Nỗi lo chăm sóc người cao tuổi ngày càng lớn

23/05/2023 - 06:01

PNO - Giữa lúc tình trạng già hóa dân số xảy ra tại nhiều quốc gia, vấn đề chăm sóc người cao tuổi trở thành nỗi lo không chỉ của nhiều gia đình mà là của cả xã hội.

Áp lực lớn

Cô Tammy La Barbera ở bang California (Mỹ) đang chăm sóc người mẹ 90 tuổi - bà Ada La Barbera - được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ cách đây 5 năm. Những tháng gần đây, tình trạng của bà Ada xấu đi khiến cô Tammy phải bỏ việc để toàn tâm chăm sóc mẹ. Cô chia sẻ: “Tôi không có ai giúp và tôi biết tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Người phụ nữ 53 tuổi muốn đưa mẹ vào một cơ sở chăm sóc có thể kiểm soát những cơn bộc phát bệnh của mẹ nhưng lại không đủ tiền. Theo báo cáo năm 2020 của AARP - tổ chức tập trung vào các vấn đề ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi - khoảng 53 triệu người trưởng thành ở Mỹ đang là người chăm sóc chính cho thân nhân của họ, tương tự như hoàn cảnh của Tammy.

Khi dân số ngày càng già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi càng cao đối với nhiều gia đình  (trong ảnh: Một nhóm người già ở Hồng Kông) - ẢNH: GETTY IMAGES
Khi dân số ngày càng già hóa, gánh nặng chăm sóc người cao tuổi càng cao đối với nhiều gia đình (trong ảnh: Một nhóm người già ở Hồng Kông) - Ảnh: GETTY IMAGES

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), bà Pingping - 71 tuổi - đã một mình chăm sóc người chồng 87 tuổi suốt gần 30 năm kể từ khi ông mắc bệnh mất trí nhớ. Ông dễ nổi giận, thường xuyên gây gổ với bà khiến những người hàng xóm của họ phàn nàn. Bà Pingping đã gửi ông đến 2 cơ sở chăm sóc người cao tuổi trong khoảng hơn 1 năm nhưng cả 2 đều yêu cầu đón ông về vì những người khác than phiền. Vợ chồng bà sống nhờ khoản trợ cấp an sinh xã hội hằng tháng khoảng 8.000 HKD (24 triệu đồng). Bản thân bà Pingping cũng mắc bệnh tiểu đường và luôn phải lo lắng cho sức khỏe của chính mình. Áp lực trong việc chăm sóc chồng khiến bà căng thẳng, không thể chợp mắt vào ban đêm, bị rụng tóc và ù tai không dứt. Bà lo lắng: “Chăm sóc chồng đã mệt mỏi lắm rồi. Sau này ai sẽ chăm sóc cho tôi đây?”.

Bà Pingping nằm trong số hơn 1 triệu người Hồng Kông đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn về thể chất và tinh thần khi phải chăm sóc người già hoặc người nhà bị bệnh nặng. Trong những trường hợp cực đoan, những người chăm sóc đã nghĩ quẩn, tự sát hoặc tấn công những người mà họ chăm sóc.

Các nhân viên xã hội và chuyên gia về vấn đề gia đình đều đồng ý rằng những hỗ trợ của chính quyền còn hạn chế và thiếu các chính sách lấy người chăm sóc làm trung tâm. Họ cảnh báo rằng tình trạng dân số đang già đi nhanh chóng càng làm tăng tính cấp bách của vấn đề. Bà Angie Chan Hiu-yuen - Giám đốc dịch vụ gia đình và cộng đồng tại Hội đồng Dịch vụ xã hội Hồng Kông (HKCSS) - cho biết: “Nếu chúng ta không có một bộ chính sách toàn diện cho những người chăm sóc thì sẽ có nhiều người không thể chịu đựng được căng thẳng gia tăng và nhiều bi kịch hơn sẽ xảy ra”. Một nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hồng Kông (PolyU) công bố năm 2022 cho thấy những người phải chăm sóc thân nhân lâu dài có liên quan đến bạo lực gia đình nhiều hơn. 

Nhiều gia đình cần sự hỗ trợ

Là giáo viên trong suốt 20 năm, bà Ada La Barbera có lương hưu mỗi tháng. Cô Tammy dùng số tiền đó cùng với khoản tiền an sinh xã hội hằng tháng của mẹ và tiền tiết kiệm của riêng cô để xoay xở, thanh toán các hóa đơn. Cô Tammy nói: “Khi thu nhập của bạn cố định, bạn không có nhiều lựa chọn”. May mắn, Tammy đã tìm được cho mẹ một trung tâm hỗ trợ xã hội dành riêng cho người mắc bệnh suy giảm trí nhớ.

Cô Tammy giải thích, những chuyến thăm khám được Medicare - chương trình bảo hiểm sức khỏe y tế dành cho những người từ 65 tuổi trở lên tại Mỹ - chi trả. Dù vậy, Medicare không đài thọ chi phí sinh hoạt tại một cơ sở chăm sóc dài hạn. Tiến sĩ Caroline Pearson - tác giả của một nghiên cứu về nhân khẩu học - cho biết hầu hết những người Mỹ có thu nhập trung bình đang ở một tình cảnh nan giải, khi mà họ bị xem là “giàu” nên không thể nhận được bảo hiểm Medicare cho các dịch vụ chăm sóc dài hạn, nhưng thực sự lại “quá nghèo”, không đủ khả năng tự chi trả các chi phí của dịch vụ chăm sóc.

Tại Hồng Kông, các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ dành cho người chăm sóc bao gồm đào tạo kỹ năng, hỗ trợ tinh thần, chia sẻ gánh nặng, hỗ trợ tài chính… Vào tháng 10/2022, Hồng Kông đã công bố một loạt biện pháp gồm trợ cấp thường xuyên cho cá nhân chăm sóc người già và người khuyết tật thông qua quỹ chăm sóc cộng đồng, nâng số tiền lên 3.000 HKD/tháng. Chính quyền cũng thúc đẩy cộng đồng góp sức hỗ trợ nhiều hơn cho những người chăm sóc, tổ chức một chiến dịch nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu của họ. 

Linh La (theo SCMP, CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI