẽ lưu diễn tại 17 nước, kết hợp giữa múa đương đại và âm nhạc dân tộc. Tuy không đi hết hành trình, nhưng ông rất tự hào. Thanh âm Việt trong vở diễn vang vọng trên sân khấu quốc tế, không chỉ khẳng định bản sắc dân tộc, mà còn là niềm tự hào âm nhạc Việt Nam chẳng thua kém đất nước nào.

Thế nhưng, có lẽ màn trình diễn độc tấu trống trên sân khấu UNESCO tại Pháp là kỷ niệm chẳng bao giờ phai mờ của nghệ sĩ Nhứt Dũng. Đó là chuyến lưu diễn phục vụ bà con kiều bào tại Pháp. “Lúc đó, tôi được yêu cầu biểu diễn một tiết mục solo trống trong khi chờ nghệ sĩ vào thay đồ. Tôi nhanh trí dùng bài Lý ngựa ô để trình diễn, và chỉ được thực hiện trong vòng năm phút. Vậy mà khán giả quá hào hứng, khiến tiết mục của tôi kéo dài thành 10 phút, rồi 20 phút, đến nỗi Lệ Tứ bên trong cánh gà chỉ biết đứng chờ. Hội trường 2.000 người reo hò. Tiết mục ngẫu hứng đâu ai ngờ lại được xem là tiết mục đinh”, ông nhớ lại.

Nhắc lại những kỷ niệm lưu diễn, không chỉ ôn lại những câu chuyện sân khấu, mà còn rất nhiều câu chuyện khác nghệ sĩ Nhứt Dũng luôn ghi nhớ. Ông cho biết tại thời điểm đó, dù được kiều bào vô cùng mến mộ, nhưng ông nhất quyết không bao giờ nhắc đến hai chữ “cát-sê”. Được phục vụ cho đồng bào, mang âm nhạc truyền thống sang Âu châu mới là hạnh phúc vô bờ bến của ông. 

Lần khác, năm 1994, cả đoàn lưu diễn đi siêu thị ở Pháp. Ông mặc nguyên bộ đồ màu đen và bị lọt vào tầm ngắm của cảnh sát vì tưởng nhầm ông là lực lượng khủng bố.  

Cũng chính năm 1994, khi sang Pháp, ông gặp lại giáo sư Trần Văn Khê. Ban đầu, giáo sư không nhớ ông, nhưng sau khi giới thiệu là con của người bạn Tám Nhứt, cả hai mới ôm chầm lấy nhau. Cũng chính nhờ thầy Khê, mà ông mới có tiết mục độc tấu trống cơm đáng nhớ năm nào. Sau đó, mỗi lần về Việt Nam, thầy Khê đều gọi Nhứt Dũng sang chơi.

“Một năm trước khi thầy mất, thầy gọi tôi sang nhà. Tôi tưởng thầy muốn làm chương trình gì nên hăm hở chạy qua. Nào ngờ thầy dặn khi thầy mất, tôi phải đem dàn nhạc qua phục vụ tang lễ cho thầy. Tôi ghẹo thầy ít nhiều phải sống với tụi con chục năm nữa. Tôi còn hứa: thầy yên tâm, dù có chuyện gì đi nữa, con cũng sẽ phụng sự thầy. Sau này tôi mới biết, đó là hôm thầy lập di chúc, và có tên tôi trong đó”, ông kể.
Những kỷ niệm cùng nhạc lễ vượt đại dương luôn đau đáu trong tâm trí ông. Vẫn biết hào quang của sân khấu luôn thuộc về nghệ sĩ, nhưng với Nhứt Dũng, được cống hiến là mãn nguyện rồi. 

“Đúng là khi nhìn lên sân khấu, người ta chỉ biết có nghệ sĩ biểu diễn. Còn phần mình, tôi chẳng bao giờ đố kỵ hay tủi thân, chỉ biết phải làm tốt, và được gọi đi diễn là mừng lắm rồi. Chỉ buồn khi nghĩ rằng, nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa, như thời của chúng tôi từng làm”, ông khẳng định.

Tấn Đồng
 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI