Tưởng đau bụng hậu COVID-19 không ngờ sán lá gan "làm ổ"

29/04/2022 - 12:25

PNO - Bị đau bụng, chị H. nghĩ các cơn đau này là chứng hậu COVID-19 do chị vừa khỏi bệnh, không ngờ lại là do sán lá gan đang "làm ổ".

Sau 1 tháng khỏi COVID-19, chị M.T.D.H. (37 tuổi, ở quận Tân Phú) thấy đau âm ỉ vùng thượng vị và hạ sườn phải, kèm sốt nhẹ. Nghĩ bị đau dạ dày, chị tự mua thuốc uống nhưng tình trạng không thuyên giảm. Đến ngày thứ 10, nghĩ rằng các cơn đau bụng là do hậu COVID-19 gây ra, chị đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM khám.

Tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ ghi nhận chị H. có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa. Phát hiện kết quả xét nghiệm máu của chị bất thường, bác sĩ CKI Hoàng Đình Thành - Trung tâm Nội soi và phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nhận định đây là một trong những dấu hiệu nghĩ đến bệnh ký sinh trùng.

Chị H. tiếp tục được siêu âm, bác sĩ tìm thấy ổ áp xe (mủ) ở gan phải (vùng hạ phân thùy 6) kích thước 70x71mm, bên trong ổ áp xe này có khoảng 6 ổ nhỏ rải rác, có kích thước khoảng 18x15mm. 

Bác sĩ Thành cho biết có nhiều nguyên nhân gây ổ áp xe trong gan như ký sinh trùng, vi trùng hoặc do hoại tử bên trong khối ung thư gan. Kết quả xét nghiệm máu theo kỹ thuật miễn dịch ELISA ghi nhận bệnh nhân bị sán lá nhỏ ở gan (thường gọi là sán lá gan nhỏ). Người bệnh được nhập viện điều trị, uống thuốc diệt sán lá gan và theo dõi tình trạng ổ áp xe, có thể có bội nhiễm vi trùng, có thể phải dùng thêm kháng sinh hoặc chọc dẫn lưu ổ mủ ra ngoài. Những trường hợp sán lá gan tạo ổ áp xe thì phải sau 3 - 12 tháng mới liền sẹo. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và xuất viện sau 10 ngày điều trị.

Bác sĩ Hoàng Đình Thành xem lại kết quả người bệnh trước khi cho xuất viện. Ảnh: Nguyễn Trăm.
Bác sĩ Hoàng Đình Thành xem lại kết quả xét nghiệm của người bệnh trước khi cho xuất viện - Ảnh: Nguyễn Trăm

Bệnh viện cũng vừa tiếp nhận bệnh nhân Đ.G.Q.Y. (38 tuổi, ở Tân Phú) bị nhiễm sán lá gan tạo ổ áp xe trong gan. Người bệnh cho biết thường ăn tôm sống chấm mù tạt. Chị Y. vừa khỏi COVID-19 được 20 ngày thì có cảm giác đau bụng vùng thượng vị nhưng không sốt, cũng như chị H., chị Y. nghĩ mình đau bụng do hậu COVID-19.

Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân được siêu âm ổ bụng, làm các xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện ở gan có ổ áp xe với kích thước 43x76mm và kèm một số ổ khác khoảng kích thước lớn nhất 50x48mm. Kết quả chẩn đoán, chị Y. bị áp xe gan do sán lá gan nhỏ. Bệnh nhân được nhập viện theo dõi và điều trị. Sau 7 ngày, bệnh nhân ổn định, xuất viện. 

Các bác sĩ cho biết, trong tháng 4, có đến 7 trường hợp người bệnh bị áp xe do sán lá gan gây ra. Nguy hiểm ở chỗ, nhiều bệnh nhân nghĩ mình bị hậu COVID-19 nên chỉ thăm khám khi cảm thấy đau nhiều, lúc này sán đã làm ổ ở nhiều nơi trong gan.

Bác sĩ CKI Huỳnh Văn Mười Một - phó khoa Cấp cứu cho biết, bệnh sán lá gan gồm sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) và sán lá gan lớn (Fascioliasis). Cả sán lá gan nhỏ và lớn đều có hình lá, thân dẹt và kích thước khác nhau. Nhìn chung sán lá gan lớn kích thước lớn hơn rất nhiều so với sán lá gan nhỏ. Các trường hợp nhập viện kể trên đều bị sán lá gan nhỏ. 

Sán lá gan nhỏ trưởng thành dài 1-2 cm, chiều ngang 0,2-0,4 cm. Sán ký sinh chủ yếu ở người và một số động vật như chó, mèo, hổ, báo, cáo, chồn, rái cá, chuột… Người hoặc động vật nhiễm bệnh do ăn uống phải ấu trùng nang chưa được nấu chín. Khi vào dạ dày, ấu trùng sẽ xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan. Khi xâm nhập vào mô gan, sán non phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong ống dẫn mật. Trứng được bài xuất theo phân ra ngoài, gặp môi trường nước ngọt ở sông suối, ao hồ… sẽ phát triển theo chu kỳ mới. 

Trứng lơ lửng trong nước, bị loài ốc nước ngọt thuộc giống Bithynia, giống Melania nuốt. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lông tơ chui ra khỏi trứng, lần lượt phát triển qua các giai đoạn từ bào tử nang đến ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc chui qua da cá nước ngọt thuộc họ Cyprinidae như cá diếc, cá rô, cá lia thia… Khi xâm nhập được vào cơ thể các loài cá, chúng rụng đuôi và thành hậu ấu trùng ở da hoặc thịt cá.

Người bị nhiễm bệnh do uống nước lã, ăn cá sống hay nấu chưa chín (các món gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt…), ăn gan động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín, ăn rau mọc dưới nước (rau muống nước, xà lách xoong, ngò om…) còn sống nhưng không rửa kỹ… Sau một tháng xâm nhập vào cơ thể người, sán sẽ trưởng thành và đẻ trứng. 

Trong cơ thể người, sán có thể sống tới 20 - 25 năm. Người mắc bệnh sán lá gan nhỏ thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa (đau bụng, chán ăn, cảm giác khó tiêu, ói mửa, tiêu chảy xen kẽ táo bón, sụt cân) nhưng trong trường hợp bệnh nặng, ống dẫn mật bị sưng, vách dày lên làm tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa, suy kiệt dần rồi chết. 

Bác sĩ Hoàng Đình Thành khuyến cáo: “Nên đề phòng bệnh sán lá gan cũng như các bệnh ký sinh trùng đường ruột khác do bệnh có tính chất phổ biến ở vùng nhiệt đới trong đó có Việt Nam. Hiện không ít người quan niệm chỉ cần uống một viên thuốc sổ giun (Albendazol hoặc Mebendazol) là ngừa được các loại giun sán nhưng thực tế, mỗi loại thuốc chỉ điều trị được vài loại giun sán nhất định. Do đó, cách phòng ngừa quen thuộc vẫn là “ăn chín - uống sôi”. Nhưng nhiều người trẻ hiện nay không quan tâm, vì có sở thích ăn gỏi cá sống, gỏi ốc sống, ăn rau sống… trong khi chất lượng thực phẩm sạch chưa được kiểm soát tốt”. 

Nếu mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người bệnh chỉ cần uống thuốc điều trị và theo dõi ở nhà. Tuy nhiên, nếu sán lá gan gây ra ổ áp xe ở gan thì việc điều trị cần tích cực hơn. Người bệnh nên nằm viện điều trị, để theo dõi diễn tiến và khi cần sẽ có biện pháp điều trị thích hợp và kịp thời, như sử dụng kháng sinh kèm theo diệt sán, và có thể cần chọc tháo dịch/mủ trong ổ áp xe ra ngoài thì mới nhanh chóng lành bệnh. 

Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể nhiễm trùng huyết do vi trùng bội nhiễm, dễ dẫn đến sốc nhiễm khuẩn - nhiễm độc. Lúc áp xe quá lớn tự vỡ ra, gây chảy máu bên trong ổ bụng, gây mất máu cấp tính và sốc, sẽ dẫn đến tử vong.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI