Phía sau hào quang -

NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...

05/05/2021 - 06:26

PNO - Nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật hát bội, cải lương, tài sản quý giá của NSƯT Ngọc Dung có lẽ là những tình cảm giản dị, chân chất mà thâm tình của khán giả

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân:“Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”

Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn

Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”

Năm ấy, trong ngôi nhà ngoại thành chỉ có bộ ván gỗ, nền đất còn bị ngập nước mưa, nữ nghệ sĩ trẻ Ngọc Dung đã đứng trước gương tập hát múa thâu đêm để vào vai Lữ Bố (vở Phụng Nghi Đình). Cho đến giờ, đã mấy mươi năm, ký ức nhắc lại vẫn khiến người nghệ sĩ rưng rưng. Nỗi lo trắng đêm và hạnh phúc tràn mi sau lớp diễn thành công năm ấy, với NSƯT Ngọc Dung là một dấu ấn không thể nào quên, nhắc bà nhớ về những năm tháng tận tụy, sống chết với nghề…

Vào nghề từ thuở lên 5 

Hơn nửa thế kỷ trước, đoàn hát bội Phước Thành của ông bầu Minh Biện thường hát chầu ở đình Vĩnh Hội (nay là đình Xóm Củi, gần cầu Chà Và, thuộc quận 8, TP.HCM) và rạp Phú Nhuận (gần ngã tư Phú Nhuận). Khán giả thời ấy thường mua vé tháng để xem tuồng. Cô bé Ngọc Dung tuổi lên bốn được gửi theo người cô - nghệ sĩ Bảy Giấc, cùng thời với NSND Năm Đồ. Sau hơn một năm được xem hát tuồng, một hôm, nghe cô Bảy nói: “Tối nay sắm quân nghe!”, Ngọc Dung “dạ” thiệt nhanh, không thấy lo lắng hay sợ sệt gì cả. “Sắm quân” có nghĩa là vào vai quân lính, thoại chỉ là những câu cấp báo, kiểu như: “Dạ, phiên bang cử đại hùng binh thần cấp lai phi báo!”, “Dạ có sứ thần lai đáo, thần khẩn cấp 
báo tri”…

Tối đêm diễn, cô bé năm tuổi tự mình hóa trang. Chân mày tự vẽ, dù cao hay thấp, đẹp hay xấu cũng không được bôi xóa, vẽ lại. Luật bất thành văn của đoàn hát bội là vậy. Rồi cũng không biết khuôn mặt tô vẽ của mình có giống “mặt mèo” hay không, bé Dung tự tin vào vai quân sĩ. Đó là năm 1961, lần đầu tiên Ngọc Dung bước lên sân khấu hát bội. Nhưng trong đoàn cũng có nhiều đứa trẻ được sắm quân như vậy, đứa nào lanh lẹ thì tranh được phần ra sân khấu trước. Ngọc Dung lẹt đẹt hay chịu cảnh đi nhặt tiền thưởng khán giả cho. Một người nghệ sĩ - mà Ngọc Dung gọi là cậu Tư Mi - thấy thương quá, viết tuồng có đào con cho Dung hát. Rồi sau đó ông đề nghị bầu Minh Biện lập đoàn đồng ấu Phước Thành, soạn vở cho bọn trẻ con hát bội. Người thầy đầu tiên dạy Ngọc Dung múa đao, siu, múa roi, cỡi ngựa… là cố NSƯT Mười Vàng.

Tuổi 17 của NSƯT Ngọc Dung
Tuổi 17 của NSƯT Ngọc Dung

“Vở đầu tiên tôi đóng chính là Xử án Bàng Quý Phi, vào vai quý phi, lúc đó vừa đẹt vừa sún răng. Vở thứ hai là Nguyễn Huệ bình Thăng Long. Sau đó tôi tiếp tục theo đoàn hát bội Cảnh Xuân của ông bầu Tám Cảnh, hát tại rạp Bà Quẹo” - NSƯT Ngọc Dung nhớ lại. Một ngã rẽ từ hát bội sang cải lương tuồng cổ là khi có “ông giáo Út” - một người thầy truyền nghề mà bà chỉ nhớ danh xưng như vậy - từ Long Xuyên lên Sài Gòn. Ông giáo Út mặc áo bà ba trắng, mang guốc, nhìn rất sang trọng. Ông đề nghị chuyển đoàn đồng ấu từ hát bội qua cải lương tuồng cổ, mỗi tuần một vở mới. Từ đây, cô bé chín tuổi bắt đầu được liên tục hóa thân vào những vai diễn khó trong các vở cải lương tuồng cổ, từ Tống Tửu Đơn Hùng Tín, La Thông Tảo Bắc đến Lê Huê phá hồng thủy trận, Tuyết giao đoạt ngọc… 

Năm 13 tuổi, Ngọc Dung chuyển sang hát ở đoàn Dạ Lý Hương và nổi danh với vở cải lương tâm lý xã hội Lan Huệ sầu ai. NSƯT Ngọc Dung vẫn còn nhớ, khi diễn xong những phân cảnh nội tâm lấy nước mắt khán giả, bước vào cánh gà, bà được nghệ sĩ Bạch Tuyết (NSND Bạch Tuyết) ôm vào lòng, khóc vì thương và xúc động.

Thập niên 1960, 1970 có thể nói là thời hoàng kim của hát bội, cải lương. Đoàn Dạ Lý Hương của ông bầu Xuân đi đến đâu cũng được đông đảo khán giả mộ điệu đón nhận nồng nhiệt. Có lúc thuê xe đi từ Sài Gòn xuống lưu diễn các tỉnh miền Tây, nhưng khi về đoàn có tiền mua xe, mua vàng. Hào quang của Ngọc Dung đã đến sớm như vậy, nhờ thành danh từ khi còn rất trẻ. 

Năm 1972, sau hơn mười năm đi hát, Ngọc Dung chính thức theo học trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ (nay là Nhạc viện TP.HCM). Năm 1974, khi tròn 18 tuổi, Ngọc Dung cùng NSND Đinh Bằng Phi và các nghệ sĩ Kim Ngà, Kim Thanh, Ngọc Khanh được chọn đi dự Đại hội Thanh niên Thế giới tại QuéBec, Canada và biểu diễn trích đoạn Thần nữ dâng ngũ linh kỳ. 

“Có những điều muốn để lại, cũng không được"

Cách đây vài hôm, khi NSƯT Ngọc Dung vào quán ăn, đang ngồi cái dáng “nước lụt” dân dã như lời chị nói, thì một bà cụ tóc bạc trong quán cứ nhìn nhìn. Rồi bà sai con cháu ra hỏi nhỏ: “Cô có phải là nghệ sĩ Ngọc Dung không?”. Người nghe vô cùng bất ngờ, gật đầu mà vẫn còn chưa hiểu vì sao người lạ lại nhận ra mình. Bao nhiêu năm đi hát, Ngọc Dung nói ít khi nào ra đường để khán giả biết. Bởi vì, người nghệ sĩ hát bội chỉ cần được khán giả yêu thích những vai diễn trên sân khấu. Nào ngờ, bà cụ tóc bạc hôm ấy vui mừng nói: “Mèng ơi, hồi đó tôi tốn nước mắt với cô lắm!”. 

Lữ Bố - vai diễn áp lực của NSƯT Ngọc Dung những năm thập niên 1990
Lữ Bố - vai diễn áp lực của NSƯT Ngọc Dung những năm thập niên 1990

Nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật hát bội, cải lương, tài sản quý giá của NSƯT Ngọc Dung có lẽ là những tình cảm giản dị, chân chất mà thâm tình đến như vậy. Cũng nhờ có tình cảm này mà mấy mươi năm trước, bà đã vượt qua được một trong những vai diễn áp lực nhất trong nghiệp diễn xuất của mình: vai Lữ Bố trong vở Phụng Nghi Đình (diễn tại rạp Thủ Đô, cùng gánh hát toàn nữ ban - do NSND Phùng Há thành lập). “Mình hát bội giờ qua cải lương, vai diễn bị cắt một đoạn hay, rồi lại hát sau cả những nghệ sĩ nổi tiếng, làm sao mà dám hát? Ra sân khấu cũng bị khán giả đuổi vào thôi…”.

Những ray rứt khiến lòng không yên, nữ nghệ sĩ đã thức trắng đêm để tập luyện vai Lữ Bố. “Khi ra sân khấu, vừa diễn động tác đảo mắt, tôi vừa để ý xem có khán giả nào phản đối mình. Không nghe thấy gì là mừng. Rồi cảm giác như lúc đó, có một sức mạnh vô hình giúp tôi nâng cây kích trên tay, diễn như có ai nhập. Kết thúc lớp diễn nghe vỗ tay rần rần tôi mới thở phào, mừng rỡ. Thanh Thanh Tâm đứng bên cánh gà xem, tôi vừa diễn xong, Tâm ôm chầm lấy tôi, nước mắt chảy dài. Lúc đó mới biết mình tên gì, đã diễn thành công và được yêu thương” - NSƯT Ngọc Dung bồi hồi. 

Bà luôn vượt qua tất cả những thử thách của nghề, từ khi còn nhỏ tuổi cho đến lúc thành danh, từ vai phụ đến vai chính, từ hát bội sang cải lương, thậm chí thử thách mình với nghệ thuật múa lân và rạng danh khi trở thành nữ nghệ sĩ múa lân nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam vào những năm thập niên 1970. Ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành trở thành nơi tập luyện, “tri kỷ” là tấm gương soi chứng kiến hình ảnh người nữ nghệ sĩ trẻ cháy hết mình với những vai diễn, suốt 60 năm…
“60 năm ăn cơm Tổ, đền ơn Tổ, nhìn lại nghệ thuật hát bội nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung, tôi thấy nghề rộng dài như sông như biển. Có học suốt đời cũng không bao giờ đủ. Bây giờ mỗi ngày tôi cũng phải học, rồi mình có nhiều kinh nghiệm thì đóng góp chút sức, truyền lại nghề cho các em” - NSƯT Ngọc Dung tâm sự. 

NSƯT Ngọc Dung vẫn đang tiếp tục truyền nghề, truyền lửa cho thế hệ trẻ
NSƯT Ngọc Dung vẫn đang tiếp tục truyền nghề, truyền lửa cho thế hệ trẻ

Hát bội bây giờ nếu có, cũng chỉ được diễn ở đình trong các mùa lễ kỳ yên. Khuôn mặt nghệ sĩ tuồng sau này tô vẽ nhiều, còn năm xưa đơn giản chỉ có ba màu: trắng, đen và hồng. Phấn được nấu bằng vôi, nấu cho đến khi nước trong veo, chắt bỏ nước đi, phần bột phơi khô, tán ra làm phấn. Màu đen lấy từ lọ đèn dầu đốt suốt một đêm cho bám vào giấy cạc-tông quấn bên trên, rồi cạo lọ ra, sên với dầu dừa. Tẩy trang bằng dầu hỏa hiệu con gà. Đến năm 1985, mỹ phẩm cho nghệ sĩ đã tân tiến, đa dạng hơn. Nhưng cũng thời điểm đó, nghệ thuật hát bội bắt đầu không còn ở thời vàng son nữa. 

…Hơn nửa thế kỷ đã qua đi như cuộc đời của một người nghệ sĩ. Phía sau hào quang còn lại bao nỗi niềm, như câu nói của người nghệ sĩ già: “Đời người chết đi không thể mang theo cái gì, nhưng có những cái muốn để lại cũng không được, như là nghề, là tình yêu và lòng chung thủy đối với nghệ thuật sân khấu cải lương, hát bội”… 

Bùi Tiểu Quyên

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI