Những nàng geisha Nhật Bản u sầu vì dịch COVID-19

18/07/2020 - 10:32

PNO - Nghệ thuật geisha của Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với một bước ngoặt lớn, đòi hỏi sự thích nghi với một thế giới hoạt động theo quy tắc giãn cách xã hội.

Ikuko - "chị cả" của quận geisha Akasaka thuộc Tokyo - đến thủ đô để tìm kiếm vận may của mình vào năm 1964, năm đầu tiên Tokyo tổ chức Thế vận hội. Nhưng đại dịch COVID-19 hiện tại khiến cô lo sợ cho nghề nghiệp của mình hơn bao giờ hết.

Số lượng geisha - nổi tiếng với những cuộc trò chuyện dí dỏm, vẻ đẹp và kỹ năng nghệ thuật truyền thống - đã giảm trong nhiều năm, và giờ đây Ikuko cùng các đồng nghiệp đang hoạt động theo các quy tắc xã hội khó xử, sau nhiều tháng không làm việc do tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản.

Những bức ảnh cũ của Ikuko được chụp sau khi cô chuyển đến Tokyo vào năm 1964, lưu giữ tại nhà ở Tokyo, Nhật Bản.
Những bức ảnh của Ikuko, được chụp sau khi cô chuyển đến Tokyo vào năm 1964

Ikuko, hiện 80 tuổi, nói: "Có hơn 400 geisha ở Akasaka khi tôi đến, nhiều đến mức tôi không thể nhớ tên của họ. Nhưng thời thế đã thay đổi”. Những ngày này, chỉ còn lại khoảng 20 người, và không có đủ hoạt động để nhận những người học việc mới.

Sự khắc khổ do đại dịch gây ra dẫn đến tình trạng thắt lưng buộc bụng chung cho xã hội, và nhiều người vẫn ngại dành hàng giờ trong các phòng truyền thống thanh lịch nhưng khép kín, nơi geisha làm việc.

Giao dịch giảm 95% và đi kèm với các quy tắc mới: không rót đồ uống cho khách hàng hoặc chạm vào họ, thậm chí là không bắt tay và ngồi cách nhau 2 mét. Với bộ tóc giả phức tạp, các geisha hầu như không đeo khẩu trang.

Ikuko, một geisha lão luyện, chải tóc giả trong phòng khách khi cô ấy chuẩn bị làm việc tại một bữa tiệc tổ chức ở một nhà hàng sang trọng.
Ikuko - một geisha lão luyện - chải tóc giả trong phòng khách khi chuẩn bị làm việc tại một bữa tiệc ở một nhà hàng sang trọng

Ikuko tâm sự: "Khi bạn ngồi gần khách, bạn có thể trò chuyện bằng tình cảm, niềm đam mê của mình. Còn khi bạn cách nhau 2 mét, cuộc trò chuyện bị phá vỡ".

Geisha không phải là những nghệ sĩ Nhật Bản duy nhất gặp khó khăn. Những người biểu diễn "jiutamai" - một điệu nhảy của phụ nữ cổ đại - cũng như các nghệ sĩ trang điểm, nhà tạo mẫu tóc giả và thợ may kimono, thú nhận rằng họ lo lắng COVID-19 có thể làm xáo trộn thêm nghề nghiệp của họ.

Mitsunaga Kanda - nghệ sĩ trang điểm, và Yurie Hatanaka - nhà tạo mẫu tóc giả, đeo khẩu trang bảo vệ khi họ làm việc với Tokijyo Hanasaki, một vũ công jiutamai.
Mitsunaga Kanda - nghệ sĩ trang điểm, và Yurie Hatanaka - nhà tạo mẫu tóc giả, đeo khẩu trang bảo vệ khi làm việc với Tokijyo Hanasaki - một vũ công jiutamai

Nghệ thuật thoái trào

Mặc dù cố đô Kyoto nổi tiếng với những nàng geisha kiều diễm, Tokyo cũng có sáu quận geisha của riêng mình. Khu Akasaka đã có 120 geisha vào 30 năm trước. Bây giờ toàn Tokyo chỉ có khoảng 230 người.

Những bài học và kimono khá đắt tiền, còn mức lương phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng. Một số kỹ năng, chẳng hạn như chuyện trò dí dỏm, sâu sắc khiến các geisha lớn tuổi như Ikuko đặc biệt được xem trọng, điều đó chỉ có thể đạt được qua thời gian.

Ikuko nói: "Thu nhập của chúng tôi đã giảm xuống không. Tôi có một chút tiếng tăm, nhưng những người trẻ tuổi lại rất khó khăn. Hiệp hội geisha phải giúp đỡ họ tiền thuê nhà".

Koiku, một geisha, chuẩn bị làm việc tại một bữa tiệc sang trọng trong đợt dịch COVID-19.
Koiku - một geisha - chuẩn bị làm việc tại một bữa tiệc sang trọng trong đợt dịch COVID-19

Tất cả các geisha, với tư cách là người làm việc tự do, cũng có thể xin 1 triệu yên (khoảng 9.300 USD) trong các khoản trợ cấp của chính phủ, điều mà Ikuko tin rằng hầu hết đã làm.

Geisha Mayu, 47 tuổi, nói: "Tôi chỉ biết lo lắng. Tôi thường xem qua các bức ảnh, sắp xếp kimono của mình ... Ý nghĩ về một làn sóng lây nhiễm thứ hai thật đáng sợ."

Tuy nhiên, mọi nỗ lực đang được thực hiện. Shota Asada - chủ nhà hàng sang trọng nơi các geisha hoạt động - cho biết: "Chúng tôi sắp xếp mọi thứ trong căn phòng lớn nhất có thể. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giữ cho văn hóa này tiếp tục sống".

Koiku, Mayu, Maki và Ikuko, ăn trưa cùng nhau tại Tokyo.
Koiku, Mayu, Maki và Ikuko, ăn trưa cùng nhau tại Tokyo

Hy vọng cho thế hệ tiếp theo

Koiku sống trong một căn hộ ở Tokyo, thích đọc truyện tranh và chơi với những chú mèo của cô. Nhưng khi buổi tối gần đến, cô vẽ mặt với lớp trang điểm trắng đặc trưng, mặc một bộ kimono lụa xếp lớp và đi làm geisha.

Xuất thân là sinh viên ba lê cổ điển, niềm đam mê với kimono đã đưa cô đến một cửa hàng mà geisha thường xuyên lui tới, cô học việc ở tuổi 28 và là một trong những nữ nghệ sĩ thanh lịch nổi tiếng với sự dí dỏm, xinh đẹp cùng kỹ năng nhảy múa, am hiểu âm nhạc truyền thống.

Mayu, Maki và Koiku luyện tập cho những buổi biểu diễn của mình.
Mayu, Maki và Koiku luyện tập cho những buổi biểu diễn của mình

Cô chính thức trở thành geisha một năm sau đó. Koiku mảnh khảnh, hiện 39 tuổi và mặc một bộ kimono lụa màu xanh lá cây cho biết: "Tôi nghĩ đó là một thế giới mà bạn không thể bước vào trừ khi bạn bắt đầu tập luyện ở tuổi thiếu niên. Tất nhiên điệu nhảy truyền thống của Nhật Bản hoàn toàn khác với múa ba lê và lúc đầu tôi rất khó hoàn thiện. Bây giờ nó vẫn khó đối với tôi".

Dù là một biểu tượng của Nhật Bản, phụ nữ sợ hãi nghề geisha bởi sự khắc nghiệt của đào tạo và các quy tắc truyền thống. Nhưng trong khi Koiku và các "chị em" của mình ở quận geisha Akasaka của Tokyo nói rằng cuộc sống của họ - bao gồm cả giờ khiêu vũ và luyện tập âm nhạc - đòi hỏi nhiều hơn mong đợi, không ai muốn đánh đổi nó lấy bất cứ điều gì khác.

Những nàng geisha dạo bước trên phố sau lớp học nhảy.
Những nàng geisha dạo bước trên phố sau lớp học nhảy

Mayu làm việc tại một khách sạn khi cô quyết định trở thành geisha vào 20 năm trước, nhưng phải đấu tranh để có sự chấp thuận từ cha mẹ. Cô kể: “Cha tôi thực sự không hiểu geisha, ông ấy nghĩ nó giống như buôn bán tình dục. Ông ấy phản đối rất dữ dội đến mức tôi tưởng gia đình tan vỡ. Sau sáu năm tôi mới bắt đầu theo học."

"Khi ông ấy thấy buổi biểu diễn đầu tiên của chúng tôi và tôi làm việc chăm chỉ như thế nào, ông ấy đã vào hậu trường, quỳ xuống và cúi đầu thật thấp để xin lỗi... Bây giờ ông ấy là một fan hâm mộ lớn".

Những ca nhiễm mới cùng nhiều hạn chế xã hội khiến mọi người giảm tương tác với nhau và buộc các geisha phải ở nhà nhiều ngày. Mayu sắp xếp các bức ảnh và kimono của mình, trong khi Koiku - một độc giả cuồng nhiệt - tìm hiểu những cuốn sách mà cô chưa có thời gian đọc, bao gồm cả tác phẩm của họa sĩ truyện tranh huyền thoại Osamu Tezuka.

Tokijyo Hanasaki, một vũ công jiutamai, chụp ảnh đằng sau chiếc laptop trong một buổi trình chiếu nhằm hỗ trợ gây quỹ cho các nghệ sĩ trong đợt bùng phát dịch bệnh.
Tokijyo Hanasaki - một vũ công jiutamai - chụp ảnh đằng sau chiếc laptop trong một buổi trình chiếu nhằm hỗ trợ gây quỹ cho các nghệ sĩ trong đợt bùng phát dịch bệnh

Trong khi các bữa tiệc và tập luyện khiêu vũ dần cải thiện, cả hai cho biết họ muốn hoạt động nhiều hơn và muốn cuộc sống bình thường sớm trở lại.

Mayu nói: "Đôi khi chúng tôi rất bận rộn, chúng tôi luyện tập suốt ngày mà không ngủ, nhưng những lúc đó tốt hơn thế này. Khi bạn có nhiều thời gian, bạn lại không biết làm gì cả".

Linh La (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI