Mẹ không bao giờ nói con 'bị' tự kỷ

02/04/2015 - 14:09

PNO - PN - Hôm nay là ngày Quốc tế người tự kỷ. Mẹ ôn lại quãng đường dài nhiều mồ hôi nước mắt qua.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sáng nay mới chỉ hơn 5 giờ, nghe cô Hoa gọi, mẹ biết ngay bé Nhi con cô Hoa lại gây nên chuyện gì đó. Cô Hoa khóc với mẹ trên điện thoại hàng tiếng đồng hồ, để kể rằng hôm qua, theo lời mẹ, cô dẫn bé Nhi ra công viên. AI dè, bé lên cơn phá phách, đập đầu vào cầu trượt phải đi khâu 3 mũi ở đầu.

Khi đưa bé về nhà, bố của bé đã nhiếc móc cô Hoa: “Hay ho gì mà vác cái của nợ đó ra ngoài đường cho thiên hạ chỉ trỏ. Từ giờ cấm tiệt. Không nghe thì tao mang nó đi cho chùa”. Mẹ chỉ biết an ủi cô rồi đặt ống nghe xuống, quay nhìn ngắm con đang say sưa chơi đàn lòng mẹ mơ hồ nửa bình yên, nửa bất an. Xót và thương cô, mẹ quên nhắc với cô rằng hôm nay là ngày Quốc tế những người tự kỷ.

Có một lúc nào đó, khi ngồi với nhau, mẹ và cô Hoa, và những người trong Hội mẹ có con tự kỷ đã từng nói với nhau rằng tụi mẹ không muốn có thêm chữ “bị” vào giữa hai cụm từ “có con” và “tự kỷ”. Nó như một lời khẳng định về tai họa, về sự bất hạnh, về nỗi đau của những người làm bố mẹ như mẹ. Nhiều người khi biết mẹ có con tự kỷ đã ồn ào thể hiện sự cảm thông, thăm hỏi, xuýt xoa rất thiếu tế nhị. Và họ nhìn con như như nhìn một sinh vật vô hồn. Thế nhưng dù có hỏi mẹ đến 100 lần đi nữa, mẹ vẫn nói rằng mẹ hạnh phúc khi có con. Con không phải tai họa hay bất hạnh hay nỗi đau của mẹ.

Me khong bao gio noi con 'bi' tu ky


5 năm vừa qua, kể từ ngày mẹ đau lòng thừa nhận rằng những biểu hiện lúc chậm chạp, lờ đờ, lúc la hét vòi vĩnh, giật đồ đạc mọi người của con là biểu hiện của chứng tự kỷ, mẹ đã trải qua một con đường rất dài, dài như cả ngàn thế kỷ. Mẹ không ngờ đau đớn nhất không phải là ngày đầu tiên đó, mà chính là ngày bố con bỏ mẹ con mình ra đi với lời nhiếc móc: "Đẻ đứa con bình thường cũng không được thì làm vợ nỗi gì".

Khi mẹ van xin bố thương con mà ở lại cùng mẹ, chạy chữa cho con, bố nói mẹ: "Bệnh đó mà chữa gì. Có chữa mấy cũng chỉ khùng khùng điên điên. Thôi, cô đem cho nó vào trại trẻ mồ côi đi, rồi lấy chồng khác. Đừng có phí phạm tuổi xuân của mình. Không ai lên án cô đâu". Mẹ hoàn toàn không tiếc rằng khi đó, mẹ đã không kiềm chế được, vớ ngay xô nước lau nhà, hắt vào người bố của con. Kể từ đó, mẹ và con còn lại một mình .

5 năm qua mẹ đã vượt qua cuộc sống này bằng nước mắt, mồ hôi của cả mẹ lẫn bà. Hai năm đầu tiên, mẹ và con sống bằng lương hưu của bà. Bởi mẹ không thể xa con dù chỉ một bước. Bà đã rời khỏi nhà bác Hai cao sang rộng rãi, đến ở cùng với mẹ con mình, bà nhận thêm việc về nhà làm, kiếm tiền trang trải chi tiêu. Bà dang tay ôm mẹ và con vào lòng, động viên mẹ con mình: “Cố gắng lên con”.

Vốn là một nhà giáo, bà hết sức tiến bộ và khoa học. Bà cùng mẹ tìm kiếm tài liệu về trẻ tự kỷ. Bà kiên nhẫn cùng mẹ dạy con từng chữ, nhắc con từng món đồ, chỉ con từng việc nhỏ như xúc ăn, thay quần áo, mang giày dép…Có những việc mẹ và bà phải chỉ con tới hàng trăm, hàng nghìn lần, rồi con vẫn quên, vẫn ngơ ngẩn làm rơi, vỡ, đổ… Ngay cả khi mẹ bắt đầu mệt mỏi, bà lại sốc mẹ lên và bảo: đừng chịu thua. Bà là bà tiên của mẹ con mình. Và con biết điều đó. Dù có thể gào thét với ai, giật đồ đạc của ai, nhưng chỉ cần bà cất tiếng dịu dàng, ôm con vào lòng là con im, con ngoan thin thít, hơn mọi đứa trẻ khác.

Me khong bao gio noi con 'bi' tu ky


5 năm qua, con của mẹ đã dần dần tiến bộ. Con đã biết đọc sách, đã biết chào hỏi lễ phép khi có khách tới chơi nhà, đã biết múa biết hát. Điều tuyệt vời nhất với mẹ là con đã biết chơi đàn piano. Không biết bà đọc được ở đâu thông tin về việc học đàn tốt cho trẻ tự kỷ, bà qua bác Hai năn nỉ xin lại cho con cái đàn cũ của anh Thịnh, bác mua cái mới.

Không ngờ cây đàn như một điều kỳ diệu với con. Chỉ cần được gõ lên những phím đen trắng là con ngơ ngẩn cười hồn nhiên. Không có tiền thuê thầy dạy, mẹ đưa con ra trung tâm học với học phí chỉ vài trăm một tháng. Buổi đầu con học, mẹ ngồi một bên, sợ cô giáo không nói được con. Thế nhưng chỉ sau vài buổi, cô giáo đã bảo mẹ: "Chị không cần tới đâu, bé mê đàn và ngoan lắm". Quả thật, con có thể ngồi gõ từng phím hàng vài tiếng đồng hồ không chán. Lần đầu tiên, nghe con gõ bài “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm… “ cả mẹ lẫn bà đều chan hòa nước mắt.

Hôm nay là ngày Quốc tế người tự kỷ. Mẹ ôn lại quãng đường dài nhiều mồ hôi nước mắt qua. Với mẹ, con là đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng và đơn giản đến lạ kỳ. Thế giới của con hình như chỉ một màu sáng trắng, trong trẻo và tràn đầy âm thanh. Con biết tin vào những gì con nhìn thấy và cảm thấy, một cách thánh thiện và chân thành.

Con như tiếng đàn mà con tạo ra hàng đêm, hàng đêm, mang lại hạnh phúc cho bà và mẹ: chậm rãi, rõ ràng, dứt khoát và lấp lánh. Không, mẹ không bao giờ nói con “bị” bệnh tự kỷ. Mẹ chấp nhận thế giới đơn sắc mà thanh thoát của con. Cùng với con, mẹ sống ở đó và hạnh phúc trong đó. Và mẹ muốn nói với con: con luôn là hạnh phúc của mẹ.


THU AN

(ghi lại theo lời kể của chị H.A)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI