Nghệ sĩ ưu tú Phi Điểu: Người mẹ hiền của màn ảnh nhỏ

23/11/2021 - 06:07

PNO - Dù đời hay phim, nghệ sĩ Phi Điểu vẫn giữ lối sống nhẹ nhàng, vô tư, sóng gió bên ngoài chưa bao giờ khiến tâm bà nao núng. Bà bảo vì sớm quen với lối sống tự lập từ nhỏ, cuộc đời lại trải qua thời bom đạn khốc liệt, nên khi đối diện với những trúc trắc về sau, lòng bà luôn bình thản mà đón nhận.niềm vui... bận rộn tuổi già.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

 

 

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc 

Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh

Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ

Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh

Bài 32: Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời

Một sáng tháng 11 trời trong, tôi gặp nghệ sĩ Phi Điểu tại nhà của bà - căn nhà khá bề thế nằm trong con hẻm thuộc quận 3, TP.HCM. Nghệ sĩ Phi Điểu niềm nở và cho hay, nhờ đoàn phim dời lịch quay hình ngay phút cuối, nên bà trống lịch buổi sáng, nếu không, có lẽ tôi phải đợi đến vài hôm, bởi ngay sau đó, bà đi quay phim liền tù tì ba ngày.

Ở tuổi gần 90, nghệ sĩ Phi Điểu trẻ trung, yêu đời và bận rộn hơn nhiều nghệ sĩ cùng thời. Bà cho biết các đoàn phim, các chương trình nghệ thuật, game show hay các nghệ sĩ khác vẫn mời bà đều đặn để đóng phim hay đóng minh họa cho MV ca nhạc. Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ sĩ Phi Điểu xem việc “đắt sô” của mình là niềm vui, bởi còn được mời là bà biết mình còn giá trị, có thể cống hiến nhiều hơn với khán giả. Tính bà tự lập, và sự tự lập ấy được đồng nghiệp, người thân ngưỡng mộ.

Nghệ sĩ Phi Điểu thường đảm vai người mẹ tảo tần, lam lũ
Nghệ sĩ Phi Điểu thường đảm vai người mẹ tảo tần, lam lũ

“Nhiều người thấy xót xa cho tôi khi ở tuổi này còn tự chạy xe máy đi làm, tự lo mọi thứ để đến phim trường. Không biết phải nói sao để mọi người hiểu, tôi có con cái, cũng không phải quá thiếu thốn để lựa chọn các hình thức di chuyển tốt hơn. Chỉ là, tôi thích cảm giác mình chủ động làm mọi chuyện khi có thể, không thích phiền hà tới ai. Việc tự chạy xe cũng duy trì cho tôi phản xạ với các tình huống, giúp bản thân bớt ù lì, trì trệ. Hiện tôi có thể tự đi xe tới các điểm đến dưới 10km, còn xa hơn sẽ có xe của đoàn phim đến đón, hoặc tôi đi taxi”, nghệ sĩ Phi Điểu chia sẻ.

Với nghệ sĩ Phi Điểu, sự bận rộn tuổi già không chỉ đến từ các công việc ngoài nghệ thuật, mà còn do bà đang công tác trong một số tổ chức của phường, quận như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc... Bà bảo thời trẻ vốn hoạt động sôi nổi trong các phong trào, lại biết nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau, nên dù lớn tuổi vẫn còn được trọng dụng.  

“Nếu không có lịch quay phim, tôi cũng không ngơi việc, vì tham gia các hoạt động từ phường cho đến quận. Sự bận rộn này khiến tôi vui, vì bản thân còn có thể cống hiến. Tôi cảm ơn ông trời đã cho tôi sức khỏe, sự tỉnh táo, minh mẫn để có thể làm nhiều việc. Tôi cũng muốn cảm ơn nghề vì cho tôi cái duyên diễn xuất, để tới tuổi này còn được đóng phim với các con, cháu. Vì biết ơn nên tiền đóng phim tôi dành dụm để làm từ thiện, trước là để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ngay trong gia đình, dòng họ, sau còn dư mới dùng hỗ trợ vài trường hợp mà tôi biết tới”, nghệ sĩ Phi Điểu tâm sự. 

Người mẹ hiền của màn ảnh nhỏ

Gương mặt hiền lành, giọng nói chân chất, thật thà của nghệ sĩ Phi Điểu giúp bà được nhận nhiều vai người mẹ hiền lành, lam lũ, chịu thương chịu khó. Điều này giúp bà định hình một hình tượng nhân vật quen thuộc trong lòng khán giả. Tuy nhiên, sự tìm tòi, sáng tạo làm mới nhân vật cũng được bà dành nhiều tâm huyết, nhằm tránh sự rập khuôn nhàm chán.

Ở tuổi 90 NS ƯT Phi Điểu vẫn miệt mài với nghệ thuật
Ở tuổi 90 NSƯT Phi Điểu vẫn miệt mài với nghệ thuật

“Nếu khán giả theo dõi kỹ sẽ thấy trong từng vai diễn, dù cùng là người mẹ hay về sau đóng vai bà, tôi đều có những cách thể hiện khác nhau. Trong nghệ thuật, tôi không có bí quyết diễn xuất, chỉ có kinh nghiệm được đúc kết qua từng dự án, sau khi quan sát mọi người thực hiện. Tôi biết mình không quá giỏi, không quá nổi trội, nhưng tôi có thể làm nhiều thứ từ ca hát, nhảy múa, diễn xuất, dẫn chương trình nhờ được đào tạo khá bài bản khi còn trẻ, lúc hoạt động trong quân ngũ hay về sau - thời điểm công tác trong Đài tiếng nói Việt Nam” - nữ nghệ sĩ nói thêm. 

Dù bén duyên với phim ảnh chuyên nghiệp khá muộn, nhưng đến nay, cũng đã hơn 30 năm nghệ sĩ Phi Điểu xuất hiện trên truyền hình. Bà góp mặt trong Blouse trắng, Thụy Khúc, Bên đường lá đỏ, Hạnh phúc mong chờ, sitcom Ngũ long công chúa... và nhiều sản phẩm MV, phim quảng cáo. Trong quãng thời gian cống hiến hết mình cho màn ảnh nhỏ, nghệ sĩ Phi Điểu nói cột mốc nghệ thuật quan trọng nhất là bộ phim Blouse trắng (kịch bản: Nguyễn Mạnh Tuấn, đạo diễn: Mỹ Hà), dài 70 tập, ra mắt cuối năm 2002. Bà bảo đó là dự án phim cho người diễn viên cảm giác được cống hiến, bởi kịch bản rất ấn tượng, đến hôm nay vẫn còn nguyên tính thời sự khi nói về lương tâm của người 
thầy thuốc.

“Năm 1991, sau khi tạm dừng công việc tại Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, tôi đảm nhận công tác bên phường. Một ngày nọ, tôi gặp lại đạo diễn Đào Bá Sơn và được đồng nghiệp thuyết phục đi đóng phim, tôi cũng ngập ngừng nhận lời. Ngày trước, khi còn ở Hà Nội, Đào Bá Sơn biết tôi từng hoạt động văn nghệ rất tốt, nên nói nếu tôi không tiếp tục tham gia nghệ thuật thì sẽ thật đáng tiếc. Tôi nhận lời và bắt đầu đóng một số vai nhỏ trước khi tham gia Blouse trắng. Sau đó, vì đam mê diễn xuất, tôi giảm bớt công việc bên phường, chuyên tâm cho phim ảnh nhiều hơn”, nghệ sĩ Phi Điểu cho biết.

Nếu ví sự nổi tiếng của nghệ sĩ như ánh sáng của một vì sao, thì vì sao mang tên nghệ sĩ Phi Điểu không sáng rực rỡ như nhiều diễn viên trẻ đương thời. Mà vầng sáng ấy trầm lặng, nhẹ nhàng nhưng bền bỉ theo thời gian. Với nghệ sĩ Phi Điểu, việc nổi tiếng trong thời đại công nghệ không khó, bởi có nhiều cách để gây chú ý. Nhưng với nghệ thuật, sự nổi tiếng phải dựa trên thực lực là chính, tức thông qua khả năng diễn xuất, chất lượng kịch bản, tác phẩm. Còn nổi tiếng nhờ phát ngôn hay ngoại hình thì đó là sự nổi tiếng ảo, dễ khiến người trẻ nhận thức sai lầm về vị trí của họ trong nghệ thuật.

Thời thanh xuân sôi nổi

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nghệ sĩ Phi Điểu - khi đó còn là cô bé 14 tuổi, tên thật Phi Phi - hăng hái tham gia phong trào yêu nước. Đến năm 17 tuổi, cô thiếu nữ có bí danh hoạt động là Phi Điểu bị quân địch bắt giam, tra khảo dã man. Sau vài năm ngồi tù, đến năm 1954, Phi Điểu được thả và lên đường tập kết ra Bắc. Sau đó bà vào Đoàn văn công Nam bộ và được đào tạo từ hát, diễn xuất, múa. Sau một thời gian, vì muốn hoạt động chuyên nghiệp hơn, các đoàn chia lại các loại hình nghệ thuật, không làm theo dạng tổ hợp nữa. Lúc đó, bên nghệ thuật cải lương ít người nên nghệ sĩ Phi Điểu được chuyển qua, dù bà chưa thật giỏi ca. Cho đến năm 1956 Đoàn cải lương Nam bộ được thành lập. Thời gian này, nghệ sĩ Phi Điểu kết hôn với nhạc sĩ Phan Nhân và trong vòng năm năm, cả hai có với nhau hai người con. 

Trước đây, nghệ sĩ Phi Điểu từng là nghệ sĩ múa, giảng dạy cho nhiều lứa học trò
Trước đây, nghệ sĩ Phi Điểu từng là nghệ sĩ múa, giảng dạy cho nhiều lứa học trò

Sau này, để chăm lo cho các con tốt hơn, nghệ sĩ Phi Điểu xin chuyển về làm việc ở Đài tiếng nói Việt Nam, còn nhạc sĩ Phan Nhân vẫn tiếp tục công việc sáng tác, biểu diễn. “Từ Sài Gòn ra Hà Nội và lại trở về phương Nam mất đến 21 năm, nhưng khoảng thời gian ấy nhanh như một cái chớp mắt. Đó là những năm tuổi trẻ sôi nổi và vui tươi nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ mãi giây phút bất ngờ gặp lại ba tôi tại rạp Hồng Hà, sau giờ diễn. Trước đó, ông tưởng tôi đã chết sau khi bị địch bắt, còn tôi không nghĩ có ngày gặp lại cha mình, bởi đã tham gia chiến đấu thì xác định không hẹn ngày về. Chính chiến tranh rèn cho tôi sự gan dạ, lì lợm, để về sau, tôi đối diện với mọi tình huống trong cuộc sống một cách bình thản, nhẹ nhàng”, nữ nghệ sĩ  nói thêm.

Gần 90 năm cuộc đời được nghệ sĩ Phi Điểu kể một cách vắn tắt để giúp người nghe có thể hiểu về các thời đoạn lịch sử mà bà đã trải qua. Còn đời thật, mọi thứ đâu giản đơn như cơn gió lùa qua khe cửa. Đó là năm tháng hành quân không biết mệt mỏi trên đường mòn Hồ Chí Minh, là khi thấy tấm lưng nóng rát vì bom rơi ở khoảng cách cực gần, là lúc xuôi ngược các nẻo đường để hát cho đồng bào nghe, là ngày làm cật lực nhưng luôn tranh thủ bên cạnh hai con yêu nhiều nhất có thể... Những năm tháng cực khổ nhưng đáng sống ấy làm nên một nghệ sĩ Phi Điểu của ngày hôm nay - một người luôn sống chủ động, tự lập với trái tim luôn thổn thức, giàu tình cảm và vị tha. 

Diễm Mi

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI