Những công dân thế hệ Y của Trung Quốc ở lại Đông Nam Á để đón Tết Nguyên đán

16/01/2022 - 19:39

PNO - Không ít người Trung Quốc thuộc thế hệ Y vẫn đang sống “rong ruổi” tại nhiều nước Đông Nam Á trước và ngay trong đại dịch. Năm nay, vì nhiều lý do, họ đã quyết định ở lại đây để đón Tết Nguyên đán.

Đến năm 2017, Trung Quốc đã trở thành là thị trường du lịch lớn nhất của các nước Đông Nam Á. Chỉ trong năm 2018, Thái Lan đã đón hơn 10,5 triệu du khách đến từ nước này. Nhưng tình hình đã thay đổi nhanh chóng khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Do các hạn chế đi lại từ Trung Quốc cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, số lượng du khách Trung Quốc đến khu vực này đã sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, một nhóm người Trung Quốc thuộc thế hệ Y (những người sinh ra trong thập niên 1980 và đầu thập nhiên 1990) vẫn chọn ở lại các nước Đông Nam Á trước cũng như trong đại dịch. Đó là những con người yêu vẻ đẹp thiên nhiên, muốn sống một cuộc sống bình dị cùng người dân bản địa, muốn được tự do đi đây đi đó nhưng theo cách tiết kiệm.

Và Tết Nguyên đán sắp tới, họ cũng sẵn sàng đón một cái tết xa nhà.

Funky Sun Rongfang lớn lên ở Trường Đức, Trung Quốc, nhưng hiện sống ở Bali
Funky Sun Rongfang lớn lên ở Trường Đức, Trung Quốc, nhưng hiện sống ở Bali, Indonesia

Funky Sun Rongfang (họ Tôn), sinh năm 1980, lớn lên ở Trường Đức - một thành phố thuộc tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc - là một trong số đó.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ thời trang Bắc Kinh, Tôn đã có thời gian sống ở Vân Nam (một tỉnh phía tây nam Trung Quốc), Tây Tạng và đảo Lamma của Hồng Kông, trước khi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2009. Tuy nhiên, sau đó cô vẫn sống ở Bắc Kinh cho đến khi bị thu hút bởi Bali, một hòn đảo ở Indonesia.

“Tôi đến Bali lần đầu tiên vào năm 2016 để tham dự một tuần lễ thời trang. 3 năm sau tôi đã trở lại nơi này để đón năm mới, bỏ lại một mùa đông Bắc Kinh lạnh giá. Và kể từ đó tôi đã ở lại đây”, Tôn kể lại. Hiện, cô đang sống tại thị trấn nổi tiếng Ubud ở Bali.

Khi đại dịch COVID-19 xảy ra tại quê nhà, Tôn đã không khỏi lo lắng cho người thân của mình. “Tôi gọi điện cho mẹ thường xuyên để chắc chắn rằng bà vẫn ổn”, Tôn cho biết.

Đại dịch bùng phát đến Indonesia, và Tôn đã bị kẹt lại đây, khi đất nước này áp đặt tình trạng phong tỏa kéo dài và nhiều chuyến bay đi và đến đều bị hủy.

Để thích nghi với cuộc sống trên đảo, Tôn tìm được việc làm trong một xưởng vẽ nghệ thuật của Made Ada Gallery, và tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tạo của mình. “Tôi dành nhiều thời gian cho các bản vẽ kỹ thuật số. Với máy tính bảng trong tay, tôi có cả một studio nghệ thuật”, cô chia sẻ.

Tháng 5/2021, ZEN1 Gallery ở Bali đã trưng bày các tác phẩm, phản ánh cuộc sống khó khăn trong một thế giới đầy dịch bệnh, của Tôn.

Đại dịch cũng giúp Tôn có cơ hội nhận ra những mặt tích cực khi “sống chậm”.

“Cũng có lúc tôi không còn nhiều tiền để sống. Khi đó, một người bạn địa phương đã chỉ cho tôi rằng, chỉ cần ra ngoài hái rau muống vào và luộc lên là đã có thể qua bữa. Đó là một trong những lý do tôi vì sao yêu Bali. Mọi người ở đây rất lạc quan và sẵn sàng giúp đỡ nhau”, Tôn chia sẻ và cho biết tinh thần cộng đồng trên hòn đảo này đã phát triển rất mạnh mẽ.

Lucia Qiu Licen (họ Khưu), đến từ Thượng Hải cũng đang chuẩn bị cho Tết Nguyên đán cách nhà hàng ngàn cây số. Khưu hiện đang cân nhắc nên ở lại Chiang Mai hay đi về phía nam của Thái Lan để đón Tết Nhâm Dần trên một trong những hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước này. “Nhưng có lẽ tôi sẽ đến Koh Samui”, cô chia sẻ.

Lucia Qiu Licen, đến từ Thượng Hải, tại thác Namtok Bua Tong, ở Thái Lan
Lucia Qiu Licen, đến từ Thượng Hải, tại thác Namtok Bua Tong ở Thái Lan

Năm 2014, khi vừa tốt nghiệp đại học, Khưu đã lên đường tìm việc làm ở nước ngoài. Ở Dubai, cô làm việc trong lĩnh vực bất động sản và nhân sự, trong thời gian khoảng 6 tháng. Sau khi kiếm được một số tiền, Khưu quyết định đi du lịch vòng quanh Sri Lanka.

Kể từ đó, cô đã đến hơn 20 quốc gia và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 2 năm làm nhiếp ảnh gia du lịch tự do ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước khi đại dịch xảy đến, Khưu là chuyên viên quan hệ khách hàng tại một khu nghỉ mát sang trọng ở Maldives. “Tôi thực sự yêu Maldives. Nhưng vì nó được tạo thành từ rất nhiều hòn đảo nhỏ, mỗi đảo có một khách sạn, nên việc di chuyển cũng khá khó khăn. Vì vậy, tôi đã quyết định đến Ấn Độ để trở thành giáo viên yoga”, Khưu cho biết.

Khưu đã đi đến Rishike - một thành phố ở bang Uttarakhand, Ấn Độ - từ Chiang Mai, nơi cô dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian, trước khi bắt đầu hành trình mới.

“Tại Thái Lan, tôi đã gặp một người đàn ông châu Âu làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật số, và cũng là người thích “xê dịch”. Chúng tôi bắt đầu hẹn hò, và sau đó tôi đã quyết định gắn bó với anh ấy”, Khưu kể.

Khưu buộc phải quay về nước khi thị thực du lịch hết hạn. Trong lúc cô đang ở Thượng Hải và chuẩn bị sang Thái Lan trở lại thì dịch COVID-19 bắt đầu tấn công Trung Quốc. “Nhưng chúng tôi cũng đã may mắn quay lại được Thái Lan vào tháng 3/2020. Khi đúng tôi vừa đến nơi thì nước này cũng bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế”, Khưu cho biết thêm.

Cũng như Tôn, Khưu cảm thấy được nhiều cái lợi hơn khi trải qua đại dịch ở Đông Nam Á.

“Chỗ ở chất lượng tốt, giá rẻ, mạng Internet nhanh, tôi còn tìm được công việc dạy tiếng Trung, làm phiên dịch và bán hàng trực tuyến. Môi trường thiên nhiên ở đây lại thật sự dễ chịu.

Tất nhiên, tôi cũng như người dân địa phương đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì tôi thường làm việc trong lĩnh vực du lịch. Nhưng vì có ít người ra ngoài hơn, chất lượng không khí đã được cải thiện rõ rệt, và nhất là không có tình trạng kẹt xe. Chúng tôi cũng không phải xếp hàng khi vào nhà hàng, mọi thứ thuận tiện hơn rất nhiều”, Khưu chia sẻ.

Edward Yu Senyuan đi lặn biển bên cạnh một con sứa vào năm 2020, tại Công viên Hải dương Pulau Payar, Langkawi, Malaysia
Edward Yu Senyuan đi lặn biển vào năm 2020, tại Công viên Hải dương Pulau Payar, Langkawi, Malaysia

Đó là cũng là suy nghĩ của Edward Yu Senyuan (họ Du), người đã trải qua phần lớn thời gian  trên hòn đảo nghỉ mát Langkawi của Malaysia khi đại dịch xảy ra.

Sinh ra ở Thành Đô, một thành phố phía tây nam Trung Quốc, Du từng làm việc tại bộ phận hỗ trợ công nghệ thông tin ở một trường trung học trước khi chuyển đến Đông Nam Á.

“Ở Trung Quốc, năm nào cũng giống năm nào. Tôi cảm thấy rất vô vị. Một giáo viên đã nói với tôi về hòn đảo xinh đẹp này ở Malaysia và tôi đã quyết định đến sống ở đó”, Du kể lại.

Tại Langkawi, Du tìm được việc làm trong một công ty du lịch. Mỗi khi có thời gian rãnh, anh lại đi lặn biển. Khi đại dịch xảy ra, Du thích nghi bằng các hoạt động lành mạnh khác như đọc sách, chạy bộ trên bãi biển và lặn với bình dưỡng khí, bất cứ khi nào có thể.

“Tôi không hề hối hận về quyết định ở lại Langkawi của mình. Tôi nghĩ mình sẽ phát điên nếu phải trải qua 21 ngày cách ly”, Du chia sẻ và cho biết cũng không có kế hoạch trở về Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

“Nếu mua được vé máy bay, thì giá cũng rất đắt. Tôi rất nhớ gia đình, nhưng tôi có thể gọi video cho họ. Hơn nữa, tôi không biết mình sẽ làm gì khi trở về nhà. Tứ Xuyên không giáp biển và tôi nghe nói việc lặn ngoài khơi đảo Hải Nam không tốt lắm”, Du giải thích.

Nhất Nguyên (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI