Lời ai điếu cho biểu tượng thủy nông Bắc bộ

20/07/2020 - 06:59

PNO - 232km dòng chảy sông Bắc Hưng Hải mấy năm nay thường xuyên bốc mùi nồng nặc, nước đen sánh như nhớt thải. Từ một công trình thủy nông lớn, giữ vai trò tưới, tiêu cho nông nghiệp các tỉnh miền Bắc, sông Bắc Hưng Hải nay trở thành nỗi kinh hoàng của bà con đang sinh sống, canh tác khắp lưu vực.

 

Cả khi dòng Bắc Hưng Hải sáng màu, nước dẫn vào trạm bơm các kênh, mương nhánh vẫn tràn bọt như thế này  - Ảnh: người dân cung cấp
Cả khi dòng Bắc Hưng Hải sáng màu, nước dẫn vào trạm bơm các kênh, mương nhánh vẫn tràn bọt như thế này - Ảnh: người dân cung cấp

Đóng cửa 24/24 giờ để ngăn mùi xú uế

Thôn Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội) nằm cách cống Xuân Quan - nơi tháo nước sông Hồng vào sông Bắc Hưng Hải - khoảng 4km. Nhà ông Nguyễn Tiến Oanh hai tầng, mái Thái đẹp đẽ lấp ló giữa những tán cây. Ngôi nhà này có hai mặt giáp sông, một giáp sông Cầu Bây, một hướng ra sông Bắc Hưng Hải.

Thế nhưng, mọi cửa nhà đều được đóng kín mít. Ông Oanh chỉ lên những tấm bạt nhựa che chắn các cánh cửa, từ cửa sổ đến cửa ra vào, giọng đau khổ: “Nhà tôi có cháu nhỏ, nếu không đóng cửa 24/24 giờ thì không thể nào chịu được”. 

Quả thực, khắp hiên nhà, trước sân, ngoài ngõ, đâu đâu cũng nồng nặc thứ mùi khủng khiếp. Bên kia cửa sông, một ngôi nhà hai tầng rất đẹp nhưng vắng lặng, dây leo um tùm. Ông Oanh bảo: “Nhà ông ấy có bố mẹ già. Từ ngày sông thối, các cụ đau ốm liên miên, không ở nổi, cả gia đình phải bỏ đi sống chỗ khác”.

Rồi ông dẫn chúng tôi ra sân giếng, nhấc cái nắp bể chứa nước lên: “Đây, nước sinh hoạt cũng bị ảnh hưởng như thế này thì sống làm sao? Nước này đã qua ba lần lọc mà bể vẫn đen. Ai bảo nước sông thối này không ảnh hưởng đến mạch nước ngầm? Tôi ra đây làm nhà, sinh sống yên lành từ năm 1993. Dọc hai bên sông, dân thôn Báo Đáp và thôn Xuân Thụy mắc vó kéo cá rất nhiều. Từ năm 2010, nước sông bắt đầu ô nhiễm, 5-7 năm nay thì nước đen kịt, bốc mùi nồng nặc”.

Không sát rạt bờ sông như nhà ông Oanh, nhà ông Nguyễn Văn Lượng cách mép nước mấy chục mét nhưng cũng chung cảnh che chắn. “Nước lúc nào cũng đen sì, không thể ngửi được. Ô nhiễm dã man. Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi” - ông Lượng bực bội.

Bên kia sông Bắc Hưng Hải là thôn Báo Đáp, xã Kiêu Kỵ. Ông Trần Đăng Xuyên buồn xo nhìn chiếc cần câu bất động dưới dòng nước. “Chiến tích” đi câu suốt buổi trưa của ông là dăm con cá rô, con nào lớn nhất cũng chỉ cỡ hai ngón tay.

Ông bảo, mấy năm nay cá ngày càng ít và bé, chứ trước đây, ngày nào ông cũng kiếm được mấy cân cá rô to cỡ bàn tay trở lên. Ngang qua những luống rau mơn mởn ven bờ sông, ông phân trần: “Nước sông này tưới rau là rau chết. Nhà nào trồng, đều phải kéo ống, dẫn nước máy ra tưới”. 

Cách sông hơn trăm mét, nhưng những ngày dòng Bắc Hưng Hải đặc đen, khu nhà ông Xuyên vẫn hứng trọn mùi xú uế. Khắp xóm, nhà nào nhà nấy đóng cửa kín mít cả ngày lẫn đêm.

80/100 nhà có người mắc ung thư

Xã Đồng Than, H. Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên có chín thôn thì năm thôn nằm gần sông Bắc Hưng Hải. Chúng tôi đến thôn Xuân Tràng theo tiếng đồn có rất nhiều bệnh nhân ung thư. Hỏi mấy người trong thôn, ai nấy đều bảo: “Phải lên xóm Trại 1, chứ xóm nhà tôi chỉ có vài người thôi”. 

Xóm Trại 1 có trên 100 nhà nằm sát bờ sông, chạy dọc xóm là con đường đất nhỏ. Bốn mươi năm trước, xóm Trại 1 là đất giãn dân của thôn Xuân Tràng. “Xóm này là của bộ đội xuất ngũ về xây dựng gia đình, nhà đông anh em thì giãn ra đây” - anh Nguyễn Văn Thuấn kể. Lúc bố anh còn sống, vẫn nói chuyện với các con về hồi giãn dân, ai cũng tranh nhau được ra sống ven sông. Giờ bố anh đã thành người thiên cổ do mắc bệnh ung thư. Em gái anh 36 tuổi cũng đang phải chống chọi với căn bệnh này.

Anh Thuấn lật đật kê mấy cái ghế nhựa ra ven sông: “Tranh thủ lúc nước không bốc mùi, tôi ra đây hóng gió”. Nước sông lững lờ màu vàng lành lạnh, thỉnh thoảng mùi xú uế xộc lên. Anh Thuấn thở dài bảo, tuần trước, cá chết, nổi trắng dọc bờ, toàn cá bé xíu.

Mấy năm nay, những người từng tranh nhau ra đất giãn dân này chỉ muốn bỏ nhà bỏ cửa vì không thể chịu được thứ mùi kinh khủng này. Nhưng rao bán nhà, bán đất cũng chẳng ai mua. Anh Thuấn nói: “Xuân Tràng có khoảng 500 hộ, người mắc bệnh ung thư lại tập trung cả ở xóm tôi. Có hơn trăm hộ thì 80 hộ có người mắc ung thư”. 

Anh Thuấn thẳng thắn: “Chúng tôi chỉ là người dân, mắt thấy nước sông Bắc Hưng Hải đen sánh như dầu nhớt, mũi không thể chịu được mùi nước sông bốc lên. Trước, tuổi thọ người trong xóm đều ngang với những xóm khác, nhưng cỡ mười năm nay, chỉ ngoài năm mươi tuổi là các ông các bà trong xóm Trại 1 đã “đi” cả, không còn ai thọ như các cụ xưa nữa”.

Ông Tràng Văn Xá gầy nhẳng, nhìn xuống dòng nước lắc đầu: “Anh trai tôi, em trai tôi đều chết vì ung thư. Trong xóm, có những người tầm như con tôi - hai mươi tuổi - đã chết. Cả xóm Trại 1 còn được vài người tuổi hơn năm chục như tôi”.

Nước sạch chưa về đến Đồng Than nên ngoài giếng khoan, bể lọc như các hộ trong làng, hơn một trăm nóc nhà ở xóm Trại 1 phải mua máy lọc nước để lọc thêm một lần nữa dùng cho ăn, uống. Anh Thuấn cho biết, bà con đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa ai trả lời nguồn nước của họ có bị ảnh hưởng từ nước sông Bắc Hưng Hải không.

Ai giết chết biểu tượng thủy nông?

Năm nay, nước sông Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Cuối tháng Tư vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên đã phải chỉ đạo tạm dừng bơm tưới nhiều nơi do sông Bắc Hưng Hải ô nhiễm. Việc đổ ải vụ xuân - hè vừa qua của các địa phương trong lưu vực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do giai đoạn đó, nước sông Hồng xuống thấp, không tháo được vào sông Bắc Hưng Hải để làm loãng dòng nước đen kịt.

Vì sao nước sông Bắc Hưng Hải ngày càng ô nhiễm? Trong hai tháng, hơn 5.000 thanh niên sống trong lưu vực đã tập trung để đi tìm câu trả lời, nhằm bảo vệ dòng sông Bắc Hưng Hải. Anh Thuấn cùng hơn 5.000 thành viên trong nhóm xác định: “Đây là cuộc chiến không phải trong một vài tháng, một vài năm, mà đến năm - mười năm, chúng tôi cũng sẽ theo”. Các anh đã cắt cử hơn 40 thành viên thường xuyên đi truy tìm xem nguồn nào đã đầu độc dòng sông huyền thoại. 

Trong hơn 2.000 kênh nhánh, “thủ phạm” nhanh chóng được xác định. Trong đơn kêu cứu của bà con tỉnh Hưng Yên, hai nguồn thải được truy ra là: nguồn nước thải của khu công nghiệp Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và nguồn nước thải của khu công nghiệp Sài Đồng (quận Long Biên, TP. Hà Nội) chảy qua sông Cầu Bây rồi xả trực tiếp ra sông Bắc Hưng Hải qua cống Xuân Thụy (xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội).

Ở cống Xuân Thụy gần nhà ông Oanh, nước mặt sông Cầu Bây xanh, nhưng ở chân cống, nước chảy ra cửa sông, đổ vào dòng Bắc Hưng Hải chỉ một màu đen kịt. Những ngày không xả, dòng nước đen vẫn đều đặn chảy, lấn dần màu nước sông Hồng. Còn khi tháo cống Xuân Thụy, nước Bắc Hưng Hải hoàn toàn bị nhuộm đen, bọt trắng nổi dài hàng trăm mét, có những đợt nước đen chảy ngược cả lên phía thượng nguồn, đến tận gần cửa cống Xuân Quan.

13km sông thối Cầu Bây chảy qua rất nhiều khu dân cư
13km sông thối Cầu Bây chảy qua rất nhiều khu dân cư

Chúng tôi đi dọc 13km chiều dài sông Cầu Bây, thực sự kinh khủng. Con sông chết này lượn qua các khu dân cư, bốc lên thứ mùi nặng hơn nhiều lần nước sông Bắc Hưng Hải. Đây cũng là con sông được xác định là nguyên nhân chính khiến sông Bắc Hưng Hải chảy qua các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) nói riêng và hầu hết hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (cùng các kênh nhánh) nói chung bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Phía đông hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, nguồn “đầu độc” được xác định là kênh T2 - dòng kênh tiêu nước thải dân cư, bệnh viện, cụm công nghiệp của toàn bộ TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Ở tỉnh Bắc Ninh, có 30 điểm xả thải vào các dòng kênh nhánh, nguồn nước này đổ ra sông Như Quỳnh trước khi góp phần nhuộm đen dòng Bắc Hưng Hải. Trong 30 điểm xả thải đó, có những nguồn thải là các làng nghề, đặc biệt nhất là làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). 

Trong ba năm gần đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường đã phát hiện hàng loạt vụ xả thải chưa qua xử lý ra sông Bắc Hưng Hải. Hai năm nay, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương đã lập các điểm quan trắc tự động để kiểm soát các nguồn xả thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm chỉ giảm đôi chút so với khi chưa có hệ thống quan trắc tự động.

Năm 2019, hầu hết các mẫu phân tích trong mạng lưới quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hưng Yên đều có thông số vượt nhiều lần so với quy chuẩn. Đầu năm 2020, tỉnh Hưng Yên cũng đã phát hiện và tạm dừng hoạt động của một số đơn vị do xả thải chưa qua xử lý ra sông Bắc Hưng Hải. 

Cần chế tài mạnh hơn

Phương án mới được đưa ra để giảm thiểu ô nhiễm hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải là thường xuyên bơm nước sông Hồng để “rửa” ô nhiễm. Đây chỉ là phương án tạm thời để giải quyết phần ngọn của thảm trạng ô nhiễm hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Cốt lõi vẫn phải là kiểm soát ô nhiễm từ nguồn xả thải. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định phí bảo vệ môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Theo đó, mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch. Với nước thải công nghiệp, cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày sẽ áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải là 1,5 triệu đồng/năm; kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mức phí này không thấm vào đâu so với kinh phí phải bỏ ra để xử lý ô nhiễm.

Ông Hoàng Dương Tùng - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - phân tích: “Với chế tài như hiện nay, kể cả mức phạt là 2 tỷ đồng, cũng không đủ răn đe.

Hiện nay, ta phạt theo hành vi, nhưng cách phạt này không đủ răn đe vì chi phí người bị phạt bỏ ra ít hơn rất nhiều so với chi phí xây dựng, vận hành hệ thống xử thải. Với mức phạt 1-2 tỷ đồng theo hành vi đó, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt thay cho việc phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải tốn hàng chục tỷ đồng.

Nhiều nước hiện nay đã bỏ việc xử phạt theo hành vi mà phạt theo ngày. Chỉ khi nào số tiền nộp phạt xả thải lớn hơn số tiền xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp mới không xả thải chưa qua xử lý ra môi trường nữa”. 

Uông Ngọc - Phong Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI