Phía sau hào quang

Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn

22/09/2021 - 06:15

PNO - Nghệ sĩ Kim Hiền từng được cố giáo sư Trần Văn Khê dành nhiều lời khen ngợi. Đó là khi giáo sư có dịp xem chị diễn ở Lăng Ông - Bà Chiểu gần 10 năm trước.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Ngày bái sư, Kim Hiền nằm xuống cho thầy đánh ba cây roi: roi thứ nhất để nhắc trò nhớ phải luôn tôn sư trọng đạo; roi thứ hai dạy rằng có hát hay diễn giỏi cũng không được “ta đây”, không coi khinh người hát dở hơn mình; roi thứ ba là lời căn dặn đối với người trong nghề phải luôn biết kính trên nhường dưới. Sau khi trở thành học trò của NSƯT Ngọc Khanh, sự nghiệp của cô đào hát bội miền biển Vũng Tàu đã hoàn toàn bước sang trang mới. 

15 năm kiên nhẫn chờ thời 

NSƯT Ngọc Khanh là giảng viên Khoa Hát bội, Trường Nghệ thuật Sân khấu II (nay là Trường đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM) từ năm 1975. Bà đã đào tạo thành công nhiều thế hệ học trò, trở thành những nghệ sĩ hát bội nổi tiếng. Nhưng có một người mà bà luôn nhắc về như một học trò đặc biệt: nghệ sĩ Kim Hiền - hiện là đào chánh của đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh. Người học trò ấy đến bái sư khi đã ở tuổi 29, trước đó là đào chánh của đoàn nghệ thuật tuồng cổ Minh Sen (Vũng Tàu).

Những năm về sau, khi đoàn hát tuồng cổ Ngọc Khanh biểu diễn trong các dịp lễ Kỳ yên, khán giả có thể được xem những hóa thân của nghệ sĩ Kim Hiền qua các vai diễn: Lưu Kim Đính, Hồ Nguyệt Cô, Đào Tam Xuân, Phàn Lê Huê, Tô Đắc Kỷ… Nữ nghệ sĩ có chất giọng rất tốt, vũ đạo nhuần nhuyễn, thể hiện tinh thần khí chất của từng nhân vật và lối diễn đầy cảm xúc.

Nghệ sĩ Kim Hiền cùng người thầy của mình - NSƯT Ngọc Khanh (phải) - trong dịp ngày giỗ Tổ sân khấu năm 2015
Nghệ sĩ Kim Hiền cùng người thầy của mình - NSƯT Ngọc Khanh (phải) - trong dịp ngày giỗ Tổ sân khấu năm 2015

Kim Hiền từng được cố giáo sư Trần Văn Khê dành nhiều lời khen ngợi. Đó là khi giáo sư có dịp xem chị diễn ở Lăng Ông - Bà Chiểu gần 10 năm trước. Ngồi ở hàng ghế khán giả, ông chú ý đến từng điệu bộ, nhịp hát, biểu cảm của cô đào trên sân khấu. Cuối buổi diễn, ông bước lên sân khấu cầm tay Kim Hiền dành lời khen tặng. Giáo sư nói với NSƯT Ngọc Khanh rằng bà đã có được một học trò xuất sắc, ngoài giọng hát rất hay thì diễn xuất của Kim Hiền cũng vô cùng ấn tượng, những thăng trầm trong cuộc đời, tâm cảm của nhân vật đều được nữ nghệ sĩ thể hiện có hồn. 

“Sau đó thầy Ngọc Khanh có đưa tôi đến thăm nhà giáo sư, lĩnh ngộ rất nhiều điều ông gửi gắm. Tôi vẫn còn nhớ mãi, giáo sư nói rất muốn đưa đoàn Ngọc Khanh sang Ý biểu diễn. Nhưng sức khỏe ông đã không cho phép…” - nghệ sĩ Kim Hiền bùi ngùi. Cuộc gặp gỡ với giáo sư Trần Văn Khê cũng là kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghệ thuật của chị. Lời khen năm ấy ở lại như một dấu ấn với nghề. Nhưng để có được một ngày vui như vậy, là đổi lấy biết bao năm dài học hỏi không ngừng nghỉ, cố gắng bằng niềm đam mê dành cho hát bội “không thể lý giải nổi” của nghệ sĩ Kim Hiền. Chị, có lẽ cũng như tất cả các nghệ sĩ của đoàn hát bội Ngọc Khanh, xem sân khấu là thánh đường, những vai diễn là tình yêu, là sự sống. 

Năm Kim Hiền 14 tuổi, hát bội vẫn còn thuở vàng son. Khi ấy, cô bé theo đoàn Minh Sen, suốt bốn năm chỉ ngồi cánh gà xem các nghệ sĩ biểu diễn, có được ra sân khấu cũng chỉ ở vai trò quân sĩ, đi nhặt tiền khán giả cho hoặc hơn một chút là “đi thày” (cầm quạt đi sau đoàn rước lễ trong nghi thức cúng đình). Đó là vào những năm cuối thập niên 1980.

Nhà nghèo, không thể vào thành phố học nghệ thuật bài bản, Kim Hiền cứ học lóm người đi trước, tự mày mò ca diễn, tự bắt chước hóa trang. Rồi cũng được lên sân khấu, hát những vai nhỏ được nhận thù lao là 7.000 đồng/suất. Sau đó lên vai thứ rồi vai chính, thù lao được tăng lên 70.000 đồng/suất. Nghệ sĩ Kim Hiền tâm tình: “Thu nhập ít ỏi như vậy, nhưng tôi vẫn hát vì quá mê nghề.

Nghệ sĩ Kim Hiền
Nghệ sĩ Kim Hiền

Soạn giả Hữu Lập - người thường soạn tuồng cho tôi hát - có lần nói: “Con hãy thử bước ra bên ngoài mở mang tầm mắt, để tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn”. Năm 2000, mẹ tôi có dịp đi xem đoàn Ngọc Khanh diễn, mới gặp và xin trưởng đoàn cho tôi theo hát. Và cũng chính khi ấy tôi mới biết, mình còn rất nhiều thiếu sót, trách sao được đi diễn bao nhiêu năm vẫn cảm giác mình đang dậm chân tại chỗ”.

Sau nghi thức bái sư, NSƯT Ngọc Khanh dành một tháng tập trung dạy lại vũ đạo, điệu bộ, cả cách hóa trang sân khấu cho Kim Hiền. Từ đào chánh đoàn Minh Sen, khi qua đoàn Ngọc Khanh, suốt gần hai năm, Kim Hiền chỉ được giao vai tì nữ. Ở tuổi 29 và đã có 15 năm hoạt động trong nghề, bước chuyển đổi này khiến chị như trở lại vị trí ban đầu. “Có nhiều lúc thấy buồn thấy nản, nhưng thầy nói chưa thể giao vai chính cho tôi được. Thầy chuyên tâm truyền dạy cho tôi tất cả những vai diễn mà thầy từng thể hiện xuất sắc trên sân khấu, dạy từng cử chỉ điệu bộ, từng lời nói, để tôi lĩnh ngộ và luyện tập cho thuần thục. Mãi về sau này, nhìn lại tôi mới hiểu rằng, duyên may gặp gỡ NSƯT Ngọc Khanh cũng chính là cơ hội mà Tổ nghiệp đã ban tặng để tôi được đi tiếp, được hóa thân trọn vẹn với nghề” - nghệ sĩ Kim Hiền bộc bạch. 

Dù chỉ là một khán giả, vẫn cháy hết mình trên sân khấu

Nhưng cũng như hoa quỳnh nở muộn, thời điểm Kim Hiền vững vàng với nghề và đủ sức tỏa sáng trên sân khấu, lại là lúc hát bội đã qua thời vàng son. Mỗi năm chỉ có được mùa rộn ràng nhất là mùa hát chầu vào những dịp lễ Kỳ yên, biểu diễn trong các nghi thức cúng đình. Nhiều suất diễn theo nghi thức cúng đình vào lúc bốn giờ sáng, canh khuya có những người nghệ sĩ lặng lẽ hóa trang, nâng niu vẽ mặt, chăm chút từng đường nét. Nhưng rồi khi bước ra sân khấu biểu diễn, nhìn xuống bên dưới chỉ có một khán giả là người đánh trống chầu.

“Đó là những lúc thấy lòng mình tê tái, nhưng đã hóa thân thành nhân vật rồi, tất phải cố gắng để tròn vai. Dù bên dưới chỉ có một khán giả đi chăng nữa, thì trên sân khấu người nghệ sĩ vẫn cháy hết mình. Càng ít khán giả mình càng phải hát, phải diễn làm sao cho không khí thật sinh động” - nghệ sĩ Kim Hiền nói. 

NS Kim Hiền trong vở San Hậu
NS Kim Hiền trong vở San Hậu

Nhưng bù lại, vẫn còn những nơi chốn như đình Phú Nhuận, Lăng Ông - Bà Chiểu (TP.HCM) luôn có đông khán giả đến xem hát bội. Vẫn còn những người trẻ yêu thích bộ môn nghệ thuật này và tiếp tục thế hệ ông bà, cha mẹ gìn giữ một giá trị vàng son. Và những người nghệ sĩ dẫu biết nghề vất vả vô cùng, vẫn dành cho sân khấu tình yêu tha thiết, thủy chung. Kim Hiền cũng như nhiều nghệ sĩ khác trong đoàn Ngọc Khanh, dù điểm diễn có xa xôi đến mấy, đều lặn lội đến cùng nhau, để lại được hóa thân, để được khóc cười với vai diễn. 

“Cứ bước ra sân khấu là không còn biết mình là ai nữa” - câu nói này, hình như người viết đã được nghe từ những chia sẻ tận đáy lòng của các nghệ sĩ hát bội. Với nghệ sĩ Kim Hiền cũng vậy, không biết bao lần bị thương trên sân khấu, nhưng rồi lần nào vào vai cũng “cháy hết mình” như thể đó là vai diễn sau cùng. Chị kể có lần té xe bị gãy chân, đầu gối còn hai chiếc đinh ốc để cố định xương, nhưng khỏe lại là tập đi, tập múa và diễn cả lớp chạy gối liên tục ba suất liền vở Lưu Kim Đính sát tứ môn. Có lúc quá nhập vai mà bị bong gân, hay những khi độc diễn suốt một giờ đồng hồ để rồi ngất xỉu ngay khi màn nhung khép lại…

Đời nghệ sĩ cho đến lúc về chiều, tài sản không có gì quý giá hơn ngoài những vai diễn. Nghệ sĩ Kim Hiền còn gìn giữ được kỷ niệm với nghề bằng những bộ trang phục, mũ mão cân đai… Chị diễn được cả vai đào lẫn kép, đào thương lẫn đào võ, và mỗi vai diễn đều cố gắng dành dụm may một bộ phục trang cho riêng mình. Mỗi suất diễn được nhận thù lao là 600.000 đồng, Kim Hiền để dành hai mùa chầu thì may được một bộ trang phục.

Thời gian qua, dịch bệnh kéo dài khiến sân khấu không thể hoạt động, Kim Hiền nói ít hôm nữa, chị sẽ hóa trang vào các nhân vật nhờ con trai chụp ảnh kỷ niệm cho đỡ nhớ nghề. Còn mãi trong tâm thức chị là thanh âm của những vở diễn: Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Đắc Kỷ Trụ Vương, Cửu Nhĩ Phi Long, Lưu Bị cầu hôn giang tả… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI