Người phụ nữ mất đôi mắt và cả tương lai vì theo đuổi việc điều tra tội phạm

10/11/2020 - 17:23

PNO - Điều cuối cùng mà Khatera (33 tuổi) nhìn thấy là ba người đàn ông trên chiếc mô tô lao đến tấn công ngay sau khi cô rời nơi làm việc - một đồn cảnh sát ở tỉnh Ghazni, miền trung Afghanistan.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, mọi thứ tối om, Khatera nhớ lại: “Tôi hỏi các bác sĩ, tại sao tôi không thể nhìn thấy gì? Họ nói với tôi rằng mắt tôi vẫn đang băng bó vì vết thương. Nhưng ngay lúc đó, tôi biết rằng đôi mắt của mình đã bị lấy mất”.

Cô và chính quyền địa phương cho rằng vụ tấn công là do các tay súng Taliban - những người phủ nhận sự liên quan - và nói rằng những kẻ tấn công đã hành động theo lời cha cô, người kịch liệt phản đối cô làm việc bên ngoài nhà.

Đối với Khatera, cuộc tấn công không chỉ khiến cô mất đi thị giác mà còn khiến cô mất đi giấc mơ mà cô đã chiến đấu để đạt được - có một sự nghiệp độc lập. Cô gia nhập lực lượng cảnh sát Ghazni với tư cách là một sĩ quan điều tra tội phạm vài tháng trước vụ việc.

Khatera mất đi đôi mắt và công việc mơ ước sau vụ tấn công bằng dao.
Khatera mất đi đôi mắt và công việc mơ ước sau vụ tấn công bằng dao

Các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng cuộc tấn công vào Khatera, là dấu hiệu cho thấy một xu hướng đang gia tăng về phản ứng dữ dội và thường bạo lực đối với phụ nữ tìm kiếm việc làm, đặc biệt là trong các vai trò công cộng. 

Các nhà hoạt động nhân quyền tin rằng sự pha trộn giữa các chuẩn mực xã hội bảo thủ của Afghanistan và việc Taliban tìm cách giành ảnh hưởng khi Mỹ dần rút quân khỏi đất nước đang làm gia tăng sự leo thang bạo lực với nữ giới.

Taliban hiện đang đàm phán ở Doha, Qatar, với chính phủ Afghanistan để môi giới một thỏa thuận hòa bình, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm cũng như có sự gia tăng trong giao tranh, tấn công các quan chức và phụ nữ nổi tiếng trên toàn quốc.

Trong những tháng gần đây, Taliban cho biết họ sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ theo luật Shari,  nhưng nhiều phụ nữ có học thức nói rằng họ nghi ngờ lời hứa này. Nhóm nổi dậy đã phản đối cải cách thêm tên người mẹ vào chứng minh thư, một trong những quan điểm cụ thể đầu tiên mà họ tiết lộ về quyền của phụ nữ khi tham gia vào tiến trình hòa bình.

Ước mơ của Khatera khi còn nhỏ là được làm việc bên ngoài gia đình và sau nhiều năm cố gắng thuyết phục cha mình nhưng vô ích, cô đã tìm được sự hỗ trợ từ chồng nhưng cha cô, có lẽ không đồng ý. Cô kể: “Nhiều lần tôi đi làm nhiệm vụ, tôi thấy cha tôi đi theo... Ông ấy bắt đầu liên lạc với Taliban ở khu vực gần đó và yêu cầu họ ngăn cản tôi đi làm”.

Cô tin rằng chính ông đã cung cấp cho Taliban bản sao thẻ căn cước của cô để chứng minh cô làm việc cho cảnh sát, và gọi cho cô suốt trong ngày cô bị tấn công để hỏi về vị trí cô đang ở.

Đối với phụ nữ tại Afghanistan, tìm kiếm một công việc - đặc biệt trong chính quyền - là điều rất nguy hiểm.
Đối với phụ nữ tại Afghanistan, tìm kiếm một công việc - đặc biệt trong chính quyền - là điều rất nguy hiểm

Người phát ngôn sở cảnh sát Ghazni xác nhận họ tin rằng Taliban đứng sau vụ tấn công và cha của Khatera đã bị bắt giam. Một phát ngôn viên của Taliban tiết lộ, nhóm đã biết về vụ việc, nhưng đó là vấn đề gia đình và họ không liên quan.

Khatera và gia đình, bao gồm 5 người con, hiện đang trốn ở Kabul, nơi cô hồi phục và thương tiếc cho sự nghiệp vừa bị tước đoạt.

Cô khó ngủ, giật bắn người khi nghe thấy tiếng xe máy và phải cắt đứt liên lạc với đại gia đình của mình, bao gồm cả mẹ cô. Katera  hy vọng một cách tuyệt vọng rằng bác sĩ ở nước ngoài bằng cách nào đó có thể phục hồi một phần thị lực cho cô.

“Nếu có thể, tôi lấy lại được thị lực, tôi sẽ tiếp tục công việc và phục vụ trong cảnh sát một lần nữa”, cô thổ lộ và nói thêm rằng cô cần một khoản thu nhập để tránh cảnh túng thiếu.

Ngọc Hạ (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI