Nhóm tác giả biên soạn 'Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam' là ai?

23/02/2020 - 21:18

PNO - “Có muốn tha thứ cho một ai đó, chúng ta cũng phải biết mình đang tha thứ cho ai. Mong muốn được biết lai lịch của họ là ai của tôi đã không được đáp ứng", tác giả Hoàng Tuấn Công cho hay.

Sau sự vụ tác giả Hoàng Tuấn Công “tố” tác giả cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội) “ăn cắp tư liệu để biên soạn từ điển” (đã được phản ánh trên Báo Phụ nữ TP.HCM), rất nhiều người có cùng một câu hỏi: nhóm tác giả biên soạn cuốn từ điển đang gây “sốc” này là ai?

Nhọc nhằn đi tìm tác giả biên soạn sách

Ngay sau khi bài viết của tác giả Hoàng Tuấn Công được đăng tải, có không ít người nghĩ rằng tác giả Dương Thị Dung và Đặng Thúy Hằng – hai trong ba tác giả cuốn từ điển trên chính là thạc sĩ Dương Thị Dung và thạc sĩ Đặng Thúy Hằng – cũng là tác giả của một số cuốn sách về từ điển, Ngữ văn lẫn tiếng Việt đang lưu hành trên thị trường.  

Tuy nhiên,  khi chúng tôi liên hệ với thạc sĩ Dương Thị Dung - hiện đang công tác tại Viện từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam - thì chính bản thân chị cũng rất bất ngờ.

1.	Trong “Hợp đồng mua quyền sở hữu tác phẩm”, bên B (tức nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên) cam kết toàn bộ nội dung cuốn từ điển không vi phạm Luật Bản quyền.
Trong “Hợp đồng mua quyền sở hữu tác phẩm”, bên B (tức nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên) cam kết toàn bộ nội dung cuốn từ điển không vi phạm Luật Bản quyền.

“Đang nghỉ thai sản nên khi biết được chuyện này, tôi rất bất ngờ. Tôi đã gọi điện cho tác giả Hoàng Tuấn Công, nói rằng, đúng tên tôi là Dương Thị Dung nhưng tôi không có bất cứ mối liên quan gì đến tác giả Dương Thị Dung của cuốn từ điển đang vướng bản quyền kia. Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam đã minh oan cho tôi qua bài báo Dẹp loạn từ điển, cần ban hành quy chế cụ thể đăng tải trên Báo Phụ Nữ TPHCM”, thạc sĩ Dương Thị Dung cho hay.

Theo nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, tên thật của nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên lần lượt là Chu Thị Thúy Anh, Đặng Thúy Hằng, Cao Thị Hòa Bình. Tuy nhiên, khi chúng tôi mang tên thật lẫn bút danh của họ đi hỏi một số chuyên gia trong lĩnh vực từ điển học, ngôn ngữ học, không ai biết ba tác giả này là ai. Thậm chí, người trong cuộc – tác giả Hoàng Tuấn Công cũng “mơ hồ”.

Sau khi thông tin về cuốn từ điển được đăng tải trên báo chí, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Minh Long (gọi tắt là Công ty Minh Long) đã liên hệ tác giả Hoàng Tuấn Công để gửi lời xin lỗi và mong muốn tìm hướng giải quyết hợp tình hợp lí. Tuy nhiên, mong muốn đầu tiên mà tác giả Hoàng Tuấn Công đưa ra đối với đơn vị liên kết và phát hành cuốn từ điển này là được cung cấp “thông tin minh bạch về ba tác giả của cuốn sách", nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mong muốn này vẫn chưa được đáp ứng. Điều mà anh được nhận là thông tin chưa đầy đủ, thiếu minh bạch từ phía công ty Minh Long lẫn nhóm tác giả.

Bìa cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” - Ảnh: HTC
Bìa cuốn “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” - Ảnh: HTC

Tác giả Hoàng Tuấn Công nói: “Có muốn bỏ qua, muốn tha thứ cho một ai đó, chúng ta cũng phải biết mình đang tha thứ cho ai. Mong muốn được biết lai lịch, tên tuổi thực sự của nhóm tác giả là ai, hiện đang công tác tại cơ quan nào của tôi đã không được đáp ứng. Ngược lại, thông tin mỗi lúc một khác nhau. Sao tôi có thể bỏ qua được? Phản ứng của họ chỉ chứng tỏ họ chưa thực sự cầu thị, thực tâm muốn xin lỗi tôi”.

Theo tác giả Hoàng Tuấn Công, sở dĩ anh quan tâm đến thông tin cơ quan làm việc của nhóm tác giả này vì rất có khả năng, nếu “trót lọt”, những người này có một vị trí ở các trường đại học, học viện hoặc viện nghiên cứu; hay ngồi ở hội đồng giáo sư nào đó. Điều này rất nguy hiểm, nguy hại đối với môi trường giáo dục. Nhất là họ đã, đang và sẽ tiếp tục biên soạn sách.

Tác giả Hoàng Tuấn Công cũng kể thêm, tác giả Nguyễn Thảo Nguyên (tức Cao Thị Hòa Bình) – đại diện nhóm tác giả, cũng đã gửi thư điện tử cho anh với nội dung xin lỗi mong bỏ qua sự việc và đưa ra biện pháp giải quyết sự việc. Và đây cũng là tác giả duy nhất tự giới thiệu lai lịch của mình một cách đầy đủ nhất; tuy nhiên xin “không tiết lộ danh tính hai người còn lại” vì “hai cô ấy tuổi đời còn trẻ, làm ở các viện, sợ ảnh hưởng tới con đường sự nghiệp của họ”.

Hơn nữa, từ câu chuyện dễ gây hiểu nhầm về danh tính của cái tên Dương Thị Dung ở trên, tác giả Hoàng Tuấn Công đặt câu hỏi: Có hay không, việc đạo văn đạo luôn cả danh, “trộm” văn, “trộm” luôn cả tên người khác?

Vì những lẽ đó, theo anh, việc minh bạch hóa thông tin nhóm tác giả là rất cần thiết. Ít nhất, anh là nạn nhân, anh có quyền được biết điều đó.  

Không có nhiều nhà khoa học có bút danh

Từng được nhờ xem một số bản thảo sách từ điển và xem nhiều cuốn từ điển bán trên thị trường, PGS.TS Lê Khắc Cường (Trưởng khoa Khoa học xã hội và  Ngôn ngữ quốc tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) nhận xét, tình trạng không để tên thật trong biên soạn sách hiện khá nhiều, thậm chí ghi chung chung, ghi sai, ghi một cách mơ hồ, khiến bạn đọc hiểu nhầm; chẳng hạn thay vì viết là "Hội Ngôn ngữ học Việt Nam" thì chỉ viết "Hội Ngôn ngữ"…

“Điều đó dẫn đến việc sao chép chỗ này một đoạn, sao chép chỗ kia một đoạn là chuyện đương nhiên. Có không ít NXB, thay vì phải thêm một bước nhờ chuyên gia thẩm định; lại bỏ qua, vội vàng cấp phép cho những bản thảo chất lượng tồi”, ông cho hay.

Tất nhiên về nguyên tắc, các tác giả có quyền để bút danh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Khắc Cường, không nhiều nhà khoa học thực sự có bút danh; nếu để bút danh, phải chú thích. Nếu như bút danh trùng với tên nhà khoa học khác, càng phải chú thích cho bạn đọc được rõ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Khắc Cường cho hay: Không có nhiều nhà khoa học có bút danh
PGS.TS Lê Khắc Cường cho hay: "Không có nhiều nhà khoa học có bút danh"

Ông cũng lưu ý: “Khi thấy đó không phải là những cái tên có tiếng trong lĩnh vực từ điển thì các NXB nên thận trọng trong việc thẩm định, cấp giấy phép xuất bản. Trừ một số sách từ điển hơi đặc biệt như từ điển ngôn ngữ các tộc người thiểu số thì có thể do một vài người làm, còn từ điển tiếng Việt thì không thể một vài người không làm được. Tiêu biểu như cuốn Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học & NXB Đà Nẵng, 1998) - được xem là kinh điển trong lĩnh vực từ điển học thì ngoài chủ biên – Giáo sư Hoàng Phê, nhóm tác giả còn lại lên tới 16 người, làm việc trong suốt 10 năm trời, mới hoàn thành được cuốn từ điển đó”.

PGS.TS Lê Khắc Cường cũng nói thêm: “Ta không thể tước quyền muốn xuất bản một cuốn từ điển nếu như họ có năng lực thực sự, lại có phần mềm hỗ trợ. Nhưng trong tình hình như hiện nay, vai trò của các NXB lại càng quan trọng. Từ điển là một dạng ấn phẩm đặc biệt, chỉ cần giải thích sai, thông tin được trích dẫn qua lại, dễ tạo ra sự ngộ nhận về mặt ngôn ngữ học, vô cùng tai hại, nhất là nó được truyền từ đời này qua đời khác”.

Tối ngày 22/2, PV Báo Phụ nữ TPHCM đã liên lạc với nhóm tác giả để xác nhận lại sự việc “đạo” văn trong cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam. Có một tác giả không nghe máy, một tác giả đang ở tình trạng “thuê bao tạm thời không liên lạc được”. Còn tác giả Chu Thị Thúy Anh (được ghi trên từ điển là Dương Thị Dung) lại phủ nhận: “Tôi không hiểu bạn nói gì? Tôi chả liên quan, tôi có biết gì đâu. Bạn nói mà tôi chả hiểu bạn nói gì”, mặc dù trước đó người này đã xác nhận mình là Chu Thị Thúy Anh.

Bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc – Tổng biên tập NXB Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, cuối tuần qua, công ty Minh Long đưa hồ sơ về vụ việc cũng như hồ sơ nhóm tác giả mà NXB yêu cầu trước đó qua NXB nhưng lại không đầy đủ.

“Nếu đầu tuần này, chúng tôi không nhận được thông tin một cách đầy đủ, hoặc tác giả Hoàng Tuấn Công không chấp nhận lời xin lỗi và không chấp nhận thỏa thuận đền bù, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiêu hủy luôn cuốn từ điển và dừng cấp phép cho công ty Minh Long, yêu cầu công ty này thu hồi tất cả số sách đang bán trên thị trường. Hiện tại, NXB đang chia các nhóm để ra soát toàn bộ nội dung cuốn từ điển đang vướng bản quyền; cũng như những sản phẩm khác mà công ty này/nhóm tác giả này đã, đang hợp tác với NXB”, bà Phạm Thị Trâm nói thêm.


Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI