Lời chưa kịp nói gửi người phụ nữ yêu thương

07/03/2022 - 16:32

PNO - Qua một cuộc thi của Nhà xuất bản Trẻ, những cô gái vốn ngại thể hiện tình cảm đã nhờ mạng xã hội gửi lời yêu thương tới mẹ ruột, mẹ chồng, cô giáo cũ...

 

Những lời ngại ngùng chưa nói

Ảnh chụp màn hình
Những dòng viết từ trái tim đã chạm tới trái tim nhiều người khác (Ảnh chụp màn hình)

"Tình thương của mẹ ẩn chứa trong những hành động hằng ngày, trong những lời nói tưởng chừng như đang trách mắng con: “Mày uống thuốc vào nhé; tốn hơn một triệu tiền thuốc rồi, không uống, không trị nữa”. 

Đó là những dòng chia sẻ của Hạ Bùi Mai - sinh viên năm nhất tại Hà Nội - khi kể về mẹ. “Tưởng rằng đó là những lời nói vô tâm. Đến khi phải sống tự lập, xa gia đình, mình mới hiểu những vất vả bấy lâu của mẹ”, Mai rưng rưng, kể tiếp: “Mẹ nghiêm khắc với mình lắm nhưng ẩn trong sâu là tấm lòng muốn mình nên người, thi đỗ vào trường đại học tốt, có một công việc tốt để không phải khổ sở như bà. Mẹ quan tâm đến tiền chỉ vì mẹ không muốn các con phải chịu khổ”. 

Là người hay ngại ngùng, ít chia sẻ cảm xúc trực tiếp với người mình thương, Vũ Thị Tuyến - làm việc tại Hà Nam - viết những dòng tâm tư đăng trên mạng xã hội nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, với hy vọng mẹ có thể đọc được.

Cô chia sẻ, đến lúc làm mẹ mới bắt đầu thấu hiểu làm mẹ khó thế nào. “Mẹ à! Con biết ơn mẹ đã vất vả làm lụng chỉ mong con đi học tới nơi tới chốn dù rằng khoảng thời gian đó gia đình mình khó khăn! Con biết ơn mẹ đã luôn bên con, lắng nghe những tâm sự của con! Con biết ơn mẹ vì đã nuôi dạy con nên người như ngày hôm nay! Con biết ơn mẹ vì luôn dành cho con những điều tốt đẹp nhất! Con biết ơn mẹ đã luôn yêu con vô điều kiện, để con biết gia đình là quan trọng nhất”, Vũ Thị Tuyến bồi hồi gửi tâm tư.

 

Những dòng thơ đầy cảm xúc của một cô con gái
Những dòng thơ đầy cảm xúc của một cô con gái

 

Bức thư gửi gắm tâm tư và lời cảm ơn đến mẹ của học sinh Trần Diệu Linh. Ảnh: NVCC
Bức thư gửi gắm tâm tư và lời cảm ơn đến mẹ của học sinh Trần Diệu Linh (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Không chỉ vậy, dịp này là lúc những đứa con gửi gắm cảm xúc với người phụ nữ mình yêu, dù đó là những lời chưa kịp nói. Phạm Thị Duyên - sinh năm 1986, công tác tại Hải Phòng - tự trách bản thân chưa lưu giữ nhiều kỷ niệm của mẹ qua những tấm ảnh, chỉ biết mường tượng ra hình bóng mẹ thông qua bà. 

Chị chia sẻ những ngày đầu xa mẹ, chị khóc nhiều. May mà chồng an ủi: “Mẹ vẫn luôn ở trong trái tim em đó thôi!”. Nhìn những đồ vật quanh nhà, Duyên xúc động: “Mẹ vẫn còn đó, ở trong hình dáng của những người thân yêu, ở trong những đồ đạc trong ngôi nhà thân yêu, ở trong những câu chuyện mà mọi người vẫn hay nhắc về mẹ. Và mẹ ơi, con rất vui khi mọi người vẫn bảo con càng ngày càng giống mẹ. Vậy con có thể thấy hình ảnh của mẹ trong con. Con là dòng máu của mẹ, con đang sống tiếp cuộc đời của mẹ. Con hứa với mẹ sẽ sống thật tốt. Con nhớ và yêu mẹ nhiều lắm!”.

Phạm Thị Tùng Chi lại gửi gắm tâm tư đến tương lai với những lời hứa dành cho mẹ. Cô chia sẻ cảm nghĩ của mình: “Con chợt tiếc nuối khi con người ta dần lãng quên những điều bình dị trong cuộc sống, con đau xót với những nỗi đau mất mát người thân của những “nạn nhân gián tiếp” trong đại dịch COVID-19, rồi con bỗng giật mình và run sợ khi nghĩ một ngày nào đó con không còn mẹ. Con chầm chậm viết cho mẹ bức thư này trong một hình dung rất mơ hồ. Mẹ đối với con như một vị thiên sứ nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Sắp tới, mẹ hãy để con được bù đắp lại cho mẹ, con sẽ đưa mẹ đi ăn những món ngon, dẫn mẹ đi nhiều nơi mà mẹ chỉ dám “ước gì được đặt chân đến đó một lần” và cùng đại gia đình mình sống thật lâu, thật lâu… mẹ nhé!”.

 

Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

Cảm ơn má chồng

Lần đầu tiên gửi đến mẹ một lá thư nghiêm túc khi bản thân đã đủ hiểu chuyện, Trần Diệu Linh - học sinh lớp 12, sống tại Hà Nội - tự hỏi “Mẹ đã đi qua nỗi cô đơn như thế nào?” sau 14 năm hôn nhân đổ vỡ. Diệu Linh cho rằng, dù ở tuổi nào, con người cũng luôn mưu cầu “hạnh phúc”, giống như việc bản thân luôn có mẹ 18 năm nay.

“Mẹ hãy cứ đi tìm hạnh phúc riêng của mẹ, dù mạnh mẽ và kiên cường đến đâu, con biết mẹ luôn cần một chỗ dựa mà có thể con không thay thế được. Dù rằng mẹ nói rằng “Mẹ đã quen sống một mình” hay “Mẹ ở vậy chăm con thôi” thì con biết mẹ vẫn cảm thấy cô đơn và luôn cần một người quan tâm, chăm sóc”.

Cô gái viết những dòng tâm sự với mẹ và không quên gửi lời cảm ơn và xin lỗi: “Con xin lỗi vì những lần đã lỡ khiến mẹ buồn, đôi khi buông lời khó nghe và đôi khi khiến mẹ phải lo lắng. Cảm ơn mẹ ngàn lần vì đã làm mẹ của con”.

Trần Thị Thanh Mai và má chồng (Ảnh: NVCC)
Trần Thị Thanh Mai và má chồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với Trần Thị Thanh Mai - sinh năm 1984, hiện công tác tại TP. Thủ Đức, TPHCM - Mai biết ơn và trao lời yêu thương đến người mẹ thứ hai của mình - má chồng.

Thanh Mai biết ơn má chồng bởi bà giúp cô học được đức tính cần cù, chịu thương chịu khó kể cả lòng vị tha, tính nhẫn nhịn, đức hy sinh. Ngoài ra, việc làm dâu của bà giúp cô học được những công thức nấu ăn mà cô chưa bao giờ biết đến cũng như cách chăm sóc vun vén gia đình được hạnh phúc vẹn toàn. 

Thanh Mai hồ hởi kể: “Má ở tuốt trên Lâm Đồng còn mình ở Sài Gòn. Vậy mà cứ vài tháng, hễ dành dụm được chút lộ phí, má lại xuống thăm chúng mình. Lần nào cũng vậy, hễ thấy chúng mình đến 9, 10 giờ tối mới ăn cơm, má lại thở dài rồi trêu: Ước gì má có thể gánh việc thay cho tụi con!”.

Cô sinh viên Huỳnh Lê Thanh Mai thì nhớ những kỷ niệm thời cấp III, trong đó có ngôi trường THPT Nguyễn Công Trứ và cô giáo Phan Thị Vân - người phụ nữ khiến cuộc đời cô thay đổi.

“Sâu thẳm trong lòng ai cũng thường có những nỗi niềm khó nói mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không giãi bày được, nhưng mình không còn cảm thấy lạc lõng bởi có cô vừa bầu bạn, để chia sẻ, giải đáp vừa là người mẹ dịu hiền lắng nghe cảm xúc của mình. Nhân dịp này, mình muốn gửi đến cô lời cảm ơn chân thành nhất. Cảm ơn cô những năm tháng thanh xuân đã đồng hành cùng mình”, Thanh Mai xúc động chia sẻ.

Trần Đào

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI