Eunice Foote: Nhà khoa học khí hậu nữ đầu tiên của thế giới bị lãng quên

17/07/2020 - 16:08

PNO - Không phải Tyndall, chính Eunice Foote mới là người đầu tiên dự đoán được tác động của khí thải nhà kính đối với khí quyển trái đất.

Khi nói đến khoa học khí hậu hay hiện tượng trái đất nóng dần lên, người ta thường nghĩ ngay đến nhà vật lý học người Ireland John Tyndall (1820-1893), người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành khoa học khí hậu, sau một phát hiện của mình vào năm 1859. 

Tuy nhiên, mãi đến năm 2011, người ta mới chính thức công nhận rằng 3 năm trước khi John Tyndall công bố báo cáo khoa học của mình, có một nhà khoa học nữ, một nhà đấu tranh vì quyền phụ nữ đã dự đoán được tác động của khí thải nhà kính đối với khí quyển trái đất. Người phụ nữ đó chính là bà Eunice Foote.

Nhà tiên phong nghiên cứu biến đổi khí hậu
Eunice Newton Foote sinh ra ở Goshen, Connecticut, Mỹ vào ngày 17/7/1819 trong một gia đình nông dân. Bà là một trong những thế hệ học sinh nữ đầu tiên ở Mỹ được học bài bản về khoa học ở trường Troy Seminary. Ở thời điểm đó, trường Troy Seminary là trường đầu tiên ở Mỹ dạy học sinh nữ chương trình khoa học. Tại đây, cùng với kỹ năng thực hành thí nghiệm khoa học - Troy Seminary cũng là trường đầu tiên trên thế giới có phòng thực hành thí nghiệm dành riêng cho sinh viên - bà cũng được dạy về bình đẳng giới: phụ nữ là những người bạn đồng hành của đàn ông chứ không phải chỉ là vệ tinh xoay xung quanh họ. 

ccc xxx
Eunice Newton Foote (17 /7 /1819 - 30 /9/1888)

Bà đọc nhiều tập san dành cho các nhà khoa học thế kỉ thứ XIX, và nhanh chóng có hứng thú nghiên cứu ảnh hưởng của bầu khí quyển đối với nhiệt độ của trái đất. Để thực hiện nghiên cứu này, bà dùng 2 ống thí nghiệm đơn giản bằng thủy tinh cùng kích cỡ có chứa nhiệt kế. 1 ống đựng đầy không khí và 1 ống rút hết không khí. Khi chúng ở cùng một nhiệt độ, đặt 2 ống nghiệm ra ngoài nắng.  

Nhờ thí nghiệm đơn giản này, Eunice Foote đã cô lập các chất cấu thành trong bầu khí quyển trái đất, từ đó khám phá ra khí CO2 là loại khí sẽ thay đổi nhiệt độ thành nóng nhất dưới bức xạ mặt trời. 

Thế nhưng giới khoa học thời đó lại hoàn toàn im lặng trước nghiên cứu của bà. 

Tìm lại sự công bằng cho Eunice Foote

Mãi đến năm 2011, Ray Sorenson, một kỹ sư địa chất về hưu ở Oklahoma, Mỹ mới tình cờ khám phá ra báo cáo của Eunice Foote được đăng trên một bản in của tờ Khám phá Khoa học Thường Niên năm 1857. Sorenson thậm chí còn viết hẳn một bài báo về phát hiện đặc biệt này, từ đó thu hút sự chú ý của công chúng về công trạng của bà. Ông cho rằng, việc báo cáo khoa học của bà Eunice Foote đã được đọc bởi một người đàn ông khác tên là Joseph Henry trong cuộc họp hàng năm của Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ AAAS vào năm 1856, nhưng không được chính thức xuất bản vào năm đó, cho thấy một sự phân biệt đối với nhà khoa học nữ ở thời điểm đó. 

CCC xxx
Bài báo khoa học của E. Foote đăng trên tờ  Khám phá Khoa học Thường Niên năm 1857

Sau khi Ray Sorenson công bố về phát hiện của mình về Eunice Foote, các cuộc tranh luận đã diễn ra trong giới khoa học giữa Châu Âu và Mỹ, về việc ai mới là người đầu tiên đặt nền móng cho khoa học khí hậu và cả khí tượng học. Là tiến sĩ, nhà vật lý đã nổi tiếng từ trước với nhiều phát minh khoa học John Tyndall hay người phụ nữ vô danh trong giới khoa học Eunice Foote. 

Dù vậy, vào tháng 2/2019, Tổ chức danh tiếng Royal Society, đã công nhận rằng Eunice Foote mới là người đầu tiên vào năm 1856 chứng minh kết luận tương tự với John Tyndall về hiệu ứng khí thải nhà kính. 

Bị lãng quên, do lịch sử hay giới tính? 

Bài báo cũng phân tích một số lý do bà Eunice Foote không được giới khoa học hàn lâm ở cả Mỹ và Châu Âu đón nhận. Một phần là vì ở thập niên 1850, giới khoa học Mỹ được đào tạo bài bản và công nhận từ các trường đại học lớn ở Châu Âu khá ít. Đặc biệt là trong lĩnh vực vật lý. Ví dụ năm 1870, trong số 75 người tự nhận là nhà vật lý học, chỉ có 2 người được quốc tế công nhận là Benjamin Franklin và Joseph Henry - người đã đại diện đọc báo cáo của Eunice Foote tại Hội nghị khoa học năm 1856. 

Bên cạnh việc mất liên lạc thường xuyên giữa các nhà khoa học ở 2 châu lục, bà Eunice Foote lại gặp bất lợi vì bà là phụ nữ. Thời điểm đó rất hiếm có phụ nữ được bầu làm thành viên chính thức của Hiệp hội Vì sự tiến bộ khoa học Mỹ - AAAS và vai trò của phụ nữ đối với giới học giả vẫn còn khiêm tốn. Dù phải chịu nhiều bất lợi trong thời đại của mình, nhưng niềm đam mê và nghiên cứu về vật lý của bà Eunice Foote hoàn toàn ấn tượng không chỉ đối với giới khoa học hiện đại. Giáo sư Joseph Henry, người đã thay mặt đọc báo cáo của bà vào năm 1856, bắt đầu bằng câu nói độc đáo: “Trong khoa học, không có sự giới hạn về quốc gia, hay giới tính. Và vị trí xã hội của người phụ nữ không chỉ bị giới hạn trong cái đẹp, hữu dụng mà còn có giá trị đối với sự thật”.  

Ngoài nghiên cứu khoa học, Eunice Foote và chồng còn là những nhà hoạt động nổi tiếng vì quyền của phụ nữ. Vào năm 2018, một bộ phim ngắn về bà đã được giới thiệu đến công chúng.

Bạch Kim

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI