Nỗ lực vì một thành phố sạch, xanh và bền vững

07/12/2022 - 08:16

PNO - Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, trung bình mỗi ngày, trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt, 2.500 - 3.000 tấn rác công nghiệp, 1.500 tấn rác xây dựng, hàng trăm tấn rác thải nguy hại... Và lượng rác thải phát sinh cũng ngày càng tăng theo sự phát triển sản xuất, tốc độ đô thị hóa và sự phát triển dân cư. Điều này khiến công tác thu gom, xử lý chất thải của thành phố đang chịu nhiều áp lực.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (CITENCO) đã và đang đối diện với những áp lực nói trên. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc CITENCO - đã có cuộc trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM về những nỗ lực của đơn vị trong việc chung tay giải bài toán về rác thải. Ông Nhựt nói: 
- CITENCO là một doanh nghiệp công ích trực thuộc UBND TPHCM, cũng là một trong những đơn vị chủ lực hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, bao gồm quét dọn vệ sinh; thu gom, vận chuyển, xử lý các loại chất thải từ sinh hoạt, xây dựng, y tế, công nghiệp, chất thải nguy hại; rút hầm cầu, hủy hàng và các dịch vụ vệ sinh môi trường khác... Trong nhiều năm qua, công ty đã không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ tiên tiến, các phương tiện, thiết bị hiện đại, đủ năng lực đáp ứng và phục vụ trọn gói các dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Nhưng trong những năm gần đây, do tốc độ đô thị hóa nhanh, quy mô dân số tăng 200.000 người/năm, làm cho lượng chất thải phát sinh cũng tăng theo, khiến công tác vệ sinh môi trường ngày càng nặng nề, gây áp lực không nhỏ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nói chung và công ty nói riêng. 

Công nhân vệ sinh thu gom rác ở TPHCM
Công nhân vệ sinh thu gom rác ở TPHCM

Phóng viên: Đã không ít lần ông khẳng định quan điểm của CITENCO: “gỡ khó” cho hoạt động môi trường nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế, nhưng cũng phải đảm bảo yếu tố “xanh” và “bền vững”?
Ông Huỳnh Minh Nhựt: Đó là một trong những mục tiêu mà CITENCO kiên trì hướng đến. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài việc nỗ lực dọn dẹp vệ sinh đảm bảo chất lượng môi trường cho thành phố, hoàn thiện năng lực trong các hoạt động, chúng tôi đã không ngừng đổi mới phương tiện, thiết bị công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Chúng tôi cũng luôn chủ động, đi đầu trong việc áp dụng các mô hình mới, áp dụng các công nghệ hiện đại, có giải pháp tích cực nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, công ty còn thực hiện nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh như thiết kế xây dựng, sửa chữa và thi công các công trình chuyên ngành vệ sinh môi trường; tư vấn lập các dự án đầu tư, phát triển ngành vệ sinh công cộng thành phố; thiết kế, thi công và vận hành các công trình xử lý chất thải rắn; hỏa táng, địa táng; thực hiện các dịch vụ vệ sinh cho các cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện; thực hiện kinh doanh xà bần, dịch vụ san lấp mặt bằng. 

Đặc biệt, công ty đang đề xuất UBND TPHCM cho phép triển khai dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác sinh hoạt từ chôn lấp hợp vệ sinh sang đốt phát điện công suất 1.000 tấn/ngày tại bãi chôn lấp số 3 - khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, huyện Củ Chi. Dự án có quy mô 4,15ha và công suất xử lý 1.000 tấn/ngày bằng công nghệ đốt rác phát điện. Việc xin đầu tư dự án nằm trong chủ trương của thành phố nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu “nâng tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%”. 
 

Công ty CITENCO ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực môi trường với Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM
Công ty CITENCO ký kết hợp tác chiến lược trong lĩnh vực môi trường với Trường đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM

* Nhưng thưa ông, việc xây dựng một môi trường xanh - sạch đâu phải chỉ một mình CITENCO thực hiện?

- Đúng! Đây là chuyện của toàn thành phố, của mọi người, mọi nhà. Tuy nhiên, trong hoạt động của mình, CITENCO tự nhận thấy trách nhiệm với thành phố, với cộng đồng. Cho nên, một mặt chúng tôi nỗ lực nâng chất lượng hoạt động như đã nói. Mặt khác, chúng tôi còn liên kết với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước để triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, chúng tôi còn tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các dự án cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn thành phố. Công ty đã phối hợp với Tập đoàn Hitachi Zosen thực hiện dự án thử nghiệm lên men khí metan từ chất thải hữu cơ công suất 300 tấn/ngày. Dự án nhằm mục tiêu đánh giá khả thi đối với việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện lên men khí metan từ chất thải rắn hữu cơ sau phân loại từ chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của thành phố.
 Không dừng lại ở đó, công ty đã cùng Công ty TNHH Giải Pháp Năng Lượng Công Nghệ Xanh (GES) hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại, chất thải y tế, xử lý bùn và các loại chất thải khác cho cả khu vực miền Nam. 

Trước đó, công ty đã cùng Tổ chức Asia Society for Social Improvement and Sustainable Transformation (ASSIST) và các đơn vị liên quan hợp tác triển khai dự án “Phát triển thị trường nhựa tái sinh sau tiêu dùng”. Dự án hướng tới 3 mục tiêu: thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào thị trường nhựa tái sinh, lan tỏa mô hình nền kinh tế nhựa mới vào khu vực tư nhân và cuối cùng là lên kế hoạch và thiết kế mô hình nhà máy tái chế nhựa sau 
tiêu dùng.

* Ông kỳ vọng gì vào sự liên kết, hợp tác giữa CITENCO với các đơn vị khác trong việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường?

- Có thể khẳng định, từ các chương trình liên kết, cộng đồng đã “được” rất nhiều, nhất là trong việc truyền thông về mối nguy hại của rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường. Phần đông người dân đã hiểu được những nguy hại từ rác nên ý thức hơn trong việc phân loại rác và gìn giữ môi trường. Nhiều điểm đen về rác đã được xóa bỏ và thay vào đó là công viên, sân tập thể dục thể thao. Việc phân loại rác tại nguồn cũng có nhiều tín hiệu khả quan… Có thể nói, với sự nỗ lực của mình và sự hợp lực với các tổ chức môi trường, doanh nghiệp trong việc chung tay bảo vệ môi trường cho TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, chúng tôi kỳ vọng sẽ mang lại ngày càng nhiều hơn mảng xanh cho thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050 - mà Việt Nam đã cam kết tại hội nghị COP26 cùng 150 quốc gia trên thế giới.  

* Xin cảm ơn ông. 

Nhiều nhà đầu tư muốn tham gia xử lý rác sinh hoạt

* Có ý kiến cho rằng, lĩnh vực xử lý rác sinh hoạt rất hấp dẫn đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước?
- Đó là một thực tế, bởi rác là tài nguyên, là nguồn nguyên liệu sản xuất của nhiều ngành sản xuất, nhất là trong bối cảnh “thương mại xanh” đang là xu hướng bắt buộc trên toàn cầu. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất phải có trách nhiệm báo cáo kế hoạch phát triển bền vững của mình và cả những doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Yếu tố phát triển bền vững không dừng lại ở phạm vi đảm bảo an toàn cho môi trường trong quá trình sản xuất mà còn phải có trách nhiệm thu hồi, tái chế chất thải phát sinh sau tiêu dùng. Đây cũng là yếu tố tất yếu để tài nguyên rác sẽ không bị lãng phí, đồng thời tăng khả năng tái sinh tài nguyên rác thành điện sạch, tái chế thành các vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất thay thế…  Riêng với TPHCM, khả năng tái chế rác thải cần tận dụng tối đa lợi thế để giảm chi ngân sách, tăng hiệu quả xử lý môi trường. Riêng lĩnh vực xử lý nước thải và bùn thải cũng rất hấp dẫn nhà đầu tư, nhưng vì chưa ban hành đơn giá chuẩn cụ thể nên khó cho doanh nghiệp tiếp cận.

Nghi Anh (thực hiện)

 

Nguồn: MTĐT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI