Những cú lừa ngoạn mục - Bài 2: Nói láo ăn tiền

27/04/2014 - 20:00

PNO - PN - Ngay đến các nhà báo sừng sỏ nhất cũng không thể hiểu tại sao một phóng viên trẻ người Thụy Sĩ lại có thể thuyết phục được những ngôi sao Hollywood nói ra những chuyện thầm kín nhất của mình và không chỉ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhũng cú lùa ngoạn mục - Bai 2: Noi lao an tien

Tom Kummer ngồi trên giường để viết bài phỏng vấn Sharon Stone qua trí tưởng tượng
 

Những cuộc phỏng vấn… tưởng tượng

Những bài viết của Kummer khiến phóng viên các tạp chí khác bị sếp của họ “giũa” tơi bời. Một phóng viên kể: “Có lần tổng biên tập gọi tôi đến, vứt tờ tạp chí có bài của Kummer lên bàn, hỏi: Tại sao anh không thể đi câu với Bruce Willis, cưỡi ngựa cùng Robert Redford và chơi golf với Kevin Costner? Hãy nhìn những gì Kummer làm mà học cách làm của anh ta”.

Đi đêm có ngày gặp ma. Những bài phỏng vấn của Kummer khiến không ít nhà báo nhiều kinh nghiệm nghi ngờ. Holger Hoetzel, phóng viên tạp chí Focus là người đầu tiên vạch mặt Kummer. Là phóng viên lăn lộn nhiều năm trong lĩnh vực showbiz, Hoetzel từng không ít lần có cơ hội phỏng vấn các ngôi sao và anh rất ngạc nhiên vì thấy một ai đó đã trả lời phỏng vấn của mình nhưng lại thể hiện như một người khác hẳn khi trả lời phỏng vấn của Kummer. Trường hợp Courtney Love, theo anh, là rõ nhất. “Tôi biết rõ Love. Cô ấy luôn tìm hiểu rất kỹ về người muốn phỏng vấn mình, biết cân nhắc những điều mình nói và sau đó là kiểm tra lại mọi chi tiết của bài phỏng vấn. Thế nhưng, bài phỏng vấn của Kummer lại thể hiện một Love khác hẳn”, Hoetzel nói. Thế là anh dịch bài phỏng vấn đăng trên một tạp chí Đức gửi đến người đại diện của Courtney Love, và sự thật được phơi bày. Người đại diện của Love bác bỏ mọi chi tiết trong bài viết, khẳng định Love chưa bao giờ gặp Kummer, nói gì đến việc trả lời phỏng vấn.

Không thể kiểm soát?

Christian Kaemmerling, biên tập viên của tờ Suddeutsche Zeitung tiết lộ, tòa soạn đã phát hiện việc làm gian dối của Kummer từ năm 1994. Chính Kaemmerling đã trả giá cho điều đó: ông bị tờ Suddeutsche Zeitung sa thải vì đã sử dụng bài viết của Kummer. Sau đó, người ta phát hiện Kummer cũng từng bị một tờ báo khác ở Đức sa thải hồi năm 1990 vì thích thực hiện những bài phỏng vấn... tưởng tượng.

Claus Lutterbeck, một phóng viên Đức thường trú ở Mỹ, luôn chịu sức ép từ thành công của Kummer đã lý giải: “Vấn đề là không ai tại các tờ báo ở Đức hiểu được cách làm việc ở Hollywood. Họ không biết việc tạo dựng mối quan hệ với các ngôi sao Hollywood là khó khăn thế nào, cứ nghĩ sau khi có mặt tại một buổi tiệc với các sao là chúng tôi lập tức thu xếp được một cuộc phỏng vấn. Đó là lý do Kummer có thể bịa ra các bài viết mà tòa soạn không thể kiểm soát được”.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, cánh nhà báo châu Âu thường trú ở Hollywood rất khó thiết lập mối quan hệ thân thiết với các ngôi sao trong làng showbiz Mỹ. Các tạp chí ở Đức luôn khó khăn để có được những bài phỏng vấn trong khi độc giả thì rất khao khát chuyện đời tư của các nhân vật nổi tiếng. Do vậy, những bài viết của Kummer luôn được các tạp chí Đức và Thụy Sĩ như Berner Zeitung, Tages-Anzeiger, Suddeutsche Zeitung, SZ Magazin, Frankfurter Allgemeine Zeitung… trọng vọng. Nói cách khác, Tom Kummer được xem là “cứu tinh” của các tạp chí lá cải tại Đức.

Nhũng cú lùa ngoạn mục - Bai 2: Noi lao an tien

Tom Kummer được xem là “chàng trai xấu” trong làng báo Đức

Độc giả các tạp chí ở Đức, cả những tờ lá cải lẫn những tờ chính thống, đều mê mệt với những bài phỏng vấn ngôi sao do Kummer thực hiện. Nhờ những bài báo này mà người ta biết Mike Tyson trong thời gian ở tù đã phải nhai sống những con gián để bổ sung chất đạm. Trong cuộc phỏng vấn của Kummer, võ sĩ quyền Anh lừng danh này còn trích lời của triết gia người Đức Nietzsche để nói về thân phận con người. Một người chỉ biết dùng nắm đấm lại am hiểu tư tưởng của một trong những triết gia có ảnh hưởng nhất thời cận đại, chuyện như đùa, vậy mà ai cũng tin!

Tương tự, Kummer còn viết trong bài phỏng vấn Charles Bronson là ông này tin rằng cây cỏ có thể nói chuyện với người, hoặc Sharon Stone từng có lần mời Kummer nhìn vào giữa hai đùi của ngôi sao “bản năng cơ bản”. Ngay cả khi Kummer “sáng tác” câu nói của Bruce Willis “Từ lâu tôi nhận ra rằng sự tiến hóa của con người không phải đến từ tính đạo đức mà đến từ thói phi đạo đức, tính tha hóa và sự đồi bại” thì cũng chẳng ai lên tiếng. Kể cả Bruce Willis! Mãi sau này, diễn viên Mỹ nổi tiếng với loạt phim Die Hard mới thừa nhận: “Tôi chưa bao giờ gặp mặt Kummer”.

Chẳng có gì phải xin lỗi!

Tất cả những gì Tom Kummer viết đều láo toét, nhưng đáng ngạc nhiên là suốt thời gian dài chẳng ai phát hiện, hoặc nếu có phát hiện cũng “tặc lưỡi cho qua”. Ngay cả tạp chí có số phát hành lớn nhất nước Đức là Der Spiegel cũng có lần “mắc lỡm” Kummer, chịu cảnh “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Mọi việc kết thúc với Tom Kummer vào năm 2000, khi anh chàng thách thức sự kiên nhẫn của các nhà báo đối thủ cũng như lòng tin của độc giả bằng một bài phỏng vấn đầy cảm xúc với Christina Ricci, lúc đó là diễn viên đang lên ở Hollywood. Cũng như mọi khi, một tạp chí Đức đăng tải trọn vẹn bài phỏng vấn này. Không lâu sau, một tạp chí đối thủ đã đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy Kummer chẳng hề gặp gỡ Ricci. Mọi thứ Kummer nêu lên trong bài phỏng vấn là do anh ta... sáng tác!

Việc vỡ lở, Kummer vẫn cương quyết không nói lời xin lỗi. Anh ta còn cho rằng, mình đã phát minh ra một thể loại mới gọi là “báo chí trong ranh giới giữa thật và ảo” và “mục đích sau cùng của một phóng viên là làm cho độc giả cảm thấy hài lòng”. Chẳng ai tin vào thể loại báo chí Kummer phát minh cả, tất cả các tờ tạp chí đều “cạch mặt” anh chàng.

Sau khi bị các tạp chí ở Thụy Sĩ và Đức tẩy chay, Tom Kummer sống hẳn ở Mỹ, kiếm cơm bằng nghề dạy tennis cho những tay nhà giàu mới nổi. Có lần Kummer nói với một nhà báo: “Jim Wiatt, người từng là CEO của công ty William Morris Agency, nói với tôi: Sharon Stone, Tom Hanks và Quentin Tarantino đều rất thích các bài phỏng vấn của tôi”.

Làm thế nào mà Kummer tạo được lòng tin của các tờ báo trong thời gian dài đến vậy? Anh ta trả lời: “Mọi người đều thích những câu chuyện của tôi và tôi tin các ông chủ báo đều biết là tôi bịa chuyện. Nếu không thì tại sao suốt sáu năm, không ai yêu cầu tôi cung cấp băng ghi âm hay bất cứ điều gì để chứng minh tôi đã thật sự thực hiện các bài phỏng vấn đó?”. Phải chăng đó chính là sự thật? Những bài phỏng vấn của Kummer thu hút độc giả nhiều đến mức các ông chủ báo phải nhắm mắt sử dụng, dù thừa biết đó là “đồ dỏm”? Đó là câu hỏi mà những tòa soạn “nhai” phải “bả” của Kummer không chịu trả lời.

 THIỆN NGA

Bài 3: Mảnh thiên thạch khổng lồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI