Ăn cắp tư liệu để biên soạn từ điển

21/02/2020 - 09:05

PNO - Phó giáo sư - tiến sĩ Văn Giá phải thốt lên: “Đây là vụ ăn cắp trắng trợn, bất chấp liêm sỉ, liêm chính học thuật”.


Khuya 18/2, Hoàng Tuấn Công, tác giả công trình Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu - “hiện tượng xuất bản” của năm 2017 với giải thưởng Sách hay đã đăng tải bài viết “Ăn cắp tư liệu để biên soạn từ điển” gây chú ý trên blog “Tuấn Công thư phòng”, được chia sẻ đồng thời trên trang facebook cá nhân của tác giả này.

Ngay lập tức, bài viết thu hút sự chú ý của bạn đọc và giới nghiên cứu. Phó giáo sư - tiến sĩ Văn Giá phải thốt lên: “Đây là vụ ăn cắp trắng trợn, bất chấp liêm sỉ, liêm chính học thuật”.

Ngoài sức tưởng tượng

Tác giả Hoàng Tuấn Công kể, chiều 18/2, anh ghé một nhà sách TP.Thanh Hóa thì phát hiện cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên đã “đánh cắp, sao chép rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố” của tác giả này trong khoảng thời gian gần mười năm qua.

Cuốn từ điển có tổng cộng 902 trang, in 3.000 cuốn, khổ 14,5x20,5, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2019; giá bìa 230.000đ, do nhà xuất bản (NXB) Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép (Quyết định xuất bản số 1375 LK-XH/QĐ- NXB ĐHQGHN ngày 4/11/2019), đơn vị liên kết và phát hành là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ Văn hóa Minh Long.

Hình trang bìa và xi-nhê cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng -  Nguyễn Thảo Nguyên
Hình trang bìa và xi-nhê cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên

Tác giả Tuấn Công sử dụng hai chữ “ăn cắp” để nói về nhóm tác giả này, và chỉ ra một số nguồn mà họ sử dụng trong cuốn từ điển gần 1.000 trang trên. Đó là các bài giải thích thành ngữ tục ngữ đơn lẻ của Hoàng Tuấn Công từng đăng rải rác trên trang blog “Tuấn Công thư phòng“ từ năm 2013 đến 2018; loạt bài Nguyễn Cừ đã giải thích tục ngữ Việt Nam như thế nào?, phê bình cuốn sách Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam đăng nhiều kỳ.

Nhóm tác giả này còn “thuổng” luôn những thông tin trong các bài viết đã đăng tải trên báo chí của Hoàng Tuấn Công. Cụ thể, là bài viết Những sai lầm của Nguyễn Đức Dương trong “Từ điển tục ngữ Việt đăng tạp chí văn hóa dân gian - Viện nghiên cứu văn hóa số 4 tháng 8/2013); các bài viết giải thích thành ngữ tục ngữ đăng trên báo Người lao động… Tất cả đều được công bố trước khi sách của nhóm tác giả Dương Thị Dung, Đặng Thúy Hằng, Nguyễn Thảo Nguyên xuất bản.

Đáng nói, có cả những tư liệu trong cuốn sách đã được xuất bản và gây tiếng vang năm 2017 của Hoàng Tuấn Công - Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu (NXB Hội Nhà Văn, tháng 7/2017). 

“Nhiều khảo cứu công phu của tôi bị nhóm tác giả chép nguyên xi, có chỗ tóm tắt, hoặc thay đổi tí chút; có chỗ ăn cắp ý, cách giải thích mới, mà trước tôi, chưa từng có ai tìm ra. Tất cả đều không có một dòng chú thích, dẫn nguồn. Thậm chí mục “Tài liệu tham khảo” của nhóm tác giả này cũng không hề dẫn bất cứ nguồn tài liệu nào mang tên Hoàng Tuấn Công” - tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết.

Anh cũng phát hiện nhóm tác giả này còn ăn cắp cách giải thích của một số tác giả khác. Tuấn Công cho rằng, đó là “điều kỳ lạ”. “Nhóm biên soạn còn sao chép lại những cách giải thích sai mà tôi đã chỉ ra trong cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu, hay trong Nguyễn Cừ đã giải nghĩa tục ngữ Việt Nam như thế nào... Ví dụ các mục “Cát liền tay, thịt chầy ngày”, “Đấu vòng tròn”, “Dục tốc bất đạt”, “Chạy ngược, chạy xuôi”… Ngoài ra, có rất nhiều mục nhóm tác giả này giải thích sai, hoặc thu thập những đơn vị hoàn toàn không phải thành ngữ tục ngữ, như “Cảu nhảu càu nhàu”, “Cạnh tranh sinh tồn”, “Cưới chạy tang”… Điều này chứng tỏ kiến thức ngôn ngữ học và hiểu biết trong lĩnh vực thành ngữ tục ngữ của họ rất hạn chế”, anh giải thích.

Khi được hỏi: “Nếu lấy 100% làm thước đo, có bao nhiêu % nội dung là của anh trong cuốn từ điển này?”. Tác giả Tuấn Công cho rằng: “Tôi chưa có thời gian soi xét kỹ từng câu, từng mục của cuốn sách dày tới 902 trang này, mà chỉ đọc lướt, và phát hiện những chỗ dễ thấy nhất. Mặt khác, ngoài những mục họ sao chép nguyên xi, thì còn rất nhiều mục chỉ ăn cắp ý, cách giải thích hợp lý của tôi, mà trước đó chưa có tác giả nào đề cập đến. Nghĩa là giá trị của cuốn từ điển này nằm ở sự đóng góp về cách giải thích mới, chính xác, khoa học, chưa từng được bất cứ cuốn từ điển nào thu thập giải nghĩa, chứ không phải ở độ dày của cuốn sách. Mà những đóng góp ấy, lại là những phần họ sao chép của tôi. Bởi vậy, việc chia số trang, hay tính phần trăm câu chữ ở đây là không chính xác, không thể hiện được mức độ nghiêm trọng của vấn đề”. 

Hoàng Tuấn Công cho biết cảm xúc đầu tiên của anh là quá bất ngờ và phẫn nộ, ngoài sức tưởng tượng. Anh “sẽ có bài khảo cứu, so sánh chi tiết về vụ ăn cắp này gửi tới bạn đọc” trong thời gian sớm nhất.

Sách từ điển nhưng lại giống sách khảo cứu (?!)

Cũng theo Hoàng Tuấn Công, hầu như các câu thành ngữ, tục ngữ mà nhóm biên soạn Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên giải thích, đều không có phần nghĩa đen. Nghĩa là họ đi ngay vào giải thích nghĩa bóng và ví dụ về cách dùng. Bởi vậy, mỗi mục chỉ ngắn chừng một đến hai dòng.

Trong khi đó, những mục mà nhóm tác giả trên sao chép của anh, thì có đầy đủ cả nghĩa đen, nghĩa bóng; cách giải thích cặn kẽ, đến nơi đến chốn. Hoàng Tuấn Công cho rằng: “Đây là cách làm của thể loại khảo cứu, loại trừ cách hiểu sai, tìm ra cách hiểu chính xác nhất, chứ không phải cách giải thích yêu cầu ngắn gọn của từ điển. Bởi vậy, mỗi mục mà nhóm biên soạn sao chép của tôi có thể dài tới cả trang sách”. 

Tác giả Hoàng Tuấn Công
Tác giả Hoàng Tuấn Công

Lấy ví dụ câu “Mồ cha không khóc, khóc đống mối; mồ mẹ chẳng khóc, khóc bối bòng bong” (trang 598, 599), tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết: “Lâu nay các cuốn từ điển đều giải thích “bòng bong” là xơ ở đầu đôi đũa tre cắm trên bát cơm cúng. Nhưng tôi chứng minh “bòng bong” là một loại dây leo quấn chằng chịt ở các bụi rậm mối đùn, trông tựa như ngôi mộ hoang, khiến người ta nhận lầm đó là mồ mả tổ tiên thất lạc, nên sì sụp khấn vái. Nhóm biên soạn đã sao chép nguyên xi đưa vào, và mục này chiếm nguyên một trang sách”. 

Hay một ví dụ khác với câu “Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng”, tất cả các cuốn từ điển trước đây đều không giải thích được nghĩa đen, mà cách giải thích nghĩa bóng cũng không đúng, khi cho rằng câu này có nghĩa “Bắt người vô tội chịu hình phạt thay kẻ có tội”.

“Còn tôi giải thích: Quạ là giống chim đa thực. Ngoài gà con, chim non, các loại xác chết... chúng còn rất thích ăn hoa quả, đặc biệt là dưa hấu… Mà “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa“. Trời càng nắng, độ đường trong dưa càng cao thì lũ quạ càng được “chén“ những quả dưa ngon. Trong khi đó, thức ăn của cò chỉ là tôm tép, cá con… thường chỉ sẵn có ở môi trường nước nổi. Không ăn được dưa, nhưng cò lại phải chịu đặc điểm thời tiết nóng, đôi khi cạn nước, chết hết cá tôm, ảnh hưởng đến môi trường kiếm ăn. Câu tục ngữ “Quạ ăn dưa, bắt cò dãi nắng” ý nói: cùng một điều kiện, hoàn cảnh nhưng kẻ thì được hưởng lợi, người lại gánh chịu hậu quả. Nhóm biên soạn này đã copy nguyên xi cách giải thích này”, tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết. 

Tương tự, hàng loạt câu giải thích mới của anh về các thành ngữ tục ngữ như: “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”, “Vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”, “Trốn việc quan đi ở chùa”, “Rút dây động rừng”, “Tai vách mạch dừng”, “Nuôi lợn ăn cơm không, nuôi tằm ăn cơm nhộng”… đều bị nhóm biên soạn Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên “bê” nguyên xi. Ngoài ra, nhiều câu ăn cắp ý, hoặc sao chép từng đoạn, hay chỉ riêng phần giải thích nghĩa bóng, như “Nghe hơi nồi chõ”, “Nắng tốt dưa, mưa tốt lúa”, “Đói cho chết, ba ngày tết cũng phải no”, “Mùa nứt nanh, chiêm xanh đầu”… thì không thể kể hết.

Tác giả Hoàng Tuấn Công cho biết đây là một vụ lớn, là hành vi “ăn cắp mang tính tập thể”, “ăn cắp để làm nên loại sách khuôn vàng thước ngọc, dày tới gần ngàn trang”; “xuất bản ở một địa chỉ tên tuổi là NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, số lượng tới 3.000 cuốn”.

Quả tình, vấn đề đạo văn, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác rất phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Bản thân người bị xâm phạm đôi khi cảm thấy mệt mỏi, chán nản và bỏ cuộc, vì trình tự phức tạp, lại ít khi được các cơ quan chức năng xem xét kịp thời, xử lý thỏa đáng. Tuy nhiên, “nếu im lặng thì khác nào chúng ta chấp nhận thực tế đó và đồng lõa với cái xấu? Trong khi độc giả, công luận vẫn luôn quan tâm vấn đề này và ủng hộ nhiệt tình trong các vụ chống đạo văn, vi phạm bản quyền, thì cớ gì chúng ta lại im lặng? Dù chưa thể giải quyết được triệt để vấn đề, thì lên tiếng vẫn tốt hơn là im lặng hoàn toàn”, tác giả Hoàng Tuấn Công chia sẻ.

Khi được hỏi có ý định đưa vụ này ra tòa không, Hoàng Tuấn Công cho hay: “Điều đó còn phụ thuộc vào cách tiếp thu và xử lý vấn đề của các bên liên quan”.

Yếu kém, thiếu trách nhiệm trong biên tập

Thông thường, đơn vị liên kết xuất bản và phát hành cũng như các NXB đặt niềm tin vào các tác giả. Cũng theo lẽ thường, các tác giả phải là những người đầu tiên và chịu trách nhiệm chính về những điều mình viết ra. Bản thân các biên tập viên cũng không thể đọc thiên kinh vạn quyển để phát hiện những vụ sao chép, đạo văn ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, theo tác giả Hoàng Tuấn Công, nếu các biên tập viên chuyên ngành của nhà sách, hoặc NXB chịu khó đọc, bắt nhịp với các sự kiện xuất bản, thì sẽ phát hiện được những sao chép, xào xáo quá lộ liễu. 

Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu- cuốn khảo cứu
Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của Hoàng Tuấn Công là hiện tượng xuất bản năm 2017

Chẳng hạn như trường hợp cuốn từ điển mà chúng ta đang bàn. Biên tập viên của cả Công ty sách Minh Long, lẫn NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã không hề biết đến cuốn sách tạm gọi là “sự kiện xuất bản” trong lĩnh vực nghiên cứu của năm 2017, đó là cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu. Nếu biên tập viên từng đọc cuốn này, sẽ dễ dàng phát hiện sự sao chép, cũng như sai sót của nhóm biên soạn trên. Bằng không, nếu am hiểu về tình hình biên soạn từ điển, thì với phán đoán, cảm nhận của mình, biên tập viên cũng phải đặt nghi vấn về nhóm tác giả có những cái tên lạ hoắc trong làng ngôn ngữ, liệu có đủ trình độ để biên soạn một cuốn từ điển về lĩnh vực thành ngữ tục ngữ, dày tới gần ngàn trang hay không. 

Tuy nhiên, “sự yếu kém, thiếu trách nhiệm trong khâu biên tập đã để lọt một cuốn sách có nhiều dấu hiệu đáng ra phải nghi ngờ và ngăn chặn. Cuốn sách không hề có lời nói đầu, hay bất cứ một dòng giới thiệu nào về nhóm tác giả, rồi cách thức, quan điểm, mục đích biên soạn ra sao. Phần hướng dẫn sử dụng, tính ra chỉ vỏn vẹn có bốn chữ cái: “X.-xem”. Sách dày tới 902 trang, nhưng phần “Tài liệu tham khảo” chỉ liệt kê được năm cuốn sách, trong đó mất hai cuốn do Nguyễn Như Ý chủ biên, nội dung gần như trùng nhau, ba cuốn còn lại cũng chưa phải là nguồn tài liệu điển hình, chính yếu. Ngoài ra, hàng loạt đơn vị không phải thành ngữ tục ngữ mà tôi đã liệt kê, đáng ra là dễ phát hiện nhất, chỉ cần lướt qua cũng thấy, nhưng cũng bị biên tập viên bỏ qua một cách rất đáng trách”, tác giả Hoàng Tuấn Công nói thêm. 

Ngừng phát hành sách Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam

Bà Phạm Thị Trâm, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị cấp phép xuất bản cuốn Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam của nhóm tác giả Dương Thị Dung - Đặng Thúy Hằng - Nguyễn Thảo Nguyên cho biết, sau khi thông tin cuốn từ điển được lan truyền trên mạng, chiều 19/2, NXB đã chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến cuốn sách này; đồng thời, Phòng Quản lý xuất bản yêu cầu ngừng phát hành cuốn sách; yêu cầu Công ty Minh Long đến làm việc tại NXB sáng 20/2.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe sự thể của vụ việc, NXB yêu cầu công ty cung cấp thông tin đầy đủ của nhóm tác giả cho NXB vào chiều cùng ngày; kiểm tra rà soát lại cuốn sách xem mức độ vi phạm, sai phạm qua phản ánh và báo cáo bằng văn bản với NXB vào ngày 21/2. Bên cạnh đó, trực tiếp làm việc với tác giả Hoàng Tuấn Công, xin tác giả này cung cấp những tư liệu nguồn để đối chiếu, thống kê, so sánh mức độ vi phạm.

Bà Trâm cũng khẳng định: “Là một NXB uy tín, chuyên làm sách chất lượng cao, quan điểm của NXB là mong muốn làm rõ, không bao che, dung túng cho những sai phạm này. Trước đây, NXB cũng đã giải quyết nhiều trường hợp tương tự, ngừng cấp phép cho đối tác sáu tháng, và có những đối tác dừng hợp tác vĩnh viễn. Với công ty Minh Long, NXB cũng đã phê bình nghiêm khắc và yêu cầu chấm dứt tình trạng làm sách như thế này, để không xảy ra tình trạng tương tự. NXB cũng yêu cầu công ty dừng phát hành để giải quyết các vướng mắc về bản quyền. Ngoài những phản ánh của tác giả Hoàng Tuấn Công, có thể có những tác giả khác chưa biết/chưa kịp phản ánh, NXB cũng sẽ cho rà soát để giải quyết dứt điểm vụ việc”.

Sau khi đối chiếu trong vài ngày tới, dựa trên mức độ vi phạm, NXB sẽ theo từng trình tự quy định của pháp luật, và nếu sai, sẽ thu hồi, tiêu hủy. Đồng thời, trong trường hợp vi phạm, dựa trên mức độ vi phạm và luật định, đơn vị sẽ phối hợp với Cục Xuất bản, in và phát hành xử phạt đúng quy định của pháp luật.

Đậu Dung


 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Thúy 22-02-2020 20:58:30

    Tôi chưa thấy ai "ăn cắp" như thế này mà bị vào tù cả. Có lẽ vì pháp luật VN nhẹ nhàng quá chăng, nên những kẻ như thế này mới tồn tại được?

  • Tuyen Bui 21-02-2020 13:55:04

    Bài viết rất hay. Chúng ta phải góp tay chống nạn trộm cắp trí tuệ. Những tác giả quyển này cũng có chút học, việc họ đã làm không phải sai sót nhỏ ngẫu nhiên tức thời. Hành vi ăn trộm của họ nguy hiểm hơn trộm vật chất như trộm xe máy, ô tô nhiều lần vì nó gieo mầm gian vào đầu người. Cần phải truy tố để làm gương cho xã hội. Nhà xuất bản cũng có lỗi khi cho in một sách tham khảo cho đại chúng mà không có lời giới thiệu, không thẩm tra bề dày văn hóa của tác giả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI