Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Cảm thơ Bùi Giáng đến già cũng không chán

22/08/2018 - 19:30

PNO - Ẩn dật bao nhiêu năm, Trần Quế Sơn cuối cùng cũng chịu lộ diện và trình làng một liveshow đặc biệt nhân 20 năm mất của thi sĩ Bùi Giáng (1998 - 2018), diễn ra tại Nhà hát Thành phố vào ngày 24/8.

Bên cạnh những ca khúc cũ từng đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như Tre Việt Nam, Cõng mẹ đi chơi, nhạc sĩ người Quảng Nam cũng công bố nhiều ca khúc mới như: Hạt sương và cọng cỏ, Con cóc, Con rùa, Nàng tiên của đời anh… Có 1/3 ca khúc trong chương trình là ca khúc cảm thơ thi sĩ Bùi Giáng.

Chương trình do đạo diễn Việt kiều Tuấn Lê - tác giả của Làng tôi, À ố show - dàn dựng; với sự tham gia của dàn nghệ sĩ: Tùng Dương, Đức Tuấn, Võ Hạ Trâm, Phạm Anh Khoa, Hồ Trung Dũng… Phần múa sẽ do hai anh em Phúc Hùng - Phúc Hải đảm nhiệm, với sự góp mặt của vũ đoàn từ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM.

Ngoài NSND Kim Cương, Trần Quế Sơn còn mời nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn, anh Thanh Hoài - cháu rể thi sĩ Bùi Giáng... đến giao lưu, chia sẻ kỷ niệm với Bùi Giáng - một trong những trường hợp “lạ lùng” của lịch sử văn học Việt Nam.

Nhac si Tran Que Son: Cam tho Bui Giang den gia cung khong chan
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn

Thơ Bùi Giáng gợi ra một thế giới rộng mở hơn

Phóng viên: Tại sao lại là cảm thơ Bùi Giáng, mà không phải là phổ thơ, thưa anh?

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn: Có những bài tôi chỉ sử dụng vài câu thơ của ông mà thôi. Bài Thưa các em miền Nam chẳng hạn. Thơ Bùi Giáng “đỉnh” và rất chặt chẽ, đọc còn thấy ngược ngược, không xuôi, nói gì phổ nhạc thơ ông, buộc tôi phải viết lại. Hơn nữa, khi ta nói phổ mà không viết lại lời, thì đó là hát thơ, chứ không phải phổ thơ. Thôi thì dùng từ “cảm thơ”, tôi nghĩ, như thế sẽ hợp hơn.

* Anh cảm nhận về thơ cũng như con người thi sĩ Bùi Giáng ra sao?

- Lạ, dị biệt lắm. Trước đây, tôi cũng học hỏi từ thơ Hồ Dzếnh, Bích Khê, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử… Sau này, khi có cơ hội tiếp xúc với thơ Bùi Giáng thì thế giới trong thơ ông gợi mở trong tôi rất nhiều điều mới mẻ khác. Có thể, mai mốt chưa biết được, tôi gặp một thi sĩ nào đó gây cảm hứng lớn cho tôi như Bùi Giáng đã từng, tôi cảm/phổ thơ họ cũng nên.

Nhưng dầu thế, tôi vẫn nghĩ, có lẽ, thơ ông Bùi Giáng nhiều như vậy, tôi phổ/cảm tới già cũng chưa hết. Ông là người đã giết hết mọi quy tắc, mọi sự áp đặt, hơn thua - được mất - thành bại của đời người để đến với thơ, sống với thơ. Tôi trân quý điều đó.

* Người ta nói Bùi Giáng là một người điên, chơi ngông của văn đàn Việt Nam. Sau bao nhiêu năm ẩn dật, anh có nghĩ mình đang làm một việc điên rồ là “đốt hết một lần” để được ngông? Giờ đang “mốt” MV, anh làm liveshow không sợ bị lỗ ư?

- Người ta hay nói Bùi Giáng điên, chơi ngông, nhưng tôi thấy ông là một nghệ sĩ rất nghiêm túc. Cái cà rỡn của ông Bùi Giáng là cái cà rỡn trong ngoặc kép, cái cà rỡn đầy triết học, cảm xúc và hiện sinh. Còn vì sao tôi không làm MV mà lại làm liveshow; là bởi, tôi ở trong giới sản xuất MV nên tôi biết, có rất nhiều tiểu xảo để làm cho một sản phẩm âm nhạc trở nên hoàn hảo. Tôi không muốn dùng tiểu xảo.

Làm liveshow ở nhà hát, ca sĩ và ban nhạc đều chơi live. Có thể, sẽ có những thứ không hoàn hảo nhưng mọi thứ đều chân thực. Tôi nghĩ, đó là ước mơ của mọi nghệ sĩ. Tôi muốn hướng đến một thứ âm nhạc nghiêm túc. Những cà rỡn, phớt đời... đâu đó có trong âm nhạc của tôi, cũng là cái cà rỡn nghiêm túc.

* Được đào tạo sáng tác chính quy tại Nhạc viện TP.HCM, từng đoạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tại sao anh lại đi một con đường trầm lặng đến thế?

- Tôi chẳng quan trọng chuyện nổi tiếng hay không. Một nghệ sĩ có lẽ chẳng cần gì ngoài việc tác phẩm được công chúng yêu thích và đón nhận. Đó cũng là lý do các ca khúc của tôi ít nổi tiếng rầm rộ, nhưng khi thính giả đã cảm nhận được thì sẽ yêu thích bền lâu. Các ca khúc như Tình quê, Yêu cái mặn mà, Cõng mẹ đi chơi, Tre Việt Nam, Dùi chiêng… cũng đã sống gần 20 năm đấy thôi.

* Ca từ trong âm nhạc của anh rất đẹp. Điều đó có liên quan gì tới văn chương không?

- Từ khi còn nhỏ, tôi đã là một cậu bé lãng mạn, yêu thơ văn. Khi học cấp I, cấp II, tôi đã đọc khá nhiều tiểu thuyết. Bối cảnh trong văn tạo nên trong con người mình nhiều cảm xúc, nhiều khung cảnh. Lên cấp III, tôi đã đọc cuốn sách của Hoài Thanh - Hoài Chân, Nguyễn Hiến Lê, nhất là mấy cuốn dạng như Luyện văn, Hương sắc trong vườn văn...

Tôi biết những cái “đức” trong văn như tinh tế, hàm súc, bóng bẩy… Khi sáng tác, tôi kỹ về ca từ là vì thế. Đôi khi, do ca từ nghiêng về chất thơ nhiều nên làm ảnh hưởng không tốt đến giai điệu. Nhưng tôi vẫn hy sinh cái hay của giai điệu để tôn vinh cái hay của ca từ. Vinh danh ca từ, cũng là vinh danh tiếng Việt, ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta.

Nhac si Tran Que Son: Cam tho Bui Giang den gia cung khong chan
Thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998)

Tùng Dương: Anh có đang ‘cõng mẹ đi chơi không”

* Trần Quế Sơn không phải là một cái tên hot trong thị trường âm nhạc Việt Nam. Ngoài Võ Hạ Trâm, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, còn có Tùng Dương và Dũng Đà Lạt - đều là hai nghệ sĩ khá khó tính và rất kỹ trong việc lựa chọn nơi mình xuất hiện?

- Trong số nghệ sĩ hát trong đêm Cõi quê, ngoài Đức Tuấn từng hát hai ca khúc, có những người chưa từng hát tác phẩm của tôi trước đây. Nhưng có lẽ, họ đồng cảm với tác phẩm, nên khi tôi liên lạc mời tham gia, họ đồng ý chăng?

* Mất bao lâu anh mới nhận được cái gật đầu của họ?

- Gọi là đồng ý ngay. Chẳng hạn khi tôi gọi Tùng Dương thì Dương nói: “Ô, xin chào anh Sơn, anh đang làm gì đó? Anh có cõng mẹ đi chơi không?”. Đó là câu hỏi của Tùng Dương. Mặc dù, Tùng Dương không thân với tôi lắm.

* Không ai nghi ngờ tài năng của Tuấn Lê, nhưng kết hợp một chương trình ca nhạc, lại không phải ca nhạc thị trường với xiếc, anh không sợ chương trình bị tạp kỹ hóa hoặc biến chất?

- Gặp được Tuấn Lê là một điều may mắn rất lớn của tôi. Trước đây, tôi từng coi À ố show, Làng tôi do Tuấn Lê làm đạo diễn và vô cùng biết ơn những người nghệ sĩ sống ở nước ngoài, nhưng đã đem tài năng, kinh nghiêm học hỏi từ nước ngoài về, tạo ra những tác phẩm giá trị. Đó là những vở diễn mà văn hóa Việt được bảo tồn một cách mới mẻ trong kỹ thuật hiện đại Tây phương. Việc Tuấn Lê huấn luyện diễn viên xiếc minh họa cho chương trình rất hay, không hề ảnh hưởng gì tới ý tưởng ban đầu của tôi. Không hề tạp kỹ chút nào.

* Cảm ơn anh.

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI