Ca sĩ Ngọc Ánh: Nếu quá tròn vẹn, lại không phải là đời

16/11/2021 - 07:31

PNO - Con đường sự nghiệp của ca sĩ Ngọc Ánh thuận lợi hơn so với nhiều đồng nghiệp. Chị bước lên đỉnh vinh quang chỉ trong thời gian ngắn, và cũng ít khi gặp trắc trở. Và dường như, may mắn đã buộc chị phải đánh đổi một thứ gì đó.

LTS: Phía sau ánh đèn sân khấu rực rỡ, sau những vai diễn ông hoàng bà chúa áo xiêm lộng lẫy, những nhân vật đầy quyền uy, ma lực… người nghệ sĩ cũng có những số phận, nỗi niềm riêng. Đôi khi, số phận của người nghệ sĩ trong đời thực còn phong ba, thăng trầm gấp bội những nhân vật mà họ thể hiện. Thành công của người nghệ sĩ bao giờ cũng được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu và sự tận hiến cho nghệ thuật. Như con tằm rút ruột nhả tơ, có người may mắn thành công ngay từ những vai diễn đầu tiên, nhưng cũng có người đi gần nửa hành trình nghệ thuật mới nhận ra đâu là thế mạnh, khả năng thực sự của mình. Nhưng ở vị trí, vai trò nào, người nghệ sĩ cũng luôn có một ước mơ cháy bỏng: Được sống với sân khấu, với vai diễn đến hơi thở cuối cùng. 

Phía sau hào quang còn biết bao câu chuyện chưa kể về cuộc đời, nỗ lực của người nghệ sĩ. Từ số báo này, Báo Phụ Nữ TP.HCM sẽ “kể lại” những câu chuyện vui buồn, trăn trở, khát vọng của những người đã tận hiến đời mình, để mang lại niềm vui, nụ cười và cảm xúc đẹp cho công chúng. 

Bài 1: Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân: “Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời…”
Bài 2: NSƯT Thoại Mỹ: Có vinh quang mấy cũng không quên thuở cơ hàn 
Bài 3: Nghệ sĩ Nhứt Dũng: “Nhạc lễ khó mà vượt đại dương lần nữa”
Bài 4: NSƯT Ngọc Dung: Nghề rộng dài như sông như biển...
Bài 5: Họa sĩ thiết kế Lê Trường Tiếu: Tuổi xế chiều trôi đi cùng năm tháng
Bài 6: Nghệ sĩ xiếc Phi Vũ: Bội lần gian nan, bội phần vinh quang
Bài 7: NSƯT Trường Sơn: Đêm nằm chiêm bao, vẫn thấy mình được hát 
Bài 8: Thời xa vắng của nghệ sĩ Thanh Hiệp

Bài 9: NSƯT Phượng Loan: Hạnh phúc khi mình “biết đủ”!

Bài 10: Nghệ sĩ Hồng Nga: Người mẹ trên sân khấu và đời thật

Bài 11: NSƯT Phượng Hằng và làn hơi “huyền thoại”

Bài 12: Ngọc Hương, ái nữ gánh xiếc lẫy lừng Sài Gòn một thuở: Không bao giờ hối hận dù mẹ “vẽ” cuộc đời

Bài 13: NSND Thanh Vy: Nàng Xê Đa trẻ mãi

Bài 14: NSND Thanh Hải: Đời thầy đờn như khúc nhạc nỉ non

Bài 15: Nghệ sĩ Công Minh: Người thờ hai Tổ

Bài 16: NSƯT Ngọc Nga: Rưng rưng nhớ tuổi vàng son với nghề…

Bài 17: NSƯT Hùng Minh: Đời cầm ca là những khúc quanh

Bài 18: Nghệ sĩ Mai Thanh Dung: Hạnh phúc và những bước ngoặt của đời này là số phận…

Bài 19: NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Bài 20: Nghệ sĩ Bạch Long: Nước mắt phía sau nụ cười...

Bài 21: NSƯT Thanh Nguyệt: Đời như một ánh trăng trong

Bài 22: NSƯT Thanh Điền: “Tôi mang ơn nghề mãi mãi”

Bài 23: NSƯT Hữu Danh: Người mong “nối liền mạch” nghệ thuật truyền thống

Bài 24: Nghệ sĩ Kim Hiền: Tài sản quý giá của người nghệ sĩ là những vai diễn:

Bài 25: NSND Thu Hiền: Tiếng hát đi qua đạn bom

Bài 26: Nghệ sĩ Quốc Nhĩ: “Tiếng trống Mê Linh” còn vọng mãi

Bài 27: NSƯT Phương Hồng Thuỷ - Bên trời hạnh phúc 

Bài 28: Nghệ sĩ Lê Thiện: Sau những ngày mưa, trời lại cao xanh

Bài 29: NSND Thanh Hoa: Đời có nốt cao, sao có thể thiếu nốt trầm

Bài 30: Nghệ sĩ Hồng Sáp: Đời ai cũng từng rực rỡ

Bài 31: Diễn viên Hải Lý: Đời yên bình sau những khúc quanh

Những đêm diễn đổi đời

“Tôi tin vào sự sắp xếp của số phận. Tôi sinh ra là để hát”, nữ ca sĩ mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Niềm tin ấy đã nhen nhóm trong lòng cô bé Ngọc Ánh từ hồi sáu tuổi, cách đây mấy mươi năm. Gia đình chị có chiếc ti vi nhỏ, mỗi lần đài phát ca nhạc, Ngọc Ánh lại hát theo. Thời đi học, Ngọc Ánh tham gia hầu hết chương trình văn nghệ của lớp, trường, rồi chinh chiến các giải lớn, nhỏ cấp quận, thành phố. Ước mơ làm ca sĩ lớn dần. Nhưng đời nghệ sĩ quá nhiều truân chuyên nên gia đình chị không an tâm. Ngọc Ánh phải vào giảng đường đại học.

Biết em gái liều lĩnh, bướng bỉnh, anh trai chị phải viết thư gửi từ chiến trường về, khuyên can chị không được chọn nghề hát. Sau khi anh hy sinh, chị càng không muốn làm trái ý người đã khuất. Nhưng hình ảnh các ca sĩ Nhã Phương, Bảo Yến, Trang Kim Yến… được treo trang trọng nơi Nhà hát Hòa Bình cứ bám lấy chị. Ngọc Ánh luôn mơ một ngày mình cũng được như thế. 

Chân dung Ngọc Ánh ngày xưa
Chân dung Ngọc Ánh ngày xưa

Học xong, chị trở thành một nhân viên ngân hàng. Cuối năm 1985, đoàn nghệ thuật của khu giải trí Tân Bình được mời đi biểu diễn ở Rạch Giá (Kiên Giang). Một ca sĩ bị bệnh, chị được gọi để bổ sung. Ngọc Ánh mừng như cá gặp nước. Sau bốn đêm diễn tại đây, Ngọc Ánh tiếp tục được mời hát ba đêm khi trở về Sài Gòn. Có một sự thôi thúc khiến chị quyết định nghỉ việc, theo đuổi nghiệp ca hát. 

Ngọc Ánh ký hợp đồng một năm với đoàn nghệ thuật. Chị cùng ba ca sĩ hát mở màn, rồi chờ đến hết sô để hát chào kết. Ở giữa chương trình, chị lại được hát một bài đơn ca nếu ngôi sao không đến kịp. Bấy nhiêu cũng đủ để vui. Hình ảnh ca sĩ Nhã Phương xuất hiện, khán giả vỗ tay không ngớt theo chị vào cả giấc mơ. Đó là khoảnh khắc đẹp nhất mà Ngọc Ánh ao ước một lần có được. 

Và ngày ấy đến sớm hơn chị nghĩ. Một đêm diễn nọ, các ngôi sao không đến kịp. Ngọc Ánh lên hát để kéo giờ. Mùa xuân từ những giếng dầu với âm hưởng disco, rồi Trị An âm vang mùa xuân mang phong cách soft rock lần lượt vang lên với chất giọng khỏe, đầy nội lực như thổi một làn gió mới lên sân khấu. Chị hát đến bài thứ ba, khán giả vẫn hò hét, cổ vũ không ngừng. Khi chuẩn bị chia tay, khán giả lại yêu cầu chị hát tiếp. Lần đầu tiên, Ngọc Ánh có cảm giác sống trên sân khấu như một ngôi sao. Đêm đó chị không ngủ được.

Tên tuổi Ngọc Ánh tiến một bước thật dài chỉ sau một đêm. Chị trở thành một trong những ca sĩ có sức ảnh hưởng tại sân khấu này. Hết hợp đồng, nhờ tiếng lành đồn xa, Ngọc Ánh “oanh tạc” cả ba sân khấu của bà bầu Quỳnh Dao, ban nhạc rock Đại Dương và một vũ trường tại trung tâm TP.HCM. Nhìn vóc dáng nhỏ bé của chị, ít ai nghĩ chất giọng cất lên lại vang vọng đến như thế. Ngọc Ánh thời bấy giờ như một gam màu lạ chấm phá lên đời sống âm nhạc. Nơi nào có chị xuất hiện, không khí cũng rộn rã, đầy sức sống.

Ngọc Ánh và con gái
Ngọc Ánh và con gái

Tình thương bù lại những mỏi mệt

Năm 1989, sau một đêm diễn tại Hà Nội, chị được mời thu âm ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cái tên Ngọc Ánh gây tiếng vang khắp cả nước. Suốt nhiều năm liền, đi đâu người ta cũng nghe giọng ca này.

Thành danh với nhạc rock, nhưng Ngọc Ánh hát nhạc quê hương cũng rất tình. Người ta có thể mê mệt Ngọc Ánh qua chuỗi bài hát tiếng Anh sôi động, thì cũng có thể yêu một Ngọc Ánh với Anh Ba Hưng dí dỏm, đầy tình cảm. Nữ ca sĩ tâm sự: “Chỉ trong thời gian ngắn, tôi đã có vị trí tốt trong làng nhạc. Tôi may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp, bởi từ lúc khởi đầu cho đến khi bước lên đỉnh vinh quang, chỉ đi một đường thẳng. Tôi luôn biết ơn Tổ nghiệp đã chọn tôi, và cho tôi gặp đúng người, đúng lúc”. 

Những đêm chạy chín đến mười sô, mỗi nơi hát từ hai tới ba bài trở thành chuyện bình thường với chị. Chuyện nắng mưa, trái gió trở trời, sức khỏe đôi lúc cũng bị ảnh hưởng. Nhưng càng mệt bao nhiêu, chị lại càng hát sung sức bấy nhiêu. Để khi bước vào sân khấu, mồ hôi chảy đầm đìa váy áo, nhưng cũng là lúc sự mệt mỏi thể xác cũng biến mất từ khi nào không hay. Diễn một vòng các sân khấu ở trung tâm thành phố, sau đó Ngọc Ánh cùng anh trai phi xe thật nhanh đến công viên Phú Lâm, đến Hóc Môn. Diễn xong lại nhảy lên xe hơi đi Long An, Tiền Giang… Có hôm, chị về đến nhà đã ba bốn giờ sáng. 

Sàn sân khấu ở tỉnh thường lót bằng gỗ, trên trải thảm. Lúc nào diễn, Ngọc Ánh cũng sung sức, nhảy, lăn đủ kiểu. Có lần, lưng chị đập mạnh vào những tấm ván gỗ. Cơn đau thấu xương nhưng chị vẫn cố gắng hát hết bài mới lui vào sân khấu. Cha chị phải mang thuốc ra tận Nha Trang để băng bó cho con gái. Ấy vậy mà đêm sau, Ngọc Ánh vẫn xuất hiện như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Lần nọ, chị nhảy sung quá, sân khấu sập khiến dàn nhạc đổ ầm về phía sau, may mắn là chị vẫn an toàn. 

Tình cảm của khán giả khiến Ngọc Ánh xem nhẹ những rủi ro đó. Những bức thư tay, xin ảnh có chữ ký của Ngọc Ánh được gửi đến nhà chị đếm không xuể, chất đầy một góc nhà. Cả gia đình phải tập trung để xé, đọc thư, rồi gửi hình tặng cho khán giả. Ngọc Ánh ký lên hình đến mỏi nhừ tay, “nhưng đó cũng là lúc tôi hạnh phúc nhất. Đời nghệ sĩ, tình thương của khán giả là vô giá”, chị nói.

Hơn 20 năm trôi qua, bốn đêm diễn tại Đà Nẵng quê chị trước hàng ngàn khán giả đồng hương vẫn in sâu trong tâm trí Ngọc Ánh. Bà con mang chuối, trứng gà, cá đồng… chất đầy trong những chiếc nón lá, đợi xong sô diễn lại dúi vào tay chị. Mấy đêm đó, Ngọc Ánh nhiều lần khóc trên sân khấu. Có nam khán giả âm thầm theo đuổi Ngọc Ánh, đặt lịch chị diễn tại Đà Lạt với cát-sê cao ngất ngưởng. Đêm đó diễn xong, Ngọc Ánh lại nhận được từ anh 1.000 đóa hoa hồng vàng, kèm theo một chiếc đồng hồ đắt đỏ. Nhưng trái tim không sẵn sàng cho một mối quan hệ yêu đương nên chị đành trả lại để vị khán giả này không hiểu lầm tình cảm của mình. 

Đời ai mà tròn vẹn

Ngọc Ánh lập gia đình muộn, khi đã 36 tuổi. Chuyển sang sống ở Mỹ, chị đặt mục tiêu sáu tháng phải tìm được chỗ đứng trong thị trường nhạc hải ngoại. Thần may mắn lại mỉm cười khi chỉ ba tháng sau đó, chị đã chạy sô mệt nghỉ. Năm năm sau, chị và ông xã đường ai nấy đi. Cuộc hôn nhân thứ hai cũng đổ vỡ. Nhưng Ngọc Ánh lại có được một thiên thần nhỏ, khi đã ở vào giai đoạn cuối cùng để có thể có con. “Tính tôi thích mọi việc đều phải hoàn hảo như mong muốn. Vì thế, ở vai trò nào tôi cũng cố gắng hết mình để làm mọi việc tốt nhất có thể”, chị nói.

Liên khúc Lá xanh, Anh Ba Hưng- ca sĩ Ngọc Ánh":

 

 

Nhưng Ngọc Ánh cũng sớm nhận ra rằng, chẳng ai có được may mắn tròn vẹn trong cuộc sống. Chị đã có một con đường sự nghiệp hết sức thuận lợi, thì cuộc đời chị phải đánh đổi một điều gì đó. Ngọc Ánh chấp nhận những điều chưa trọn vẹn trong hôn nhân. Chị lại lao vào ca hát. Con gái được gửi về Việt Nam cho cha mẹ chị chăm sóc.Lần nọ, chị về thăm con thì bị con gái ngoảnh mặt không cho ôm vì xa nhau quá lâu, con không còn theo mẹ. Đến khi chị đi, con lại khóc òa, đẩy mẹ ra xa lần nữa. Ngọc Ánh nhận ra đây là lúc chị buộc phải lựa chọn. Chị chọn con, quyết định về Việt Nam ở hẳn.

Để một người mê hát phải từ bỏ dần những cơ hội tốt, thật không dễ dàng. Nhưng đâu chỉ là ca sĩ, Ngọc Ánh còn là một người mẹ. Trách nhiệm đó thiêng liêng và cần được làm tròn. Sau mấy chục năm miệt mài với sân khấu, Ngọc Ánh đã có những bữa cơm bên cha mẹ, được nhìn con gái lớn lên từng ngày. 

“Tôi không nghĩ nhiều về hôn nhân nữa. Giờ đây tôi đã có quá nhiều thứ. Tất cả đều nhờ con đường ca hát mang lại. Việc tôi có thể làm tốt nhất là mang tiếng hát này, cống hiến cho khán giả đến khi nào không hát được nữa thì thôi. Nếu đời quá tròn vẹn, lại không phải là đời”, chị tâm sự. 

Thành Lâm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI