Nhà vệ sinh, phòng thay đồ ''không phân biệt giới tính’' gây chỉ trích tại Anh

31/03/2023 - 10:50

PNO - Tuyên bố muốn đem đến “trải nghiệm bình đẳng giới” cho khách hàng, thế nhưng cố gắng đổi mới dịch vụ của một vài địa chỉ kinh doanh ở thủ đô nước Anh lại tạo ra hiệu ứng tiêu cực.

Mới đây, Lyric Hammersmith, nhà hát cổ kính nổi tiếng tại quận Hammersmith (Tây London) phải hứng chịu chỉ trích sau khi đưa vào sử dụng dãy nhà vệ sinh “không phân biệt giới tính”. Họ bị cáo buộc đang khiến những khán giả nữ đến xem biểu diễn nghệ thuật “cảm thấy không thoải mái” trong một toilet đặt 5 bồn tiểu và 1 buồng vệ sinh duy nhất.

Đại diện Lyric Hammersmith cho biết, họ muốn cung ứng các cơ sở vật chất thiết yếu nhằm “đáp ứng nhu cầu của mọi cá nhân lui tới nhà hát”. Tuy nhiên, phóng viên kỳ cựu và nhà vận động vì quyền phụ nữ Joan Smith, người đã có trải nghiệm không mấy dễ chịu với căn buồng vệ sinh “trung lập về giới” tại đây, hoàn toàn không ủng hộ ý tưởng này.

Nhà hát Lyric Hammersmith bị chỉ trích vì phòng vệ sinh “không phân biệt giới tính” có cấu trúc bất hợp lý.
Nhà hát Lyric Hammersmith bị chỉ trích vì phòng vệ sinh “không phân biệt giới tính” có cấu trúc bất hợp lý.

Đánh mất sự riêng tư

Ngày 21/3 vừa qua, Smith từng đến nhà hát để thưởng thức một vở kịch. Giữa lúc sân khấu nghỉ giải lao, vì không đủ thời gian đến khu vệ sinh nữ tiêu chuẩn, bà đành dùng phòng vệ sinh “không phân biệt giới tính” vừa được mở nằm phía sau quầy bar chính của nhà hát. “Trước mắt tôi là những bồn tiểu cho nam giới vốn tôi phải đi ngang qua mới đến được căn buồng vệ sinh nhỏ đơn lẻ”, nữ nhà báo tiết lộ. “Tôi cảm thấy cực kỳ không thoải mái ở một không gian thiếu sự riêng tư thế này”.

Smith phàn nàn rằng, bất kì người đàn ông nào cũng có thể bước vào, vô tình chạm mặt một người khác giới bên trong nhà vệ sinh. “Quả thật ngay lúc tôi chuẩn bị quay ra ngoài, một vị khách nam bước vào cửa, trông thấy tôi và lúng túng đến mức lập tức bước ra”, bà nói. “Tôi không muốn gặp phải tình huống ngượng ngùng như vậy. Tôi càng nghi ngờ cánh nam giới sẽ đồng ý dùng chung phòng vệ sinh công cộng với người khác giới”.

Smith đã gửi thư khiếu nại đến phía quản lý nhà hát, cũng như Andy Slaughter – nghị sĩ đảng Lao động tại Hammersmith. “Nhiều phụ nữ vì lý do tôn giáo sẽ không thể ở một không gian riêng tư như nhà vệ sinh cùng nam giới”, Smith viết trong thư.

Tháng 7 năm ngoái, một thông cáo từ chính phủ Anh đề cập đến hiện tượng các nhà vệ sinh gắn mác “không phân biệt giới tính” xuất hiện gần đây. “Chúng bắt đầu khiến phụ nữ quan ngại về nguy cơ thiếu an toàn, riêng tư cho người sử dụng và chức năng xây dựng bất hợp lý”, nội dung thông cáo nhấn mạnh.

“Thân thiện cho mọi giới”?      

Thế hệ trẻ toàn cầu dần có xu hướng chọn dùng danh xưng phi giới tính cho bản thân. Theo khảo sát mới quy tụ hơn 2,000 người Anh tham dự của công ty nghiên cứu thị trường đa quốc gia OnePoll, ngày càng nhiều thanh thiếu niên chủ động thảo luận – tiếp nhận những vấn đề liên quan đến tự do giới tính. Dẫu vậy, nỗ lực hướng đến sự đa dạng hóa và bình đẳng giới chưa hẳn đã được biểu thị đúng cách.  

Primark, công ty kinh doanh thời trang được ưa chuộng tại Anh, muốn “nâng cao chất lượng dịch vụ” bằng hệ thống phòng thử đồ dành cho mọi giới tính.
Primark, công ty kinh doanh thời trang được ưa chuộng tại Anh, muốn “nâng cao chất lượng dịch vụ” bằng hệ thống phòng thử đồ dành cho mọi giới tính.

Primark, thương hiệu thời trang nhanh nổi danh với hàng trăm đại lý bán lẻ tại Anh, vừa gây thêm làn sóng tranh cãi về các phòng thử đồ “thân thiện cho mọi giới tính”. Cụ thể, hãng bắt đầu lắp đặt hệ thống phòng thử đồ dành cho mọi giới hồi tháng 10/2022.

Hành động từng khiến nhiều khách hàng nữ phàn nàn, vì cảm thấy thiếu an toàn khi chia sẻ không gian thay quần áo nơi công cộng với nam giới. Về sau, Primark vẫn không loại bỏ mô hình này. Thay vào đó, cạnh khu thử đồ “trung lập”, họ tạo thêm một không gian dành riêng cho phái nữ.

Thế nhưng đã có vài khách hàng tỏ ra bối rối, thậm chí giận dữ trước sự sửa đổi có phần khó hiểu của Primark. Nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi người chuyển giới, cũng là một phụ nữ chuyển giới, India Willoughby chỉ trích phòng thay đồ tại các cửa hàng Primark là “một ý tưởng tồi”. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter, cô viết: “Hẳn mọi người đều biết phụ nữ chuyển giới được công nhận là phụ nữ chứ? Phòng thử đồ chỉ dành cho nữ của Primark chẳng khác gì đang phân biệt giới tính”.

Khách hàng nữ phàn nàn các phòng thử quần áo tại Primark khiến họ thấy “bối rối”.
Khách hàng nữ phàn nàn các phòng thử quần áo tại Primark khiến họ thấy “bối rối”.

Primark lý giải: “Khu vực thử đồ thân thiện cho mọi giới của chúng tôi phù hợp với tất cả mọi người. Phòng thử đồ cho nữ dành cho tất cả khách hàng nữ hoặc những vị khách không muốn công khai xu hướng tính dục. Chúng tôi thay đổi mô hình phòng thử đồ sau khi lắng nghe ý kiến từ người tiêu dùng và đồng nghiệp. Trên hết, chúng tôi muốn cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng khi dùng phòng thử đồ”.

Vì lợi ích chung, Willoughby tin rằng bảng chỉ dẫn cũng như thông tin hướng dẫn sử dụng phòng thử đồ của Primark cần được chỉnh sửa rõ ràng, dễ hiểu hơn.

Như Ý (theo Telegraph

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI