Nhiễm sán lá gan nhưng nhầm thành loét dạ dày, u gan…

15/02/2023 - 14:16

PNO - Nhiều người thích ăn gỏi cá sống, thịt bò tái... hoặc nuôi thú cưng không đúng cách đã bị nhiễm sán lá gan trong thời gian dài mà không biết. Có trường hợp bị chẩn đoán nhầm khiến bệnh nhân kéo dài thời gian điều trị.

Bệnh nhân nhiễm sán lá gan tăng 

Vừa được bác sĩ chẩn đoán nhiễm sán lá gan, anh T.V.L. (35 tuổi, ở Hóc Môn) nửa mừng nửa lo. Mừng vì đi nhiều nơi thăm khám, cuối cùng bác sĩ đã “tìm” ra bệnh của anh, lo bởi cũng trong khoảng thời gian đó, anh liên tục được chẩn đoán đau loét dạ dày, liên tục uống thuốc điều trị. 

Bác sĩ Hoàng Oanh - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM - đang tư vấn và thăm khám lại cho chị N. - ẢNH: P.A.
Bác sĩ Hoàng Oanh - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM - đang tư vấn và thăm khám lại cho chị N. - ẢNH: P.A.

Theo anh L., gần 3 tháng trước, anh thường thấy mệt mỏi, ăn không tiêu, hay đau vùng thượng vị, có khi đau lâm râm sườn phải nên đến bệnh viện địa phương khám bệnh. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán anh bị đau dạ dày cho thuốc về uống. Ban đầu, anh cảm thấy các cơn đau giảm dần chỉ còn hơi mệt, chán ăn. “Tôi chỉ bớt đau được hơn một tuần thì ăn uống khó tiêu, cảm giác như bị sình bụng, có lúc ói và mệt lả. Tôi đi phòng khám tư và một số bệnh viện, có nơi chẩn đoán bị đau dạ dày, có nơi nói bị loét dạ dày nhưng uống thuốc hoài vẫn không khỏi. Gần đây, tôi sụt cân nhanh, sốt và đau bụng nhiều hơn”, anh L. kể.

Đến khi một người hàng xóm nói cũng từng có triệu chứng giống như anh L., đi khám được chẩn đoán bị nhiễm giun sán, anh liền đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy anh L. dương tính với sán lá gan lớn. Bác sĩ siêu âm phát hiện các khối u giống hình ổ sán trong gan của anh.

Cách đây không lâu, chị T.T.N. (42 tuổi, ở quận 5) hay đau bụng, nôn ói, nóng sốt... nên đến một bệnh viện tại TPHCM khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán chị bị u gan, khối u có kích thước nhỏ vì vậy chị được uống thuốc điều trị. Sau khi uống thuốc, chị N. cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, nghĩ do tác dụng phụ của thuốc nên chị đến bệnh viện khám lại. “Bác sĩ nói có thể cơ địa tôi chưa chịu thuốc, khuyên uống thêm một thời gian để cơ thể thích nghi. Tôi lên mạng tìm hiểu thấy các biểu hiện ngứa, nổi mẩn của mình giống như bị nhiễm sán chó vì nhà tôi có nuôi thú cưng, nên đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM làm xét nghiệm”, chị N. chia sẻ.

Sau khi làm xét nghiệm, chị N. được chẩn đoán nhiễm sán lá gan. Bất ngờ hơn, chị không bị u gan mà do ổ sán gây áp xe, nhiễm trùng. Chị được bác sĩ lên phác đồ điều trị để kiểm soát nhiễm trùng và xử lý ổ sán. Qua gần một tháng điều trị, hiện chị N. đã bớt sốt, ngứa ngáy; hết cảm giác mệt mỏi, nôn ói. May mắn ổ sán dần được loại bỏ, chị tăng cân trở lại.

Bác sĩ Hoàng Oanh - Khoa Khám bệnh Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM - cho biết, hiện nay số lượng người mắc sán lá gan đến khám tại đây đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 100 trường hợp đến khám bệnh. 

Nguy cơ biến chứng cao nếu trị sai cách 

Theo bác sĩ Hoàng Oanh, bệnh sán lá gan là bệnh nhiễm ký sinh trùng mạn tính ở đường mật. Có 2 loại sán lá gan bao gồm sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn. Cả hai đều có đặc điểm sinh học, chu kỳ và vai trò tương đối giống nhau. Tùy theo chủng loại, khi sán xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng khác nhau. Nếu mắc sán lá gan lớn, đa phần người bệnh cảm thấy đau vùng thượng vị hay vùng hạ sườn phải, còn sán lá gan nhỏ thường gan sưng to dần, kèm đau bụng nếu nhiễm sán nhiều. Bệnh phát sinh khi vật chủ chính (người và động vật) ăn hoặc uống phải thực phẩm có sán lá. Thông thường, trứng sán phát triển mạnh trong môi trường nước, thành ấu trùng, sán trưởng thành và gây bệnh. 

Dưới nước, chúng có thể ký sinh trên các loại rau mọc dưới nước như rau nhút, rau muống… hay trong cá sống, gỏi thịt sống, nem chua. Nếp sống thiếu vệ sinh, phóng uế bừa bãi, vứt bỏ chất thải chưa được xử lý ra môi trường… cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ khiến sán có điều kiện sinh sôi, xâm nhập vào cơ thể và gây hại cho con người. Do vậy, nếu một người có thói quen ăn rau sống, thịt tái thì khả năng nhiễm bệnh sán lá gan rất cao. Hiện nay, nhiều người có sở thích ăn món sống cùng với sự phát triển của hàng quán phục vụ các món ăn như cá sống, thịt tái, gỏi cá sống, nem chua thịt... cũng làm cho tỉ lệ người nhiễm sán lá tăng lên.

Khi sán lá gan xâm nhập vào cơ thể, sán sẽ xuống dạ dày, tá tràng rồi theo đường mật đi vào gan. Tại đây, chúng ký sinh, phát triển thành sán lá gan trưởng thành, sinh sống và di chuyển xuống mật và gây bệnh. Quá trình này có thể diễn ra trong vài tuần đến vài tháng. Nguy hiểm ở chỗ tùy vào loại sán lá gan và số lượng ấu trùng xâm nhập, sự đáp ứng của vật chủ, đa số người nhiễm sán lá gan thường không có triệu chứng lâm sàng. Một số ít người thì bị rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, chán ăn, đau tức dưới sườn phải, bỗng dưng sụt cân nhanh... Vì vậy, người bệnh rất dễ bị nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị.

Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi có thể điều trị khỏi bệnh sán lá gan. Bác sĩ Hoàng Oanh cho biết: “Nếu nhẹ, người bệnh chỉ cần dùng thuốc điều trị. Nhưng để lâu, lúc sán lá gan trưởng thành sẽ hình thành các ổ áp xe gan gây đau bụng, sốt cao, thiếu máu... Bệnh nhân phải phẫu thuật xử lý sẽ đau và tốn kém, nặng hơn có thể gây tràn dịch màng phổi rất nguy hiểm”. 

Chính vì vậy, mọi người nên rửa tay trước khi ăn, chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với phân, rác thải; không dùng phân tươi để bón rau, cũng như không ăn thực phẩm chưa được nấu chín hay các loại rau sống mọc dưới nước. Đặc biệt, gia đình nuôi chó, mèo, thỏ... người có sở thích ăn đồ sống, rau sống nên đi tầm soát sán lá gan định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Tuyệt đối không sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng, không dùng chung đơn thuốc trong điều trị bởi nguy cơ biến chứng rất cao. 

Phạm An 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI