Những người ăn xin “màu bạc” ở Indonesia: Cảnh đời cùng khổ vì đại dịch

09/02/2021 - 14:35

PNO - Hiện tượng những người hành khất “màu bạc” xuất hiện quanh thủ đô Indonesia, là bằng chứng mới nhất cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của cơn đại dịch toàn cầu đến đời sống xã hội tại quốc gia này.

Khoảng 8 giờ tối, gần một ngã tư nhộn nhịp ở phía tây Jakarta, 3 người phủ lớp sơn bạc nổi bật từ đầu đến chân đang đứng trên vỉa hè. Mỗi người cầm trong tay một hộp tròn cũng có màu bạc.   

Alfan, 25 tuổi, là một trong số họ. Khi đèn tín hiệu chuyển đỏ, với đôi chân trần, anh lặng lẽ tiến đến phía đám đông vừa dừng xe tại giao lộ. Alfan cúi gập người trong vài giây như để chào “khán giả”, trước khi bắt đầu tạo dáng một bức tượng. Đứng thẳng trở lại, anh giơ tay phải lên trán, làm động tác chào cờ, giữ yên tư thế trong khoảng 1 phút mà không chớp mắt.

Một thanh niên “màu bạc” len lỏi quanh những chiếc xe máy, hỏi xin tiền lẻ từ người tham gia giao thông. (Ảnh: TheGuardian)
Một thanh niên “màu bạc” len lỏi quanh những chiếc xe máy, hỏi xin tiền lẻ từ người tham gia giao thông. (Ảnh: TheGuardian)

Sau “màn trình diễn” ngắn, Alfan cúi đầu chào lần nữa rồi lại gần những chiếc xe máy đang đậu, chìa chiếc hộp tròn anh giữ bên cạnh, hỏi xin ít tiền từ người qua đường.

“Tôi chỉ về nhà khi nào xin đủ tiền. Hôm trước tôi kiếm được 80.000 rupiah (hơn 130.000 VND) trước 10 giờ tối, nên tôi về sớm”, Alfan chia sẻ sau khi quay lại đứng bên vệ đường, kiên nhẫn chờ lượt người dừng đèn đỏ kế tiếp.

Phải chăm nom 2 con nhỏ, Alfan chỉ là một trong số rất nhiều những người hành khất tại thủ đô Indonesia bôi sơn bạc, đóng vai “tượng sống” để cố gắng kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch bệnh. Công việc trước đây của anh – tài xế chở hàng bằng xe tải, không thể tiếp tục giúp Alfan chu cấp cho gia đình, sau khi dịch Covid-19 bùng phát đầu năm ngoái.

Chất màu bạc nhóm người đóng giả tượng như Alfan phủ lên cơ thể, bao gồm hỗn hợp dầu ăn trộn với một loại sơn ánh bạc thường dùng trong ngành in lụa.

“Thứ này khiến tôi rất ngứa ngáy. Tôi bị đau rát khắp da. Người đi đường hay hỏi có phải chúng tôi say xỉn không, do trông thấy mắt chúng tôi đỏ hoe. Nhưng sự thật là loại sơn này khiến mắt chúng tôi bị mẫn cảm”, Alfan giải thích.

3 thanh niên phủ sơn bạc khắp người đứng bên vỉa hè gần một giao lộ lớn. (Ảnh: TheGuardian)
3 thanh niên phủ sơn bạc khắp người đứng bên vỉa hè gần một giao lộ lớn. (Ảnh: TheGuardian)

Thu nhập của Alfan khá ổn định trước khi đại dịch “đổ bộ” vào Indonesia. Chiếc xe tải chở hàng mang lại cho anh nguồn lợi thường nhật khoảng 100.000 – 150.000 rupiah (160.000 – 240.000 VND). Tuy nhiên trong thời kỳ đại dịch, khách hàng trở nên ít ỏi, Alfan kiếm không quá 30.000 rupiah mỗi ngày.

“Số tiền ấy thậm chí không đủ mua sữa cho con tôi. Nên tôi quyết định buổi sáng vẫn chạy xe, buổi tối làm thêm công việc này. Ban đầu tôi khá ngượng khi phải đứng trước đám đông người qua lại. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác”, anh bày tỏ.

“Từ khi xảy ra đại dịch đến giờ, tôi chưa nhận được bất kì hỗ trợ xã hội nào của chính phủ. Tôi phải nghĩ cách nuôi gia đình. Chúng tôi cũng không làm gì sai trái, không ép ai phải đưa tiền. Nếu họ cho tôi ít tiền lẻ, tạ ơn Chúa. Nhưng nếu không có cũng không sao”.

Những người hành khất “màu bạc” xuất hiện trên nhiều đoạn đường đông đúc của thủ đô Jakarta. (Ảnh: TheGuardian)
Những người hành khất “màu bạc” xuất hiện trên nhiều đoạn đường đông đúc của thủ đô Jakarta. (Ảnh: TheGuardian)

Ngapuli Peranginangin, trưởng ban điều hành Văn phòng quản lý xã hội tại trung tâm Jakarta, cho biết: “nhóm người màu bạc” hiện diện quanh thủ đô chính là một trong những minh chứng rõ rệt nhất về sức ảnh hưởng tàn khốc của COVID-19.     

Khi đại dịch bắt đầu gây phương hại đến hoạt động kinh tế nội địa, ước tính đã có 2,67 triệu người Indonesia mất việc làm, theo báo cáo từ Cục Thống kê Trung ương Indonesia - BPS). Tỷ lệ thất nghiệp tại đất nước “vạn đảo” tăng lên mức 7,07%, vào tháng 8/2020, con số cao nhất kể từ năm 2011.

Tháng 3/2020, thời điểm dịch vừa bùng phát nghiêm trọng, Indonesia ghi nhận thêm 1,63 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo, nâng tổng tỷ lệ toàn quốc lên mức 9,78% (tức 26,4 triệu người).

“Nhóm người hành khất phủ sơn bạc là hiện tượng nảy sinh mới đây sau khi dịch COVID-19 xuất hiện. Trước đó, chúng tôi chưa từng thấy họ ở Jakarta”, Ngapuli trả lời tờ báo The Guardian. Ông nói thêm, số lượng người ăn xin dạng này có dấu hiệu giảm thiểu “nhờ sự trấn áp của lực lượng cảnh sát”.

Một phụ nữ mang thai làm công việc hành khất. (Ảnh: Shutterstock)
Một phụ nữ mang thai làm công việc hành khất. (Ảnh: Shutterstock)

Đối diện giao lộ nơi Alfan làm việc, Desi, 25 tuổi, cũng đang tạm nghỉ bên vỉa hè, chờ nhóm “khán giả” khác dừng đèn đỏ. Cơ thể và cả mái tóc được búi gọn gàng của người phụ nữ trẻ đều phủ sơn bạc. Để phụ giúp chồng, một tài xế chở hàng, kiếm thêm thu nhập, Desi quyết định trở thành “người màu bạc”.

“Tôi từng có việc làm ổn định tại một cửa hàng, nhưng lệnh phong tỏa diện rộng trong nội thành khiến người chủ mất doanh thu và buộc phải cắt giảm một số nhân viên, trong đó có tôi. Tôi thử tìm việc ở nơi khác, nhưng nhiều cửa hàng bán lẻ đều rơi vào cùng tình cảnh. Chẳng ai có thể giúp được tôi”, Desi bày tỏ.     

“Tôi đến góc đường này hành nghề từ khoảng 6 giờ chiều, để tránh bị đội cảnh sát trật tự bắt bớ”.

Desi hiểu rõ ảnh hưởng độc hại của hóa chất từ loại sơn công nghiệp phủ lên cơ thể, nhưng vì buộc phải kiếm thêm thu nhập, cô không thể làm gì khác.

“Tôi bị phát ban khắp người. Phải tắm gội thật kĩ mới rửa sạch được chất sơn dính chặt trên da”, Desi nói. “Tôi biết sức khỏe mình đang bị ảnh hưởng, nhưng gia đình tôi cần tiền để trang trải. Tôi có 2 con nhỏ, đứa út mới 3 tháng tuổi. Tôi phải làm mọi thứ vì con”.

Đại diện Cơ quan xã hội, Ngapuli cho biết, lực lượng chức năng đã tìm thấy một số trẻ nhỏ cũng phủ sơn bạc lên người làm công việc hành khất. Ông tin rằng nhóm trẻ em này “tự tổ chức hoạt động, để kiếm tiền tiêu vặt”.

 (Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, Tổng thư ký Hội liên hiệp Phụ nữ Indonesia (KPI) - Mike Verawati, nhận định: những đứa trẻ “rất có thể bị dẫn dụ bởi người lớn”.

“Có dấu hiệu bóc lột trẻ em ở đây”, Verawati nhấn mạnh.

“Tôi nghĩ chính phủ Indonesia phải làm việc với những hội nhóm xã hội địa phương, thiết lập chương trình hỗ trợ trẻ em nghèo, giúp các em có cơ hội tiếp tục học tập, sinh hoạt lành mạnh trong mùa dịch. Chính phủ cần có kế hoạch can thiệp để tình trạng này không tiếp diễn”.

 

Như Y (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI