Người dân vùng lũ khốn khổ vì bệnh Whitmore “tấn công”

18/11/2020 - 06:50

PNO - Do mùa bão, lụt ở các tỉnh miền Trung kéo dài hơn một tháng qua khiến lượng bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại BV Trung ương Huế tăng mạnh.

 

Ông N.G.T. nhiễm bệnh Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế
Ông N.G.T. nhiễm bệnh Whitmore được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế

Có rất nhiều người dân vùng lũ mắc bệnh Whitmore nhưng lầm tưởng chỉ là bệnh lý ngoài da thông thường. Nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn đã nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... nên việc điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên vô cùng khó khăn.

Cảnh báo bệnh Whitmore tăng đột biến mùa mưa lũ

Tại Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, trong ngày 17/11, có tám trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Whitmore đến khám bệnh. Ông N.G.T. (sinh năm 1953, quê ở xã Phong Bình, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) kể, cả tháng nay khu vực xã Phong Bình ngập sâu trong lũ. Hiện một số thôn, xóm tại xã này nước lũ vẫn chưa rút hết. Mấy hôm nay, ông N.G.T. thấy vết loét trên mắt cá chân ngày càng sâu hơn, nên đã nhờ con chở đến Trung tâm Y tế H.Phong Điền khám. Các bác sĩ nơi đây đã làm thủ tục chuyển ông lên BV Trung ương Huế để điều trị. “Tôi cứ tưởng do ngâm nước lũ lâu ngày nên chân bị ngứa. Ai ngờ các bác sĩ chẩn đoán tôi mắc bệnh Whitmore, phải nhập viện điều trị. Nếu muộn một, hai ngày nữa là nguy hiểm đến tính mạng, may quá chú ơi”, ông N.G.T. nói.

Do mùa bão, lụt ở các tỉnh miền Trung kéo dài hơn một tháng qua khiến lượng bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tại BV Trung ương Huế tăng mạnh. Từ đầu tháng Mười đến giữa tháng 11/2020, số lượt bệnh nhân mắc bệnh Whitmore nhập viện tăng đột biến với gần 30 ca. Tỷ lệ này cao rất nhiều so với các giai đoạn trước đó. Cụ thể, từ năm 2014-2019, có khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore (cấy bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei). Từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 có 11 bệnh nhân. Sự tăng đột biến số lượng ca bệnh trong thời gian tháng Chín, Mười và 11 như trên là hoàn toàn giống với các nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Vì số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỷ lệ thuận với lượng mưa hằng năm,  đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei.

Trong số các bệnh nhân mắc bệnh Whitmore có 50% người đến từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... 50% từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, thị xã Hương Thủy của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn của bệnh, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng... nên việc điều trị khó khăn, chi phí cao nhưng kết quả không mấy khả quan.

Điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm

Bệnh nhân Whitmore tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế
Bệnh nhân Whitmore tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được bệnh Melioidosis còn gọi là bệnh Whitmore, do trực khuẩn gram âm Burkholderia Pseudomallei gây ra. Vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực, lây lan sang người, động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm.

Vi khuẩn gây bệnh Whitmore từ môi trường bên ngoài xâm nhập cơ thể chủ yếu qua những vị trí da bị trầy xước; hoặc hít phải bụi, hơi nước có nhiễm khuẩn, uống nước có nhiễm khuẩn tại chỗ xâm nhập nên gây thành các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp-xe lớn, đặc biệt là những vùng có nước lũ ngâm lâu ngày. 

Hầu hết bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, không rõ ràng, tổn thương đa cơ quan: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tản mạn, nhiễm khuẩn khu trú như áp-xe cơ, áp-xe phần mềm, áp-xe gan, viêm hạch, viêm xương... Chẩn đoán dễ bỏ sót và dễ nhầm với bệnh khác, đặc biệt là lao do tính chất tổn thương giống lao. Thể cấp tính gồm sốt cao, mạch nhanh, khó thở, đau cơ, gan lách lớn, sốc nhiễm trùng… Tỷ lệ tử vong giai đoạn này lên đến 90% nếu không được điều trị và 50% khi được điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó giám đốc BV Trung ương Huế, khuyến cáo: để chủ động phòng bệnh Whitmore, người dân hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn ở vùng lũ, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng trước lũ. Ngoài ra, phải sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, nước lụt, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước lũ bị ô nhiễm nặng. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Đặc biệt, khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm xác định bệnh và điều trị kịp thời. 

Theo bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương, bệnh Whitmore hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, điều trị bằng các loại kháng sinh đặc hiệu. Những trường hợp tử vong thường do bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn hoặc suy đa tạng. 

“Sau bão lũ, ở những khu vực rốn lũ của các tỉnh miền Trung như Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), Phong Điền, Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) hay các xã hạ lưu sông Ô Lâu thuộc H.Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… Tất cả theo dòng nước lũ tràn ra gây ô nhiễm môi trường, người dân phải đối mặt với rất nhiều bệnh lý truyền nhiễm tiềm ẩn. Vì vậy, xử lý môi trường ô nhiễm, đảm bảo nguồn nước sạch và chăm sóc sức khỏe người dân sau lũ lụt là hết sức quan trọng và cấp thiết để tránh được bệnh Whitmore phát triển”, bác sĩ Hương nói.

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI