20 năm phụ nữ bị "bỏ rơi" trong các cuộc đàm phán hòa bình

01/11/2020 - 18:18

PNO - Mục tiêu của Liên Hợp Quốc trong việc thúc đẩy sự bình đẳng của phụ nữ vào quá trình duy trì hòa bình trên thế giới đã không đạt được khi tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào các cuộc đàm phán là rất thấp.

Một quan chức cao cấp phụ trách lĩnh vực bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc mới đây cho biết, mục tiêu đảm bảo sự tham gia công bằng cho phụ nữ vào các cuộc đàm phán hòa bình đã thất bại.

Theo đó, phụ nữ vẫn đang “bị loại trừ một cách có hệ thống” ra khỏi các cuộc đối thoại nhằm chấm dứt những cuộc xung đột trên thế giới, vốn là “lãnh địa” do đồng sự là nam giới nắm giữ vai trò ra quyết định lâu nay.

Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành Women UN đang phát biểu tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 1/10 - Ảnh: UN PHOTO / AP
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women đang phát biểu tại phiên họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 1/10 - Ảnh: UN Photo/AP

Trong cuộc trao đổi với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mới đây, bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women - cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho biết tỷ lệ phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình từ năm 1992 đến 2019: chỉ 13% tham gia trong vai trò nhà đàm phán, 6% là chuyên gia hòa giải và 6% là người ký tên vào các nghị quyết ngừng bắn hay biên bản thỏa thuận hòa bình.

Các nhà ngoại giao Đức cho rằng, mặc dù bình đẳng giới góp phần quan trọng trong việc duy trì an ninh và hòa bình trên thế giới, đồng thời ngăn chặn tình trạng xâm hại tình dục và bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trong chiến tranh, các cuộc xung đột vũ trang, thế nhưng trong suốt 20 năm qua “phụ nữ vẫn bị bỏ rơi khỏi quá trình đàm phán hòa bình dẫn đến quyền và lợi ích của họ bị lãng quên khi xây dựng những xã hội thời hậu xung đột”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nêu ra thực tế với chỉ 7% phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo cấp quốc gia tại các nước, đồng thời tái khẳng định rằng “Bình đẳng giới là quan trọng và ưu tiên hàng đầu, nhất là khi mà hiện nay các cấu trúc quyền lực đang bị áp đảo bởi nam giới”.

Nhà vận động nữ quyền Zarqa Yaftali đến từ Afghanistan cho biết, trong suốt một thời gian dài từ 1996 đến 2001 dưới sự quản lý của chính quyền Taliban, phụ nữ Afghanistan không được đến trường, không được rời nhà để đi làm, hay thậm chí không được đi chợ nếu không có đàn ông giám sát bên cạnh.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình từ trước đến nay là rất thấp - Ảnh: inclusivesecurity
Tỷ lệ phụ nữ tham gia các cuộc đàm phán hòa bình từ trước đến nay là rất thấp - Ảnh: Inclusive Security

Nữ diễn viên người Mỹ gốc Zimbabwe Danai Jekesai Gurira, đồng thời là Đại sứ thiện chí của UN Women nhắc lại những câu chuyện về phụ nữ bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột tại Yemen, Syria, Libya, Somalia và Nam Sudan, và nhấn mạnh rằng, các thành viên của Liên Hợp Quốc không được phép quên nhiệm vụ thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các công việc đàm phán hòa bình cũng như đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ.

“Bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong quá trình ra quyết định là cách duy nhất giúp chúng ta kiến tạo và duy trì hòa bình”, bà Gurira nói.

Nguyễn Thuận (theo AP, Japan Times)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI