Nạn buôn bán phụ nữ vào Trung Quốc

01/04/2019 - 05:57

PNO - Nhiều phụ nữ Triều Tiên sống cả đời ở Trung Quốc, sau khi bị bán cho những người đàn ông ở các vùng nghèo khó, để làm người ở hoặc thậm chí là nô lệ tình dục.

"Nguyên nhân của vấn đề mua bán phụ nữ nghiêm trọng tại Trung Quốc là "chính sách một con" trong quá khứ, mới được dỡ bỏ một phần năm 2016. Chính sách này, cùng với tư tưởng "trọng nam khinh nữ" tồn tại lâu đời, đã khiến các gia đình Trung Quốc sinh con chọn lọc - chỉ giữ lại con trai. Hệ lụy của nó là tình trạng "dư thừa" khoảng 30 đến 40 triệu đàn ông, không thể lấy vợ trong nước, phải "mua" vợ từ Myanmar, Lào, Triều Tiên và nhiều nước khác trong khu vực" - bà Heather Barr, đồng giám đốc về quyền phụ nữ của Tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW), cho biết.

Nan buon ban phu nu vao Trung Quoc
Lee Meng Zu - nạn nhân buôn người - đã thoát được đến Hàn Quốc năm 2008. Hiện cô sống ở Seoul

Văn phòng Liên hiệp quốc về ma túy và tội phạm (The United Nations Office on Drugs and Crime) cảnh báo rằng, thị trường buôn người trị giá hàng tỷ USD, ảnh hưởng đến gần như mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ có Trung Quốc là do nguyên nhân từ mất cân bằng giới tính.

Lee Meng Zu, người Triều Tiên, bị lừa bán vào Trung Quốc từ năm 1998, khi cô 18 tuổi. Lee Meng Zu được hứa hẹn sẽ có một công việc rửa bát cho một nhà hàng. Thực chất, chủ nhà hàng này đã mua cô về làm vợ con trai ông ta, đang đi bộ đội. Lee không biết chính xác về "giá" của mình, chỉ biết rằng, những người phụ nữ khác được bán cùng cô ngày ấy có giá từ 1.000 đến 2.000 USD. Lee Meng Zu đã trốn thoát được đến Hàn Quốc và 20 năm sau, Lee đã kể lại câu chuyện của mình.

Các nhóm nhân quyền ước tính, có từ 100.000 đến 300.000 người Triều Tiên đang ẩn náu ở Trung Quốc. Lee Meng Zu nói mình là người may mắn, bởi những phụ nữ chạy trốn như cô luôn sống trong nỗi sợ bị gửi trở về quê hương. Nếu bị buộc phải trở về Triều Tiên, những người đào thoát sẽ bị cầm tù vì "tội phản quốc".

Nhiều phụ nữ Triều Tiên sống cả đời ở Trung Quốc, sau khi bị bán cho những người đàn ông ở các vùng nghèo khó, để làm người ở hoặc thậm chí là nô lệ tình dục. Những người may mắn đào thoát chỉ có thể dành vài tuần ở Trung Quốc trước khi tiếp tục chạy trốn sang Hàn Quốc, Lào, Thái Lan hoặc Mông Cổ.

Giai đoạn có nhiều người Triều Tiên chạy khỏi đất nước là giữa những năm 1990, khi nạn đói gây ra cái chết cho ít nhất một triệu người. Từ lúc lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền ở Triều Tiên năm 2011, tổng số người đào thoát mỗi năm đã giảm hơn một nửa, do sự kiểm soát chặt chẽ ở biên giới và kẻ môi giới tăng giá.

HRW cũng đã đưa ra một báo cáo cho biết chính quyền Trung Quốc đang thất bại trong việc ngăn chặn nạn buôn người từ Myanmar sang Trung Quốc. Đa số những phụ nữ Myanmar bị buôn bán đến từ phía bắc nước này. Họ được hứa hẹn việc làm tốt, rồi bị bán với giá từ 3.000 đến 13.000 USD. Như Wood River Women's Foundation - Quỹ truyền cảm hứng và giáo dục phụ nữ thành nhà lãnh đạo - giải thích, tỷ lệ giới tính lệch lạc "làm tăng nhu cầu mại dâm và phụ nữ nước ngoài làm cô dâu cho đàn ông Trung Quốc".

Phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc hoặc tuyển dụng thông qua một nhà môi giới hôn nhân và vận chuyển đến Trung Quốc, bị bán làm vợ cho dân làng hoặc bị ép làm gái mại dâm trong các nhà thổ ở khu bờ biển của tỉnh Quảng Đông và Vân Nam.

Điều thuận lợi cho bọn buôn người là nhiều phụ nữ đang sống ở phía Bắc Myanmar cũng đang muốn thoát khỏi cuộc sống đói khổ ở quê hương. Cuộc xung đột kéo dài nhiều năm giữa chính phủ Myanmar và những người đấu tranh thuộc nhóm vũ trang "Quân đội độc lập Kachin" đã khiến hơn 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa tại bang Kachin, thuộc cực Bắc Myanmar, gần biên giới Trung Quốc, để sơ tán. 

Theo báo cáo của chính phủ Myanmar, có 226 trường hợp buôn người trong năm 2017, trong khi Bộ Phúc lợi xã hội - Cứu trợ và Tái định cư Myanmar cho biết, họ hỗ trợ từ 100 đến 200 phụ nữ trở về Myanmar từ Trung Quốc mỗi năm, nhưng con số thực chắc chắn cao hơn nhiều.

HRW cho rằng, chính quyền Trung Quốc lẫn các nước có phụ nữ bị buôn bán dường như vẫn chưa tích cực cải thiện vấn đề này. Cảnh sát Trung Quốc thường coi những người trốn thoát là những người phạm tội nhập cư lậu. Những người may mắn trốn thoát về quê hương thì thiếu sự hỗ trợ cả về việc làm lẫn tinh thần. Không ít người còn bị cộng đồng tẩy chay.

HRW kêu gọi chính phủ Myanmar, Triều Tiên cùng các quốc gia trong khu vực nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ phụ nữ khỏi những kẻ buôn người và trấn áp nạn buôn bán phụ nữ, đồng thời nâng cao nhận thức về những rủi ro tiềm ẩn, cũng như cung cấp hỗ trợ thiết thực cho những người sống sót. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI