Nhật Bản phê duyệt thuốc phá thai nhưng bắt buộc có sự đồng ý của bạn tình: Chà đạp quyền sinh sản của phụ nữ

31/05/2022 - 21:26

PNO - Là quốc gia có luật phá thai khá nghiêm ngặt, đến nay Nhật Bản mới đi đến quyết định phê duyệt thuốc phá thai cho nữ giới. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn giữ điều khoản là khi sử dụng phương pháp phá thai nội khoa, người phụ nữ cần có sự đồng ý của "tác giả bào thai".

Theo Luật Bảo vệ Bà mẹ Nhật Bản năm 1948, người phụ nữ khi có thai nhưng muốn kết thúc thai kỳ thì bắt buộc phải trước 21 tuần 6 ngày. Nếu sau thời gian này mà làm thủ thuật có thể sẽ bị phạt tù. Ngoài ra, việc phá thai ở Nhật bắt buộc bằng phương pháp phẫu thuật và có sự đồng ý của đối tác (người yêu hoặc chồng). Đây là một chính sách mà các nhà vận động cho rằng chà đạp quyền sinh sản của phụ nữ.

“Về nguyên tắc, chúng tôi tin rằng sự đồng thuận vợ chồng là cần thiết, ngay cả khi phá thai bằng thuốc uống”, Yasuhiro Hashimoto, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế cho biết.

Phụ nữ diễu hành ở Tokyo để nâng cao nhận thức về địa vị của phụ nữ ở Nhật Bản vào Ngày Quốc tế Phụ nữ. Ảnh: Anadolu Agency / Getty Images
Phụ nữ Nhật Bản diễu hành ở Tokyo để nâng cao nhận thức về địa vị của họ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ - Ảnh: Getty Images

Nhiều nhà hoạt động vì phụ nữ và dư luận đang kêu gọi các cơ quan y tế bỏ quy định yêu cầu phụ nữ phá thai phải có sự đồng ý bằng văn bản của đối tác trước khi bác sĩ kê đơn thuốc.

Kumi Tsukahara, thành viên sáng lập Tổ chức Hành động Phá thai An toàn Nhật Bản, cho biết: “Sự đồng ý của người chồng sẽ trở thành vấn đề khi có bất đồng với người phối ngẫu. Hoặc người chồng ép vợ sinh con trái với ý muốn của mình. Đối với phụ nữ, bị ép mang thai mà họ không muốn là bạo lực và là một hình thức tra tấn".

Dư luận cho rằng chính sách này có thể gây ra những hậu quả bi thảm. Năm ngoái, một phụ nữ 21 tuổi đã bị bắt sau khi thi thể một trẻ sơ sinh được tìm thấy trong một công viên ở miền Trung Nhật Bản. Người phụ nữ khai với tòa rằng cô không thể ngừng thai kì vì không được bạn tình đồng ý. Các bác sĩ đã khăng khăng yêu cầu cô phải được sự đồng ý bằng văn bản, mặc dù cô không thể liên lạc được với người cha của đứa bé trong bụng. Cuối cùng, cô được hưởng án treo.

Truyền thông Nhật Bản cũng thường xuyên đưa tin về các trường hợp bác sĩ từ chối phá thai cho những phụ nữ bị tấn công tình dục, buộc các quan chức Bộ Y tế phải viết thư cho Hiệp hội Y tế Nhật Bản để làm rõ quy chế rằng, các trường hợp hiếp dâm thì được miễn trừ.

Các nhà hoạt động vì phụ nữ cho biết, việc Nhật Bản không phê duyệt một loại thuốc mà từ lâu đã có mặt ở hơn 70 quốc gia là phản ánh rõ nét nhất việc tỷ lệ nam giới nắm quyền ở đất nước này. Theo Tsukahara, Nhật Bản đã mất 40 năm để phê duyệt thuốc tránh thai vào năm 1999, nhưng chỉ mất sáu tháng để phê duyệt loại thuốc trị rối loạn cương dương Viagra.

Trong khi đó, thuốc phá thai đã có mặt trên thế giới đã gần 30 năm, nhưng đến cuối năm nay, Nhật Bản mới bắt đầu cho phép sử dụng.

Nhật Bản là một trong 11 quốc gia yêu cầu phải có sự đồng ý của bạn tình về việc phá thai, bất chấp lời kêu gọi chấm dứt hoạt động này của Tổ chức Y tế Thế giới và Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với phụ nữ của Liên Hiệp Quốc. Theo báo cáo, năm 2020,  Nhật Bản có 145.000 ca phá thai bằng phẫu thuật được thực hiện.

Chiaki Shirai, một giáo sư tại khoa Khoa học xã hội và nhân văn tại Đại học Shizuoka, cho biết: “Sự đồng ý của người chồng là không cần thiết đối với việc phá thai và nên được loại bỏ khỏi Luật Bảo vệ Bà mẹ".

"Phụ nữ không phải là tài sản của đàn ông", Mizuho Fukushima, một nghị sĩ của đảng Dân chủ Xã hội nói tại quốc hội vào tháng này. “Nên bảo vệ quyền lợi của họ, chứ không phải của người đàn ông. Tại sao một người phụ nữ phải cần sự chấp thuận của bạn đời mới được chấm dứt thai kì? Đó là cơ thể của họ mà”,  Mizuho Fukushima nói thêm.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI