Nhận diện đúng để phát huy vai trò, giá trị của gia đình

30/11/2022 - 06:41

PNO - Chưa bao giờ, nước ta có điều kiện tốt nhất để phát triển gia đình như hiện nay bởi quy mô gia đình hạt nhân phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện đại, kinh tế gia đình cũng phát triển mạnh hơn trước. Tuy nhiên, gia đình hiện nay cũng đang có những nhiễu loạn về chuẩn mực.Một số đại biểu đã nhận định như vậy trong hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức sáng 29/11, diễn ra tại 3 điểm cầu Hà Nội, Huế, TPHCM.

Gia đình nay đã khác xưa

Giáo sư Nguyễn Hữu Minh (Viện Nghiên cứu gia đình và giới) phân tích, sự chia sẻ giữa vợ và chồng là mối dây gìn giữ quan hệ vợ chồng, nhưng cho đến nay, ở nhiều gia đình Việt Nam, người vợ vẫn vừa làm việc bên ngoài như chồng, vừa phải làm nội trợ. Người chồng vẫn chưa đánh giá đúng mức công sức, đóng góp của vợ đối với những công việc trong gia đình. Quyền quyết định trong gia đình thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng nhưng đến nay, người chồng vẫn là người ra quyết định đối với những việc quan trọng trong gia đình. Những thứ “chuẩn mực” như trên cho thấy, vẫn còn bất bình đẳng giới trong thiết chế gia đình. 

Cũng theo giáo sư Nguyễn Hữu Minh, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ nhưng cũng gây ra những trở ngại trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Trong vòng 20 năm qua, đã nảy sinh hiện tượng “phân ly gia đình”, với hàng triệu người trẻ di cư nội địa và quốc tế mỗi năm. Nhiều làng, xã chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Trẻ em thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ, chính quyền các địa phương phải cùng lúc lo cho cả trẻ em lẫn người cao tuổi. 

Ông nói: “Tam, tứ đại đồng đường là văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam. Việc chăm sóc cha mẹ thể hiện lòng hiếu thảo và trách nhiệm của con cái. Chuẩn mực hiếu thảo truyền thống đòi hỏi con cái không chỉ chăm lo cho cha mẹ già về vật chất mà còn ứng xử hiếu thuận để cha mẹ vui hưởng tuổi già. Nhưng hiện nay, nhiều người cao tuổi phải sống một mình và tự chăm sóc bản thân, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về tài chính và bệnh tật. Chưa kể, do sự “phân ly gia đình”, 1 bộ phận người cao tuổi không những không được con cái chăm sóc mà còn phải thay con cái chăm sóc cháu”.

Bữa cơm gia đình là nơi hội tụ, đoàn kết, gặp gỡ và gắn bó hơn các thành viên trong gia đình với nhau (trong ảnh: Một đại gia đình ở TPHCM được Hội LHPN TPHCM ghi nhận là gia đình văn hóa - hạnh phúc) Ảnh: Phùng Huy
Bữa cơm gia đình là nơi hội tụ, đoàn kết, gặp gỡ và gắn bó hơn các thành viên trong gia đình với nhau (trong ảnh: Một đại gia đình ở TPHCM được Hội LHPN TPHCM ghi nhận là gia đình văn hóa - hạnh phúc) Ảnh: Phùng Huy

Giáo sư Nguyễn Hữu Minh cho hay, 1 cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu gia đình và giới với 922 người cao tuổi cho kết quả, khoảng 8,1% từng bị bạo lực và 5,7% từng bị bạo lực trong 12 tháng trước cuộc khảo sát. Hình thức bạo lực xảy ra nhiều nhất là hỗn láo, lăng mạ, sỉ nhục người cao tuổi. Người gây ra bạo lực thường là con đẻ (chiếm 88,3% trong các vụ). 

Theo khảo sát, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi bạo lực đối với người cao tuổi là sự tôn thờ giá trị đồng tiền ở một số người, sự khác biệt về lối sống và sự thiếu quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể đối với các gia đình. Bên cạnh đó, chi phí khám chữa bệnh, chăm sóc người cao tuổi là 1 gánh nặng kinh tế đối với nhiều gia đình. Những mâu thuẫn nảy sinh, tích tụ từ gánh nặng kinh tế cũng góp phần dẫn đến các hành vi bạo lực cha mẹ, ông bà.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho rằng, hiện nay, gia đình vẫn là 1 đơn vị kinh tế, nhưng các thành viên trong gia đình theo đuổi các mục đích khác nhau, với các hoạt động kinh tế khác nhau chứ không cùng sản xuất và có chung “nguồn ngân sách” như trong gia đình truyền thống. Việc biến đổi chức năng kinh tế hộ gia đình đã dẫn tới sự thay đổi mục đích và hoạt động sản xuất của các thành viên trong gia đình. Với tư cách là đơn vị tiêu dùng, gia đình không sử dụng những sản phẩm do mình làm ra mà sử dụng hàng hóa và dịch vụ xã hội. 

Ở nông thôn, số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có xu hướng giảm, số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên. Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa khiến việc làm, sinh kế thay đổi, kéo theo sự thay đổi trong tổ chức chi tiêu, hoạt động tiêu dùng và mối quan hệ xoay quanh vấn đề tiền bạc của gia đình. Không ít mâu thuẫn về tài sản, đất đai, lợi ích kinh tế đã làm tan vỡ các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, thậm chí đã xảy ra những thảm án.

Tiêu chí hóa việc xây dựng gia đình 
Giáo sư Nguyễn Hữu Minh đánh giá, trong những thập niên qua, nhiều bộ luật đã ra đời nhằm xây dựng gia đình Việt Nam theo hướng tiến bộ. Các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình hoạt động nhằm hỗ trợ người dân xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. 

Tuy nhiên, trong thực tế, các chính sách chưa thể hiện đầy đủ vai trò của gia đình với tư cách là 1 thiết chế xã hội đặc thù, có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế khác trong xã hội. Gia đình chưa được nhìn nhận như 1 thiết chế độc lập, có sự vận động và phát triển riêng và là đối tượng của các chính sách độc lập. Việc thực thi chính sách gia đình cũng còn nhiều hạn chế. 

Phát biểu tại hội thảo, tiến sĩ Vũ Trường Giang và thạc sĩ Trịnh Thị Thúy (Học viện Chính trị khu vực I) cho rằng, công nghệ truyền thông đang góp phần tạo ra khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình. Việc tương tác, giao lưu, chuyện trò, chia sẻ trực tiếp ngày càng bị giới hạn do giới trẻ dành quá nhiều thời gian cho tương tác ảo, theo đuổi những đam mê cá nhân. Trong nhiều gia đình ở đô thị, mỗi người là 1 thế giới riêng, dẫn đến tình trạng cha mẹ, con cái không thông hiểu nhau, người trẻ dễ rơi vào những cạm bẫy.

Theo ông, Việt Nam chưa có những số liệu đầy đủ, hệ thống ở quy mô quốc gia về sự vận động và phát triển của gia đình, dẫn đến các chính sách thiếu khả thi. Việc hoạch định các chính sách xã hội đối với gia đình trong các chính sách kinh tế, xã hội cũng chưa thực sự dựa trên các bằng chứng và luận cứ khoa học. Mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ chưa được cụ thể hóa thành các tiêu chí rõ ràng, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch hành động và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương kiến nghị, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm thỏa đáng tới công tác xây dựng gia đình bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nhất là trước những thay đổi về giá trị gia đình hiện nay; tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, trong đó lấy gia đình làm trọng tâm; tăng cường kiểm tra việc thực thi và xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới trong gia đình.

Bà Minh Hương cũng đề xuất xây dựng đề án quốc gia về giáo dục gia đình trong tình hình mới, đồng thời tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình, đưa nội dung các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác gia đình vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm của các cấp ủy đảng. Song song đó, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm phê duyệt các đề án, chương trình, chiến lược về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình. 

Quang cảnh hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” ở đầu cầu Hà Nội - ảnh: Gia tuệ
Quang cảnh hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” ở đầu cầu Hà Nội - Ảnh: Gia Tuệ

Gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo - cho rằng, việc xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, thực hiện một trong các nhiệm vụ quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

"Cách người Huế giữ gìn hệ giá trị gia đình"

Lâu nay, Huế luôn được xem là địa phương điển hình trong việc lưu giữ những giá trị truyền thống gia đình, đặc biệt là sự dung hòa giữa những giá trị mới phát triển trên những nền tảng giá trị truyền thống. Theo ông Phan Ngọc Thọ - Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - để đạt được điều này có 3 yếu tố.

Đầu tiên, việc giáo dục truyền thống trong gia đình Huế rất quan trọng. Con cháu sẽ được giáo dục lòng biết ơn, lòng tự hào về gia đình và truyền thống dòng họ. Thứ hai, ở Huế, gia đình tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường còn phổ biến. Ông bà - cha mẹ ở cùng con cháu. Người già có trách nhiệm dạy bảo con cháu về lễ nghi, phép tắc, lòng hiếu thuận. Thứ ba, ở Huế coi trọng việc duy trì bữa cơm gia đình. Bữa cơm gia đình là nơi hội tụ, đoàn kết, gặp gỡ và gắn bó hơn các thành viên trong gia đình với nhau.

Tiến sĩ Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình - cho rằng, để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc, điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Đây chính là hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc. Theo bà, giá trị cốt lõi của gia đình là hôn nhân tự nguyện, bình đẳng, chung thủy, các thành viên yêu thương, chăm sóc lẫn nhau.

Phó giáo sư Đặng Thị Hoa (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, dân tộc, là nơi rèn giũa nên những con người có đạo đức, yêu lao động, biết học hỏi, sống tình nghĩa, kính trên nhường dưới. Theo bà, hiếu thuận trong gia đình là quan tâm, chăm sóc những người thân trong gia đình, biết kiềm chế những ham muốn của bản thân để mưu lợi cho gia đình, cộng đồng. Do đó, giá trị chữ hiếu trong gia đình còn có nghĩa rộng hơn, gắn với quyền lợi của dân tộc, đất nước.

Xung đột cũ - mới có thể gây mất định hướng giá trị

Các hệ giá trị Việt Nam là một trong những nguồn lực vĩ đại của quốc gia, dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. Các nguồn lực khác như tài nguyên, khoáng sản, nếu càng khai thác thì càng bị cạn kiệt, nếu không khai thác thì vẫn nguyên vẹn, không hao mòn, không tàn lụi. Nhưng các nguồn lực hệ giá trị nói chung, đặc biệt là nguồn lực hệ giá trị con người, nếu không sử dụng, không khai thác, không khơi dậy và phát huy thì nó sẽ dần lu mờ, tàn lụi, suy giảm và mất dần vai trò, sức mạnh. Đó là nguồn lực rất đặc biệt, nếu liên tục dùng thì không bao giờ hết, không bao giờ cạn kiệt, nhiều thế hệ, nhiều chủ thể có thể cùng dùng, cùng khai thác. Chúng càng được khai thác, càng được khơi dậy, càng được phát huy thì càng phát triển.

Nếu các hệ giá trị nói chung, hệ giá trị con người nói riêng bị biến động, lệch chuẩn, rối loạn thì xã hội sẽ mất phương hướng, suy giảm niềm tin, bất ổn, rối ren. Sự xung đột giữa các giá trị cũ sắp bị loại bỏ hoặc bị loại bỏ từng phần với các giá trị mới khiến xã hội mất định hướng giá trị; các hành vi, hoạt động của những con người, bộ phận dân cư khác nhau sẽ được đánh giá, định vị theo những chuẩn mực, khung mẫu khác nhau. Tình hình đó dẫn đến sự xung đột trong định hướng, đánh giá và niềm tin, tạo nên sự rối loạn của xã hội. Những quan niệm về đúng sai, tốt xấu, có lợi, có hại... đối với cộng đồng, cá nhân, có thể bị đảo lộn. 

Trong những giai đoạn như vậy, vai trò của những nhà nghiên cứu, của truyền thông là rất quan trọng. Nếu họ không đảm đương được trách nhiệm định hình giá trị, xác lập, củng cố vai trò của các giá trị và hệ giá trị con người, nhanh chóng điều chỉnh định hướng phù hợp với xu thế phát triển thì xã hội sẽ rối ren hơn, hệ lụy nặng nề hơn và kéo dài hơn.

Phó giáo sư Lương Đình Hải - Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam 

"Cần tìm ra “bộ gen” của hệ giá trị Việt Nam"

Nói đến giá trị gia đình, trước hết phải nhớ đến câu nói của cụ Phan Bội Châu: “Quốc gia là cái nhà lớn, gia đình là 1 quốc gia nhỏ”. Như vậy, phải xác định giá trị gia đình trong sự phát triển của quốc gia. Chúng ta cần tìm ra bộ gen của hệ giá trị Việt Nam, thấy được những giá trị cốt lõi nhất, xuyên suốt, giúp chúng ta tồn tại được trong lịch sử, từ đó có định hướng cho toàn bộ sự phát triển của lịch sử, và định hướng cho sự tồn tại của chúng ta trong thời kỳ mới. Nên nhớ, bên cạnh chúng ta, đã có những quốc gia bị xóa khỏi bản đồ thế giới do không giữ được những giá trị cốt lõi nhất của dân tộc mình, bị hòa vào những giá trị của quốc gia khác.

Nấc thang cao nhất của hệ giá trị là giá trị đó phải mang tính cộng đồng. Người Việt Nam không thể lao động, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, ngoại xâm nếu không có được tính cộng đồng. Nước ta hiện nay cũng đề cao vai trò cá nhân như một số quốc gia trên thế giới. Nhưng ở ta, cá nhân đó phải được đặt trong cộng đồng, bởi giá trị bản chất và cao nhất của người Việt Nam, của xã hội Việt Nam là tôn trọng cộng đồng.

Giáo sư - Tiến sĩ Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển

 

Minh Tuệ - Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI