Nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 đầu tiên ở châu Phi đứng trước nguy cơ bị đóng cửa

02/05/2022 - 06:40

PNO - Giám đốc điều hành của Aspen tại Nam Phi, Stavros Nicolaou, cho biết nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 có nguy cơ bị đóng cửa khi không có đơn đặt hàng.

Ông Stavros Nicolaou chia sẻ: "Nếu chúng tôi không nhận được bất kỳ đơn đặt hàng vắc xin nào, thì rõ ràng sẽ không có lý do gì để giữ lại các dây chuyền hiện đang sử dụng để sản xuất”.

Việc công ty Aspen đứng trước nguy cơ đóng cửa được xem là đòn giáng nặng nề vào mục tiêu của Liên minh châu Phi (AU). Bởi tổ chức này đặt kỳ vọng sẽ sản xuất 60% tổng số vắc xin được sử dụng tại địa phương vào năm 2040, tăng so với mức 1% hiện tại và nhiều nhà máy tương tự Aspen cũng đang được thành lập.

Một công nhân tại công ty dược phẩm Aspen Pharmacare lớn ở Nam Phi, được nhìn thấy tại cơ sở vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson ở Gqeberha, Nam Phi,
Các công nhân đang làm việc tại cơ sở vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson ở Gqeberha, Nam Phi

Theo số liệu mới nhất của WHO từ cuối tháng 3, chỉ 1/6 người trưởng thành ở châu Phi được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi Nam Phi, quốc gia đang trải qua đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 5 cũng chỉ tiêm phòng cho khoảng 30% dân số.

Dẫu số lượng người dân chưa được tiêm chủng của lục địa là rất lớn nhưng điều khiến các quốc gia châu Phi không mặn mà đặt hàng xuất phát từ việc các nước đang phải vật lộn với các vấn đề hậu cần, thiếu nhân viên lành nghề, dây chuyền lạnh và một vài lý do khác xung quanh việc phân phối vắc xin. Một vấn đề khác là các nước tài trợ giàu có cũng đã bắt đầu cung ứng nhiều vắc xin hơn cho châu lục.

Nhà máy sản xuất vắc xin COVID-19 đầu tiên của châu Phi Aspen được thành lập vào năm 2021 đã nhận được rất nhiều sự chú ý, khi đây được xem là bàn đạp cho lục địa chưa nhận được nhiều vắc xin vì các đợt cung ứng chậm chạp của phương Tây.

Công ty Aspen Pharmacare của Nam Phi đã đạt được thỏa thuận cấp phép vào tháng 11/2021 để đóng gói, bán vắc xin COVID-19 của Johnson & Johnson và phân phối chúng trên khắp châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi thỏa thuận này là "thời điểm chuyển đổi" trong nỗ lực hướng tới xóa bỏ sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận vắc xin COVID-19.

Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI