Người thân của nạn nhân tội ác thù ghét tại Mỹ và những nỗi đau kéo dài

17/03/2022 - 13:50

PNO - Trong khi việc truy tố các hung thủ với tội phạm thù ghét do phân biệt sắc tộc đã là một thách thức, những nạn nhân còn sống sót, và người thân của những người đã mất trong các vụ tấn công nhắm vào cộng đồng người Mỹ gốc Á lại phải tiếp tục sống trong sự lo sợ, khi phải đối mặt với rủi ro bị hành hung và quấy rối bên ngoài, cũng như trên mạng, ngày càng gia tăng.

Ngày 16/3/2021, mẹ của Robert Peterson - bà Yong Ae Yue - và 7 người khác, chủ yếu là phụ nữ châu Á, bị bắn chết tại các tiệm spa ở khu vực Atlanta (thủ phủ của bang Georgia, Mỹ), trong một vụ án được cộng đồng người Mỹ gốc Á cho là xuất phát từ tội phạm thù ghét do phân biệt sắc tộc.

Tuần hành kêu gọi ngăn chặn tội phạm thù ghét ở quảng trường Time (New York) ngày 16/3/2022
Tuần hành kêu gọi ngăn chặn tội phạm thù ghét người gốc Á ở quảng trường Thời đại (New York) ngày 16/3/2022

Một năm đã trôi qua, nhưng Peterson cho biết anh không thể nào quên được vụ thảm sát này. “Tay súng có thể đã không lớn tiếng văng ra những lời nói chế giễu mang tính phân biệt sắc tộc nào trong suốt thời gian xảy ra vụ xả súng, nhưng hành động lạnh lùng của anh ta nói lên tất cả những điều đó”, Peterson, 39 tuổi, kể lại.

Kể từ sau vụ xả súng hàng loạt, tay súng đã bị buộc tội đã gây ra 4 trong số các vụ giết người ở quận Cherokee, và bị kết án tù chung thân. Nhưng anh ta vẫn phải đối mặt với 19 cáo buộc bổ sung tại quận Fulton gần đó, nơi các công tố viên cho biết sẽ theo đuổi án tử hình đối với tội ác thù hận xuất phát từ động cơ phân biệt giới tính và sắc tộc.

Robert Aaron Long - khi đó 21 tuổi, là nghi phạm trong vụ xả súng - nói với các nhà chức trách rằng anh ta bị quẫn trí vì nghiện tình dục. Tuyên bố của anh ta đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về động cơ đằng sau vụ tấn công, đồng thời dẫn đến nhiều lời kêu gọi ủng hộ việc chống tội phạm thù ghét.

Văn phòng Biện lý quận Fulton đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận, nhưng một phiên điều trần trước xét xử sẽ được ấn định vào ngày 19/4 tới đối với trường hợp của Long.

Theo CNN, vụ án này được kỳ vọng là “phép thử đầu tiên” đối với luật chống tội ác thù hận được Cơ quan lập pháp Georgia thông qua, sau vụ xả súng sát hại Ahmaud Arbery - 25 tuổi, là một thanh niên gốc Phi - vào ngày 23/2/2020 tại một khu phố gần Brunswick ở quận Glynn, bang Georgia.

Đạo luật này cho phép các công tố viên phân loại các tội danh hiện có như một tội phạm thù ghét trước khi xét xử. Trước tiên, bồi thẩm đoàn sẽ phải xác định tội danh, và sau đó xem xét liệu đó có phải là tội phạm thù ghét hay không.

Cho đến nay, các nhà chức trách liên bang vẫn chưa nộp đơn tố cáo tội phạm thù ghét đối với Long. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ nói với CNN rằng, cuộc điều tra liên bang về vụ xả súng ở spa Atlanta vẫn đang được mở, và các quan chức hiện vẫn đang theo dõi các vụ án của bang.

Trong thời gian Peterson và gia đình chờ đợi một phiên tòa, anh cho biết luôn cảm thấy rất nhớ mẹ, khi nhìn thấy những nơi mà anh đã từng có những ký ức đẹp đẽ với mẹ, từ mọi góc nhà, nhất là gian bếp, nơi mẹ đã dạy anh nấu món ăn mà anh yêu thích.

“Mẹ là một người phụ nữ truyền thống của Hàn Quốc. Bà đã dạy những đứa con trai hai chủng tộc của mình tiếp thu đầy đủ di sản châu Á của gia đình, và làm việc tốt. Bà ấy hiểu rõ sự phẫn nộ và đau đớn mà những người thân của những nạn nhân da màu đã bị cảnh sát giết  phải chịu đựng. Bà ấy cũng rất sợ hãi trước sự gia tăng của các vụ tấn công chống lại người châu Á vào đầu đại dịch”, Peterson chia sẻ.

Theo CNN, số vụ người châu Á bị tại Mỹ bị hành hung và quấy rối đã tăng lên đáng kể kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Và các nhà hoạt động đấu tranh chống lại tộc ác thù ghét, những người sống sót sau các vụ bạo lực và các thành viên trong gia đình họ, cho biết điều đáng báo động là đến nay, tình hình có vẻ như vẫn không có nhiều thay đổi.

Chỉ riêng ở New York, đã có 131 sự cố được xác nhận là có động cơ phân biệt và chống lại người châu Á vào năm ngoái, theo dữ liệu từ NYPD (Sở Cảnh sát New York) - tăng đáng kể so với con số 27 vụ việc được báo cáo vào năm 2020, và 1 vụ vào năm 2019.

Mới đây nhất, cụ bà Hoa Nguyen - 68 tuổi, gốc Việt, sống ở Brooklyn (bang New York) - đã bị một kẻ lạ mặt đấm vào mặt hôm 19/1 khi đang trên đường đi chợ.

“Tôi quay đầu sang bên phải và anh ta đấm thêm 2 cái vào tai bên trái tôi”, bà Hoa kể lại.

Tuy không bị thương nặng, nhưng nay bà không còn cảm thấy an toàn khi đi bộ trên đường phố như trước nữa.

“Chúng tôi chưa bao giờ phải ngoái đầu nhìn lại phía sau khi đang đi dạo trong thành phố. Nhưng bây giờ, mỗi khi tôi đi bộ ra ngoài, tôi đều phải làm như vậy”, con trai của bà Hoa, ông Khánh Nguyễn, 42 tuổi, cho biết.

Theo Văn phòng Biện lý quận Brooklyn, nghi phạm - Mercel Jackson, 51 tuổi - đã bị bắt và bị buộc tội tấn công, quấy rối và căm thù. Hung thủ nói với cảnh sát rằng anh ta “không thích vẻ ngoài của người Hoa, vì nhìn như những người đang mắc bệnh sởi” và cũng “không thích người Hoa nhìn mình”, theo tài liệu của tòa án.

Ông Khánh cho biết, cuộc tấn công khiến những người hàng xóm và một số tổ chức phi lợi nhuận quanh New York ủng hộ gia đình anh về mặt tinh thần và pháp lý.

“Nhưng thật không may, điều đó lại làm khơi dậy lên một kiểu căm ghét chống người châu Á khác, nhắm vào gia đình tôi. Không ai đi ra đường và la mắng chúng tôi, nhưng giờ đây lại có những người lên mạng và bày tỏ sự căm ghét đối với chúng tôi”, ông Khánh chia sẻ.

Nhất Nguyên (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI