Bài viết gây rúng động in ngày 21/4/1978, thuộc chuyên mục Điều tra tội phạm, Thời báo Washington (Mỹ), tường thuật lại cảnh tượng ngột ngạt dị thường bên trong một phòng xử án tại bang Bavaria, đông nam nước Đức.
Buổi sáng âm u hôm ấy, văn phòng tòa án quận Aschaffenburg, Bavaria, tuyên án cặp vợ chồng Josef - Anna Michel, cùng linh mục Arnold Renz và Ernst Alt 6 tháng tù treo và 3 năm thử thách với tội danh "ngộ sát do cẩu thả".
Nạn nhân vụ việc, cũng có thể xem như... đồng phạm, là nữ sinh Anneliese, con gái nhà Michel. Cô qua đời vì nguyên do khiến dư luận địa phương lúc bấy giờ phải sửng sốt: suy kiệt sức khỏe cực độ sau 11 tháng liên tục tham gia những nghi lễ tôn giáo được tin rằng "sẽ giúp trục xuất quỷ dữ" trong cơ thể.
 |
Vợ chồng Josef và Anna, tận sau khi Michel qua đời và phải ra hầu tòa vẫn khăng khăng tuyên bố con gái họ bị "quỷ nhập" - Ảnh: AlamyStock |
2 năm sau ngày Michel ra đi, cặp vợ chồng Josef - Anna vốn muốn cứu con mình, lại phải ngồi trên ghế bị cáo, nhận lấy cái kết ngậm ngùi vì tư tưởng sùng đạo quá mức. Xem qua các đoạn băng ghi hình "lễ trừ tà của Anneliese Michel", rất nhiều người chứng kiến phiên xử đều có biểu cảm kinh hãi. Khi video bằng chứng còn đang chiếu, em gái của Michel đột nhiên đứng dậy, vội vàng rời phòng xử án. Trên gương mặt non nớt là những giọt nước mắt giàn giụa.
Vụ án mạng kỳ dị này khởi đầu từ đâu?
Một cuộc đời đáng thương
Anneliese Michel sinh ngày 21/9/1952, là chị cả trong gia đình gồm 4 người con gái. Bố mẹ cô đều là các con chiên sùng đạo. Từ nhỏ, Michel đã thường xuyên được tiếp xúc với nhiều lễ nghi Công giáo La Mã truyền thống, tham dự thánh lễ 2 lần mỗi tuần và siêng năng cầu nguyện.
Sống tại Klingenberg, một trấn nhỏ khép kín và bảo thủ thuộc huyện Miltenberg (bang Bavaria), gia đình Michel duy trì cuộc sống bình lặng. Cha cô, Josef, điều hành một xưởng cưa.
 |
Anneliese Michel tươi sáng, rạng rỡ thời vừa vào đại học, hình ảnh đối lập khủng khiếp với những ngày tháng cuối đời của cô - Ảnh: Facebook |
Mọi thứ vẫn theo đúng quỹ đạo cho đến ngày nọ, năm 16 tuổi, Michel trải qua cơn co giật toàn thân đầu tiên do rối loạn chức năng thần kinh. Bất kể triệu chứng bệnh bắt đầu nghiêm trọng hơn, cô gái trẻ cố gắng sinh hoạt bình thường. Michel thậm chí đã trở thành sinh viên và gia sư bán thời gian. Theo học trường đại học công lập Wurzburg (miền bắc Bavaria), cô được các bạn cùng lớp mô tả là "chăm chỉ, nhưng ít nói, khép mình và cực kỳ sùng đạo".
Dù tương lai còn đầy hứa hẹn, những cơn co giật, động kinh, thậm chí tệ hơn là mộng du, không ngừng khiến sức khỏe tinh thần của Michel sa sút.
Lần thứ hai tỉnh dậy sau một cơn mộng du đáng sợ, mất ý thức và phản xạ cơ thể hoàn toàn một lúc lâu, cô quyết định tìm đến bệnh viện. Chuyên gia thần kinh học chẩn đoán Michel mắc chứng bệnh khá phổ biến: động kinh ở thùy tạm (còn gọi là thùy thái dương - khu vực quan trọng kiểm soát trí nhớ, cảm xúc...). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây động kinh kéo dài, mất tri giác, mất trí nhớ, thậm chí khiến bệnh nhân nảy sinh ảo giác, ảo thính.
 |
Michel đã tham gia vô số những buổi lễ trừ tà, trong khi sức khỏe không ngừng suy kiệt - Ảnh: Facebook |
Động kinh ở thùy tạm còn là nguyên nhân gây ra hội chứng Geschwind. Được phát hiện và mô tả chi tiết lần đầu bởi bác sĩ, nhà thần kinh học tiên phong người Mỹ Norman Geschwind vào những năm 1970, một biểu hiện đặc trưng của hội chứng này là phản ứng cảm xúc tiêu cực, mạnh mẽ thái quá trước chủ đề tôn giáo.
Thái độ sùng đạo dần trở nên mãnh liệt bất thường ở Michel, rất có thể xuất phát từ một căn bệnh thần kinh mãn tính.
Sau khi được chẩn đoán, ban đầu, Michel kiên trì dùng thuốc để kìm hãm hành vi động kinh, co giật và mất ý thức. Đáng tiếc, các loại thuốc trị rối loạn thần kinh thời bấy giờ không thật sự giúp được cô.
Không lâu sau khi vào đại học, tình trạng của Michel dần tệ hơn. Mặc dù vẫn uống thuốc đều đặn, cô bắt đầu cho rằng thân xác đang bị “ác quỷ chiếm giữ”. Michel tự thuyết phục chính mình, giải pháp phù hợp lúc này không phải y học.
Lễ trừ tà "khủng khiếp"
Nữ sinh nói với gia đình, cô “trông thấy gương mặt ma quỷ” mọi lúc mọi nơi. Michel còn “nghe thấy lời quỷ dữ thì thầm bên tai”. Vì quá tin vào ảo giác ma quỷ ấy, người nhà lẫn Michel đi đến kết luận… quỷ dữ đang đeo bám cô gái.
 |
Một cảnh từ băng video “trừ tà” khiến nhiều nhân chứng tại tòa rùng mình khi xem: Michel tiếp tục quỳ cầu nguyện với đôi chân yếu sức, gân đầu gối bị đứt - Ảnh: Facebook |
Để giải quyết rắc rối này, Michel và gia đình tìm sự trợ giúp từ những linh mục địa phương. Thế nhưng tất cả giáo sĩ cô gặp gỡ đều từ chối yêu cầu thực hiện nghi lễ trừ tà. Khi ấy, rất nhiều người làm việc cho nhà thờ khuyên cô nên tiếp tục chữa bệnh theo đề xuất của bệnh viện. Và ngay cả nếu họ đồng ý, một lễ trừ tà đúng quy định Công giáo phải được thông báo - cho phép tiến hành bởi giám mục.
Giai đoạn này, ảo giác sản sinh do hội chứng Geschwind càng lúc càng tái diễn đáng sợ và kỳ dị hơn.
Thời điểm bị bệnh hành hạ thần trí, tin rằng mình “bị quỷ ám”, Michel tự cào cấu quần áo đang mặc, chạy nhảy mất kiểm soát, nuốt sống nhện, than đá... thậm chí giết hại động vật nhỏ cô trông thấy quanh nhà.
Cuối cùng, Ernst Alt, một linh mục ở thị trấn đã tin và nhận lời giúp đỡ Michel. 2 năm sau đó, khi cho lời khai sau vành móng ngựa, vị linh mục vẫn khăng khăng nói Michel “không giống như người chỉ đang bị động kinh”.
Trong một lá thư gửi Alt, Michel từng viết, không giấu được nỗi tuyệt vọng: “Thưa Cha, con biết làm gì đây khi cảm thấy mọi thứ trong con đều tan biến, trống rỗng? Con cần khỏe lại. Xin Cha cầu nguyện cho con”.
 |
Giám mục thành phố Würzburg, Joseph Stangl, là người phê duyệt đơn xin cử hành lễ trừ tà cho Anneliese Michel - Ảnh: WikimediaCommons |
Alt đệ trình đơn xin thông qua nghi lễ đến Giám mục Josef Stangl, người rốt cuộc đồng ý. Arnold Renz, một linh mục làm việc tại thị trấn nơi Michel sống, được lựa chọn đảm trách lễ trừ tà. Tuy nhiên, toàn bộ người trong cuộc được yêu cầu tuyệt đối không tiết lộ về sự kiện này với bất kỳ ai.
Muốn cứu bản thân, nhưng phải chăng cô gái trẻ đã tự rước lấy sự tra tấn càng khủng khiếp hơn?
Trừ tà là nghi lễ không hề hiếm thấy trong nhiều nền văn hóa, tôn giáo suốt nhiều thế kỷ. Thế nhưng, khoảng đầu thế kỷ XVI, nghi thức này đặc biệt nổi tiếng ở các cộng đồng Công giáo châu Âu. Giới giáo sĩ dần phổ biến thuật ngữ tiếng Latin “Vade retro satana” (“Satan, hãy quay về địa ngục”), mỗi khi làm lễ trục xuất quỷ dữ khỏi cơ thể một người.
Sách Nghi lễ Rôma (Rituale Romanum) được Giáo hội ban hành và áp dụng từ năm 1614, là một trong những ấn bản tài liệu chính quy mô tả chi tiết về lễ trừ tà. Tuy nhiên, sách cảnh báo người thực hành lễ này nên suy xét thận trọng, cân nhắc xem hành vi của nạn nhân "có thật sự do thế lực ma quỷ điều khiển, hay xuất phát từ bệnh tâm lý".
 |
Cảnh tượng từ băng ghi hình bằng chứng cho thấy Anna ghìm chặt con gái trong một buổi lễ trừ tà, không lâu trước khi cô qua đời - Ảnh: Facebook |
Từng là khái niệm rất phổ biến trong nhiều khu vực dân cư theo Công giáo, nhưng đến thập niên 1960, hoạt động trừ tà trở nên hiếm thấy hơn hẳn. Thế nhưng ảnh hưởng văn hóa từ sách báo, phim ảnh - tiêu biểu là tác phẩm điện ảnh gây tranh cãi The Exorcist (khởi chiếu năm 1973) lần nữa khơi dậy sự quan tâm của công chúng về chủ đề này.
Suốt 10 tháng sau khi được giám mục chấp thuận yêu cầu, 2 linh mục là Alt và Renz tiến hành tất cả 67 lễ trừ tà cho Anneliese Michel. Một buổi lễ lâu nhất của họ có thể kéo dài đến 4 giờ. Các linh hồn "tà ác" Michel cho rằng đang chế ngự cơ thể cô gồm những cái tên đại diện cho tội lỗi và địa ngục, như Lucifer, Cain (Con trai của Adam - Eva phải nhận trừng phạt vì tội đố kỵ), và cả... Adolf Hitler.
 |
4 bị cáo có mặt tại tòa ngày 21/4/1978, từ trái sang: Ernst Alt, Arnold Renz, Anna và Josef Michel - Ảnh: KeystoneArchive |
Trong những buổi lễ, khi linh mục đọc lời cầu nguyện trục xuất "ác quỷ", Michel phản ứng lại bằng nhiều hành vi chống trả cực đoan, mắng nhiếc nặng lời mọi người xung quanh. Cô còn không ngừng phát ra tiếng gầm gừ trầm thấp, với gương mặt lúc dữ tợn, lúc đau đớn.
Xuyên suốt quá trình trừ tà vốn người thân và nhóm linh mục cho rằng đang "giúp cô khá hơn", sức khỏe Michel tiếp tục xấu đi từng ngày. Cô tự làm mình gãy xương, đứt gân đầu gối do không ngừng quỳ xuống cầu nguyện.
Về sau, Michel bị gia đình trói chặt một chỗ để linh mục có thể thực hiện buổi lễ suôn sẻ. Tinh thần lẫn thể xác suy sụp đến mức cô bắt đầu từ bỏ việc ăn uống, trước khi chính thức qua đời ngày 1/7/1976.
Thời điểm ra đi, Michel nặng chưa tới 30kg, xương ở nhiều bộ phận trên cơ thể bị gãy, nứt. Cô còn mắc viêm phổi nặng. Khi mất, Michel mới hơn 23 tuổi.
 |
Bộ phim ấn tượng Lời nguyền của Emily Rose (The Exorcism of Emily Rose) do một đạo diễn người Mỹ sản xuất năm 2005, dựa trên câu chuyện có thật về Anneliese Michel - Ảnh: SonyPictures |
Phiên tòa chưa từng có trong lịch sử
Bên trong văn phòng tòa án ngày 21/4 năm ấy, bản báo cáo khám nghiệm tử thi của cô gái trẻ chỉ là một trong số hàng loạt bằng chứng gây sốc.
Công tố viên bang Bavaria, qua quá trình điều tra, đi đến kết luận rằng “cái chết của nạn nhân có thể hoàn toàn được ngăn chặn, thậm chí chỉ 1 tuần trước lúc sức khỏe cô hoàn toàn suy kiệt, nếu có sự can thiệp y tế phù hợp”.
4 bác sĩ y khoa cũng được gọi đến làm chứng trước tòa. Nhóm y bác sĩ đưa ra cùng kết luận: không phải ma quỷ hay linh hồn tà ác nào, thứ cướp đi sinh mạng Michel là chứng rối loạn thần kinh phức tạp không được chẩn đoán - chữa trị đúng cách. Tệ hơn, cô gái lớn lên trong một môi trường đặc biệt cuồng đạo.
Hay tin về sự việc rùng rợn này, giáo sư Hans Sattes, giảng dạy tại đại học Wurzburg nơi Michel từng theo học, bày tỏ những lời cay đắng: “Mê tín mù quáng, đấy chính là một chứng bệnh tâm lý nặng nề, kinh khủng".
Không chỉ thái độ vô tư đến gần như thản nhiên của cha mẹ Michel khi bị cáo buộc khiến công chúng khó tin, thậm chí phẫn nộ, lời tranh biện từ luật sư đại diện cho họ - Erich Schmidt-Leichner đã biến buổi xử án hôm ấy thành sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử tòa án tại Đức.
Vị này nói: “Trừ tà là nghi lễ được công nhận hợp pháp”. Và, “Hiến pháp Đức bảo vệ công dân của họ trong việc tự do thực hiện các lễ nghi tôn giáo”.
Thế nhưng, ý tưởng tự do kể trên, phải đánh đổi bằng cái giá ra sao?
 |
Mộ phần Anneliese Michel nay đặt tại nghĩa trang thị trấn Klingenberg, miền nam nước Đức - Ảnh: WikimediaCommons |
Hàng thập niên về sau, cựu phóng viên địa phương Franz Barthel, người từng theo dõi sát sao vụ án năm 1978, tiết lộ: “Xe buýt, xe du lịch chở khách thỉnh thoảng vẫn chạy tới khu nghĩa trang nay đặt mộ phần của Michel.
Hãy còn nhiều người đến cầu nguyện, lưu lại lời cầu phúc tốt lành cho cô gái xấu số. Michel không thể chiến thắng "ác quỷ" trong cô. Nhưng "ác quỷ" thật sự ở đây là tư tưởng mê muội và hiểu biết sai lệch về ảo giác gây ra bởi bệnh tật”.
Như Ý (theo AllThatInteresting, TheWashingtonPost)