Mong chờ sự đổi thay trên xã đảo Thạnh An

28/04/2021 - 06:27

PNO - Đảo nhỏ Thạnh An, huyện Cần Giờ, trở nên náo nức. Nhiều người đã tạm ngưng công việc ngoài đảo, ngoài biển để vào đất liền chứng kiến một sự kiện quan trọng - lễ trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo.

Nói sao cho hết niềm vui!

Sáng 27/4, anh Nguyễn Thanh, ngụ xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, gác việc đi biển để vào đất liền chứng kiến một sự kiện quan trọng - lễ trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo. Khi được hỏi về cảm xúc trong ngày đặc biệt này, anh Thanh nói: “Vui lắm, nói sao cho hết. Được công nhận là xã đảo, người dân chúng tôi sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách hơn, cũng như các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tin chắc rằng đời sống của chúng tôi rồi đây sẽ khởi sắc”.

Trong ký ức của anh Thanh, Thạnh An từng là một hòn đảo “khó khăn hơn cả khó khăn”. Ở đó, trong những căn nhà mái lá, người dân phải thắp đèn dầu, quanh năm đối mặt với bão tố. Còn bây giờ? “Đã khác rồi! Thạnh An đã có điện, có trường học, có đường bê tông. Mọi người đến đảo sẽ thấy Thạnh An không còn nhà lá rách nát. Được vậy, là nhờ người dân chăm chỉ làm ăn, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hết mức”, anh Thanh nói.

Là thành viên trong gia đình có năm đời bám trụ trên đảo Thạnh An, chị Hoàng Thị Yến Phượng đã chứng kiến những sự thay đổi vượt bậc của xã đảo trong những năm gần đây. Và hôm nay, sự kiện Thạnh An được công nhận là xã đảo, theo chị là một dấu mốc quan trọng để nơi này phát triển.

Chị Phượng, sinh năm 1980, là thế hệ thứ tư của gia đình sống trên đảo. Chị nói: “Ông bà cố rồi ông bà ngoại của tôi đều lập nghiệp ở đất này. Cha tôi là người xứ khác đến đây công tác rồi gặp mẹ tôi”.

Như bao người phụ nữ trên đảo Thạnh An, bà Bùi Thị Mai, mẹ chị Phượng cũng mưu sinh bằng nghề buôn bán cá, tôm. Mùa ngư nhàn, bà quẩn quanh bếp núc. Nhà sát cạnh trạm y tế xã, nên lúc rảnh, bà thường qua phụ các y tá, điều dưỡng dọn dẹp vệ sinh. Lên tám - chín tuổi, Phượng đã lẽo đẽo theo mẹ qua trạm y tế góp “công đức”.

Không chỉ phụ quét dọn vệ sinh trạm xá, Phượng còn phụ giúp những người bệnh nặng, neo đơn, giặt giũ áo quần. Thời đó, Thạnh An chưa có điện, xế chiều là toàn đảo chìm vào bóng tối. Hễ có cấp cứu hay sinh đẻ là Phượng chạy về nhà mang đèn sạc sang rọi cho các cô chú chăm sóc cho bệnh nhân. 

Còn bây giờ, chị Phượng đang là tổ trưởng tổ hợp tác chế biến mắm Yến Phượng. Cơ sở sản xuất của chị tạo việc làm thường xuyên cho năm lao động và giúp gần mười hộ gia đình có công việc trong mùa cá, mùa tôm.

Chị Phượng cho biết, mắm tôm chua là đặc sản của vùng đảo Thạnh An từ bao đời nay. Đàn bà xứ này hầu như ai cũng học lỏm được nghề làm mắm tôm chua cho bữa ăn gia đình. Nhiều nhà, trong đó có nhà chị, vẫn làm mắm gửi về Cần Thạnh hoặc về thành phố bán.

“Tôi hy vọng, khi Thạnh An được công nhận là xã đảo, các cấp chính quyền sẽ tạo điều kiện hơn nữa để các cơ sở mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Chị em trên đảo chúng tôi mong ngày Thạnh An được Chính phủ công nhận là xã đảo từ lâu lắm rồi”.

Ông Lê Minh Dũng - Bí thư Huyện ủy Cần Giờ - chia sẻ năm 2015, thành phố hoàn thành dự án cáp điện ngầm, đưa điện từ đất liền ra phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của bà con Thạnh An. Đây là sự kiện quan trọng giúp đảo phát triển. Hôm nay, lại tiếp tục là một sự kiện quan trọng của Thạnh An và huyện Cần Giờ.

Thời gian tới, huyện sẽ chủ động phối hợp với các sở, ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ mà lãnh đạo thành phố giao phó. Trong đó, sẽ tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phát triển huyện theo hướng đô thị sinh thái trong thời gian sớm. huyện Cần Giờ sẽ tăng cường quản lý đất đai, bảo vệ, giữ gìn và phát triển rừng phòng hộ; thực hiện tốt an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, huyện sẽ chủ động đề xuất các chế độ chính sách để xây dựng xã đảo.

Lãnh đạo TP.HCM trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TP.HCM - Ảnh: Đỗ Minh
Lãnh đạo TPHCM trao quyết định công nhận Thạnh An là xã đảo thuộc TPHCM - Ảnh: Đỗ Minh

Và những kỳ vọng

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Ở xã Thạnh An, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người dân đạt 63,2 triệu đồng/người/năm, bằng 97,4% mức thu nhập bình quân của H.Cần Giờ. Đây là một thành tích rất đáng tự hào, bởi lẽ xã đảo Thạnh An là vùng đất tách biệt với đất liền, nơi đầu sóng, ngọn gió, thường xuyên đối mặt với bão lụt và là vùng đặc biệt khó khăn của TPHCM”.

Khi được công nhận là xã đảo, người dân Thạnh An sẽ được hưởng nhiều cơ chế chính sách và các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng bắt kịp các xã khác của huyện. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển kinh tế, nhiều người cũng kỳ vọng Thạnh An sẽ phát triển theo hướng hài hòa với môi trường, để giữ đảo luôn xanh.

Nắm bắt được vấn đề này, từ nhiều năm trước, Hội LHPN huyện Cần Giờ đã bắt đầu xây dựng các câu lạc bộ phụ nữ với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tại xã đảo, hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ là đi dọn dẹp vệ sinh môi trường và vận động người dân bỏ thói quen dùng túi ni-lông. Để các dì, các chị ý thức hơn trong việc gìn giữ màu xanh cho đảo, Hội Phụ nữ vận động các dì, các chị trồng hoa, tạo mảng xanh trước nhà; mời chuyên gia hướng dẫn cho mọi người cách trồng rau dinh dưỡng. 

Tại ấp Thạnh Bình, chị em phụ nữ còn tổ chức thu gom ve chai bán phế liệu làm quỹ hỗ trợ trẻ khó khăn đến lớp và nấu những bữa ăn dinh dưỡng cho các cụ già. Năm 2019, khi Hội LHPN huyện Cần Giờ phát động mô hình “Quyên góp xanh” thì chị em phụ nữ Thạnh An đồng lòng hưởng ứng để cùng gìn giữ môi trường. 

Hai năm trước, Hội LHPN huyện Cần Giờ cũng đã triển khai tập tành cho hội viên cùng làm homestay, hướng dẫn cách thức giao tiếp, giới thiệu lịch sử, văn hóa địa phương cho các hộ gia đình… để thu hút khách tham quan đến với đảo. Theo bà Trần Thị Ngọc Hân, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cần Giờ, Thạnh An được công nhận là xã đảo như một lẽ tất nhiên. Nhiệm vụ của chúng tôi giờ đây là chăm chút cho màu xanh xã đảo, gìn giữ nét văn hóa, nghề truyền thống, bên cạnh đó là đẩy mạnh dựng xây nếp sống văn minh.

Là người dân nhiều năm bám trụ ở Thạnh An, anh Nguyễn Thanh kỳ vọng khi được công nhận là xã đảo, Thạnh An sẽ được đầu tư để phát triển du lịch. Hiện nay, xã đảo vẫn còn khá ít khách sạn, nhà hàng. Đó là lý do lượng du khách lưu trú lại đảo còn ít.

“Bây giờ, nếu Nhà nước có chương trình tập huấn để các hộ dân trên đảo làm du lịch, chúng tôi ủng hộ ngay. Tôi nghĩ, cùng với nuôi trồng, đánh bắt thủy sản thì du lịch là một thế mạnh của Thạnh An cần được đầu tư mạnh”, anh Thanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho rằng huyện Cần Giờ là địa phương có vị trí quan trọng, mang tính chiến lược của TPHCM về kinh tế, quốc phòng với vị trí cửa ngõ hướng ra Biển Đông. Tiềm năng phát triển kinh tế biển và các loại hình dịch vụ của Cần Giờ rất lớn nhưng những khó khăn lâu nay khiến Cần Giờ chưa tận dụng được lợi thế vốn có.

“Huyện đã xác định nâng cao thu nhập, nhu cầu vật chất, tinh thần cho người dân là nhiệm vụ cốt lõi. Cần Giờ cũng ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, ưu tiên vốn cho các công trình giao thông, thủy lợi, trường học…

Việc phát triển du lịch cho xã đảo cũng nằm trong tổng thể phát triển kinh tế biển huyện Cần Giờ thành thành phố nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái. huyện Cần Giờ sẽ phát triển du lịch xã đảo Thạnh An theo từng giai đoạn mà trước mắt là tập trung khai thác lợi thế biển”, ông Hồng nêu. 

Nghi Anh - Sơn Vinh - Thành Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI