Mẹ chồng mắc phải kiếp Osin

12/09/2019 - 05:30

PNO - Từ ngày bà An vào chăm cháu, bà chưa thấy con dâu đi chợ được bữa nào. Cơm nước xong xuôi cô ôm điện thoại tới khi đi ngủ. Bà dọn dẹp, rửa chén bát luôn tay chân, hệt như một Osin.

Nhận điện thoại từ con dâu, bà An tất bật thu xếp quần áo, ghé chợ mua vài bộ đồ mới cho cháu, rồi đặt vội vé xe vào Sài Gòn để kịp chăm cháu giúp vợ chồng con trai cả.

Tôi từng nghe con dâu bà than thở tiền lương tháng này hụt một khoản, vì từ ngày bà về quê, phải gửi con đi nhà trẻ, chiều phải đón về, không tăng ca được.

Bà An nay mấp mé 70, cái tuổi đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, an nhàn, được con cháu phụng dưỡng. Bà cũng chỉ mong sáng mở mắt ra, ông bà đi tập dưỡng sinh. Rồi ông đánh cờ, uống trà đàm đạo. Bà gặp những người bạn hội cao tuổi kể chuyện con, chuyện cháu. Có thể vì tuổi già sức yếu, khả năng tạo ra hạt thóc, củ khoai còn khó, huống gì làm ra tiền, thế nên ông bà cứ nghĩ, giúp được gì cho con, cho cháu thì cứ làm, ở không để con cái lo nữa thì lại nặng gánh cho con.

Vậy nên, hễ con trai, con dâu gọi cần chăm cháu, bà lại bỏ ông một mình ngoài quê để vào Sài Gòn. Quen ở quê, có hàng xóm láng giềng, không khí mát mẻ, vào phố ở chung cư, hàng ngày đối diện với bốn bức tường, thời gian đầu bà đau bệnh liên tục. Nhưng bà An không than vãn. Bà nghĩ giờ mà không cố thì ai chăm, vả lại cháu còn nhỏ, đem gửi trẻ thì xót cháu lắm.

Me chong mac phai kiep Osin
Bà nuôi cháu vất vả hơn nuôi con mọn ngày xưa, vì sức bà nay yếu lắm rồi. Ảnh minh hoạ

Mỗi sáng bà An dậy đi chợ, về kịp bắc nồi cháo, dọn dẹp mọi thứ gọn gàng. Khi vợ chồng con trai đi làm, cũng là lúc bà cho cháu ăn. Con trai bà cưới phải cô vợ trẻ nên tính tình còn vô tư, ít lo chuyện gia đình. Việc bếp núc, chợ búa chị không để tâm tới. Bà vừa chăm cháu lại lo luôn việc nấu nướng cho hai vợ chồng.

Vợ chồng anh đi làm cả tuần, buổi tối lại tăng ca, ngày nào cũng tám, chín giờ tối mới về tới nhà. Được ngày nghỉ hai vợ chồng ngủ luôn tới trưa mới dậy. Thấy con dâu mệt, bà giúp con rửa chén. Thi thoảng, bà lấy chăn màn, ga gối của con ra giặt cho sạch. Thương con đi làm cả tuần vất vả, được bữa nghỉ, mẹ nào nề hà với con. Bà chỉ lo mình tuổi già sức yếu, ngã ra đó rồi con có biết xoay sở mọi chuyện.

Thấy bà vất vả, ông đề nghị mang cháu về quê cho ông bà chăm, khi cháu lên 3 thì gửi lại cho vợ chồng anh gửi trẻ. Ở quê không khí trong lành, thức ăn sạch, có khi cháu ít bệnh vặt lại phát triển tốt hơn.

Vợ chồng anh phân vân mãi rồi cũng đồng ý. Ông bà đem cháu về được vài tháng, hai vợ chồng lại nhớ con, năn nỉ bà đưa cháu vào. Nghĩ con nhờ vậy không vào coi sao được, thế là bà lại tay xách nách mang đồ đạc và bế cháu vào thành phố. 

Me chong mac phai kiep Osin
Ảnh minh hoạ

Cháu đến tuổi biết đi, việc chăm cháu cũng dễ dàng hơn. Hai vợ chồng thấy an tâm khi có bà lo mọi việc, vợ chồng lại tăng ca nốt ngày cuối tuần.

Nhiều lần con trai có đề nghị với vợ: “Hay để anh tăng ca thôi, chiều em về chơi với con, phụ mẹ buổi tối”. Chị vợ quay sang nói với mẹ chồng: “Mẹ chăm cháu được mà đúng không mẹ?”, mẹ vừa ậm ừ, chị đã nói với chồng: “Mẹ có nói gì đâu, anh cứ khéo lo”.

Cháu lên 3, hai vợ chồng đăng kí nhà trẻ cho con. Cả hai phân chia việc rõ ràng, sáng chồng chở con đi học, chiều vợ về sớm đón, lo việc ăn uống cho con. Bà An nghe thế cũng yên tâm, để ông ở quê một mình cơm nước không ai lo, ngã bệnh thì lại khổ.

Gửi trẻ được hai ngày, chị gọi điện thoại về liên tục: “Mẹ ơi, cháu khóc không chịu học, con dỗ mãi không được”, “Mẹ ơi, cháu không chịu ăn”.

Con dâu than với bà: “Cháu chưa quen việc đến lớp, được nửa buổi lại đòi về, tháng này lương con chưa tới ba triệu đồng đấy mẹ ạ”. Bà thở dài, lắc đầu: “Mới có một đứa con đầu lòng còn chăm không được, mẹ càng ngày càng già đi, con cũng phải bớt vô tư lại, đừng cậy có mẹ rồi ỷ y”.

Rồi bà bảo ông: "Tôi số mẹ chồng, nhưng mắc phải kiếp Osin rồi. Ông ở nhà giữ sức khỏe, tôi lại vào với tụi nó đây".

Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI