Mẹ càng bận rộn, con càng béo phì

26/05/2025 - 18:55

PNO - Nghiên cứu cho biết thời gian làm việc dài của các bà mẹ có liên quan đến nguy cơ béo phì, bụng bự hơn ở trẻ em.

Nhiều trẻ béo phì vì mẹ bận rộn làm việc
Nhiều trẻ béo phì vì mẹ bận rộn làm việc

Theo một nghiên cứu gần đây của Hàn Quốc, trẻ em có mẹ bận rộn, làm việc nhiều giờ thì có nguy cơ bị béo phì cao hơn gấp đôi những trẻ khác. Nghiên cứu này kiểm tra mối liên hệ giữa giờ làm việc của mẹ và nguy cơ sức khỏe trao đổi chất ở trẻ và thanh thiếu niên.

Nghiên cứu được thực hiện bởi Khoa Y học Gia đình tại Bệnh viện Đại học Hanyang, đã phân tích dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia Hàn Quốc từ năm 2016 đến năm 2020 với hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 18 tuổi.

Các nhà nghiên cứu đã điều tra sự hiện diện của hội chứng chuyển hóa ở những thanh thiếu niên này, được chẩn đoán khi béo phì, bụng bự xuất hiện cùng với ít nhất hai tình trạng khác, chẳng hạn như huyết áp cao, lượng đường trong máu cao. Những người mắc hội chứng chuyển hóa có nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường loại 2 và đột quỵ cao hơn.

Nhóm nghiên cứu phân loại giờ làm việc hàng tuần của các bà mẹ thành 5 nhóm: không có việc làm, nhóm làm việc 1-19 giờ, nhóm 20-39 giờ, nhóm 40-52 giờ và trên 53 giờ. Sau đó, họ so sánh tỷ lệ phổ biến của các yếu tố nguy cơ hội chứng chuyển hóa ở trẻ em trên các danh mục này.

Các phát hiện cho thấy trẻ em có mẹ làm việc hơn 53 giờ một tuần có tỷ lệ béo phì bụng cao gấp 2,27 lần so với những trẻ có mẹ không có việc làm. Mặc dù nguy cơ tổng thể mắc hội chứng chuyển hóa tăng 1,93 lần, nhưng kết quả này không đạt được ý nghĩa thống kê, báo cáo cho biết.

Một phân tích dựa trên giới tính cho thấy sự chênh lệch rõ rệt hơn giữa các bé gái: con gái của các bà mẹ làm việc trên 53 giờ một tuần có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao gấp 6,07 lần so với các bé gái có mẹ không đi làm.

Các nhà nghiên cứu cho rằng thời gian làm việc của bà mẹ dài hơn có thể làm giảm thời gian sẵn có để chuẩn bị bữa ăn lành mạnh và hướng dẫn hoạt động thể chất, cả hai yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa béo phì ở trẻ em và các vấn đề sức khỏe liên quan.

Các nghiên cứu quốc tế trước đây cũng đã ghi nhận mối tương quan giữa tăng giờ làm việc của mẹ và chỉ số khối cơ thể cao hơn ở trẻ em.

Theo luật lao động hiện hành ở Hàn Quốc, giờ làm việc của một người không được vượt quá 40 giờ một tuần và nếu làm thêm thì không kéo dài đến 52 giờ.

"Mặc dù chúng tôi xác nhận mối liên hệ đáng kể giữa thời gian làm việc kéo dài của các bà mẹ và tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa ở trẻ em, đặc biệt là con gái, nhưng cần có các nghiên cứu dài hạn hơn nữa để làm rõ mối quan hệ nhân quả" - Tiến sĩ Park lưu ý.

Thảo Nguyễn (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI