Mỹ - Nga sẽ sớm bắt tay bắt tay nhau trở lại?

14/04/2021 - 08:54

PNO - Điện Kremlin cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm hôm 13/4 rằng ông muốn “bình thường hóa quan hệ song phương, hợp tác về kiểm soát vũ khí, chương trình hạt nhân của Iran, cuộc chiến Afghanistan và chống biến đổi khí hậu”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters/Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Reuters/Sputnik

Nguồn tin cũng xác nhận Tổng thống Biden đã đề xuất một cuộc gặp cấp cao với người đồng cấp Nga Putin, nhưng không cho biết ông Putin phản ứng thế nào với đề nghị đó. Điện Kremlin cũng cho biết cuộc điện đàm diễn ra theo sáng kiến ​​của Washington và ông Putin đã giải thích quan điểm của mình về tình hình miền đông Ukraine, nơi cuộc xung đột Nga-Ukraine “đang âm ỉ leo thang”.

Trước đó, Nhà Trắng đã thông báo về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Cuộc điện đàm Mỹ - Nga diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa hai siêu cường được đánh giá “sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn”. Trước đó một tuần, trang mạng Foreign Affairs (Ngoại giao) dẫn lại bài báo của hãng tin Reuters kèm theo nhận định “ngay cả khi xử lý ngoại giao tốt cũng không thể làm dịu đi xung đột lợi ích” giữa Washington và Moscow.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Moscow tháng 3/2011 - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Nga Vladimir Putin gặp Phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Moscow tháng 3/2011 - Ảnh: Reuters

Thật khó có thể tưởng tượng quan hệ Mỹ - Nga có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều, nhưng đáng buồn là quan hệ này dường như không có khả năng sớm được cải thiện. Trong hai thập kỷ qua, Tổng thống Vladimir Putin đã xác định lợi ích của nước Nga theo những cách “không phù hợp” với lợi ích của Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, đặc biệt liên quan đến quan niệm về dân chủ, pháp quyền và tăng cường sự ổn định đối với các nước Đông Âu. Và bất kỳ sự cải thiện nào mang tính bền vững trong quan hệ giữa Mỹ và Nga - ngoài tiến bộ về kiểm soát vũ khí (gia hạn hiệp ước START mới) - sẽ đòi hỏi một sự nhượng bộ về quan điểm chính trị.

Trong bối cảnh căng thẳng không ngừng leo thang trên biên giới Nga - Ukraine, Hoa Kỳ đã có một động tác “tháo ngòi nổ” để làm dịu tình hình thế giới và quan hệ với Moscow khi Tổng thống Biden hôm 13/4 – trong ngày điện đàm với Tổng thống Nga Putin –tuyên bố rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9.

Theo hãng tin AFP, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố 11/9 năm nay (11/9/2001-11/9/2021) - kết thúc một trong những cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài - bất chấp những lo ngại về khả năng chiến thắng của Taliban.

Quyết định rút quân của Mỹ được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế về Afghanistan với hy vọng đạt được một thỏa thuận mang lại sự ổn định cho một quốc gia gần 40 năm bị chiến tranh tàn phá. Mặc dù, theo thông tin mới nhất, Taliban, đã tuyên bố tẩy chay hội nghị này.

Tô Châu (theo Reuters, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI