Huyện ngao ngán vì doanh nghiệp quá “lì”, liên tục gây ô nhiễm môi trường

09/07/2020 - 12:18

PNO - Liên tục vi phạm trong hoạt động khai thác cát gây ô nhiễm môi trường nhưng Công ty TNHH Hạnh Dũng vẫn được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận chủ trương gia hạn cấp phép khai thác.

Người dân khốn khổ vì suối ô nhiễm

Suối Đá dài khoảng 4km chảy từ xã Bưng Riềng qua xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) và đổ ra biển. Đây là nguồn nước chính phục vụ người dân địa phương trồng hoa màu và nuôi trồng thủy sản hàng chục năm qua. Tuy nhiên, trong những năm qua, người dân thuộc 5 ấp: Thèo Nèo, Láng Găng, Bình Tiến, Khu 1 và Bình An (thuộc xã Bình Châu) phải khốn khổ vì suối Đá bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước suối chuyển màu trắng đục, dẻo như keo, khi tưới cho hoa màu thì bị thối gốc, héo rũ rồi chết dần. Nhiều khu vực trồng rau màu dọc hai bên suối Đá bị bỏ hoang, người dân phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày.

Nước suối Đá bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân xã Bình Châu khốn khổ
Nước suối Đá bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân xã Bình Châu khốn khổ

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu (ngụ ấp Bình Tiến, xã Bình Châu) có 2 sào đất trồng rau và hoa cúc với thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, nhưng hơn 5 năm nay gia đình ông đành phải chuyển qua trồng cây tràm vì nguồn nước tưới bị ô nhiễm. “Đất không canh tác được, nên vợ tôi phải đi làm mướn kiếm tiền trang trải qua ngày” - ông Hiếu thở dài.

Còn ông Phạm Trung Thành (ấp Láng Găng, xã Bình Châu) cho hay, suối Đá bị ô nhiễm khiến 4 sào đất của ông không thể dẫn nước suối tưới tiêu. Ông phải thuê khoan giếng sâu đến hơn 80m, với chi phí 40 triệu đồng để sử dụng. 

Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Dậu - Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết - toàn xã có khoảng 90 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc ô nhiễm suối Đá. Tình trạng ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để cũng khiến người dân bức xúc trong thời gian dài.

Theo người dân, suối Đá ô nhiễm là do hoạt động khai thác và bơm rửa cát của các doanh nghiệp khai thác vật liệu tại mỏ số 55 (ấp 4, xã Bưng Riềng). Theo quan sát của PV, mỏ số 55 nằm cách con suối Đá không xa, các hồ chứa nước thau rửa cát nằm ngay cạnh dòng suối. Đặc biệt, hồ chứa nước thau rửa cát có màu trắng đục như nước dưới lòng suối. Tại điểm mỏ 55 hiện có 3 doanh nghiệp được cấp phép khai thác gồm: Công ty TNHH Hạnh Dũng (gọi tắt là Công ty Hạnh Dũng), Công ty TNHH xây dựng khai thác Bảo Châu và Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Đại Lộc, với tổng diện tích khai thác là gần 35 ha.

Rò rỉ nước đục ra suối Đá

Theo UBND huyện Xuyên Mộc, năm 2018 cơ quan chức năng đã kiểm tra 3 doanh nghiệp đang khai thác cát tại điểm mỏ 55 và phát hiện bể chứa nước thau rửa cát của Công ty Hạnh Dũng có hiện tượng rò rỉ nước ra suối Đá. Ngày 5/12/2018, UBND huyện Xuyên Mộc đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp này 15 triệu đồng; đồng thời buộc thực hiện các biện pháp khắc phục việc rò rỉ nước thải rửa cát ra suối.

Ngày 2/4/2019, UBND huyện Xuyên Mộc tiếp tục ra quyết định xử phạt Công ty Hạnh Dũng 32 triệu đồng, vì không cắm mốc tại các điểm khép góc khu vực được khai thác khoáng sản theo giấy phép khai thác.

Cây cối, hoa màu của người dân ở xã Bình Châu èo uột và chết dần
Cây cối, hoa màu của người dân ở xã Bình Châu èo uột và chết dần

Mới đây nhất, ngày 25/6/2020, lực lượng chức năng tiếp tục kiểm tra và phát hiện nước rửa cát của Công ty Hạnh Dũng rò rỉ chảy ra suối Đá, gây ô nhiễm nguồn nước. Ngày 1/7, UBND huyện Xuyên Mộc tiếp tục ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính công ty này 20 triệu đồng.

Không chỉ vi phạm làm ô nhiễm môi trường, ngày 11/5 vừa qua, Công ty Hạnh Dũng còn tổ chức khai thác cát trái phép tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Free Land và bị lực lượng chức năng huyện Xuyên Mộc bắt quả tang, lập hồ sơ xử lý.

Huyện ngao ngán vì doanh nghiệp quá “lì”

Theo tìm hiểu của PV, giấy phép khai thác của Công ty Hạnh Dũng được UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp vào năm 2010 đến tháng 1/2020 đã hết hạn và đang trong thời gian làm hồ sơ xin cấp lại. Mặc dù Công ty Hạnh Dũng liên tục vi phạm nghiêm trọng về môi trường, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng mới đây (ngày 8/4) UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại có chủ trương gia hạn thời gian khai thác cát cho công ty này tại điểm mỏ 55, xã Bưng Riềng.

Lý giải vấn đề này, một cán bộ ở Phòng Khoáng sản - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Công ty Hạnh Dũng gia hạn thời gian khai thác mỏ cát) cho hay, các sai phạm của Công ty Hạnh Dũng xảy ra từ các năm 2018 và 2019 đã xử lý dứt điểm. Tới năm 2020, khi công ty này tái vi phạm về môi trường, để nước thải rò rỉ ra suối Đá là sau khi có chủ trương chấp thuận gia hạn của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện Công ty Hạnh Dũng còn phải thực hiện nhiều thủ tục khác mới được phép gia hạn khai thác.

“Công ty Hạnh Dũng quá “lì”, liên tục gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động khai thác cát. Địa phương đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xem xét lại việc tham mưu cho UBND tỉnh gia hạn thời gian khai thác đối với Công ty Hạnh Dũng” - ông Nguyễn Quốc Khanh, Phó chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc thẳng thắn. 

Theo ông Khanh, ngoài xử phạt vi phạm hành chính, hiện UBND huyện Xuyên Mộc còn buộc Công ty Hạnh Dũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục vấn đề rò rỉ nước thải rửa cát ra dòng suối Đá và đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng. “Hiện nay, điểm mỏ 55 tại xã Bưng Riềng trữ lượng cát cũng không còn nhiều, chỉ còn khoảng gần 40%, nên việc gia hạn khai thác cho Công ty Hạnh Dũng cần được suy xét kỹ”, ông Khanh nói thêm.

Chí Thanh - Quang Long 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI