Mở lòng với con

19/06/2015 - 10:52

PNO - PN - Trong trường hợp cha hoặc mẹ có những thói xấu, thì người còn lại có nên che giấu, bao biện cho bạn đời hay không? Thực tế cho thấy, với các thành viên nhí, phụ huynh không nên để trẻ đứng ngoài cuộc những vấn đề của gia đình. Có rất nhiều đứa trẻ đã đóng xuất sắc vai trò nhà hòa giải, giúp mọi người gần nhau, hiểu nhau.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trường hợp thứ nhất: Gia đình chị An (Q.2, TP.HCM) đã lục đục hơn 5 năm. Chị chuẩn bị thủ tục ly hôn “để giải phóng cho anh tự do đến với người mới”. Sợ con trai buồn, chị thường trấn an bé: “Ba con phải đi làm ăn xa, lúc nào rảnh ba sẽ về thăm má con mình”. Khi biết không thể che giấu con, chị An bèn nói thẳng với bé: “Ba má sẽ không còn sống chung với nhau, nhưng ai cũng yêu thương con rất nhiều”.

Đứa bé 10 tuổi nghe vậy thì quyết tâm tìm hiểu nguyên nhân vì sao ba mẹ rất yêu thương mình nhưng lại muốn xa nhau. Bé đã nhờ ông bà và người thân nội, ngoại giúp đỡ. Khi mọi thứ sáng tỏ, chị An nhận ra, trong câu chuyện phức tạp mà chồng chị đã vướng phải, anh chưa từng phản bội vợ. Vì sự đa nghi và nông nổi của mình, suýt chút nữa chị phá hủy mái ấm của con. Với sự giúp đỡ của chồng và gia đình hai bên, anh chị quyết tâm làm lại từ đầu. Giờ đây, mỗi khi nhớ tới những tháng ngày sóng gió, chị An luôn thầm cảm ơn “nhà hòa giải” nhí.

Mo long voi con

Trường hợp thứ hai: Anh Hòa (Q.7, TP.HCM) là người trụ cột trong gia đình, mọi chi tiêu của các thành viên trong nhà đều do một tay anh trang trải, quán xuyến. Vì thế, anh Hòa cũng tự cho mình quyền quyết định mọi việc, vợ anh dù chỉ góp ý nhẹ nhàng cũng có thể bị anh “tung chưởng”. Việc anh Hòa thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đối với vợ diễn ra như cơm bữa. Trước mặt các con nhỏ, nếu đang bực tức anh cũng sẵn sàng tát vợ. Chứng kiến những cảnh đó, bé Nhung (11 tuổi) con gái anh Hòa rất bức xúc.

Có lần bé hỏi mẹ: “Trong nhà này mẹ là người giúp việc còn ba là ông chủ hả mẹ? Ba có thương mẹ không? Sao ba đánh mẹ đau thế mà mẹ không phản ứng? Mẹ tưởng chịu đựng thế là tốt à?”. Thấy con gái nói như “bà cụ non”, vợ anh Hòa lấp liếm: “Con không biết đó thôi chứ ba rất yêu thương mẹ, ba phải làm việc vất vả để nuôi cả gia đình nên nhiều khi ba hơi nóng nảy một chút, lỗi là do mẹ”. Tuy nhiên, khi thấy con cứ ấm ức trước lời giải thích chưa thỏa đáng của mình, vợ anh Hòa đã tìm đến chuyên gia tư vấn tâm lý.

Qua đó, chị đã biết được rằng: “Đừng bao giờ bảo vệ hình ảnh (chưa tốt) của chồng trong mắt con trẻ bằng cách nhận hết phần lỗi về mình. Điều đó sẽ khiến trẻ lớn lên với suy nghĩ đàn ông có quyền gia trưởng, độc đoán, được quát nạt, đánh đập phụ nữ, còn chị em thì phải nhịn nhục, phục tùng”. Những đêm nằm bên con, chị đã tâm sự nỗi buồn của người nội trợ chỉ quẩn quanh với chuyện chợ búa, đưa đón con cái, cơm nước. Khi hiểu vấn đề của mẹ, một người phải sống phụ thuộc vào kinh tế của chồng nên không dám phản kháng, bé Nhung đã âm thầm “tìm đường đấu tranh” cho mẹ.

Trước hết, bé liệt kê những công việc khó khăn mà mẹ phải làm vất vả hằng ngày, cùng các anh chị em mời ba mẹ họp gia đình. Các con đề nghị ba phải thay đổi cách ứng xử đối với mẹ. Đồng thời, các con yêu cầu hàng tháng ba phải trả lương cho những công việc mà mẹ đang làm (theo sự thỏa thuận của hai người), cùng thái độ kiên quyết: “Ba mà còn đánh mẹ nữa thì tụi con và mẹ sẽ “biểu tình”. Nếu ba vẫn thế, con nhờ các bác ở ủy ban phường bảo vệ mẹ”. Những cách phản ứng vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn của các con, trong đó có bé Nhung đã góp phần cải thiện được tính gia trưởng của anh Hòa.

Mo long voi con

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trẻ em thời nay được tiếp cận với sách báo, phim ảnh sớm rất “hiểu chuyện”, chúng thường nhận trách nhiệm đối với gia đình và luôn mong muốn được chia sẻ công việc và tâm tư của cha mẹ. Nếu cha mẹ buộc con đứng ngoài cuộc, trẻ sẽ thất vọng vì thấy cha mẹ không có niềm tin với mình. Ở góc độ tâm lý, khi bị cha mẹ giấu giếm hoặc bao biện những chuyện quan trọng của gia đình, trẻ dễ giận hờn vì cho rằng mình không được tin tưởng.

Chưa kể nếu luôn để trẻ “ngoài rìa” chuyện người lớn, trẻ sẽ sống vô tâm, vô trách nhiệm trước những suy nghĩ và việc làm của cha mẹ. Con cái cần được cha mẹ tôn trọng khi đưa ra ý kiến và có quyền được biết những sự cố của gia đình. Việc san sẻ với con về hoàn cảnh của mình cũng là một cách giúp trẻ trưởng thành và chín chắn. Khi đã tôn trọng và tin tưởng con, ngay cả đó là điều tồi tệ nhất bạn cũng có thể chia sẻ với trẻ. Và, cách xử lý của trẻ đôi khi mang tới những kết quả thật bất ngờ.

 NGUYỄN VĂN CÔNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI