Mỹ trừng phạt 8 quan chức cấp cao và bổ sung 17 lệnh mới với kinh tế Iran

11/01/2020 - 07:58

PNO - Ngày 10/1, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới khắc nghiệt góp phần bóp nghẹt nền kinh tế đang gặp khó khăn của Iran để đáp trả việc Tehran tấn công tên lửa các căn cứ Mỹ trên đất Iraq.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố 17 lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với các nhà sản xuất sắt thép của Iran - Ảnh: Fox News
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố 17 lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với các nhà sản xuất sắt thép của Iran - Ảnh: Fox News

Ngoại trưởng Mỹ Mike tuyên bố trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu rằng “Tổng thống Trump đang thực hiện lời cam kết của mình, một ngày sau khi Iran tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq".

Ông Pompeo nhấn mạnh, "mục tiêu chiến dịch của chúng tôi là không cho phép chế độ Iran sử dụng tài nguyên để theo đuổi chính sách đối ngoại phá hoại, chúng tôi muốn Iran cư xử như một quốc gia bình thường và chúng tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt áp đặt ngày hôm nay là tiếp tục nhắm đến mục tiêu chiến lược đó”.

Tiếp lời Ngoại trưởng Pompeo, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin giải thích, lệnh trừng phạt mới được áp dụng đối với bất kỳ cá nhân nào sở hữu, điều hành, giao dịch hoặc hỗ trợ các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, dệt may và khai khoáng của Iran. Theo đó, 17 lệnh trừng phạt bổ sung sẽ được áp dụng đối với các nhà sản xuất sắt và thép lớn nhất của Iran, ba pháp nhân có trụ sở tại Seychelles và một tàu dùng để chuyên chở sản phẩm, biện pháp này được cho là “sẽ cắt đứt hàng tỷ đô la hỗ trợ cho chế độ Iran”.

Cuối cùng, chính phủ Mỹ cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 8 quan chức cấp cao của Iran “liên can đến vụ tấn công tên lửa” Thứ ba vừa qua.

Các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump đã gây nhiều thiệt hại cho nền kinh tế Iran. Năm 2017 Tehran là nhà sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới, nhưng thứ hạng của nước này sau đó đã giảm sút thê thảm. Chuyên gia kinh tế Christopher Kuplent của Bank of America phân tích, các lệnh trừng phạt của Nhà Trắng "khiến sản lượng dầu Iran giảm gần một nửa trong vài năm qua và xuất khẩu giảm xuống gần bằng 0”. Kết quả là, GDP thực tế của Iran đã giảm khoảng 10% trong năm 2019, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tháng 9 năm ngoái, chính quyền Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với ngân hàng trung ương và quỹ tài sản thuộc chủ quyền Iran. Vài tháng trước đó, các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, Ayatollah Ali Khamenei, và các nhà ngoại giao hàng đầu của Iran.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 10/1, Ngoại trưởng Pompeo cho biết các lệnh trừng phạt đã xóa bỏ 80% doanh thu từ dầu mỏ của Iran và ngăn chặn nước Cộng hòa Hồi giáo tiếp cận 90% dự trữ ngoại tệ của nước này.

Bộ trưởng tài chính Mnuchin nói rằng quyết định mới "là một phần trong cam kết của Mỹ nhằm ngăn chặn các hoạt động khủng bố toàn cầu của chế độ Iran". Ông giải thích, "Tổng thống đã nói rất rõ rằng chúng ta sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế cho đến khi Iran chấm dứt các hoạt động khủng bố và cam kết họ sẽ không bao giờ có vũ khí hạt nhân”.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn của Tổng thống Trump là một cách tiếp cận khác với cách làm trước đây của chính quyền tiền nhiệm, vì ông Obama đã xây dựng Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015, còn gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng với 5 quốc gia khác là Trung Quốc, Pháp, Nga, Đức và Anh. Theo thỏa thuận đó, Iran chấp thuận hạn chế phát triển năng lực hạt nhân trong vòng 15 năm.

Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Thỏa thuận hạt nhân Iran, ông nói thỏa thuận đó "khiếm khuyết từ cốt lõi" và tháng 5/2018, Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.

Hòa Ninh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trần quốc Hậu 12-01-2020 07:56:56

    Cứ áp dụng trừng phạt kinh tế thì khỏi mang tiếng dùng vũ lực với ai hết. Iran cũng nên đáp trả bằng cách trừng phạt lại Mỹ. Thế thôi! Ăn miếng trả miếng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI