Người vừa tiêm vắc xin COVID-19 có được uống rượu bia?

22/06/2021 - 18:06

PNO - Người vừa tiêm ngừa vắc xin COVID-19 có được uống rượu bia hay không?

 

Sau khi tiêm chủng, người dân chờ theo dõi phản ứng sau tiêm, ảnh Trọng Nguyễn
Sau khi tiêm chủng, người dân chờ theo dõi phản ứng sau tiêm - Ảnh: Trọng Nguyễn

Hiện nay, Bộ Y tế đang thực hiện tiêm chủng COVID-19 mở rộng cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên. Tại TPHCM đã bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm ngừa lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều người thắc mắc sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thì người được tiêm có được uống rượu bia hay không, chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin COVID-19? Ăn gì để vắc xin đạt hiệu quả tốt nhất?

Bác sĩ Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC - cho biết, tuy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho rằng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19, cũng không có bằng chứng chứng minh vắc xin COVID-19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia, nhưng Trung tâm và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân nên tránh uống rượu trước và sau khi chủng ngừa vì rượu có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước.

Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm ức chế hệ miễn dịch, làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn để phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vắc xin. 

Cụ thể, người uống rượu có cảm giác buồn ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu. Vì vậy, người đi tiêm phòng tốt nhất không nên uống rượu, bia, chất có cồn cả trước và sau khi tiêm ít nhất 1 ngày.

Để tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được diễn ra thuận lợi, mọi người nên giữ cho cơ thể đủ nước. Uống nhiều nước giúp máu lưu thông tốt, cung cấp đầy đủ oxy đến các tế bào giúp hệ miễn dịch làm việc tốt hơn. Nước không chỉ cung cấp nguồn năng lượng cho các tế bào, mà còn giúp các tế bào loại bỏ độc tố và các nguyên nhân gây bệnh một cách tự nhiên.

Tất cả các loại vắc xin phòng COVID-19 đều đã được thử nghiệm trên những người có chế độ ăn uống bình thường. Điều này có nghĩa là, vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả mà không cần bất kỳ chế độ dinh dưỡng đặc biệt nào. Tuy nhiên, một thực đơn ăn uống khoa học, hợp lý sẽ hỗ trợ tốt cho nhu cầu của cơ thể, kể cả trước và sau khi tiêm vắc xin. Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm.

Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như bánh mì, yến mạch, gạo lứt, bắp… Bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày. 

Lưu ý, không nên ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ hay thực phẩm chế biến sẵn, ngoài gây cảm khác khó tiêu, còn có nguy cơ béo phì, rối loạn hệ thống miễn dịch. 5 nhóm thực phẩm nên có trong thực đơn trước và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19, gồm:

Rau có lá màu xanh đậm: những loại rau có màu xanh đậm chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giúp kháng viêm hiệu quả. Một số loại rau được khuyến nghị nên dùng như: bông cải xanh, cải bó xôi, cải xoăn, rau ngót, rau muống…

Canh hầm hoặc súp: đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, trong đó đã bao gồm duy trì phản ứng miễn dịch của cơ thể. Vì vậy, một trong những lưu ý quan trọng giúp cơ thể khỏe mạnh là nuôi dưỡng đường ruột khỏe mạnh. Canh hoặc súp được phối hợp từ các loại rau củ giàu chất xơ và các gia vị kháng viêm là nhóm thực phẩm đặc biệt có lợi cho đường ruột.

Hành, tỏi: Hành tỏi là nhóm thực phẩm có công dụng tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể, cung cấp nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột, tăng khả năng miễn dịch. 

Nghệ: Nghệ là gia vị chứa rất nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe gồm: các curcuminoid, tinh dầu nghệ, protein, các chất vô cơ, hợp chất vi lượng, chất xơ và tinh bột nghệ, nghệ có tính kháng viêm mạnh mẽ, giúp bảo vệ não bộ khỏi tình trạng căng thẳng tinh thần.

Việt quất: Việt quất là loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, cùng với các vitamin như C, B2, B6, E và K, chất xơ… giúp tăng cường nồng độ serotonin, chất dẫn truyền thần kinh, liên quan nhiều quá trình sinh học của cơ thể.

Một số người sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể xảy ra phản ứng buồn nôn. Để đề phòng tình huống này, cần chuẩn bị sẵn một số thực phẩm dễ tiêu hóa như sốt táo, súp rau, gạo lứt, dưa, khoai tây… Tránh mang những thức ăn khó tiêu như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên, thức ăn có đường như kẹo hay bánh nướng. Lưu ý uống đủ nước, đến khi cơn buồn nôn giảm bớt hãy tiếp tục ăn thực phẩm tươi, nguyên chất.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI