Những đóa hồng thép trên đỉnh Everest

16/10/2022 - 06:00

PNO - Với nhiều phụ nữ chọn gắn bó cùng bộ môn leo núi, khi đam mê thể thao đại diện cho những giá trị sâu lắng hơn, chiến thắng quan trọng nhất là việc họ đã luôn vững bước tiến dẫu phải đối mặt thiên nhiên tàn khốc.

 

(Từ trái qua) Junko Tabei, Phanthog và Wanda Rutkiewicz tại Chamonix - Ảnh: Isabelle Agresti /Outside
(Từ trái qua) Junko Tabei, Phanthog và Wanda Rutkiewicz tại Chamonix - Ảnh: Isabelle Agresti/Outside

Một tấm ảnh màu đặc biệt, do nhà leo núi người Pháp Isabelle Agresti chụp, ghi lại khoảnh khắc quý giá trong lịch sử thể thao. Giữa khung hình, đứng cạnh nhau với nụ cười rạng rỡ là 3 nữ vận động viên leo núi đầu tiên từng chinh phục thành công đỉnh Everest. Dẫu nay đều đã tạ thế, câu chuyện cuộc đời họ ẩn chứa sức hút còn nguyên vẹn, về một ngọn núi hùng vĩ và ý chí tinh thần to lớn không kém của phụ nữ.

Bức ảnh ra đời ngẫu hứng vào tháng 8/1979 ở Chamonix, thành phố nhỏ miền núi thuộc tỉnh Haute-Savoie, đông nam nước Pháp. Junko Tabei của Nhật Bản, Phanthog người Tây Tạng và Wanda Rutkiewicz từ Ba Lan cùng được Trường đào tạo Leo núi và Trượt tuyết quốc gia Pháp mời làm giảng viên một khóa dạy leo núi. Trong cuộc gặp gỡ hiếm có tại Chamonix, 3 nhân vật ưu tú đã hăng say trò chuyện với lớp vận động viên trẻ suốt 3 ngày. 

Henri Agresti, người phụ trách tổ chức sự kiện đáng nhớ này, hồi tưởng: “Đây là một trong những kỷ niệm đẹp nhất của làng thể thao quốc tế”. 

Thách thức núi băng và định kiến

Junko Tabei trong một chuyến leo núi năm 1985 - Ảnh: Outside
Junko Tabei trong một chuyến leo núi năm 1985 - Ảnh: Outside

Tabei, giáo viên piano, tác gia và nhà bảo tồn thiên nhiên, là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử vượt qua độ cao 8.849m của Everest vào ngày 17/5/1975. Bà sinh ra ở Nhật Bản, giữa giai đoạn đói nghèo hậu chiến. Có thân hình nhỏ bé, mảnh mai như nhiều phụ nữ Á Đông cùng thế hệ nhưng Tabei chưa từng chịu khuất phục định kiến vóc dáng. 10 tuổi, bà tham dự một chuyến leo núi do trường tổ chức. Trải nghiệm này về sau đã thay đổi cuộc đời Tabei. 

Ấp ủ giấc mơ leo núi đồng nghĩa bà phải kiên định đối diện rào cản dư luận. Tư duy bảo thủ lúc bấy giờ cho rằng người phụ nữ cần xem trọng trách nhiệm làm vợ, làm mẹ và rằng họ không đủ năng lực thể chất để theo đuổi bộ môn leo núi. 

Khi lên đến đỉnh Everest, Tabei vừa bước sang tuổi 35, với đứa con đầu lòng 3 tuổi do chồng bà ở nhà chăm sóc. Dù kỷ lục nơi “nóc nhà thế giới” trở thành di sản tinh thần đáng tự hào nhất của nữ vận động viên, bà vẫn miệt mài mở rộng những cuộc hành trình. Ngoài Everest, Tabei từng chinh phục 13 ngọn núi khác có độ cao hơn 7.000m. 

Bên cạnh sự nghiệp thể thao, bà có các đóng góp tích cực trong hoạt động bảo vệ môi trường. Tabei giúp dọn dẹp rác thải trên Everest và là tình nguyện viên hỗ trợ nạn nhân trận động đất - sóng thần kinh hoàng năm 2011 tại quê nhà Nhật Bản. Qua đời năm 2016 vì bệnh ung thư ở tuổi 77, nhà leo núi nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều phụ nữ gốc Á, được giới thể thao đồng loạt tiếc thương. 

Chuyên gia phê bình người Mỹ Shannon O’Donoghue Child viết về bà, nhân dịp ra mắt quyển hồi ký Honouring High Places: The Mountain Life of Junko Tabei năm 2017: “Cuốn hút, thông minh nhưng Tabei sống rất khiêm nhường. Bà giữ lòng biết ơn chân thành dành cho mọi người xung quanh, đặc biệt đối với chồng bà - người đã tạo động lực và cùng Tabei dũng cảm đương đầu định kiến xã hội đương thời”.

Cái tên tiên phong nhưng ít được nhắc đến hơn là Phanthog - người lập kỷ lục tương tự chỉ 11 ngày sau Tabei. Bà đồng thời là nữ vận động viên đầu tiên chinh phục Everest từ hướng cao nguyên Tây Tạng. Như Tabei, chặng đường thể thao Phanthog trải qua chứa không ít chông gai.

Lớn lên nơi một vùng nông thôn thiếu thốn thuộc miền đông Tây Tạng, từ 8 tuổi, bà đã phải lao động kiếm sống nhằm đỡ đần gia đình sau khi cha mất sớm. “Mười tiếng mỗi ngày, tôi mang vác gần 35kg hàng hóa băng qua những cung đường núi quanh co của Himalaya” - Phanthog trả lời Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV năm 2009.

Phanthog dẫn đầu đoàn leo núi trong chuyến hành trình khó nhọc lên đỉnh Everest, ngày 27/5/1975 - ẢNH: XINHUA
Phanthog dẫn đầu đoàn leo núi trong chuyến hành trình khó nhọc lên đỉnh Everest, ngày 27/5/1975 - Ảnh: Xinhua 

Đến tuổi đôi mươi, bấy giờ đang làm việc tại một nhà máy, mối duyên tình cờ giúp Phanthog gia nhập Đội tuyển Leo núi Trung Quốc. Với tính cách rắn rỏi, sức khỏe dẻo dai, bà nhanh chóng đạt được hàng loạt thành tích ấn tượng. Năm 1959, Phanthog từng leo núi Muztagh Ata - ngọn núi cao thứ ba (7.509m) ở dãy Pamir, Trung Á.

Bà chính thức đặt chân lên đỉnh Everest năm 37 tuổi, khi đã là mẹ của 3 người con. Trong chuyến đi, khí hậu giá lạnh khắc nghiệt khiến Phanthog mất 3 ngón chân. Dù vậy, bà tự hào chia sẻ: “Gần tới đỉnh núi, tôi quyết tâm không bỏ cuộc vì hành trình này không chỉ cho tôi. Tôi thực hiện nó để vinh danh toàn thể phụ nữ. Tôi muốn chứng minh rằng phụ nữ chúng tôi không thua kém nam giới. Bằng ý chí mạnh mẽ, chúng tôi không chùn bước trước bất kỳ trở ngại nào”. 

Cựu vận động viên đáng kính từng cầm cờ Olympic tiến vào sân vận động trong kỳ Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Bà qua đời sáu năm sau đó ở tuổi 75. 

Khi đam mê hóa thành lẽ sống   

Wanda Rutkiewicz  - ẢNH: SEWERYNBIDZIŃSKI
Wanda Rutkiewicz - Ảnh: Seweryn Bidzinski 

Wanda Rutkiewicz, người phụ nữ thứ ba tạo cột mốc lịch sử tại Everest, để lại nỗi ngậm ngùi riêng với công chúng yêu thể thao. Nhà leo núi vĩ đại của Ba Lan cũng là người Ba Lan đầu tiên tiến đến “nóc nhà thế giới” vào ngày 16/10/1978. Thời điểm ấy, bà 35 tuổi. 10 năm sau, Rutkiewicz trở thành người phụ nữ đầu tiên chinh phục K2 (bắc Himalaya) - đỉnh núi cao thứ hai thế giới có địa thế hiểm trở và chặng leo vô cùng khốc liệt. Năm 1992, ở tuổi 49, bà mất tích bí ẩn trong hành trình lên đỉnh Kangchenjunga - ngọn núi cao thứ ba thế giới. Nếu thành công, bà đã lập một kỷ lục xuất chúng: người phụ nữ đầu tiên ghi dấu chân trên cả 3 đỉnh núi cao nhất hành tinh.

Song song khối thành tựu thể thao nổi bật, Rutkiewicz luôn giàu nhiệt huyết đấu tranh vì bình đẳng giới. Sau một trải nghiệm gây thất vọng, phản ánh thái độ đối xử thiếu công bằng trong ngành thể thao, bà quyết định đứng ra tổ chức các chương trình leo núi chuyên dành cho phụ nữ từ năm 1974. Đông đảo vận động viên quốc tế đã tiếp bước bà, xây dựng nhiều đội leo núi chuyên nghiệp toàn nữ và qua đó, khuyến khích phụ nữ tham gia bộ môn thể thao này. 

Ở đỉnh Kangchenjunga, Rutkiewicz đồng hành cùng vận động viên người Mexico, Carlos Carsolio. Ông là nhân chứng cuối cùng trò chuyện cùng nhà leo núi trước khi bà mất tích. Carsolio kể về chuyến đi định mệnh: “Tôi đến đỉnh núi trước bà ấy, sau khoảng 12 tiếng vất vả lội qua lớp tuyết dày đặc. Tôi hội ngộ Rutkiewicz lần cuối trong một hang nhỏ bà trú tạm ở độ cao 8.300m. Biết thời tiết sắp chuyển xấu hơn nữa, tôi đã cố khuyên bà ấy dừng chân nhưng không được. Tôi hiểu, dù có thể đang đánh cược mạng sống, đây là mơ ước của bà ấy”. 

Giữa lúc Carsolio xuống núi, đồng đội của ông tiếp tục leo cao hơn. Duy Rutkiewicz không bao giờ trở về hay được tìm thấy. 

Từng là kỹ sư máy tính và đạo diễn phim, người phụ nữ gốc Ba Lan nổi tiếng với cá tính thẳng thắn, năng động nhưng không kém phần nhạy bén. Có dịp phỏng vấn Rutkiewicz năm 1989, văn sĩ, nhà leo núi kỳ cựu người Mỹ Jon Waterman tiết lộ: “Bà ấy sắc sảo và mạnh mẽ. Điểm rất đáng quý ở Rutkiewicz là tình yêu chung thủy bà ấy dành cho leo núi”.

Năm 1986, Sharon Wood, nữ vận động viên người Canada đầu tiên đặt chân đến đỉnh Everest, bày tỏ đầy xúc động qua tác phẩm hồi ký Rising: “Đam mê leo núi đã giúp tôi mở ra chân trời mới, thúc đẩy tôi vươn lên, như cách Everest hiện hữu nơi tâm trí tôi luôn luôn, hóa thành một sự tồn tại vĩnh cửu”. 

Với nhiều phụ nữ chọn gắn bó cùng bộ môn leo núi, khi đam mê thể thao đại diện cho những giá trị sâu lắng hơn, chiến thắng quan trọng nhất là việc họ đã luôn vững bước tiến dẫu phải đối mặt thiên nhiên tàn khốc

Như Ý (theo Outside)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI