Nhiều người Mỹ rơi vào cảnh vô gia cư giữa đại dịch

07/09/2020 - 16:01

PNO - Khi đại dịch COVID-19 lan đến Mỹ, áp lực kinh tế ngày càng đẩy nhiều người lao động vào chỗ mất việc làm, không nhà ở...

Khi đại dịch COVID-19 lan đến Mỹ, áp lực kinh tế ngày càng đẩy nhiều người lao động vào chỗ mất việc làm, không nhà ở; trở thành đối tượng bị uy hiếp nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Theo tờ Los Angeles Times, tính đến ngày 26/8, ít nhất 35 người vô gia cư tại Los Angeles đã chết vì COVID-19, và cứ sau 5 giờ lại có một người vô gia cư thiệt mạng.

Bên bờ vực vô gia cư

Cái đầu nhỏ xíu của Israel Rodriguez, 20 tháng tuổi lấp ló trên ban công một căn hộ tầng hai ở TP.Houston, bang Texas. Cạnh đó, anh trai 4 tuổi của Israel, Fabian, đang cầm trên tay một gói giấy vệ sinh và chiếc bình sữa trống rỗng. Vài phút trước, Phó chánh văn phòng thực thi công lý Quận Harris - BennieGant - vừa gõ cửa để yêu cầu gia đình Rodriguez rời khỏi căn hộ. Người cha, Israel Rodriguez Sr. cầu xin Gant và các nhân viên khác từ văn phòng: "Chúng tôi không còn nơi nào để đi".

Một người vô gia cư co mình dưới tấm chăn bên lề đại lộ Sunset ở TP.Los Angeles Ảnh: Getty Images
Một người vô gia cư co mình dưới tấm chăn bên lề đại lộ Sunset ở TP.Los Angeles Ảnh: Getty Images

Gia đình Rodriguez nhận rất nhiều lời cảnh báo về việc họ không trả tiền thuê nhà, nhưng những lời cảnh báo không giúp thay đổi tình cảnh mà gia đình đối mặt, bởi anh Rodriguez vẫn không thể trả hàng ngàn USD tiền thuê nhà đang nợ.

BennieGant cho biết, gia đình Rodriguez chỉ là 1 trong 8 vụ trục xuất theo lệnh của tòa án mà ông phải thực hiện vào ngày hôm đó. Họ nằm trong số ước tính khoảng 30 đến 40 triệu người Mỹ sống bên bờ vực bị vô gia cư, điêu đứng vì tình trạng mất việc làm trong nền kinh tế khủng hoảng thời COVID-19.

Đối với nhiều người Mỹ, khoản trợ cấp 600 USD hằng tuần từ đạo luật CARES của liên bang đã giúp ứng phó vấn đề về trả tiền thuê nhà và các hóa đơn khác. Nhưng khi khoản hỗ trợ hết hiệu lực vào ngày 31/7, mọi nỗi đau kinh tế ập đến, cũng như các lệnh trục xuất xuất hiện nhiều hơn.

Vào đầu tháng Chín, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ban hành lệnh tạm dừng việc trục xuất người dân khỏi khu nhà ở cho đến cuối năm, bắt đầu hiệu lực từ thứ Sáu 4/9. Emily Benfer - một chuyên gia về nhà ở tại Đại học Princeton - nhận định, chính sách từ CDC sẽ trì hoãn việc trục xuất hàng loạt nhưng không giải quyết được cuộc khủng hoảng của người thuê nhà. 

Không còn nơi để đi

Khi đứng cùng các con giữa bãi đậu xe của khu chung cư cũ, anh Rodriguez tâm sự: "Chúng tôi không có nơi nào để đi ngay bây giờ. Khi đại dịch ập đến, tôi mất việc và mọi thứ đều thay đổi”. Một tay anh Rodriguez bế bé Israel, còn trước mặt là chiếc xe đẩy chất đầy quần áo trẻ em, đồ ăn nhẹ cùng một số ít những thứ gia đình có thể mang đi. Không còn người thân tại Houston, Rodriguez và bạn gái của anh chẳng biết họ sẽ đến đâu.

Chánh văn phòng thực thi công lý Quận Harris Alan Rosen cho biết: "Chúng tôi cũng là con người. Thật kinh khủng khi phải đuổi ai đó ra khỏi nhà, bởi đấy là nơi trú ẩn, là cuộc sống gia đình của họ". Dù ra lệnh cho cấp phó của mình tuân thủ nghĩa vụ theo luật định, ông Rosen cũng mong muốn chính phủ liên bang cần tìm ra một giải pháp lâu dài hơn.

Mối đe dọa từ đại dịch

Những người vô gia cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch bởi ước tính 64% bộ phận dân số này có một hoặc nhiều tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Felicia Grant - người điều hành một mái ấm tại Harborview Hall (bang Washington), nhận xét: “Dù nơi trú ẩn tạm thời là phương án giúp đáp ứng nhu cầu của nhóm dân số dễ bị tổn thương, mọi thứ đang dần trở nên khó khăn hơn”. Bởi có một nghịch lý, khi số lượng người vô gia cư tăng lên vì thất nghiệp, mất nhà ở, số giường tại các nhà ở xã hội phải giảm xuống để bảo đảm phòng dịch.

Theo tờ Los Angeles Times, tính đến ngày 26/8, ít nhất 35 người vô gia cư tại Los Angeles đã chết vì COVID-19, và cứ sau 5 giờ lại có một người vô gia cư thiệt mạng. San Francisco và Quận Cam cùng thuộc bang California cũng trải qua sự gia tăng đáng kể về số lượng người vô gia cư tử vong trong năm 2020. Tại TP.Sacramento - thủ phủ bang California, Shannon Dominguez-Stevens, Giám đốc điều hành mái ấm Maryhouse lên tiếng: “Chúng ta đã quá trễ trong việc nhìn nhận cuộc khủng hoảng mà người vô gia cư đối mặt”. 

Linh La (theo CNN, Capital and Main)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI