Thế hệ Y và hội chứng 'tuyệt vọng'

23/04/2015 - 18:54

PNO - PN - Rachael Dove, nữ sinh viên Anh 25 tuổi, đang tham gia một khóa học cười. Trước đó, cô đã trải qua các lớp yoga, đọc sách tự rèn luyện, tải ứng dụng Headspace. Tất cả chỉ để phục vụ việc giảm căng thẳng thần kinh và xua đi...

edf40wrjww2tblPage:Content

The he Y va hoi chung 'tuyet vong'

Thế hệ Y với những lo lắng mơ hồ - Ảnh: Daily Mail/HBO

Sự lo lắng đeo đuổi thường trực làm Rachael rất khó chịu, nhưng cô không dám bày tỏ với ai, kể cả người thân. Chúng có thể là cảm giác sợ thi hỏng, thất vọng, không hài lòng về bản thân hay lo sợ không được mọi người yêu mến...

Lo lắng mơ hồ là hiện tượng tâm thần khá phổ biến ở Anh. Có lẽ ai cũng từng trải qua trạng thái này ở nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau. Chúng có thể gây mất tập trung, mệt mỏi, đau nhức cơ, mất ngủ và nghiêm trọng nhất là bị nỗi sợ tấn công. Mối lo âu thường trực có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của chứng rối loạn ăn uống. Chúng xuất hiện ngày càng nhiều trong thế hệ Y (những người sinh ra giữa những năm 1980 đến 2000), thậm chí còn trẻ hơn.

Theo số liệu của tổ chức từ thiện hỗ trợ người trẻ YouthNet tại Anh, một phần ba phụ nữ và một phần mười nam giới mắc chứng lo âu. Các nghiên cứu tại Mỹ cũng cho ra con số tương tự: 57% nữ sinh các trường đại học bị sự lo âu mơ hồ xâm chiếm. Marjorie Wallace, giám đốc điều hành của tổ chức Sane gọi đây là thế hệ tuyệt vọng: “Giai đoạn trưởng thành bao giờ cũng khó khăn, nhưng cảm giác tuyệt vọng như thế hệ này là hiện tượng mới”, bà nói.

Sự phát triển của công nghệ, sự đùm bọc thái quá từ phía cha mẹ và các kỳ thi nặng nề là các nguyên nhân chính được các nhà tâm lý học nhất trí cho rằng đã gây ra chứng bệnh trên.

Bên cạnh đó, thế hệ Y được sinh ra với quá nhiều sự lựa chọn, điều này cũng làm cho họ dễ cảm thấy thất vọng khi có quyết định sai lầm. Một chuỗi siêu thị tại Anh có hơn 200 nhãn hiệu sữa để người tiêu dùng lựa chọn. Levi’s có đến 233 kiểu quần jeans dành cho phụ nữ, các trường đại học có hàng tá bằng cấp. Khi có quá nhiều sự lựa chọn, người ta khó có thể tìm ra lý do để bào chữa cho những quyết định sai lầm của mình. Điều này dẫn đến sự ám ảnh phải luôn có quyết định đúng đắn, nếu không sự thất vọng về bản thân sẽ càng làm bạn cảm thấy tuyệt vọng hơn.

Tuy nhiên, đi tìm một giải pháp đúng không đơn giản, đôi khi nó có thể làm tê liệt bộ óc của bạn. Đơn giản như việc mua một đôi giày, Rachael phải so sánh từng cửa hàng, khảo sát trên mạng, hỏi ý kiến mẹ, rồi hỏi người chị đang sống ở Australia, chưa kể thêm cả một hội bạn trên facebook, cho đến khi đầu óc cô bão hòa và từ bỏ luôn... ý định mua giày.

The he Y va hoi chung 'tuyet vong'

Công nghệ thông tin cũng góp phần không nhỏ vào căn bệnh này - Ảnh: Getty Images

Công nghệ thông tin cũng góp phần không nhỏ vào căn bệnh này. Nghiên cứu năm 2014 của trường đại học Baylor ở Waco, bang Texas (Hoa Kỳ), cho thấy nữ sinh đại học Mỹ dành 10 tiếng mỗi ngày sử dụng điện thoại và khi bị tách ra khỏi điện thoại hoặc các phương tiện công nghệ số khác, mức độ căng thẳng của họ tăng cao. Bên cạnh đó, họ luôn bị căng thẳng khi phải bắt kịp nhịp độ trên mạng nếu không muốn có cảm giác bị bỏ rơi (Fomo - Fear of Missing Out). Chứng nghiện mạng xã hội cũng bắt đầu từ đây, khi họ liên tục so sánh mọi thứ: quan hệ tình cảm, chế độ ăn kiêng, vóc dáng, tóc tai, quần áo, các kỳ nghỉ - không chỉ với bạn bè mà với cả người nổi tiếng.

Dù có tên là mạng xã hội, nhưng đây lại là nguyên nhân dẫn đến sự cô độc trong giới trẻ. Kết quả điều tra của trang YouGov năm 2014 cho thấy, số bạn trẻ ở lứa tuổi 18-24 lo lắng bị cô đơn cao gấp hai lần so với những người trên 55 tuổi. Họ không nói chuyện với nhau bởi vì qua facebook, họ đã biết tường tận cuộc sống của bạn bè xung quanh.

Việc bố mẹ tâng bốc con thái quá cũng được các nhà tâm lý học cho là nguyên nhân của sự tuyệt vọng trong thế hệ Y. Khi cha mẹ liên tục cho con là “số một”, là người đặc biệt hơn người khác, đến khi chúng qua tuổi 20 bước vào đời, không còn nhận được sự ưu ái từ xung quanh, chúng dễ dàng rơi vào trạng thái tuyệt vọng.

Đã có những người mắc chứng bệnh này tự tìm ra lối thoát cho mình. Rachael chạy bộ ba lần trong tuần để giảm căng thẳng lo âu. Một số khác tìm cách cai nghiện điện thoại và các mạng xã hội. Các biện pháp thiền và tĩnh tâm cũng có những hiệu quả tích cực.

PHAN QUỲNH DAO 
(Theo Telegraph, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI